Eva Fu
Một bồi thẩm đoàn ở Cincinnati đã kết tội một nhân viên tình báo Trung Quốc về vai trò của ông ta trong một âm mưu tuyển dụng gián điệp và đánh cắp công nghệ hàng không nhạy cảm của Mỹ cho Bắc Kinh.
Bộ Tư pháp cho biết ông Từ Diên Quân (Yanjun Xu), phó giám đốc phân khu của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (MSS), cơ quan tình báo đứng đầu của Bắc Kinh, đã bị kết án về tất cả các tội danh, bao gồm cả âm mưu và cố gắng tiến hành gián điệp kinh tế và đánh cắp bí mật thương mại.
Ông là nhân viên tình báo Trung Quốc đầu tiên bị dẫn độ sang Hoa Kỳ để hầu tòa. Ông Từ được dẫn độ từ Bỉ vào năm 2018 sau khi một kỹ sư mà ông nhắm đến để tuyển dụng đã hợp tác với Cục Điều tra Liên bang (FBI) để dẫn dụ ông đến quốc gia Âu Châu này.
Trong số các công ty mà ông Từ nhắm đến có cả GE Aviation, một công ty có trụ sở tại Ohio. Công ty này đã thiết kế một loại quạt động cơ phi cơ composite độc quyền mà không công ty nào trên thế giới có được. Ông Từ đã cố gắng đánh cắp công nghệ quạt động cơ độc quyền này để mang lại lợi ích cho nhà nước Trung Quốc, ông Vipal Patel, quyền Biện lý Hoa Kỳ Địa hạt Phía Nam Ohio, cho biết hôm thứ Sáu (05/11).
Phát triển lĩnh vực hàng không là một phần trong kế hoạch công nghiệp “Made in China 2025” của Bắc Kinh, với mục tiêu biến nước này thành cường quốc sản xuất công nghệ cao vào năm 2025. Một chuyên gia quân sự về Trung Quốc đã làm chứng trong phiên tòa hồi tháng Mười rằng việc mở rộng hàng không “đã luôn là ưu tiên chính trong nhiều thập niên, và là nguyên nhân chính gây ra sự thất vọng” đối với nhà cầm quyền này, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương.
Ông Từ đã không nhận tội nhưng bị kết án mọi tội danh sau một phiên tòa kéo dài gần ba tuần. Hiện ông phải đối mặt với tổng cộng 60 năm tù giam với số tiền phạt hơn 5 triệu USD. Ông sẽ bị một thẩm phán tòa án địa hạt liên bang kết án, mặc dù ngày tuyên án chưa được ấn định.
Kể từ tháng 12/2013, các công tố viên liên bang cho biết, ông Từ đã tuyển mộ nhân viên từ các công ty được coi là đầu ngành ở Hoa Kỳ và ngoại quốc. Ông đã sử dụng nhiều bí danh, bao gồm “Qu Hui” và “Zhang Hui” để thực hiện nhiệm vụ của mình cho Bắc Kinh, và tự xưng là một cộng sự của Hiệp hội Xúc tiến Khoa học và Công nghệ Giang Tô để che giấu bản chất công việc của mình, các tài liệu của tòa án cho thấy.
Ông Từ sẽ trả tiền cho những người được tuyển để đi du lịch Trung Quốc, thường dưới chiêu bài trao đổi ý tưởng hoặc thuyết trình tại một trường đại học. Các cá nhân được nhắm mục tiêu cũng nhận được tiền trợ cấp ngoài khoản thanh toán cho chi phí đi lại của họ.
Năm 2017, ông Từ đã mời một kỹ sư Hàng không của GE Aviation ở Cincinnati viết một báo cáo tại một trường đại học Trung Quốc về các chủ đề kỹ thuật cao như thiết kế cấu trúc động cơ của công ty này, theo hồ sơ tòa án. Ông Từ đã trả 3,500 USD cho chuyến đi cùng với các chi phí liên quan về ăn uống và chỗ ở.
Trong năm tiếp theo, ông này đã tìm kiếm quy trình thiết kế và đặc tả hệ thống từ người nhân viên này. Ông bị bắt ở Bỉ vào tháng Tư năm đó khi đi gặp gỡ cá nhân này.
Đặc vụ giám sát FBI Bradley Hull nói với Tòa án Địa hạt Hoa Kỳ ở Cincinnati hôm thứ Hai (01/11) rằng các đặc vụ Trung Cộng đã tải xuống 200 bức ảnh gia đình của người kỹ sư GE bị nhắm mục tiêu có thân nhân ở Trung Quốc, nhằm ép buộc ông này trở thành một gián điệp, theo truyền thông địa phương.
Vị kỹ sư này bắt đầu làm việc với FBI vào tháng 11/2017 sau khi FBI khám xét nhà của ông.
Ông Hull cho biết điện thoại di động của ông Từ đã giúp FBI hiểu được cách thức hoạt động của các gián điệp Trung Cộng và phát hiện ra những kẻ này trong mạng lưới của ông Từ.
Truyền thông địa phương đưa tin, ông Hull đã đọc trước tòa một thông điệp được gửi từ ông Từ cho một đồng sự vào năm 2016, nói rằng: “Những người trong lĩnh vực tình báo như chúng ta – chúng ta tập trung vào hàng không.” “Ban lãnh đạo yêu cầu ông lấy tài liệu của Hoa Kỳ – chiến đấu cơ F-22 của Hoa Kỳ. Ông không thể có được nó bằng việc ngồi nhà.”
Ông Từ là đặc vụ nhà nước từ năm 2003. Các công tố viên tại phiên tòa đã cho trình chiếu hình ảnh thẻ đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc của ông Từ lấy từ điện thoại của ông này sau khi ông ta bị bắt, điều mà ông Hull cho biết FBI trước đó đã không hề hay biết.
Theo một thông cáo báo chí, ông Alan E. Kohler Jr., trợ lý giám đốc bộ phận phản gián của FBI, đã sử dụng tên viết tắt của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC-Trung Quốc), để cho biết: “Đối với những người nghi ngờ mục tiêu thực sự của PRC, đây hẳn phải là một lời cảnh tỉnh; họ đang đánh cắp công nghệ của Mỹ để mang lại lợi ích cho nền kinh tế và quân đội của họ.”
Cựu Biện lý Hoa Kỳ Ben Glassman, người thụ lý vụ án cách đây 3 năm khi ông Từ bị dẫn độ đến Cincinnati, cho biết phán quyết có tội này “chắc chắn là một trong những chiến thắng quan trọng nhất của cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ chống lại tham vọng lộ liễu của Trung Quốc là có được tài sản trí tuệ bằng mọi cách, bằng cách hợp pháp hay cách khác,” đài truyền hình địa phương WCPO đưa tin.
“Câu trả lời của Hoa Kỳ đối với tham vọng đạt được thông qua hành vi trộm cắp của quốc gia khác chỉ đơn giản là bắt những người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tôi tự hào là một người Mỹ,” ông Glassman nói.
Phụ tá Biện lý Hoa Kỳ Tim Mangan nói với bồi thẩm đoàn trong tuyên bố kết thúc của mình rằng “gần như tất cả” bằng chứng trong vụ án này đến từ chính lời nói của ông Từ – đề cập đến các tin nhắn văn bản, email, mục trên lịch và các hồ sơ điện tử khác mà FBI lấy được từ điện thoại của ông Từ.
“Điều này hé lộ về những việc làm của ông ta… và là một cửa sổ rõ ràng cho thấy ý định của ông ta,” ông nói, theo WCPO.
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền.
Hạo Văn biên dịch