Vanessa Williams – Khi hoa hậu trở thành ca sĩ

Gia Trình

Nữ ca sĩ, diễn viên Mỹ Vanessa Williams tại lễ trao giải Emmy lần thứ 66 tại Los Angeles, Hoa Kỳ, ngày 25/08/2014. Richard Shotwell/Invision/AP – Richard Shotwell

Hầu hết khán giả luôn đánh giá thấp các hoa hậu trở thành ca sỹ bất đắc dĩ. Nhưng đối với Vanessa Williams, cựu hoa hậu Mỹ đăng quang năm 1984, là một ngoại lệ. Cô là một tài năng thực thụ, một ngôi sao giải trí với thế mạnh nhạc pop ballad và R&B.

Danh hiệu hoa hậu Mỹ năm 1984
Cô gái 21 tuổi Vanessa Williams là cái tên sáng giá nhất cuộc thi Hoa hậu Mỹ năm 1984. Trong phần thi tài năng, cô trình diễn ca khúc kinh điển Happy days are here again (Những ngày hạnh phúc vẫn còn đây). Bản nhạc tái hiện được chân thực nhất tài năng thiên bẩm của ca sỹ chuyên nghiệp : chất giọng ngọt ngào, khả năng trình diễn lôi cuốn, gương mặt khả ái. Phần trình diễn của Vanessa chinh phục được Ban giám khảo như ngôi sao sân khấu kịch Broadway trên đấu trường sắc đẹp.

Sự kiện Vanessa đăng quang gây chấn động giới truyền thông Hoa Kỳ. Đơn giản vì cô là hoa hậu Mỹ gốc Phi đầu tiên đoạt danh hiệu cao quý này trong bối cảnh phân biệt chủng tộc sâu sắc. Tuy nhiên, scandal ảnh nude lại gây bão táp cho cuộc sống của người đẹp. Tạp chí người lớn Penhouse mua lại và đăng ảnh khỏa thân của người đẹp khi chưa có sự đồng ý của hoa hậu Mỹ. Trước làn sóng dư luận phản đối kịch liệt, cô phải chính thức rút lui, trả lại vương miện trong vòng 72 giờ. Ba mươi hai năm sau, năm 2016, Vanessa mới chính thức được Sam Haskell, cựu giám đốc cuộc thi Hoa hậu Mỹ, xin lỗi trên sâu khấu cuộc thi.

Một vết nhơ trong cuộc đời dễ dàng nhấn chìm các cô gái trẻ khác nhưng không thể khiến Vanessa khuất phục. Cô quyết tâm trở thành ca sỹ chuyên nghiệp vào năm 1988. Ngoài ra, Vanessa Williams còn lấn sân sang phim ảnh, truyền hình. Hai ca khúc cô hát trong phim đều trở thành hai ca khúc ưa thích. Đơn cử như Where do we go from here (Chúng ta sẽ đi về đâu) trong bộ phim Erasers (Kẻ tẩy xóa, 1995) đóng chung với siêu sao cơ bắp Arnold Schwarzenegger.

Sự nghiệp âm nhạc thất thường
Bốn năm sau cuộc thi tai tiếng, Vanessa xuất bản album đầu tay, The Right Stuff (Chất liệu phù hợp) năm 1988. Album theo đuổi phong cách nhạc R&B, Pop, khá phù hợp với chất giọng của cô. Sản phẩm đầu tay có những đĩa đơn (single) lọt vào Top 10 Billboard như Dreamin, He’s Got The Rock. Nhờ album này, Vanessa giành được đề cử giải Grammy Nghệ sỹ mới xuất sắc nhất. Album lên hạng bạch kim tại Mỹ như chứng minh rằng cô không phải người đẹp hát. Trái lại, cô là một ca sỹ tài năng mới nổi tại thời điểm đó.

Nếu album đầu tay chỉ gây tiếng vang, album thứ hai của ca sỹ sinh năm 1963 hưởng trọn vẹn trái ngọt thành công. The Comfort Zone (Vùng an toàn) đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự nghiệp ca hát của Vanessa. Các đĩa đơn như Running Back To you, The Comfort Zone, Just For Tonight liên tiếp lọt vào bảng xếp hạng Top 100 ca khúc ăn khách nhất. Trong album này, cô khai thác tối đa thể loại R&B và dance vốn dĩ sở trường cho các nữ ca sỹ da màu như Whitney Houston hay Toni Braxton.

Nổi bật nhất vẫn là ca khúc ghi dấu ấn suốt chặng đường ca hát của Vanessa, Save The Best for Last (Dành tất cả cho người cuối cùng). Ca khúc leo lên hạng nhất tại Mỹ và trụ hạng trong 5 tuần liên tiếp. Không những vậy, bản ballad dội bom liên tiếp các bảng xếp hạng trên toàn cầu. Nội dung ca khúc kể về một cô gái chứng kiến một chàng trai hẹn hò với rất nhiều cô gái khác. Nhưng cuối cùng, chàng trai tìm đến bên cô để chia sẻ yêu thương. Sự thăng hoa cảm xúc trong bài hát trông cậy vào giọng hát đẹp và nhiều màu sắc. Bản phối khí với dàn nhạc dây tạo nên được cung bậc cảm xúc dạt dào, lãng mạn. Album tiêu thụ hơn 2,2 triệu bản khi mới ra mắt và giúp Vanessa có tới 5 đề cử giải Grammy.

Thiếu vắng đòn bẩy hỗ trợ
Xét một cách toàn diện, nữ ca sỹ có giọng ca truyền cảm, phong cách trình diễn đa dạng : từ lịch lãm đến sôi động, trẻ trung không kém. Chất giọng của Vanessa được xếp vào mezzo-soprano, có độ mượt mà, rõ nét ở những nốt cao. Tuy nhiên, cô thiếu một êkip sản xuất hùng hậu để tiến xa hơn nữa. Những diva hàng đầu như Gloria Estefan hay Céline Dion thành công nhờ vào nhà sản xuất tài năng khiêm quản lý vừa là người bạn đời của họ. Ca sỹ chỉ tập trung chuyên môn, mà không bị phân tán vào hậu trường “bếp núc”. Ngoài ra, mẫu số chung thành công còn cần tới tài năng sáng tác được nhạc như Madonna, Shania Twain.

Dường như Vanessa vươn tới âm nhạc nhờ chất giọng đẹp thiên phú nhưng thiếu các đòn bẩy hỗ trợ. Ca sỹ sinh năm 1963 có nhiều đĩa đơn nghe rất hấp dẫn nhưng cả album thường bị đánh giá thấp. Giới phê bình cho rằng áp lực thương mại của hợp đồng ghi âm khá lớn nên cô chỉ tập trung các ca khúc phát được trên radio. Ngoài ra, âm nhạc của nữ ca sỹ mang tính thể nghiệm, nhưng không đột phá và thiếu mũi nhọn chủ lực. Album thứ ba, The Sweetest Days (Ngày tháng ngọt ngào) năm 1994 được giới phê bình đánh giá cao hơn. Nhờ tài sản xuất của BabyFace, Vanessa chuyển mình vào jazz, hiphop, latin trong các bản nhạc như Betcha Never hay You Can’t Run. Album cũng đạt hạng bạch kim và đề cử hai giải Grammy. Tuy nhiên, cô chưa hoàn toàn thoát khỏi cái bóng : ca sỹ khiêm cựu hoa hậu Mỹ năm nào. Bằng chứng các bản nhạc đều ở mức nghe bắt tai nhưng sức lan tỏa kém hơn hẳn bản hit đình đám Save the best for last.

Lấn sân sang điện ảnh và truyền hình
Các album sau đó của Vanessa trở nên kém hấp dẫn về cả thương mại lẫn nghệ thuật. Album Next ra mắt năm 1997 khá mờ nhạt về hiệu ứng truyền thông. Có lẽ Vanessa tập trung năng lượng nhiều vào mảng diễn xuất trên điện ảnh và truyền hình. Năm 1995, cô gây tiếng vang nhờ vai diễn trên sân khấu kịch Broadway – Kiss of the spider woman (Nụ hôn của người đàn bà nhện).

Kể từ đó, cô lấn sân sang điện ảnh và truyền hình và bỏ ngỏ mảng âm nhạc. Cô được khen ngợi trong vai tổng biên tập Wilhelmina Slater trong phim ăn khách Ugly Betty (Cô gái Betty xấu xí), vai nhân vật Renee Perry trong phim Desperate Housewives (Những bà nội trợ kiểu Mỹ) trong mùa thứ bảy. Với phim truyện, cô thể hiện khá thành công bản nhạc trong phim hoạt hình Pocahontas (1996) với tựa đề Colors of The Wind.

Phía sau chân dung một người nổi tiếng, ít người biết rằng cựu hoa hậu Mỹ có một tuổi thơ gian truân. Trong cuốn tự truyện You Have No Idea (Bạn không bao giờ biết) năm 2012, Vanessa và mẹ cô đã hé lộ những góc khuất cuộc đời. Cô từng bị lạm dụng thân thể khi mới lên 10 tuổi, phá thai khi học trung học. Sự kiện tước vương miện hoa hậu là chuỗi ngày đau khổ kéo dài của cô. Ngoài ra, người đẹp cũng phải chiến đấu với căn bệnh tiểu đường tuýp 1.

Trải qua ba cuộc hôn nhân, Vanessa hiện đang sống với người bạn đời là doanh nhân Jim Skrip tại New York, Mỹ. Điều đáng khâm phục của hoa hậu tài năng như Vanessa là sự bền bỉ vượt qua mọi thử thách để trở thành nghệ sỹ giải trí hàng đầu.

Related posts