Mối đe dọa từ TikTok là có thật: Quốc hội cần phải thức tỉnh

John Mac Ghlionn

Một người đàn ông mặc áo sơ mi quảng cáo TikTok tại một cửa hàng Apple ở Bắc Kinh hôm 17/07/2020. (Ảnh: Ng Han Guan/AP Photo) Bình luận

Hôm 26/10, các nghị viên của Quốc hội Hoa Kỳ đã chất vấn ông Michael Beckerman, giám đốc điều hành TikTok, rằng liệu ứng dụng này có chia sẻ dữ liệu với Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) hay không. Mặc dù ông Beckerman tuyên bố là không, nhưng có lý do để nghĩ đến điều ngược lại.

Ai nấy đều bàn tán về Instagram có thể khiến mọi người dễ dàng quên mất sự tồn tại của các ứng dụng có vấn đề khác. Nhưng trên thực tế, theo một cuộc khảo sát toàn diện do các nhà phân tích tại Piper Sandler thực hiện, Instagram thậm chí còn không được cộng đồng thanh thiếu niên Hoa Kỳ ưa chuộng.

Với một tựa đề hợp lý là “Nắm bắt Tình hình Thanh thiếu niên”, bản báo cáo dài 91 trang này khái quát các phản hồi của 10,000 thanh thiếu niên Mỹ. Chỉ 22% số người được hỏi liệt kê Instagram là ứng dụng mà họ lựa chọn; điều đáng quan tâm là 30% đã coi TikTok là ứng dụng yêu thích của mình.

Sự phổ biến của TikTok là đặc biệt lộ liễu — và quan trọng hơn, là đặc biệt đáng lo ngại. Hình thức hiện tại của TikTok đã ra được ra mắt cách đây ba năm, ứng dụng truyền thông xã hội hiện có 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn thế giới; Thật đáng kinh ngạc, ứng dụng này có 200 triệu lượt tải xuống ở Hoa Kỳ. Vậy tại sao chúng ta phải lo lắng? Rốt cuộc, ứng dụng đó chỉ là một ứng dụng vô hại, đúng không?

Không đúng.

Khi căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục gia tăng, Trung Cộng đã tăng cường trò chơi gián điệp mạng của mình. Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, TikTok không phải là một ứng dụng hoàn toàn vô hại được thiết kế để lan tỏa niềm vui trên khắp thế giới. Được tạo ra bởi ByteDance, một công ty có liên hệ mật thiết với Trung Cộng, TikTok cần phải được xem xét với một mức độ nghi ngờ rất cao. Như tờ Wall Street Journal (WSJ) đã đưa tin hồi tháng Sáu, Trung Cộng hiện đòi hỏi các công ty công nghệ, bao gồm cả ByteDance, chia sẻ tất cả dữ liệu mà họ có cho các đảng viên.

Cũng chính vào thời điểm Trung Cộng yêu cầu quyền truy cập vào dữ liệu, TikTok đã đưa ra một chính sách sinh trắc học mới chỉ dành riêng cho người dùng tại Hoa Kỳ. Ứng dụng hiện lấy hai phần dữ liệu sinh trắc học quan trọng — “dấu khuôn mặt” (faceprint) và “dấu giọng nói” (voiceprint) — của tất cả người dùng tại Hoa Kỳ. Dữ liệu sinh trắc ‘dấu khuôn mặt’ liên quan đến việc ánh xạ các đặc điểm của khuôn mặt của một người [về mặt toán học], sau đó được lưu trữ dưới dạng kỹ thuật số; dữ liệu sinh trắc ‘dấu giọng nói’ liên quan đến việc lưu trữ các khía cạnh khác nhau của giọng nói của người sử dụng, bao gồm độ vang vọng, tiếng vang, ngữ điệu, nhịp điệu, và nhịp độ.

Với ít nhất 100 triệu người dùng ở Hoa Kỳ thì đó là rất nhiều thông tin cá nhân. Hơn nữa, tại sao TikTok, một công ty có trụ sở chính tại Bắc Kinh, lại yêu cầu loại thông tin này từ người dùng ở Hoa Kỳ? Quan trọng hơn, tại sao chính sách này chỉ nhắm đến người dùng ở Hoa Kỳ? Đây là câu hỏi mà Quốc hội cần hỏi ông Beckerman. Nhưng họ đã không làm.

Logo của ứng dụng video Trung Quốc TikTok có mặt cạnh khu vực văn phòng mới của công ty tại Campus C3, thành phố Culver, rìa tây Los Angeles, California vào ngày 11/8/2020. (Ảnh Chris Delmas / AFP / Getty Images)

Trung Cộng có thể đang vũ khí hóa TikTok chăng?

Theo các cựu nhân viên, câu trả lời dường như là có. Bằng cách cung cấp cho người dùng các video được điều chỉnh theo thuật toán, TikTok có thể dễ dàng được sử dụng để phổ biến thông tin sai lệch.

Theo bà Kara Frederick, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, điều này làm cho ứng dụng trở thành phương tiện hoàn hảo để truyền bá tuyên truyền ủng hộ Trung Cộng. Giới trẻ Mỹ dành một lượng thời gian quá nhiều cho TikTok. Trên thực tế, người dùng ứng dụng ở Mỹ hiện dành nhiều thời gian trên TikTok hơn so với YouTube.

Thay vì hỏi rằng liệu Trung Cộng có bao giờ sử dụng TikTok để ảnh hưởng đến những người Mỹ trẻ tuổi, dễ bị gây ấn tượng hay không, một câu hỏi hay hơn cần đặt ra là: tại sao họ không sử dụng ứng dụng này để ảnh hưởng đến người Mỹ? Rốt cuộc, Trung Cộng đã sử dụng Twitter để truyền bá tuyên truyền có hại.

Khi bản chất của chiến tranh thay đổi, trong đó những người lính tham gia cuộc chiến đã được thay thế bằng các cuộc tấn công mạng và phần mềm độc hại, thì các mối đe dọa mà chúng ta phải đối mặt, cũng biến hóa theo.

TikTok hiện là ứng dụng phát triển nhanh nhất trên thế giới; ứng dụng này cung cấp một cánh cửa cho thấy cuộc sống của hàng triệu người Mỹ. Theo một báo cáo gần đây của Cure53, một công ty an ninh mạng của Đức, Trung Cộng đã sử dụng các ứng dụng tương tự để theo dõi công dân của mình. Chúng ta phải tỉnh táo để nhận ra thực tế mà chúng ta đang đối mặt: Nếu một thứ gì đó có thể được vũ khí hóa, thì thứ đó sẽ được vũ khí hóa. Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện đang tham gia vào một cuộc chiến tranh lạnh mới; với việc người sau bận rộn truyền bá thông tin sai lệch về người trước. Chính phủ Hoa Kỳ nên cảnh giác cao độ.

Điều này đưa chúng ta trở lại mối đe dọa tiềm tàng do TikTok gây ra. Quốc hội chịu trách nhiệm đưa ra luật ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của 330 triệu người Mỹ; khá đáng báo động thay, họ dường như không hiểu mối đe dọa do các ứng dụng mạng xã hội gây ra. Hơn nữa, chính phủ ông Biden dường như không hề chú ý tới. Hồi tháng Sáu, cùng thời điểm câu chuyện của tờ WSJ nói trên được xuất bản, Tổng thống Joe Biden đã quyết định thu hồi và thay thế các sắc lệnh cấm TikTok.

Giờ đây, Trung Quốc, một quốc gia được biết đến với các hoạt động gián điệp mạng rộng lớn, có thể tự do sử dụng ứng dụng này để tiếp tục chia rẽ một quốc gia vốn xưa nay chưa bao giờ bị chia rẽ nhiều đến thế. Ông Charles de Gaulle, cựu tổng thống Pháp, từng gọi sự im lặng là “vũ khí quyền lực tối thượng”. Tuy nhiên, ngày nay, mạng xã hội mới là vũ khí tối thượng. Trung Cộng thừa hiểu điều này. Đáng buồn thay, chính phủ Hoa Kỳ thì không. Sự thiếu hiểu biết như vậy có thể phải trả giá rất đắt.

Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được xuất bản bởi những tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US cùng những tờ báo danh tiếng khác. Ông cũng là một người đóng góp cho tạp chí The American Conservative.

Lưu Đức và Yến Nhi biên dịch

Related posts