Kiểm soát các nguồn nước ngọt, nguyên nhân xung đột biên giới Ấn-Trung

Thanh Hà

Một khúc sông Brahmaputra trên lãnh thổ Ấn Độ. © Aniruddha Buragohain/wikipedia.org

Tháng 2/2021 sự kiện vỡ sông băng tại Himalaya, 150 người Ấn Độ thiệt mạng đã làm dấy lên trở lại tranh chấp giữa New Delhi và Bắc Kinh chung quanh một dự án Trung Quốc xây đập thủy điện trên sông Yarlung Tsang Po « lớn hơn cả đập Tam Hiệp ». Tranh chấp để làm chủ sông ngòi, khai thác những mạch nước tại biên giới Ấn-Trung càng lúc càng trở nên “nhậy cảm”.  

Ấn Độ và Trung Quốc có một đường biên giới chung hơn 3.300 km ở một khu vực với những điều kiện khắc nghiệt với con người. Sông băng và những lớp tuyết trên dãy Himalaya là nguồn cung cấp nước ngọt cho gần một nửa dân số trên địa cầu.

Đối với hàng triệu nông dân tại một vùng đất khô cằn ở cả hai phía bên đường biên giới Ấn-Trung, đây là những nguồn cung cấp nước duy nhất. Vận mệnh của hàng triệu dân ở phía đông bắc Ấn Độ và cả một phần Bangladesh tùy thuộc vào các nguồn nước từ con sông Yarlung dài gần 2.900 km bắt nguồn từ sông băng Angsi – Tây Tạng. Khi chảy qua lãnh thổ Ấn Độ, sông Yarlung trở thành dòng Brahmaputra, mạch sống của bang Arunachal Pradesh trước khi nhánh sông này nhập vào với sông Hằng, đổ ra vịnh Bangale.  

Chạy đua xây đập

Từ 2009 Trung Quốc đã có dự án xây dựng thêm một đập thủy điện trên dòng sông Yarlung Zahng Po, với “công suất 70 triệu kilowatt/giờ, lớn hơn cả so với đập Tam Hiệp” trên Dương Tử Giang. Ấn Độ thấy trước dự án của Trung Quốc là một mối đe dọa “cả về mặt lương thực, lẫn quân sự”. Trung Quốc đề xuất một dự án xây dựng trong một vùng có nguy cơ động đất cao, rủi ro vỡ đập và sập núi là rất lớn. Nhưng để đáp trả Bắc Kinh, chính quyền New Delhi thông báo cũng xây đập thủy điện trên dòng Brahmaputra để “giảm thiểu tác động dự án Trung Quốc gây ra”.

Ấn Độ, Trung Quốc lao vào một cuộc chạy đua xây dựng đập thủy điện mà không quan tâm đến tiếng nói của Bangladesh cửa ngõ đưa con sông này ra vịnh Bangale.

Để hiểu được tranh chấp biên giới Ấn Độ -Trung Quốc hiện tại trên đài RFI Việt ngữ giáo sư địa chính trị Hugo Billard, trường Saint Michel Picpus Paris, đồng tác giả tập bản đồ về những đường biên giới, Atlas des Frontières – NXB Autrement, nhắc lại về sự hình thành của đường biên giới giữa hai cường quốc của châu Á này từ khi các vùng thuộc địa cũ trong Liên minh Ấn Độ của Anh Quốc giành được độc lập năm 1947.  

Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh mà trước đây được biết đến dưới tên gọi là Đông Pakistan, rồi Miến Điện, Sri Lanka giành được độc lập từ chính quyền Anh năm 1947.  Từ đó đặt ra vấn đề đường biên giới vĩnh viễn từng được vương quốc Anh khoanh vùng với các cường quốc lân cận như là Iran, Nga, Trung Quốc và kể cả với vùng thuộc địa của Pháp là Đông Dương. Làm thế nào để ổn định đường biên giới Ấn –Trung và làm thế nào lằn ranh đó phải được công nhận ?  

Cũng giáo sư Hugo Billard nhấn mạnh  đến năm 1951 khu vực biên giới giữa hai quốc gia này mới bắt đầu trở thành một điểm nóng. Khi đó Trung Quốc xâm chiếm Tây Tạng. Đây là một vùng đất rộng lớn bằng một phần ba diện tích Trung Quốc và là một môi trường khá khắc nghiệt với con người. Làm chủ được Tây Tạng, Trung Quốc đương nhiên mở ra đường biên giới 3.380 cây số với Ấn Độ.

Cũng chính đường biên giới này đã cho phép Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền tại ba điểm : một là tại Aksai Chin – phía tây bắc Tây Tạng. Điểm tranh chấp thứ nhì là vùng lãnh thổ Sikkim, nằm kẹt giữa Nepal và Bhoutan. Với chỉ khoảng 6.000 dân cư, nhưng Sikkim là nơi đã hai lần Trung -Ấn giao tranh vào những năm 1962 và 1975. Sau cuộc đọ sức cuối cùng này, thì Sikkim đã thuộc về Ấn Độ. Tuy nhiên điểm nóng thứ ba – và cũng là điểm gây nhiều chú ý hơn cả là vùng Arunachal Pradesh ở phía đông. Đây là một vùng đất màu mỡ, năm con sông của bang này đề bắt nguồn từ dãy Himalaya. Bắc Kinh và New Delhi tranh chấp cả về đường biên giới lẫn quyền kiểm soát vùng lãnh thổ này. Hiện tại bang Arunachal Pradesh do Ấn Độ kiểm soát. Giáo sư Hugo Billard tuy nhiên lưu ý tranh chấp biên giới trước hết là một lá bài để cả Bắc Kinh lẫn New Delhi khơi dậy niềm tự hào dân tộc:

Hugo Billard: “3.380 cây số đường biên giới là nơi mà bất kỳ lúc nào cũng có thể xảy ra tranh chấp tùy vào thời điểm, vào bối cảnh chính trị nội bọ của mỗi bên. Thí dụ, tình hình tại Aksai Chin tùy thuộc vào mối quan hệ hữu hảo giữa Ấn Độ với Pakistan, một đồng minh của Bắc Kinh nhưng lại là đối thủ của New Delhi. Sikkim thì đã thuộc hẳn về Ấn Độ. Riêng bang Arunachal Pradesh, đây là nơi thường xuyên xảy ra giao tranh giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc. Từ thập niên 1970, trên thực tế, cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ cùng không có lợi ích gì khi khiêu khích đối phương để dẫn tới xung đột, bởi về thực chất, không bên nào có đủ phương tiện hay quyết tâm. Phía Ấn Độ thì rõ ràng là không đủ phương tiện còn đối với Trung Quốc, đường biên giới trên bộ không phải là một ưu tiên. Ưu tiên của Bắc Kinh là biên giới trên biển. Dù vậy cả hai phe cùng thường xuyên khai thác lá bài chủ quyền biên giới để chứng minh với công luận trong nước rằng Trung Quốc cũng như Ấn Độ không nhượng một tấc đất cho đối phương. Mỗi bên đều có nhu cầu chứng tỏ làm chủ tình hình ở các đường biên giới”.

Vành đai Trung Quốc  

Vẫn trong mắt nhà địa chính trị Hugo Billard, New Delhi có hai cách tiếp cận vấn đề tranh chấp đường biên giới. Về mặt địa lý và chiến lược, Ấn Độ luôn cảm thấy bị Trung Quốc kềm tỏa. Từ những năm 1990 vì những lợi ích kinh tế và chiến lược, Bắc Kinh đã thắt chặt quan hệ với Pakistan, với Miến Điện. Trung Quốc có nhiều lá chủ bài trong tay, lúc thì dùng những dự án xây dựng hệ thống xe lửa, khi thì chiêu dụ đối phương bằng những kế hoạch phát triển hải cảng, mở rộng các tuyến giao thông đường biển, hay những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng: xa lộ trường học, bệnh viện…  

Hugo Billard: “Ấn Độ có cảm tưởng là bị Trung Quốc bao vây, kềm cặp: Ở phía bắc, đôi bên có đường biên giới chung. Phía tây Ấn Độ là Pakistan, ở phía đông thì có Miến Điện. Cả Islamabad lẫn Naypyidaw đều chịu ảnh hưởng rất lớn của Bắc Kinh. Bước kế tới là Trung Quốc đã đẩy mạnh đầu tư vào Sri Lanka, biến quốc gia này thành tai mắt của Bắc Kinh ở phía nam Ấn Độ để quan sát cả vùng Ấn Độ Dương. Đối với New Delhi, đó là những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc tìm cách bao vây, đến mức khiến Ấn Độ ngạt thở”.

Tuy nhiên một yếu tố quan trọng khác trong cuộc đọ sức Ấn- Trung, vế chính trị được cả đôi bên chú trọng. Về phía Ấn Độ, từ năm 2014 thủ tướng Narendra Modi lên cầm quyền và ông luôn khai thác lá bài dân tộc chủ nghĩa để kiếm phiếu. Song song với việc ve vãn công luận trong nước chính quyền Modi liên tục mở rộng, nâng cấp đối thoại với các đồng minh. Đứng đầu là Nga, bởi vì New Delhi luôn có một một quan hệ mật thiết về mặt chiến lược. Bên cạnh đó thủ tướng Modi đã đặc biệt chú trọng đến bang giao với Hoa Kỳ, với Pháp, một cường quốc trong vùng Ấn Độ Thái Bình Dương. Úc, Nhật và cả các quốc gia Đông Nam Á cũng càng lúc càng trở thành những đối tác cho phép New Delhi giải tỏa bớt vòng vây của Trung Quốc.

Cuộc chiến kiểm soát nguồn nước ngọt

Tuy nhiên nhu cầu thoát khỏi gọng kềm Trung Quốc, đối với Ấn Độ, theo như phân tích của giáo sư địa chính trị Hugo Billard chỉ là một trong những yếu tố trong bang giao song phương. Bên cạnh đó một nguyên nhân khác thường xuyên dẫn đến xung đột Ấn – Trung là nhằm kiểm soát các nguồn nước ngọt trong dẫy Himalaya. Giáo sư Hugo Billard, nhấn mạnh đến chìa khóa đang được đặt ở dẫy Himalaya :

Hugo Billard: “Dẫy núi có độ cao hơn 8.000 mét này thực ra là một bể nước vô cùng to lớn đối với cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ. Tuy nhiên Trung Quốc thì còn có thể trông cậy vào cả vùng cao nguyên Tây Tạng rộng lớn với khá nhiều sông ngòi mà trong đó có những con sông lớn, thành thử, nhu cầu về nước ngọt về phía Trung Quốc không mang tính sống còn. Ngược lại đối với Ấn Độ, phần lớn các con sông bắt nguồn từ những vùng sát cạnh với Trung Quốc. Cho nên trong trường hợp xảy ra giao tranh, nước có thể trở thành một vũ khí để Bắc Kinh bắt chẹt đối phương. New Delhi ý thức được là cần phải làm chủ các nguồn nước ngọt, làm chủ sông ngòi ở khu vực phía bắc này để bảo đảm nhu cầu của một phần lãnh thổ. Ấn Độ cần được bảo đảm rằng, các nguồn nước xuất phát từ Himalaya không thể bị căng thẳng với Trung Quốc tác động”.

Đó là lý do khiến dự án Trung Quốc xây đập ngay tại hạt Medog trên dòng Yarlung là « giọt nước làm tràn ly » trong mắt giới lãnh đạo Ấn Độ. Cũng giáo sư Hugo Billard trường Saint Michel Picpus – Paris nêu bật : ngoài yếu tố mang tính sống còn của con sông này đối với 1,3 triệu dân của bang Arunachal Pradesh, trong tiềm thức của người Ấn Độ giáo, « làm chủ được các mạch sông ngòi còn có ý nghĩa thiêng liêng » và là một biểu tượng cao về « linh hồn của những dòng sông ».

Phía Bắc Kinh thì đơn giản xem việc xây một cái đập thứ năm (bên cạnh 4 đập thủy điện đang hoạt động và hai công trình đã được khởi công) trên nhánh sông chính của dòng Yarlung là nhằm “đáp ứng nhu cầu về năng lượng, giảm thiểu mức độ lệ thuộc vào năng lượng hóa thạch”.

Trên nhật báo Times of India đầu năm 2021, nhà chính trị học Brahma Chellaney lưu ý: “Tranh giành các nguồn nước ngọt là một yếu tố then chốt giải thích thái độ hung hăng của Trung Quốc » với nước láng giềng phía nam, bởi Bắc Kinh ý thức được về thế thượng phong của mình nhờ có Tây Tạng, thượng nguồn của nhiều dòng sông. Về nguy cơ các đập thủy điện Trung Quốc xây dựng tại một khu vực có rủi ro động đất cao, nhà nghiên cứu này kết luận : mỗi đập nước là một « quả bom nổ chậm đe dọa hàng triệu, hàng chục triệu dân cư ở hạ nguồn”.

Related posts