Tin thế giới sáng thứ Tư

Phi hành gia Pháp Thomas Pesquet trở về Trái Đất an toàn

Minh Anh

Vịnh Mexico ngày 09/11/2021. Phi hành gia Pháp Thomas Pesquet sau khi đáp xuống Trái đất thành công. AP – Aubrey Gemignani

Đêm thứ Hai rạng sáng thứ Ba 09/11/2021 phi hành gia người Pháp Thomas Pesquet đã trở về Trái Đất sau 6 tháng làm việc trên Trạm Không Gian Quốc Tế (ISS). Cuộc hạ cánh diễn ra an toàn ở ngoài khơi bờ biển Florida, Hoa Kỳ.

AFP nhắc lại, phi hành gia người Pháp 43 tuổi đã trở về Trái Đất lần này bằng khoang thuyền Dragon của SpaceX, cùng với ba đồng nghiệp khác là phi hành gia người Nhật Akihino Hoshide, và hai phi hành gia Mỹ Shane Kimbrough và Megan McArthur. Sau chuyến làm việc đầu tiên 2016-2017 trên ISS, Thomas Pesquet đã đáp xuống thảo nguyên Kazakhstan với chiếc Soyouz của Nga.  

Khoang thuyền của tập đoàn Elon Musk mang về Trái đất khoảng 240kg thiết bị và các thí nghiệm khoa học. Hành trình trở về Trái đất được thực hiện qua nhiều bước. Khoang thuyền bắt đầu rời trạm ISS vào lúc 19 giờ 5 phút, giờ quốc tế.  

Từ Miami, thông tín viên đài David Thomson mô tả cảnh hạ cánh:  

“Một ngôi sao chổi sáng rực xuất hiện trên bầu trời đêm ở Florida. Khi đi vào bầu khí quyển, khoang thuyền Dragon biến thành một quả cầu lửa to lớn. Với vận tốc 600 km/giờ, bốn chiếc dù được bung ra để giảm tốc độ rơi đến chóng mặt, và trong chưa đầy một phút sau đó, là tiếng nước bắn tung tóe, khoang thuyền đã hạ cánh xuống vùng biển êm đềm của Vịnh Mêhicô, trong tiếng hò reo phấn khởi của các kỹ sư SpaceX trong phòng điều khiển.  

Cuộc hạ cánh xuống biển thành công hoàn hảo đúng như giờ đã định, tức vào lúc 04 giờ 33 phút ở Pháp. Một trong số các phi hành gia nói với một đài phát thanh: « Thật là tốt khi trở về Trái đất ». Chiếc khoang phi thuyền hình chóp sau đó được bốc lên tàu.  

Sau 198 ngày trên quỹ đạo, cánh cửa cuối cùng cũng được bật ra. Thomas Pesquet, bên trong khoang thuyền, nở một nụ cười rạng rỡ, ra dấu hiệu thắng lợi. Cùng với ba phi hành gia khác, anh trở về Trái đất an toàn mạnh khỏe, sau 8 giờ hành trình từ Trạm Không gian Quốc tế.  

Dù vậy, người ta cũng khiêng đặt các phi hành gia trên những chiếc cáng, bởi vì sau 6 tháng trong trạng thái không trọng lượng, mỗi một cử động là cả một thử thách.”

COP26: Các nước nghèo lên án các nước giàu nói không đi đôi với làm

Trọng Thành

Các nhà hoạt động vì khí hậu biểu tình phản đối tại hội nghị COP26, Glasgow, Scotland, ngày 08/11/2021. AP – Alastair Grant

Các nước đang phát triển đồng loạt lên án nhiều nước giàu nói không đi đối với làm, đó là thông điệp nổi bật trong đầu tuần lễ thứ hai của Hội nghị về Khí hậu Liên Hiệp Quốc (COP26) ở Glasgow, Scotland, ngày 08/11/2021.

Chủ tịch của nhóm hơn 40 quốc gia nghèo nhất hành tinh (LDC), chính trị gia Sonam Phuntsho Wangdi, người Butan, tuyên bố: “Nhóm các nước kém phát triển nhất lo ngại về việc hành động của một số quốc gia không ăn khớp với các tuyên bố. Có một sự tách rời giữa các tuyên bố trước công chúng và những gì diễn ra trong các cuộc đàm phán”.

Chủ tịch của nhóm hơn 40 quốc gia nghèo nhất hành tinh đặc biệt lo ngại về các biện pháp để thực thi mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 1,5°C (so với thời kỳ tiền công nghiệp), sẽ được xác định trong bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị COP26. Chính trị gia người Butan nhấn mạnh mọi “thỏa hiệp” về mục tiêu 1,5°C này đồng nghĩa với việc coi thường “sinh mạng của hàng tỉ người sống tại các quốc gia dễ bị tổn thương nhất như các nước chúng tôi”.

Trả lời phỏng vấn AFP, ông Ahmadou Sebory Touré, chủ tịch Nhóm 77 và Trung Quốc (bao gồm 134 quốc gia đang phát triển và mới nổi lên) lên án các nước phát triển « luôn luôn đòi hỏi các nước dễ bị tổn thương làm nhiều hơn nữa », trong lúc lại không thực hiện lời hứa đóng góp đủ 100 tỉ đô la/năm cho các nước đang phát triển trong lĩnh vực khí hậu kể từ năm 2021 (đưa ra từ năm 2009). Bà Lia Nicholson, chủ tịch Liên minh các đảo quốc nhỏ (Aosis), kêu gọi “hãy chấm dứt những tuyên bố suông về tài chính”.

Kinh tế gia Pháp Laurence Tubiana, chủ tịch Quỹ châu Âu vì Khí hậu, đặc biệt tố cáo các hành động của nhiều quốc gia và doanh nghiệp giả danh vì mục tiêu chống Biến đổi khí hậu, nhưng trên thực tế đang tiếp tục các hoạt động khai thác và sử dụng năng lượng hóa thạch (greenwashing). Người được coi là một trong các kiến trúc sư của Hiệp định Khí hậu Paris 2015 giải thích :

“Chúng ta đang ở giai đoạn triển khai việc thực thi Hiệp định Khí hậu Paris. Rõ ràng là áp lực đã có tác dụng. Các quốc gia tới hội nghị bắt buộc phải đưa ra thêm những đóng góp mới. Nhìn chung, cơ chế này đã có tác dụng. Tuy nhiên, nếu các cam kết mới không đi liền với các kế hoạch cụ thể đủ mạnh, thì điều này cũng không có ý nghĩa gì cả. Các quốc gia như các nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu khẳng định rằng họ sẽ vẫn tiếp tục xuất khẩu, cùng lúc hướng đến mục tiêu zero khí thải, và các doanh nghiệp khí đốt, dầu mỏ nói rằng họ sẽ hướng đến mục tiêu trung hòa khí thải, trong lúc tiếp tục khai thác dầu mỏ và khí đốt, như vậy điều này chắng có ý nghĩa gì. Đến một lúc nào đó, người ta sẽ không còn hiểu được mục tiêu mà Cơ quan Năng lượng Quốc tế nói, giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C hay 2°C, có nghĩa là gì”.

Theo AFP, trong tuần lễ thứ hai của Hội nghị, giới chức cấp bộ của các nước tham gia hội nghị sẽ phải tìm được các thỏa hiệp về các định hướng chính trị lớn trong lĩnh vực khí hậu, và đặc biệt là về nhiều điều khoản vẫn còn đang treo lại từ ba năm nay, liên quan đến các quy định thực thi Hiệp định Khí hậu Paris, nhất là về cơ chế vận hành của “các thị trường cacbon”. Còn rất nhiều việc cần làm, các đàm phán dự kiến sẽ kéo dài thâu đêm.

Bắc Kinh có thể “phong tỏa các cảng biển và sân bay chính” của Đài Loan

Trọng Thành

Một máy bay quân sự của Mỹ chở một phái đoàn thượng nghị sĩ Mỹ đáp xuống sân bay Tùng Sơn, Đài Bắc, Đài Loan, ngày 06/06/2021. AP

Trung Quốc có thể phong tỏa các cảng biển và sân bay chính của Đài Loan nhằm cắt đứt các mối liên hệ chính của hòn đảo với thế giới bên ngoài. Đó là cảnh báo của bộ Quốc Phòng Đài Loan trong bản báo cáo quốc phòng, ra hai năm một lần, được công bố hôm nay, 09/11/2021.

Hãng tin Pháp AFP dẫn lại nhận định của báo cáo quốc phòng Đài Loan, lên án việc Bắc Kinh “tăng cường khả năng tấn công bằng đường không, đường biển và trên bộ nhắm vào hòn đảo”. Bản báo cáo cho biết rõ việc “phong tỏa các cảng biển, sân bay, và các chuyến bay chiều đi (xuất phát từ Đài Loan), cũng như cắt đứt các tuyến thông tin liên lạc trên không và trên biển” là một phần của chiến lược tăng cường khả năng tấn công nói trên.

Báo cáo của bộ Quốc Phòng Đài Loan cũng nhấn mạnh đến việc Trung Quốc có khả năng tấn công hòn đảo với các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, và cho biết Bắc Kinh đang tăng cường lực lượng để có thể tiến hành tấn công đổ bộ.

Bộ Quốc Phòng Đài Loan cũng cảnh báo, ngoài việc sẵn sàng cho các cuộc can thiệp vũ trang, Trung Quốc đang ngày càng sử dụng nhiều hơn các hành động gây hấn tại những « vùng xám », thuật ngữ mà giới chuyên gia quân sự thường sử dụng chủ yếu để nói về các hoạt động chiến tranh mạng và “chiến tranh tâm lý”, bao gồm việc gieo rắc tin giả.

Chiến lược tại các “vùng xám” cũng bao gồm việc đưa chiến đấu cơ liên tục thâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, tổng cộng hơn 554 lần, tính từ tháng 9/2020 đến tháng 8/2021. Các chiến thuật gây hấn tại « vùng xám » có mục tiêu khiến hòn đảo suy yếu từ bên trong, và “Trung Quốc có thể chiếm được Đài Loan” mà không cần nổ súng, theo báo cáo của bộ Quốc Phòng Đài Loan.

Báo cáo nhấn mạnh là chính quyền Trung Quốc đã cố gắng « đơn phương thay đổi trật tự quốc tế tự do và rộng mở, với các hoạt động thao túng tại vùng xám » trong bối cảnh thế giới đang bận đối phó với đại dịch Covid-19, và “Các hoạt động chuẩn bị về quân sự, huấn luyện và tập trận trên thực địa của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, cũng như các hành động và đe dọa nhắm vào Đài Loan dự kiến sẽ tiếp tục được tăng cường, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh ở khu vực eo biển Đài Loan”.
Để đáp trả các đe dọa từ Trung Quốc, quân đội Đài Loan dự kiến nhiều biện pháp, trong đó có việc tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, với việc mua thêm các hệ thống vũ khí mới từ nước ngoài và phát triển các vũ khí tự chế trong nước.

Hãng tin Đài Loan CNA đặc biệt chú ý đến việc bản báo cáo quốc phòng lần đầu tiên công bố cùng lúc hai bản tiếng Hoa và tiếng Anh (có nhan đề « Resilience: ROC Armed Forces »). Trong gần 30 năm qua, bản dịch tiếng Anh chỉ xuất hiện nhiều tuần lễ sau khi báo cáo bằng Hoa ngữ được công bố. Theo CNA, mục đích của việc công bố sớm bản Anh ngữ là nhằm thúc đẩy phổ biến thông tin giữa các nước ngoài và Đài Loan, trong bối cảnh quốc tế cần thêm nhiều nỗ lực chung chống lại mối đe dọa quân sự gia tăng từ Trung Quốc.

Lầu Năm Góc: Trung Quốc sẽ có lực lượng hải quân hùng hậu nhất từ nay đến 2030

Thu Hằng

Mô hình chiến đấu cơ phản lực của Trung Quốc được trưng bày tại Triển lãm Hàng không và Không gian Quốc tế Trung Quốc 2021, ngày 29/09/2021, Chu Hải, Trung Quốc. AP – Ng Han Guan

Trung Quốc sẽ có lực lượng hải quân hùng hậu nhất thế giới từ nay đến năm 2030, với 460 tầu chiến các loại, theo báo cáo thường niên của bộ Quốc Phòng Mỹ. Trong khi đó, người phát ngôn bộ Quốc Phòng John Kirby, khi trả lời trang USNI News ngày 08/11/2021, nhận định Hoa Kỳ là đích nhắm của Trung Quốc khi Bắc Kinh « đầu tư rất nhiều », nâng cao năng lực không quân và hải quân.

Theo ông John Kirby, dù Trung Quốc tìm cách ngăn cản Hoa Kỳ thâm nhập một số vùng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, quân đội Mỹ tiếp tục “duy trì năng lực và các chiến lược hoạt động thích hợp để thực hiện cam kết bảo vệ an ninh hàng hải ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương”.

Người phát ngôn bộ Quốc Phòng Mỹ đưa ra những nhận định trên khi được hỏi về việc Trung Quốc lập mô hình hàng không mẫu hạm Mỹ để diễn tập tấn công hôm 07/11 tại sa mạc Taklamakan ở vùng Nhạc Khương (Ruoqiang).

Vào tuần trước, Lầu Năm Góc cũng công bố báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Theo báo cáo này, Trung Quốc hiện có 355 tầu chiến các loại, so với 296 tầu của Mỹ (trong đó có 11 tầu sân bay), nhưng hướng đến mục tiêu 460 tầu các loại từ giờ đến năm 2030. Các nhà phân tích Mỹ, được Washington Post trích dẫn, khẳng định, nhờ tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào quân đội, khẩn trương đóng nhiều tầu chiến mới, chủ yếu là tầu tuần duyên, tầu khu trục, đặc biệt là tầu hộ tống được trang bị tên lửa dẫn đường sẽ được sản xuất ở quy mô lớn, thêm 70 tầu trong thời gian tới, nhằm phục vụ kế hoạch kiểm soát Biển Đông.

Ngoài ra, các tầu chiến đời mới nhất của Trung Quốc đều được trang bị tên lửa chống hạm YJ-62 (tầm bắn 215 hải lý), YJ-18A (250 hải lý) hoặc YJ-12A (290 hải lý). Vẫn theo Washington Post, những loại tên lửa tầm xa này mang tính răn đe đối với chiến hạm Mỹ, kể cả ở khoảng cách xa, nhưng đồng thời được phát triển để đề phòng khả năng xảy ra xung đột Mỹ-Trung về vấn đề Đài Loan.   

Mỹ dự tính xúc tiến những dự án đầu tư đầu tiên làm đối trọng với BRI của Trung Quốc

Minh Anh

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự một cuộc họp về sáng kiến Build Back Better World (B3W) bên lề hội nghị COP26 Glasgow, Scotland, ngày 02/11/2021. REUTERS – KEVIN LAMARQUE

Ngày 08/11/2021, một quan chức cao cấp của Mỹ cho biết Hoa Kỳ có kế hoạch đưa ra từ 5 đến 10 dự án cơ sở hạ tầng lớn trên thế giới vào tháng Giêng năm 2022. Đây là một phần của chương trình rộng lớn của nhóm G7 – nhóm 7 nền công nghiệp phát triển, trong nỗ lực đối trọng với Sáng kiến Một vành đai Một con đường (BRI) của Trung Quốc.  

Reuters dẫn lời một quan chức cao cấp Mỹ cho biết, ông Daleep Singh, trợ lý cố vấn an ninh quốc gia, đã dẫn đầu một phái đoàn Mỹ tiến hành các « chuyến tham quan » trao đổi, hồi tuần rồi, và đã xác định được ít nhất có 10 dự án đầy hứa hẹn tại Senegal và Ghana.  

Một phái đoàn khác của Mỹ cũng đã tới Ecuador, Panama và Colombia hồi đầu tháng 10 năm nay.  

Vẫn theo lời quan chức trên, Hoa Kỳ cũng dự trù một chuyến công tác tương tự ở châu Á vào trước cuối năm 2021, nhưng không cho biết cụ thể tên bất kỳ quốc gia nào.  

Phái đoàn tham quan của Mỹ đã có những cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính phủ và khu vực tư nhân để tìm kiếm các dự án có thể tài trợ trong khuôn khổ sáng kiến Build Back Better World – viết tắt là B3W (tạm dịch Xây dựng hỗ trợ một thế giới tốt đẹp hơn), được công bố hồi tháng 6/2021. Kế hoạch này có thể được hoàn thiện trong cuộc họp khối G7 vào tháng 12/2021.  

Theo giải thích của quan chức trên, sáng kiến B3W của G7 là một phần trong dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 40 nghìn tỷ đô la nhằm hỗ trợ những nước đang phát triển và cung cấp một giải pháp thay thế cho những hình thức cho vay vốn có vấn đề của Trung Quốc.  

Theo đó, Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho các nước đang phát triển một loạt các công cụ tài chính, như cổ phần, vốn vay có bảo lãnh của nhà nước, chính sách bảo hiểm, những khoản trợ cấp và chuyên môn kỹ thuật, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực khí hậu, y tế, công nghệ kỹ thuật số và bình đẳng giới.  

Bên lề Hội nghị Khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP26, tổng thống Mỹ Joe Biden đã có các cuộc gặp với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula Von Der Leyen, thủ tướng Anh Boris Johnson và các đối tác khác của nhóm G7, để thúc đẩy sáng kiến B3W.

Belarus trả đũa châu Âu bằng cách “đẩy” người di cư sang Ba Lan

Chi Phương

Di dân từ Trung Đông và từ những nơi khác kéo đến biên giới Belarus – Ba Lan. Ảnh chụp ngày 08/11/2021. AP – Leonid Shcheglov

Từ nhiều tuần nay, khoảng 3 đến 4 ngàn người di dân tập trung ở biên giới giữa Belarus và Ba Lan, để tìm đường nhập cư vào Liên Hiệp Châu Âu. Họ trở thành công cụ mà chính quyền tổng thống Loukachenko dùng để trả đũa các lệnh trừng phạt của Liên Âu nhắm vào Belarus.

Hôm qua, 08/11/2021, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO – tố cáo chính quyền Belarus đã sử dụng người di cư như một “con tốt” phục vụ mục đích chính trị. Theo NATO, “đây là chiến thuật không thể chấp nhận được”. Tổ chức này “lo ngại” trước tình trạng căng thẳng “leo thang” giữa Belarus và Ba Lan.

Liên Hiệp Châu Âu cho rằng tổng thống Belarus Alexandre Loukachenko đã khuyến khích dòng người di cư đổ đến vùng biên giới chung với Ba Lan, thành viên Liên Âu, để trả đũa các lệnh trừng phạt của khối này. Tổng thống Belarus đã phủ nhận các cáo buộc đó.

Từ biên giới chung với Belarus, trên lãnh thổ Ba Lan, đặc phái viên Romain Lemaresquier cho biết thêm thông tin:

“Hôm nay, thứ Ba, 09/11, tình hình vẫn căng thẳng. Người di cư tập trung trước rào thép gai ở biên giới, ngủ trong các lều tạm bợ, như các hình ảnh được phát tán trên mạng xã hội cho thấy. Đêm lạnh xuống âm độ C, có nhiều trẻ em trong số những người di cư, gây lo ngại là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra. Nhà chức trách Ba Lan không muốn nhượng bộ trước áp lực này, họ muốn ngăn chặn luồng di cư ồ ạt vào lãnh thổ Ba Lan. Quân đội, hiến binh, cảnh sát, và lính biên phòng có mặt đông đảo tại hiện trường.

Hiện tại, vẫn chưa thể tiếp cận biên giới nằm trong vùng cấm của Ba Lan. Phía bên kia biên giới, binh lính Belarus vây quanh nhóm người di cư và bằng mọi cách, ngăn chặn họ quay trở lại. Bởi vì Alexandre Loukachenko, tổng thống Belarus, không có ý định nhượng bộ Liên Hiệp Châu Âu. Căng thẳng lên tới đỉnh điểm.

Sáng nay, chính phủ Ba Lan đã quyết định đóng cửa biên giới đối với tất cả các phương tiện, bao gồm cả vận tải hàng hóa mà Belarus rất phụ thuộc. Những hàng xe tải dài vô tận trên những tuyến đường dẫn đến biên giới. Một tuyến có rất nhiều xe của lực lượng an ninh Ba Lan diễu hành qua lại. Các tổ chức phi chính phủ có mặt tại đây lo ngại xẩy ra một thảm kịch, điều mà chính phủ Ba Lan muốn tránh bằng mọi giá”.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, hôm nay tuyên bố việc phong tỏa biên giới với Belarus là vì lợi ích quốc gia. Và làn sóng di cư trái phép chưa từng có từ Belarus vào Ba Lan “đe dọa an ninh của toàn bộ Liên Hiệp Châu Âu”.  

Bên cạnh việc gia hạn các lệnh trừng phạt, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, bà Ursula von der Leyen, kêu gọi các nước thành viên thực hiện các biện pháp trừng phạt mới đối với chính quyền Belarus.  

Related posts