Frank Fang
Chế độ cộng sản ở Trung Quốc đã bắt đầu một cuộc họp đảng lớn hôm 08/11, một sự kiện chính trị mà các chuyên gia về Trung Quốc cho rằng sẽ tác động đến mối bang giao Trung-Mỹ.
Với sự tham gia của các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đến từ Ủy ban Trung ương đầy quyền lực của nhà cầm quyền này, cuộc họp kéo dài bốn ngày đang được tổ chức tại Bắc Kinh sau những cánh cửa đóng kín. Đây là cuộc họp chính trị toàn thể quan trọng trước thềm Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ 20 vào mùa thu tới, khi nhà cầm quyền này sẽ có một nhóm lãnh đạo đứng đầu mới.
Hiện tại, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang có ý định đạt được nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba – điều chưa từng có tiền lệ sau khi ông trở thành lãnh đạo tối cao vào năm 2012. Do đó, cuộc họp toàn thể này, với tên gọi chính thức là Phiên họp Toàn thể lần thứ Sáu, sẽ tạo tiền đề cho các nước đi của ông để giữ quyền lãnh đạo ĐCSTQ cũng như quân đội Trung Quốc vào năm tới.
Trong các cuộc phỏng vấn riêng với The Epoch Times hôm 08/11, hai chuyên gia về Trung Quốc đã giải thích lý do tại sao cuộc họp của đảng này lại quan trọng đối với Hoa Kỳ.
Cuộc gặp là cơ hội để Tổng thống Joe Biden tìm hiểu về hướng đi mà chế độ cộng sản này đang hướng tới, khi ông tiếp tục làm việc với ông Tập trong khi coi Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh với Hoa Kỳ, nhà hoạt động dân chủ và học giả người Trung Quốc hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ Vương Quân Đào (Wang Juntao) nói.
Ông Biden đã nói chuyện với ông Tập trong hai cuộc điện đàm kể từ khi nhậm chức hồi tháng Một và họ dự kiến sẽ lại trao đổi một lần nữa trước cuối năm nay.
Quan trọng hơn, ông Vương cho biết cuộc họp sẽ cung cấp một số dấu hiệu về việc liệu các quan chức Trung Cộng phản đối ông Tập có cố gắng ngăn chặn nỗ lực duy trì quyền lực của ông với nhiệm kỳ thứ ba hay không. Khả năng này sẽ là thấp nếu ông Tập có thể đề bạt các đồng minh của mình bằng một cuộc cải tổ nhân sự trong đảng.
Ông Trịnh Khâm Mô (Cheng Chin-mo), phó giáo sư kiêm trưởng Khoa Ngoại giao và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Đạm Giang (Tamkang) của Đài Loan, cho biết cuộc họp toàn thể sẽ rất quan trọng để Hoa Thịnh Đốn ra chính sách về Trung Quốc sau đại hội Đảng lần thứ 20.
Hôm 08/11, tờ báo nhà nước Tân Hoa Xã của Trung Quốc đưa tin rằng ông Tập đã trình bày một “báo cáo công việc” và “giải thích” về một nghị quyết dự thảo kỷ niệm những thành tựu mà ĐCSTQ đã đạt được trong 100 năm tại vị cho các quan chức tham dự cuộc họp toàn thể.
Trong lịch sử một thế kỷ của ĐCSTQ, đây là lần thứ ba có một nghị quyết lịch sử như thế này. Nghị quyết nói trên được một số nhà phân tích coi là cách để ông Tập củng cố quyền lực chính trị của mình, đồng thời đặt ông ngang hàng với các lãnh đạo trước đây là các ông Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
Nghị quyết đầu tiên được ông Mao ban hành vào năm 1945 và nghị quyết thứ hai được ông Đặng đưa ra vào năm 1981.
Mặc dù nghị quyết này sẽ được tranh luận giữa các quan chức Trung Cộng, nhưng nhiều người cho rằng nghị quyết sẽ được thông qua trước khi kết thúc cuộc họp toàn thể vào ngày 11/11 tới. Tuy nhiên, ông Trịnh đã đặt câu hỏi về mức độ ủng hộ nghị quyết về mặt chính trị, vì nhà lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt với vô số vấn đề cả ở bên trong và bên ngoài.
Chuyên gia này nói, bên trong Trung Quốc, ông Tập phải ứng phó với tình trạng thất nghiệp ngày càng tồi tệ hơn, giá hàng hóa tăng vọt, và tác động dây chuyền của các công ty Trung Quốc gặp rắc rối tài chính như nhà phát triển bất động sản Evergrande.
Ông Trịnh cho biết chính quyền Trung Cộng cũng đang phải đối mặt với áp lực quốc tế to lớn về các chính sách của họ ở Hồng Kông, Đài Loan, và khu vực viễn tây Tân Cương của Trung Quốc.
“Tôi nghĩ rằng tương lai của Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể không lạc quan. Trừ khi ông Tập có thể nắm quyền kiểm soát tuyệt đối trong việc bổ nhiệm nhân sự tại Phiên họp Toàn thể lần thứ Sáu, và đồng thời cũng thực hiện cải cách mạnh mẽ sau khi tái đắc cử tại Đại hội Đảng lần thứ 20.”
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
Minh Ngọc biên dịch