Tin thế giới trưa thứ Sáu

Toàn thành phố Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa vì xuất hiện biến thể virus siêu lây lan

Phụng Minh

Người dân thành phố Đại Liên xếp hàng chờ xét nghiệm axit nucleic (ảnh: Internet).

Vào ngày 10/11, thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc bước vào ngày thứ 6 của đợt tái bùng dịch viêm phổi Vũ Hán, còn gọi là COVID-19. Chính quyền xác nhận 17 ca nhiễm mới tại địa phương và 15 ca nhiễm không triệu chứng, tổng cộng là 32 ca.

Cư dân mạng tiết lộ rằng Bệnh viện số hai của Đại học Y Đại Liên đã đưa ra một thông báo nói rằng chủng đột biến delta xuất hiện ở thành phố Đại Liên có khả năng lây lan cao hơn so với vi-rút xuất hiện ở Cam Túc, Nội Mông và Hắc Long Giang. Các nhà chức trách đã ban hành một thông báo yêu cầu tất cả nhân viên “không được rời khỏi công ty trừ khi cần thiết”, và các biện pháp đã được áp dụng, thành phố đã gần như bị đóng cửa.

Cư dân mạng địa phương đặt câu hỏi về con số chính thức của mấy ngày liên tiếp: “Trong 3 ngày liền, con số người nhiễm đều là 32. Đó có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên không?”.

Người dùng mạng cho biết trên bản tin của Bệnh viện số hai của Đại học Y Đại Liên hôm thứ hai đã ban hành thông báo phòng chống dịch, cho biết, tình hình phòng chống dịch rất nghiêm trọng và nguy cấp hơn so với đợt bùng dịch ngày 22/7 và 15/12 năm 2020. Loại vi-rút xuất hiện ở Đại Liên lần này không giống với vi-rút xuất hiện ở Cam Túc, Nội Mông và Hắc Long Giang mà là “đột biến Delta dễ lây lan hơn”.

Theo các báo cáo chính thức của phương tiện truyền thông địa phương, thành phố Đại Liên đã ban hành “Thông báo lại về việc không rời đi nếu không thiết yếu” vào ngày 9/11: Kể từ thời điểm đó, những người muốn đi lại phải có giấy chứng nhận xét nghiệm axit nucleic âm tính trong 24 giờ, hành trình được phê duyệt bởi Hội đồng Nhà nước và mã sức khỏe màu xanh. Thông tư yêu cầu tất cả các cơ quan chính phủ, xí nghiệp và cán bộ công chức phải ban hành công văn, thẻ thông hành phải được các lãnh đạo phải phê duyệt đồng ý đóng dấu thì mới có giá trị.

Theo báo cáo, từ 8 giờ ngày 10/11, Công ty TNHH Quản lý vận hành đường cao tốc tỉnh Liêu Ninh đã bắt đầu kiểm soát giao thông trên 36 trạm thu phí, tức là các cửa ra vào bị đóng.

Cư dân mạng phân tích rằng việc này tương đương với việc đóng cửa thành phố một cách gián tiếp, mọi lối ra vào đều bị kiểm soát, mọi nhân sự đều bị kiểm soát, không được rời khỏi Đại Liên vì không một “lãnh đạo” nào dám “phê duyệt giấy thông hành” cho bất cứ ai tùy ý rời khỏi thành phố.

Cư dân mạng địa phương hoang mang về các biện pháp phòng chống dịch chính thức, đồng thời cũng không hài lòng với cách giấu dịch của nhà chức trách rằng: “Các vị có thể thông báo sớm hơn được không?”; “truyền thông Thẩm Dương phát hành tin tức còn sớm hơn các vị. Không biết có phải là có chuyện bên trong, hay là các ngươi vị làm muộn?”.

Người khác nói: “Một số siêu thị đã đóng cửa, tại sao? Xe cảnh sát ở đây, thật đáng sợ!”.

Người khác phàn nàn: “Tôi đặt bữa trưa mà mười giờ rưỡi tối mới giao được. Đậu hũ thành sữa chua rồi”.

“Nhà ăn đã đóng cửa. Các sinh viên và tình nguyện viên mới được ăn một bữa trong ngày hôm nay. Một suất bún, hai quả dưa chua và một bát cháo, một số không có cháo mà ăn hai bánh bao hấp và một quả dưa chua”.

Tổng thống Honduras sẽ có chuyến thăm đến Đài Loan

Ngọc Mai

Tổng thống Honduras Juan Orlando Hernandez (ảnh: Youtube/WoodrowWilsonCenter).

Bộ ngoại giao của Đài Loan hôm thứ Năm (ngày 11/11) cho biết, Tổng thống Honduras sắp mãn nhiệm Juan Orlando Hernandez sẽ đến thăm Đài Loan.

Honduras là một trong số 15 quốc gia duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan.

Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết trong một tuyên bố, hòn đảo hoan nghênh chuyến thăm của ông Hernandez.

Hiện vẫn chưa rõ khi nào chuyến thăm sẽ diễn ra. Honduras chuẩn bị tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 28/11 và đảng đối lập chính của nước này cho biết sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc nếu giành chiến thắng.

Đài Loan vào tháng 9 đã cáo buộc Trung Quốc tìm cách sử dụng cuộc bầu cử ở Honduras để “gây bất đồng” và phá hoại mối quan hệ lâu đời của Đài Loan với quốc gia Trung Mỹ.

Bộ Ngoại giao Đài Loan trước đó đã cảnh báo Honduras không nên bị lôi kéo bởi những lời hứa “hào nhoáng và không trung thực” của Trung Quốc. Hòn đảo cho biết chuyến thăm của Tổng thống Hernandez sẽ làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai nước khi họ kỷ niệm 80 năm hữu nghị trong năm nay.

Trung Quốc vẫn ngang ngược coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và chờ thống nhất. Bắc Kinh phản đối hòn đảo có quan hệ ngoại giao chính thức với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh nỗ lực giành lấy các đồng minh còn lại của Đài Loan. Điều này khiến Washington lo ngại khi tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Trung Mỹ và Caribe ngày càng tăng. El Salvador là quốc gia gần đây nhất trong khu vực từ bỏ Đài Bắc để chuyển sang Bắc Kinh vào năm 2018.

Tân Ngoại trưởng Nhật muốn xây dựng quan hệ ổn định với Trung Quốc

Ngọc Mai

Tân Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi (ảnh: Youtube/FAO).

Hãng tin Reuters cho hay, Tân Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi hôm thứ Năm (ngày 11/11) cho biết điều quan trọng là phải xây dựng mối quan hệ ổn định với Trung Quốc trong khi kêu gọi hành vi có trách nhiệm từ nước láng giềng.

Nhật Bản gần đây đã thẳng thắn hơn khi xem xét về sự quyết đoán của Trung Quốc trong các vấn đề như Biển Đông đang tranh chấp và Đài Loan tự trị, mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình. Đồng thời, đảng cầm quyền của Nhật Bản có kế hoạch xem xét lại thế trận quốc phòng trong bối cảnh Trung Quốc đang xây dựng quân đội.

Trong cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng, ông Hayashi nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ ổn định và mang tính xây dựng với Trung Quốc.

Ông Hayashi phát biểu: “Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc ngày càng quan trọng không chỉ đối với hai nước, mà còn đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực và cộng đồng quốc tế. Chúng ta cần khẳng định và yêu cầu hành vi có trách nhiệm, đồng thời duy trì đối thoại và hợp tác vững chắc về những thách thức chung”.

Ngoại trưởng Hayashi cho biết thêm vẫn chưa tới thời điểm chín muồi để ấn định ngày thăm Nhật Bản của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vì đại dịch Covid-19. Ban đầu, ông Tập dự định thăm Nhật Bản vào năm 2020 nhưng phải hoãn lại vì dịch bệnh.

Ông Hayashi cũng cho biết ông sẽ từ chức người đứng đầu Liên minh hữu nghị các nghị sĩ Nhật – Trung để tránh “hiểu lầm không đáng có”.

EU sẽ chi gần 46 tỷ USD xây dựng cơ sở hạ tầng đối kháng với “Vành đai và Con đường”

Lâm Nghiên

Vào tuần tới, Liên minh châu Âu (EU) sẽ công bố chiến lược chi tiêu cho công nghệ và cơ sở hạ tầng trị giá hơn 40 tỷ Euro (45,9 tỷ đô la Mỹ). Đây là một phần quan trọng của phương Tây nhằm ứng phó với kế hoạch “một vành đai, một con đường” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Chủ tịch EU Ursula von der Leyen. (Ảnh: Par Alexandros Michailidis/Shutterstock)

Theo một bản dự thảo mà Bloomberg News đọc được, chiến lược “Cánh cổng toàn cầu” (Global Gateway) của EU sẽ tập trung vào các dự án kỹ thuật số, giao thông vận tải, năng lượng và thương mại. Kế hoạch này nhằm thúc đẩy lợi ích và năng lực cạnh tranh toàn cầu của châu Âu, đồng thời thúc đẩy các tiêu chuẩn và giá trị môi trường bền vững như dân chủ, nhân quyền và pháp trị.

Ngày 11/11, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã thông báo rằng EU sẽ khởi động kế hoạch “Cánh cổng toàn cầu” để đối kháng lại sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của ĐCSTQ.

Kế hoạch “Cánh cổng toàn cầu” được đưa ra sau hội nghị Thượng đỉnh G7 tổ chức tại Anh vào tháng Sáu. Khi đó, các nhà lãnh đạo của các quốc gia tham gia cuộc họp đã đồng ý khởi động một sáng kiến ​​cơ sở hạ tầng toàn cầu do Mỹ chủ đạo – “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (Build Back Better World), nhằm mục đích đối kháng lại sáng kiến ​​”Một vành đai, một con đường” của ĐCSTQ. Chính quyền Biden gọi đây là “lấy giá trị quan làm định hướng, tiêu chuẩn cao và minh bạch”.

Theo dự thảo, kế hoạch “Cánh cổng toàn cầu” sẽ “cung cấp một thương hiệu gia đình (thương hiệu ô dù – umbrella brand) cho hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng sâu rộng mà EU đã thực hiện trên quy mô toàn cầu”, để điều phối tốt hơn giữa các quốc gia thành viên và mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế và khu vực, đồng thời khiến nguồn vốn được sử dụng tốt hơn nữa.

Trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chiến lược thương hiệu gia đình là việc gộp tất cả các sản phẩm của doanh nghiệp cho cùng một thương hiệu, nhưng hoạt động quảng bá sản phẩm và hoạt động sáng tạo của tổ chức được thực hiện riêng lẻ.

Theo dự thảo này, ngoài hàng tỷ euro viện trợ không hoàn lại, EU sẽ cung cấp 40 tỷ Euro đảm bảo từ cơ chế Quỹ phát triển bền vững châu Âu (European Fund for Sustainable Development Plus). Văn kiện này cũng chỉ ra, theo chu kỳ dự toán ngân sách hiện tại của EU đến năm 2027, thông qua chương trình hỗ trợ phát triển toàn cầu của châu Âu, đầu tư vào kết nối và liên kết với nhau dự kiến ​​sẽ tăng mạnh với tổng ngân sách là 79,5 tỷ Euro.

Khi đưa ra chiến lược “Cánh cổng toàn cầu”, EU sẽ tập trung vào hỗ trợ các dự án trải dài toàn cầu. Trong đó bao gồm:

Khu vực Tây Balkans và Thổ Nhĩ Kỳ: Dự thảo nhấn mạnh việc mở rộng mạng lưới giao thông xuyên châu Âu là một hành động đi đầu. Đồng thời cũng chỉ ra rằng Kế hoạch Kinh tế và Đầu tư (Economic and Investment Plan) của EU ở Balkans đã đề xuất phương án đầu tư tổng quát, có kế hoạch sử dụng tới 9 tỷ Euro tài trợ trong bảy năm tới;

Khu vực Đông Âu: Trọng tâm sẽ là đầu tư kỹ thuật số và năng lượng tái tạo, và phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng sạch trong chuỗi giá trị nguyên liệu và pin ở Ukraine;

Khu vực Nam Âu: Có thể có tới 7 tỷ Euro viện trợ không hoàn lại, EU hy vọng sẽ mang đến 30 tỷ Euro đầu tư tư nhân vào các dự án liên quan, bao gồm sản xuất hydro tái tạo;

Khu vực Châu Phi: Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của EU đã lên tới 222 tỷ Euro, vượt qua chi tiêu của Mỹ và Trung Quốc. Mục tiêu của EU là phát triển nền kinh tế kỹ thuật số trên lục địa châu Phi, thúc đẩy khả năng tiếp cận Internet và mạng lưới giao thông;

Khu vực Trung Á: Mục tiêu của EU là xác định liên kết giao thông bền vững nhất, đồng thời tăng cường tính bền vững trong quy hoạch;

Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: EU đang nỗ lực cùng với các nước như Nhật Bản xây dựng đối tác kỹ thuật số trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo;

Khu vực Châu Mỹ La-tinh: Có kế hoạch mở rộng các dự án cáp quang biển và cáp quang trên mặt đất hiện có sang các nước khác;

Khu vực Bắc Cực: Thiết lập các dự án đồng tài trợ như hành lang xuyên biên giới 5G để hỗ trợ kết nối giữa EU và khu vực này, cũng như đầu tư vào hydro, một nguồn năng lượng tái tạo ở Greenland.

Theo Lâm Nghiên, Epoch Times

Related posts