Ngọc Mai
Tờ Mirror của Anh đưa tin, lần đầu tiên các bức ảnh vệ tinh đã chụp được cảnh những tù nhân đói ăn đang xếp hàng tại một trong những trại giam của Triều Tiên.
T’os ng-ni là một trại lao động chỉ cách biên giới Trung Quốc vài dặm. Trại giam này có khoảng 2.500 tù nhân bị buộc phải làm việc trong các trang trại gần đó. Họ bị buộc phải sản xuất đồng phục, áo khoác, mũ, ủng và xe đạp cho các dịch vụ an ninh của Triều Tiên.
Những người không may mắn này bị chế độ Triều Tiên buộc phải làm việc 12 giờ một ngày, thường xuyên thiếu thốn thức ăn và phải chịu điều kiện sống tồi tệ. Mặc dù vậy, T’os ng-ni cũng chưa phải là trại giam khắc nghiệt nhất ở Triều Tiên.
Những tội ác nghiêm trọng nhất mà theo chính quyền Triều Tiên là “tội phạm chính trị” bị trừng phạt tại các trại được gọi là “kwan-li-so”. Chế độ Triều Tiên phủ nhận sự tồn tại của các trại này.
Tờ Mirror đưa tin, những hình ảnh do vệ tinh chụp cho thấy các tù nhân run rẩy, đứng thành đội hình bên cạnh những chồng ngũ cốc. Một bức ảnh khác cho thấy các tù nhân trong một khoảng sân, hai bên là các xưởng công nghiệp.
Kim Doo-hyun, một người đào thoát khỏi Triều Tiên và có kiến thức về các trại giam này cho biết, các tù nhân phải đối mặt với hình phạt lao động cưỡng bức.
Ông nói: “Đôi khi các tù nhân được huy động để giúp đỡ các trang trại gần đó, họ phải xếp hàng và đi lại khi họ đi làm hoặc đi làm về, [giống] như những hình ảnh [mà vệ tinh] cho thấy. Ngoài ra, đồng phục của họ có màu xám và họ đội mũ cùng màu – và bạn có thể thấy rằng đỉnh đầu của họ trông hơi trắng trong tấm hình”.
Ông nói: “Hình ảnh này của các tù nhân cho thấy rõ ràng rằng [trại giam] Tos-ni vẫn đang hoạt động”.
Ông Kim nói thêm: “Gia đình có thể hỗ trợ thức ăn cho các tù nhân, nhưng tất nhiên không phải tất cả số thức ăn bạn gửi sẽ đến với người thân của bạn trong tù, một số đã bị các sĩ quan lấy. Nếu tù nhân không có gia đình hoặc không được gia đình hỗ trợ, cuộc sống trong tù sẽ khó tồn tại hơn nhiều”.
Theo Tổ chức Chống Nô Lệ Quốc Tế (Anti-Slavery International), các tù nhân ở Triều Tiên bắt đầu làm việc từ 4 giờ sáng và tiếp tục đến nửa đêm, ca làm việc kéo dài 12 giờ và không có ngày nghỉ là chuyện bình thường.
Giám đốc điều hành Greg Scarlatoiu của tổ chức Ủy ban Nhân quyền ở Triều Tiên (HRNK) cho biết: “Các tù nhân tại cơ sở giam giữ và các cơ sở giam giữ khác của Triều Tiên phải chịu một vòng luẩn quẩn không ngừng là lao động cưỡng bức và suy dinh dưỡng. Các điều kiện rất khủng khiếp và chúng tôi đã ghi nhận việc sử dụng lao động cưỡng bức tại trại”.
Chuyên gia về Triều Tiên Joseph Bermudez cho biết, hiện nay các hình ảnh vệ tinh “có thể được đưa ra và sử dụng tại tòa án pháp luật”.
Ông nói: “Chúng tôi kết hợp nó [hình ảnh vệ tinh] cùng các cuộc phỏng vấn với những người từng bị giam giữ, điều này cung cấp bằng chứng mạnh mẽ mà có thể sử dụng để đưa những người đã gây ra những vấn đề này ra trước công lý”.