Bắc Kinh phản đối Vancouver thiết lập liên hệ đối tác với thành phố của Đài Loan
Bắc Kinh đang phản đối kế hoạch thiết lập mối liên hệ đặc biệt với Thành phố Cao Hùng ở Đài Loan của Thành phố Vancouver, khi chế độ cộng sản này tiếp tục cô lập đảo quốc dân chủ trên trường quốc tế.
Hồi tháng Chín, Hội đồng Thành phố Vancouver đã thông qua một đề nghị do Thị trưởng Kennedy Stewart đề xuất nhằm thiết lập Chương trình Thành phố Hữu nghị, một lựa chọn ít tốn kém hơn để tăng cường mối liên hệ với các đô thị tự trị ngoại quốc so với chương trình Quốc tế Thành phố Kết nghĩa truyền thống.
Sau đó, ông Stewart đã tiếp cận các thành viên của cộng đồng người Đài Loan ở Vancouver, và họ đề nghị thành phố Cao Hùng ở miền nam Đài Loan.
Chính quyền Trung Quốc, vốn từ lâu đã coi Đài Loan là một tỉnh ly khai mặc dù chưa bao giờ có bất kỳ quyền kiểm soát chính thức nào đối với quốc gia tự trị này, lên án ý tưởng Chương trình Thành phố Hữu nghị.
Lãnh sự quán Trung Quốc tại Vancouver đã đưa ra một tuyên bố vào hôm 09/11 nói rằng đề nghị hợp tác với Cao Hùng của thành phố này là một hành động “tương tác chính thức” với Đài Loan mà họ “kiên quyết” phản đối.
Tuyên bố viết, “Nếu Thành phố Vancouver thiết lập các thành phố kết nghĩa, thành phố hữu nghị, hoặc thành phố đối tác với Đài Loan dưới hình thức ủy quyền chính thức, sự chấp thuận của hội đồng thành phố, hay trao đổi chính thức các tài liệu, thì tất cả chúng sẽ được coi là trao đổi chính thức với Đài Loan, tất cả đều là một phần của cơ chế tương tác chính thức. Chúng tôi kiên quyết phản đối điều này.”
Tuyên bố nói rằng Canada có “nghĩa vụ” tuân thủ “chính sách Một Trung Quốc” – chính quyền này nhấn mạnh rằng chỉ có một quốc gia có chủ quyền mang tên Trung Quốc và Đài Loan là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
“Nguyên tắc Một Trung Quốc” khác với “Chính sách Một Trung Quốc” được Canada và nhiều nước phương Tây áp dụng. Mặc dù Canada thừa nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc và không công nhận Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền, nhưng Canada chỉ “ghi nhận” tuyên bố của chế độ độc tài này đối với hòn đảo đó.
Hôm 12/11, The Globe and Mail đã đưa tin rằng giám đốc truyền thông Alvin Singh của ông Stewart cho biết Chương trình Thành phố Hữu nghị không nhằm mục đích trở thành một sự trao đổi chính thức với các đô thị tự trị ngoại quốc, và gợi ý một thành phố ở Trung Quốc đại lục cũng có thể được chọn cho một liên hệ hợp tác như vậy.
Ông Singh cho hay, “Toàn bộ quá trình này là do cộng đồng thúc đẩy, vì vậy nếu một cộng đồng muốn bất kỳ thành phố nào là thành phố hữu nghị và có thể cho thấy có một nhóm muốn điều này xảy ra, thì điều đó sẽ xảy ra.”
Ông Trần Kỳ Mại (Chen Chi-mai), thị trưởng Thành phố Cao Hùng, nói với Vision Times Hoa ngữ rằng Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền và bất kỳ sự can thiệp nào của Bắc Kinh vào các vấn đề ngoại giao của thành phố sẽ chỉ gây phản cảm cho công dân của thành phố này.
Vancouver hiện có năm mối liên hệ thành phố kết nghĩa: Quảng Châu ở Trung Quốc, Odessa ở Ukraine, Yokohama ở Nhật Bản, Edinburgh ở Scotland, và Los Angeles ở Hoa Kỳ.
Anh Andrew Chen là phóng viên của Epoch Times tại Toronto.
Cẩm An biên dịch
Tòa án Miến Điện kết án ký giả Hoa Kỳ 11 năm tù giam
BANGKOK – Hôm thứ Sáu (05/11), một tòa án ở quốc gia do quân đội cai trị Miến Điện (hay còn gọi là Myanmar) đã kết án ký giả Hoa Kỳ Danny Fenster 11 năm tù khổ sai, hình phạt cao nhất với ba tội danh, bất chấp những lời kêu gọi từ phía Hoa Kỳ và các tổ chức nhân quyền đòi trả tự do cho ông.
Đây là án phạt hà khắc nhất trong số các bản án dành cho bảy ký giả đã bị kết án kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử của ông Aung San Suu, người đã đạt Giải Nobel Hòa Bình hồi tháng Hai.
Ông Fenster, tổng biên tập của tạp chí trực tuyến Frontier Myanmar, vẫn phải đối mặt với các cáo buộc về tội khủng bố và phản quốc, theo đó ông có thể lãnh án tù tới mức cao nhất là chung thân.
Hôm thứ sáu (05/11), luật sư Than Zaw Aung cho biết, tòa án đã kết tội ông vì đã phát tán thông tin sai lệch hoặc thông tin mang tính kích động, liên lạc với các tổ chức bất hợp pháp, và vi phạm các quy định về thị thực.
Luật sư cho biết ông Fenster đã bật khóc sau khi nghe tuyên án và vẫn chưa quyết định có kháng cáo hay không.
Hình phạt hà khắc này là phán quyết mới nhất từ nhà cầm quyền quân sự trước những lời kêu gọi hòa bình từ khắp nơi trên thế giới nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị ở Miến Điện. Nhà cầm quyền này đang từ chối hợp tác với một đặc phái viên do các chính phủ Đông Nam Á chỉ định để làm trung gian đưa ra giải pháp, và đã không chùn bước trước các lệnh trừng phạt do Hoa Kỳ và một số quốc gia phương Tây áp đặt.
Giám đốc nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, bà Michelle Bachelet cho biết, lời kết tội và bản án hà khắc dành cho ông Fenster “là biểu trưng cho toàn cảnh rộng lớn hơn về các ký giả tại Myanmar, những người đã phải đối mặt với sự đàn áp liên tục kể từ cuộc đảo chính quân sự hôm 01/02.”
Theo bà Bachelet, có ít nhất 126 ký giả, quan chức truyền thông, hoặc nhà xuất bản đã bị quân đội nước này giam giữ kể từ khi quân đội lên nắm chính quyền và 47 người hiện vẫn đang bị giam giữ, và 20 người trong số đó đã bị buộc tội.
Bà cho biết, có đến chín hãng thông tấn đã bị thu hồi giấy phép, 20 hãng khác bị buộc đình chỉ hoạt động, và hàng chục ký giả vẫn phải ẩn náu do các lệnh bắt giữ vẫn còn hiệu lực.
“Các ký giả đã bị tấn công kể từ ngày 01/02, cùng với việc giới lãnh đạo quân đội rõ ràng đã cố gắng trấn áp nỗ lực của các ký giả trong việc đưa tin về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đang diễn ra trên khắp Myanmar cũng như mức độ phản đối [của người dân] đối với chế độ này,” bà Bachelet cho hay. “Myanmar đã nhanh chóng chuyển sang một môi trường kiểm soát, kiểm duyệt thông tin, và tuyên truyền như từng được chứng kiến dưới thời cai trị của các chế độ quân sự trong quá khứ.”
“Tôi kêu gọi các nhà chức trách quân sự hãy trả tự do ngay lập tức cho tất cả các ký giả đang bị giam giữ vì công việc của họ,” bà nói, nhấn mạnh rằng người dân đang bị tước đoạt [quyền tiếp cận] “tin tức mang tính sống còn.”
Theo phó phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc Farhan Haq, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ủng hộ quan điểm của bà Bachelet và nhắc lại rằng các ký giả ở khắp mọi nơi, kể cả những người đang ở Myanmar, phải được phép tác nghiệp mà không bị quấy rối và việc đưa tin về các dữ kiện có thật “không phải và không được phép bị xem là phạm tội.”
“Rõ ràng là ông Danny đang bị đưa ra làm gương, và vụ việc này cho thấy chính quyền quân sự không quan tâm đến cảm nghĩ của cộng đồng quốc tế,” nhà nghiên cứu người Miến Điện Manny Maung thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở tại New York cho biết. “Họ sẽ làm như cách họ muốn, và đây là một điển hình về việc họ về cơ bản đang cho cho cộng đồng quốc tế thấy mình không thể bị buộc phải chịu trách nhiệm như thế nào.”
Cuộc đảo chính của quân đội đã bị [người dân Miến Điện] phản đối bằng các cuộc biểu tình rộng khắp mà đã bị dập tắt bằng vũ lực dẫn đến thương vong. Lực lượng an ninh đã sát hại hơn 1,200 dân thường và bắt giữ khoảng 10,000 người khác, theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị. Các cuộc kháng cự có vũ trang đã lan rộng và các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cũng như các nhà quan sát khác đang lo ngại tình trạng nổi dậy ban đầu này sẽ tiến triển thành một cuộc nội chiến.
Ông Fenster đã bị bắt tại Phi trường Quốc tế Yangon vào ngày 24/05 khi ông chuẩn bị lên chuyến bay đến Detroit, Hoa Kỳ để đoàn tụ cùng gia đình.
Chính quyền do quân đội thành lập đã thẳng tay đàn áp tự do báo chí, đóng cửa hầu như tất cả các hãng thông tấn quan trọng. Trong số bảy ký giả bị kết án, có sáu người mang quốc tịch Miến Điện và bốn người đã được trả tự do trong một cuộc ân xá hàng loạt vào ngày 21/10.
Một số hãng thông tấn đã bị đóng cửa vẫn tiếp tục hoạt động mà không có giấy phép, vẫn xuất bản trực tuyến trong khi các nhân viên của họ tránh né bắt giữ.
Có ít nhất ba ký giả ngoại quốc khác, đến từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, và Ba Lan, đã bị bắt giữ. Ký giả Nathan Maung của Hoa Kỳ cho biết, ông đã bị tra tấn trong khi bị giam giữ.
Các phiên tòa xét xử về ba cáo buộc ban đầu chống lại ông Fenster được diễn ra tại một tòa án ở Nhà tù Insein khét tiếng ở Yangon, nơi ông bị giam giữ. Các phiên tòa này, cũng như sự tường thuật về quá trình tố tụng từ luật sư của ông Fenster đã không được công khai với giới truyền thông và công chúng.
Bất chấp lời khai từ hơn mười nhân chứng bên nguyên, người ta đã không thể biết được chính xác ông Fenster đã bị cáo buộc vì đã làm những gì, và có vẻ như ông đã bị tòa án nhận định là có tội chỉ vì liên đới (guilty by association).
Dường như phần lớn bản án của cơ quan công tố xoay quanh việc ông là nhân viên của Myanmar Now, một trang tin tức trực tuyến khác bị yêu cầu đóng cửa trong năm nay. Nhưng ông Fenster đã nghỉ việc tại Myanmar Now từ hồi tháng Bảy năm ngoái, và gia nhập Frontier Myanmar vào tháng Tám cùng năm.
Các nhân chứng bên nguyên làm chứng rằng, họ đã nhận được một bức thư thông báo từ Bộ Thông tin, rằng hồ sơ của cơ quan này cho thấy ông Fenster tiếp tục được Myanmar Now tuyển dụng trong năm nay.
Cả Myanmar Now và Frontier Myanmar đều đưa ra tuyên bố công khai rằng ông Fenster đã rời tòa soạn Myanmar Now năm ngoái, và luật sư của ông cũng đã đưa ra những lời chứng bào chữa, cũng như biên lai thuế thu nhập cho thấy ông làm việc cho tờ Frontier Myanmar.
Ông Than Zaw Aung nói rằng ông đã không thể đưa một quan chức chính phủ ra làm chứng, còn thẩm phán thì chỉ xét bức thư của Bộ Thông tin.
“Do đó, theo bức thư này, ông Danny phải chịu trách nhiệm về Myanmar Now và thẩm phán nói rằng đó là lý do ông Danny bị kết án,” vị luật sư này cho biết.
Ông cho biết, ông Fenster đã nói với ông rằng tổng biên tập của tạp chí Myanmar Now được cho là đã quên thông báo cho Bộ Thông tin về việc ông đã từ chức vào năm ngoái.
Chính phủ Hoa Kỳ, các nhóm nhân quyền, các hiệp hội tự do báo chí, và gia đình ký giả Fenster đã gây áp lực mạnh mẽ để giành lại tự do cho ký giả 37 tuổi này.
Ông Shawn Crispin, một đại diện Đông Nam Á của Ủy ban Bảo vệ Ký giả có trụ sở tại New York nói rằng: “Myanmar phải chấm dứt việc bỏ tù các ký giả chỉ vì thực hiện công việc đưa tin của họ.”
“Tôi cảm thấy choáng váng vì tin tức về việc một cử tri của tôi, ký giả Danny Fenster, bị kết án,” dân biểu Andy Levin của tiểu bang Michigan, một thành viên của Đảng Dân Chủ đến từ ngoại ô thành phố Detroit cho biết.
“Bất chấp việc luật sư của ông Danny đưa ra bằng chứng bác bỏ các cáo buộc hay bất kỳ hành vi sai trái nào chống lại ông ấy, phán quyết này được đưa ra trong một vụ truy tố không hề có chút cơ sở pháp lý nào,” ông cho biết trong một tuyên bố.
Do Grant Peck thực hiện
Doanh Doanh biên dịch
Nhà báo Anh ở Hong Kong bị từ chối gia hạn visa, làm dấy lên lo ngại
Tạp chí The Economist của Anh cho biết hôm thứ Sáu (12/11) rằng, chính quyền Hong Kong đã từ chối gia hạn thị thực làm việc cho phóng viên của họ ở Hong Kong, bà Hoàng Thục Lâm (Sue-Lin Wong), mà không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào. Ngoại giới lo ngại rằng, điều này đồng nghĩa với việc quyền tự do báo chí ở Hong Kong đang tiếp tục bị xói mòn.
Bà Zanny Minton Beddoes, Tổng biên tập Tạp chí The Economist cho biết trong một tuyên bố rằng: “Cục quản lý xuất nhập cảnh Hong Kong đã từ chối gia hạn thị thực làm việc cho phóng viên Sue-Lin Wong của chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy đáng tiếc về quyết định của họ và họ không đưa ra bất kỳ giải thích nào”.
Bà Beddoes nói thêm rằng, Sue-Lin Wong hiện tại không ở Hong Kong và tạp chí này “kêu gọi chính quyền Hong Kong cho phép giới truyền thông nước ngoài vào phỏng vấn, điều này rất quan trọng đối Hong Kong trong vai trò vị thế là một thành phố toàn cầu”.
Sue-Lin Wong là người Úc, bà làm việc cho The Economist ở Hong Kong và theo dõi tin tức Trung Quốc và Hong Kong. Trước đó, bà cũng từng làm việc cho Financial Times và Reuters.
Bà Wong viết trên Twitter cá nhân rằng: “Rất buồn khi tôi không thể tiếp tục đưa tin ở Hong Kong. Tôi thích thành phố này và con người nơi đây. Tôi sẽ nhớ tất cả các bạn”.
Sau khi thông tin này được đưa ra, rất nhiều người lo lắng rằng quyền tự do báo chí ở Hong Kong đang tiếp tục bị xói mòn.
Một số kênh truyền thông Hong Kong chỉ ra rằng, Sue-Lin Wong là nhà báo nước ngoài thứ ba bị từ chối gia hạn thị thực kể từ sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực thi Luật An ninh Quốc gia Hong Kong.
Theo một cuộc khảo sát do Hiệp hội phóng viên nước ngoài tại Hong Kong thực hiện, hầu hết (khoảng 84%) những phóng viên được phỏng vấn cho rằng, sau khi ĐCSTQ thực thi Luật An ninh Quốc gia Hong Kong, môi trường làm việc của ngành báo chí tại đây đang dần xấu đi.
Vào tháng 8 năm ngoái, Aaron Mc Nicholas, biên tập viên người Ireland của kênh truyền thông tiếng Anh Hong Kong Free Press (HKFP), cũng bị chính quyền Hong Kong từ chối cấp thị thực mà không có bất kỳ lý do gì.
Vào tháng 6 năm nay, Tờ Apple Daily do ông trùm truyền thông Hong Kong Jimmy Lai (Lê Chí Anh) sáng lập, đã bị buộc phải đình chỉ xuất bản do ảnh hưởng của Luật An ninh Quốc gia. Cảnh sát Hong Kong đã phong tỏa tài sản 2,3 triệu USD của ông Jimmy Lai, khám xét văn phòng của ông, đồng thời bắt giữ 5 biên tập viên cấp cao và nhân viên quản lý. Chính quyền Hong Kong buộc tội những người này “âm mưu cấu kết với nước ngoài hoặc thế lực nước ngoài gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”.
Ông Jimmy Lai cũng từng bị chính quyền Hong Kong bắt vì tham gia đêm hội kỷ niệm 31 năm Sự kiện Lục Tứ (ngày 4 tháng 6) ở Công viên Victoria vào năm 2020. Đồng thời cáo buộc ông và Liên minh Hong Kong ủng hộ các Phong trào dân chủ yêu nước ở Trung Quốc (đã giải thể) là động lực thúc đẩy cuộc biểu tình ngày 4/6 năm ngoái, kích động vi phạm pháp luật và yêu cầu phạt nặng. Vụ án này sẽ được xem xét quyết định vào ngày 9/12 năm nay.
Minh Anh
Theo The Epoch Times
Israel phát triển thiết bị nhìn xuyên tường
Công ty cảm biến hình ảnh 3D Vayyar tại Israel phát triển thiết bị cảm biến có khả năng “nhìn” xuyên qua các vật thể rắn và tạo ra hình ảnh ba chiều chính xác.
Công ty Vayyar Imaging Ltd. có trụ sở tại Israel phát triển một thiết bị có khả năng nhìn xuyên tường. Được gọi là Walabot, thiết bị tích hợp với điện thoại Android cho phép thợ sửa ống nước, thợ điện, và những người thích tự sửa chữa định vị được đường đi điện nước và độ ẩm trong tường.
Đây chỉ là một ứng dụng khả thi của công nghệ cảm biến có khả năng “nhìn” xuyên qua các vật thể rắn và tạo ra hình ảnh ba chiều chính xác. Vayyar phát triển con chip có cảm biến thu và cảm biến phát có thể thực hiện các thuật toán hình ảnh phức tạp, giúp nhìn xuyên tường và phân biệt giữa con người hoặc vật thể rắn.
Thiết bị cảm biến của Vayyar ban đầu được thiết kế như một thiết bị thu ảnh nhằm phát hiện sự sinh trưởng của các tế bào ung thư, hiện nay công nghệ đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Vayyar home là thiết bị phát hiện tai nạn nhằm bảo vệ người cao tuổi trong nhà và ở các khu chăm sóc. Khi người cao tuổi chẳng may bị ngã, thiết bị cảm biến sẽ truyền tín hiệu báo động tới người chăm sóc hoặc trung tâm kiểm soát để có hành động cứu trợ kịp thời. Vayyar home còn theo dõi và phân tích các dấu hiệu hành vi và sinh lý bao gồm nhịp thở, tư thế đứng, giờ thức và giờ ngủ, tần suất vận động. Tất cả thông tin đều hiển thị trên bảng điều khiển.
Trong ngành công nghiệp ô tô, Vayyar cung cấp các giải pháp về an toàn thông qua con chip có khả năng định vị và ghi nhận sự chuyển động. Bên trong xe, thiết bị cảm biến của Vayyar hỗ trợ cho ứng dụng CPD-Phát hiện Sự hiện diện của Trẻ em trong trường hợp trẻ con bị che khuất bởi chăn hoặc ngồi ở góc khuất, cũng như tính năng Nhắc nhở Thắt dây An toàn.
Trong khi bên ngoài xe, các cảm biến được sử dụng để phát hiện điểm mù, cảnh báo va chạm, hỗ trợ đỗ xe nâng cao, cảnh báo giao thông, phanh khẩn cấp tự động, giám sát lùi, thích ứng với hành trình và hỗ trợ chuyển làn.
Có trụ sở tại thành phố Yahud, Israel, Vayyar được thành lập vào năm 2011 bởi Raviv Melamed, một cựu giám đốc điều hành của Intel, cùng với Naftali Chayat và Miri Ratner. Tên công ty “Vayyar,” bắt nguồn từ thuật ngữ Kinh thánh trong sách Sáng thế ký có nghĩa là “để xem”.
Tính đến tháng 11 năm 2021, công ty có khoảng 250 nhân viên. Từ khi được sáng lập, Vayyar đã gọi vốn được hàng triệu đô la từ các nhà đầu tư như Battery Ventures LP đến từ Boston, Bessemer Venture Partners từ California, và công ty Claltech là công ty con của tập đoàn Access Industries có trụ sở tại Tel Aviv.