Minh Dũng
Tổng thống Honduras hôm 13/11 cho biết ông hy vọng đất nước của mình sẽ tiếp tục quan hệ hữu nghị với Đài Loan ngay cả sau khi ông rời nhiệm sở. Bình luận này của ông được đưa ra khi quốc gia Trung Mỹ này có thể chuyển sang công nhận chính quyền Bắc Kinh.
“Chúng ta là những người bạn thực sự,” Juan Orlando Hernandez nói với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn vào ngày thứ hai của chuyến thăm bất ngờ kéo dài ba ngày tới Đài Loan. “Lúc khó khăn mới thấy được tình bạn thực sự.”
“Chúng tôi hy vọng sẽ làm sâu sắc thêm tình hữu nghị và mối quan hệ ngoại giao như vậy trong hoặc sau nhiệm kỳ tổng thống của tôi.”
Ông Hernandez, người đang chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ thứ hai trong hai nhiệm kỳ bốn năm của mình, sẽ rời nhiệm sở vào tháng Giêng năm sau.
Ông Hernandez đã đến thăm Đài Loan trên cương vị là tổng thống vào năm 2015 và 2016, sau chuyến thăm trước đó với cương vị là Chủ tịch Quốc hội Honduras vào năm 2010, theo Hãng thông tấn Trung ương có trụ sở tại Đài Bắc.
Bà Thái gọi chuyến thăm của ông Hernandez là “quan trọng” vì đây là chuyến thăm đầu tiên của một đồng minh của Đài Loan tại khu vực Mỹ Latin kể từ sau đại dịch COVID-19. Bà Thái cho biết bà hy vọng rằng hai nước sẽ tiếp tục “giúp đỡ lẫn nhau” trên trường quốc tế.
Tuy cuộc gặp này kỷ niệm 80 năm quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia, nhưng mối quan hệ tương lai của hai quốc gia hiện đang bị nghi ngờ, vì đảng của ông Hernandez phải đối mặt với một thách thức khó khăn trong cuộc bầu cử ngày 28/11 để giữ chức tổng thống.
Một ứng cử viên hàng đầu được ủng hộ bởi các đảng đối lập chính ở Honduras đã tuyên bố sẽ thiết lập mối quan hệ chính thức với chế độ ở Trung Quốc nếu đắc cử, điều đó có nghĩa là nước này sẽ không còn công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập.
Ứng cử viên tổng thống, Xiomara Castro, cũng cho biết bà sẽ hợp pháp hóa việc phá thai trong một số tình huống nếu đắc cử.
Honduras hiện là một trong số 15 quốc gia duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với quốc đảo mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình và đe doạ sẽ dùng vũ lực để thống nhất nếu cần.
Thể chế ĐCS Trung Quốc đã và đang sử dụng các phương pháp ngoại giao và kinh tế để thu phục các đồng minh còn lại. Bảy quốc gia đã chuyển sang công nhận Bắc Kinh từ Đài Bắc từ năm 2016 đến năm 2019. Honduras, một trong số ít các quốc gia Mỹ Latinh duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan dân chủ, đã chịu áp lực này.
Tuy các quốc gia láng giềng đã nhận được vắc xin COVID-19 từ Bắc Kinh, nhưng các quốc gia như Honduras và Guatemala thì không, mặc dù Bắc Kinh đã phủ nhận rằng cái gọi là ngoại giao vắc xin là để đạt được ảnh hưởng địa chính trị.
Trong một phiên họp thường kỳ của Liên Hợp Quốc vào tháng 9, Honduras đã không ủng hộ sự hòa nhập quốc tế của Đài Loan, đánh dấu năm thứ sáu liên tiếp đồng minh Trung Mỹ không làm như vậy.
Đài Loan đã cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách sử dụng cuộc bầu cử ở Honduras nhằm “gây tranh cãi” và cảnh báo Honduras không nên bị lôi kéo bởi những lời hứa “hào nhoáng và sai lầm” của Bắc Kinh.
“Tôi kỳ vọng Đài Loan và Honduras sẽ tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau và đạt được tiến bộ trong những bước phát triển trong tương lai,” bà Thái nói vào ngày 13/11, đồng thời bày tỏ mong muốn một cuộc bầu cử tổng thống suôn sẻ tại nước này
Minh Dũng