Douglas Burton
Hôm 15/11, kỷ niệm 40 năm Ngày Của Nhà Văn Bị Cầm Tù, một đơn thỉnh cầu gửi tới Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đang kêu gọi ông giúp đỡ để giành lại tự do cho một cộng tác viên người Nigeria của The Epoch Times. Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos cũng sẽ tổ chức một sự kiện để kêu gọi sự chú ý về vụ bắt giữ các ký giả này.
Ông Luka Binniyat bị bắt hôm 04/11 tại Kaduna, Nigeria, và bị buộc tội “tấn công qua mạng” theo một đạo luật bị các nhà phê bình lên án là dùng để bịt miệng các ký giả đối lập.
Ông Binniyat, 52 tuổi, đã bị buộc tội vào hôm 09/11 tại tòa án sơ thẩm của Kaduna về tội tấn công qua mạng đối với Ủy viên Bộ An ninh Quốc gia Nigeria, ông Samuel Aruwan, vì một bài viết được The Epoch Times xuất bản tiết lộ rằng đã không có vụ bắt giữ hay truy tố nào xảy ra sau một tháng kể từ sau một vụ thảm sát những người theo đạo Cơ Đốc tay không tấc sắt tại một ngôi làng ở phía nam tiểu bang Kaduna hôm 26/09.
Tội danh ‘tấn công qua mạng’ được định nghĩa trong luật Nigeria là “hành động đe dọa, sách nhiễu, hoặc làm phiền ai đó thông qua nhiều email, cũng như thông qua internet, đặc biệt là với mục đích khiến người nhận lo sợ rằng một hành động bất hợp pháp hoặc gây thương tích sẽ xảy đến với mình,” theo ResearchGate.
Bà Nina Shea, học giả đứng đầu về tự do tôn giáo tại Viện Hudson, nói với The Epoch Times: “Thật phi lý khi ủy viên an ninh đầy quyền lực của tiểu bang Kaduna tuyên bố mình là nạn nhân của hành động ‘tấn công qua mạng’ của một phóng viên ở thị trấn nhỏ dựa trên một bài báo mà ông ấy viết cho khán giả Mỹ.”
“Tội danh liên bang về tấn công qua mạng của Nigeria căn bản được định nghĩa là hành vi làm cho một người cảm thấy ‘khó chịu’ về một thứ gì đó được gửi qua internet và là nhằm vào các âm mưu lừa đảo khét tiếng của người Nigeria. Cáo buộc rằng ủy viên an ninh đó là nạn nhân trong trường hợp này là bịa đặt một cách trắng trợn và nhằm mục đích cách khai ông ta khỏi bất cứ chỉ trích nào từ giới truyền thông dù là nhẹ nhất.”
Bà Shea đã chỉ ra một nghiên cứu của học giả pháp lý Abiodun Ashiru của Đại học Lagos State xác lập rằng điều khoản về tấn công qua mạng này là một “hạn chế về mặt pháp lý đối với quyền tự do ngôn luận ở Nigeria.”
Đơn thỉnh cầu gửi tới Ngoại trưởng Blinken, người dự kiến sẽ đến thăm các nguyên thủ quốc gia ở Kenya và Nigeria trong tuần này, kêu gọi ông yêu cầu Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari xem xét lại việc truy tố một phóng viên đang làm công việc đưa tin cho người Mỹ về các vấn đề an ninh quốc gia.
Theo đơn thỉnh cầu được ký tên bởi bà Dede Laugesen, giám đốc điều hành của tổ chức Cứu Trợ Cơ Đốc Nhân Bị Đàn Áp, “Tổ chức Cứu Trợ Cơ Đốc Nhân Bị Đàn Áp, một liên minh lớn của những người ủng hộ nhân quyền, kêu gọi ông trong chuyến thăm Nigeria tuần này hãy nghiêm nghị bày tỏ sự lo ngại đối với chính quyền Nigeria về những vi phạm nghiêm trọng về ngôn luận và báo chí hiện đang diễn ra ở Nigeria, cũng như việc chính quyền này đang thất bại thảm hại trong việc cung cấp sự bảo vệ và công lý cho các cộng đồng người theo đạo Cơ Đốc liên tục bị nhắm mục tiêu trong các cuộc tấn công sát hại của phiến quân Hồi Giáo Fulani hung hãn.”
Đơn thỉnh cầu này nói thêm:
“Việc bắt giữ và giam cầm vô căn cứ vì ‘tấn công qua mạng’ đối với ông Luka Binniyat, một ký giả hợp đồng của một tổ chức tin tức có trụ sở tại Hoa Kỳ và là một tiếng nói được quốc tế tôn trọng đối với những người có đức tin bị bức hại, chỉ là ví dụ mới nhất về việc các ký giả đã bị bỏ tù dựa trên những cáo buộc lố bịch và bịa đặt ra sao.”
“Ông Binniyat gia nhập hàng ngũ ngày càng nhiều các ký giả bị bắt giam vô cớ vì đưa tin về bạo lực tôn giáo tràn lan ở Nigeria và kêu gọi các quan chức vô năng, những người không chịu công nhận những nạn nhân của những hành động tàn bạo này và truy tố những kẻ phải chịu trách nhiệm. Áp lực quốc tế nhằm yêu cầu tự do cho ông Binniyat cần phải nhanh chóng và mạnh mẽ.”
“Việc vi phạm quyền tự do biểu đạt và tự do bày tỏ quan điểm của ông Binniyat sẽ chỉ càng làm dập tắt tiếng nói của các ký giả độc lập đang thực hiện việc đưa tin quan trọng về nạn bạo lực tôn giáo tràn lan ở Nigeria. Việc bắt giữ ông Binniyat tại thời điểm ông đang viết cho khán giả Mỹ là một nỗ lực trắng trợn của các quan chức Nigeria nhằm hạn chế hoạt động tự do báo chí ở Hoa Kỳ và cản trở việc phương Tây chia sẻ thông tin vô cùng thiết yếu nhằm xác định và giải quyết một cách thích đáng toàn cảnh mức độ khủng bố ở Nigeria, đối tác quan trọng nhất của Mỹ tại Phi Châu.”
Bà Laugesen cho biết đơn thỉnh cầu được đăng hôm 12/11 này đang nhận được “phản hồi tốt.”
Bà Shea là một trong những người nằm trong danh sách ngày càng tăng các nhà phê bình đang kêu gọi trả tự do cho ông Binniyat. “Vụ việc này nhằm mục đích bịt miệng một phóng viên và đánh lạc hướng sự chú ý khỏi chủ đề nghiêm trọng của bài báo của ông ấy. Tòa án nên ngay lập tức trả tự do cho ông Luka Binniyat và dỡ bỏ những cáo buộc vô nghĩa này,” bà cho biết.
Vụ bắt giữ ông Binniyat đã được The Epoch Times, Sahara Reporters, và The Christian Post đưa tin – những tờ báo này đều là các ấn phẩm có trụ sở tại Hoa Kỳ – nhưng các tờ báo có trụ sở tại Nigeria thì lại rất ít đưa tin về vấn đề này và không có kênh truyền hình nào ở nước này đưa tin. Ngược lại, việc ông Binniyat bị bắt và bị xét xử vì tội phỉ báng vào năm 2017, khi ông còn là giám đốc văn phòng của Vanguard News, lại đã được báo chí Nigeria đưa tin rộng rãi.
“Hầu hết các phương tiện truyền thông Nigeria từ chối đưa tin về quá trình tố tụng vì lo sợ bị chính quyền trừng phạt,” ông Kyle Abts, giám đốc điều hành của Ủy ban Quốc tế về Nigeria, viết cho The Epoch Times.
Trong một diễn biến liên quan đến vụ bắt giữ ông Binniyat, Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos sẽ tổ chức một hội nghị trên web hôm 15/11 lúc 3 giờ chiều giờ chuẩn miền Đông (EST) về việc bỏ tù oan các ký giả, nhà văn, và học giả trên khắp thế giới. Hội nghị trực tuyến này, do các Dân biểu James P. McGovern (Dân Chủ-Massachusetts) và Christopher H. Smith (Cộng Hòa-New Jersey) đồng chủ trì, sẽ mở cho các thành viên của Quốc hội, nhân viên Quốc hội, công chúng quan tâm và giới truyền thông. Để tham dự, vui lòng đăng ký tại đây.
Hội nghị này sẽ kết hợp nghiên cứu của ba tổ chức – PEN America, Ủy ban Bảo vệ Ký giả, và Các Học giả Gặp rủi ro – để nâng cao nhận thức về thực trạng ngày càng có nhiều nhà văn và nhà lãnh đạo tư tưởng bị bỏ tù vì biểu đạt bản thân. Ba nhóm trên đã ghi nhận rằng số lượng ký giả và nhà văn bị bỏ tù về cơ bản đã tăng lên đáng kể trong hai năm qua.
Ông Douglas Burton là một cựu quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, từng được cử đến Kirkuk, Iraq. Ông viết tin tức và bình luận từ Hoa Thịnh Đốn.
Hạo Văn biên dịch