Tại Los Angeles của Mỹ vào năm 2012, Phó chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ là Tập Cận Bình đã nếm thử hạt mắc ca phủ sô cô la trong cuộc gặp với Joe Biden, theo SCMP.
Đó là một phần của chuyến công du Mỹ kéo dài 5 ngày. Khi chuyến công du sắp kết thúc, ông Biden công khai ca ngợi ông Tập về sức chịu đựng, sự quan tâm của ông đối với nước Mỹ và mong muốn gặp gỡ người dân Mỹ.
Chỉ trong vòng chưa đầy một thập niên, cả ông Tập và ông Biden đều đã vươn lên trở thành lãnh đạo của đất nước mình nhưng quan hệ song phương đã rất khác.
Trong vài năm qua, hai cường quốc đã đáp trả nhau bằng các biện pháp trừng phạt, các động thái quân sự, thuế quan do hàng loạt mâu thuẫn, từ nhân quyền, kinh tế, Biển Đông, Đài Loan, đến đại đại dịch.
Hôm thứ Hai theo giờ Mỹ, ông Tập và ông Biden sẽ lại đối đầu với nhau trong hội nghị trực tuyến. Mỗi bên đều tìm cách sử dụng thế mạnh của mình để giành lợi thế.
Thế mạnh trong và ngoài nước
TT Biden tham dự hội nghị với ông Tập sau chuyến công du châu âu để khẳng định lại vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ. Ông Biden cũng dừng chân cho hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome và hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc ở Glasgow.
Tổng thống Mỹ đã chỉ trích người đồng cấp Trung Quốc vì vắng mặt trong cả hai cuộc họp quan trọng.
Ông Tập được biết đến với lịch trình công du quốc tế dày đặc nhưng ông đã không rời Trung Quốc kể từ khi bắt đầu đại dịch toàn cầu năm ngoái. Do đó, ông đã không thể trực tiếp gây ảnh hưởng về mặt ngoại giao.
Trung Quốc cũng đang hứng chịu sự chỉ trích lớn hơn từ thế giới về thương mại, nhân quyền và Đài Loan.
Tuy nhiên, vị thế của ông Tập ở Trung Quốc chưa bao giờ mạnh hơn như hiện tại. Tại một cuộc họp mặt của các quan chức ĐCSTQ ở Bắc Kinh vào tuần trước, ông Tập đã được nhiều người tán thành hơn nữa đối với sự cai trị của mình.
Nhưng chỉ 10 tháng sau nhiệm kỳ đầu tiên của mình, TT Biden đang phải chịu áp lực trong nước, khi đảng Dân chủ đã thất bại trong cuộc bầu cử thống đốc tiểu bang hồi đầu tháng.
Bàng Trung Anh (Pang Zhongying), chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Ocean Trung Quốc, bình luận: “Kết quả bầu cử gần đây không tốt cho Đảng Dân chủ. Khi địa vị của ông Tập vừa được củng cố, ông Biden đang phải đối mặt với áp lực cho cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới ở Mỹ.”
Tuy nhiên, Robert Daly, giám đốc Viện Wilson Centre’s Kissinger về Trung Quốc và Hoa Kỳ, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cho rằng có thể không bên nào có ưu thế trong cuộc họp trực tuyến.
Ông Daly nói: “Ông Tập sẽ vươn cao trên sân nhà sau khi viết lại lịch sử đảng vào tuần qua, nhưng cách đối xử với Tân Cương, Hồng Kông và người dân Trung Quốc đã làm tổn hại vị thế quốc tế của ông ấy”.
Chuyên gia Daly nói thêm rằng mặc dù TT Biden đối mặt với một nước Mỹ bị chia rẽ, nhưng ông lại được chào đón nhiều hơn với tư cách là một nhà lãnh đạo toàn cầu hơn ông Tập.
Ông Daly bình luận thêm: “Cả ông Biden và ông Tập dường như đều không cân nhắc lại lợi ích hoặc chiến lược của quốc gia trước hội nghị thượng đỉnh. Thay vào đó, mỗi người dường như đang tìm kiếm một công thức có thể thuyết phục người kia chấp nhận các chính sách với các điều khoản của mình”.
Theo ông Bàng Trung Anh, không bên nào có khả năng thừa nhận bên kia có thế mạnh, nhưng khi TT Biden tìm cách thiết lập lại vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ, Washington đang phát huy những lợi ích mà liên minh có thể mang lại.
Ông nói: “Hoa Kỳ có lợi thế trong hệ thống liên minh của mình, chẳng hạn như hội nghị thượng đỉnh về dân chủ sắp diễn ra. Giờ đây, họ có Aukus, đứng trên Nato và họ lại đảm nhận vai trò lãnh đạo trong G7 và G20.”
Vào đầu tháng 12, TT Biden dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trong hai Hội nghị thượng đỉnh vì Dân chủ, quy tụ các nhà lãnh đạo từ chính phủ, xã hội dân sự và khu vực tư nhân.
Phong cách diều hâu và bồ câu
Theo Dimitar Gueorguiev, trợ lý giáo sư khoa học chính trị tại Trường Công dân và Công vụ Maxwell tại Syracuse, ông Biden được coi là bồ câu còn ông Tập giống một con diều hâu chấp nhận rủi ro.
Ông Gueorguiev cho rằng điều đó đặt nhà lãnh đạo Mỹ vào thế bất lợi chiến lược về các lựa chọn có thể đưa ra đàm phán. Ông nói:
“Và vì họ đang thử nghiệm giọng điệu nhẹ nhàng hơn này trong cuộc đối thoại. Chính quyền Biden thực sự gặp khó khăn hơn vì họ phải cẩn thận để không có vẻ như đang mềm mỏng với Trung Quốc ”.
Kinh tế
Thời Ân Hoằng (Shi Yinhong), giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, nhận định, với việc nền kinh tế Mỹ khởi sắc trở lại, ông Biden có thể có một số “lợi thế cận biên”.
Ông nói: “Vấn đề của phía chúng tôi là chúng tôi không khá giả về mặt tài chính. Mỹ đã nhận gói kích thích 1,9 nghìn tỷ USD từ lâu và đã thông qua một gói cơ sở hạ tầng 1,2 nghìn tỷ USD khác. Nhưng có vẻ như Trung Quốc không có các loại công cụ tài chính tương tự, và năng lực tài chính cũng như rủi ro tài chính của Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn đáng kể”.
Tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc chậm lại trong quý thứ ba, GDP của nước này ở quý III chỉ tăng 4,9%, giảm so với mức tăng trưởng 7,9% của quý 2, trong bối cảnh những thách thức kinh tế ngày càng gia tăng, như khủng hoảng năng lượng và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu
Nỗi lo về rủi ro tài chính hệ thống vẫn còn lớn khi Evergrande, nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai về doanh số, phải đối mặt với 366 triệu đô la Mỹ trả lãi trước cuối năm.