Tin thế giới sáng thứ Năm

Châu Âu kêu gọi ‘chấm dứt nỗi khổ’ của dân di cư ở biên giới Ba Lan-Belarus

Thu Hằng

Cảnh sát Ba Lan phun vòi rồng giải tán các nhóm di dân tập trung ở biên giới chung với Belarus, tại Kuznica – Bruzgi, Ba Lan, ngày 16/11/2021. © Policja Podlaska/Handout via REUTERS

Sau Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu, đến lượt Hội Đồng Toàn Châu Âu, trụ sở tại Pháp, lên tiếng về cuộc khủng hoảng di dân ở biên giới Belarus-Ba Lan. Ngày 16/11/2021, cao ủy châu Âu về Nhân quyền của Hội Đồng Toàn Châu Âu, bà Dunja Mijatovic, đã kêu gọi giảm căng thẳng ở biên giới hai nước và cho phép các tổ chức nhân đạo, truyền thông được vào khu vực hiện vẫn « nội bất xuất, ngoại bất nhập ».

Đặc phái viên RFI Damien Simonart tường trình từ Bialystok – Ba Lan:

‘‘Chính họ là những người giúp cho châu Âu đỡ mất mặt’’. Cao ủy nhân quyền của Hội Đồng Toàn Châu Âu không ngớt lời ca ngợi những thiện nguyện viên hỗ trợ người nhập cư đang sống trong rừng. Bà Dunja Mijatovic đã gặp những người này tại một trung tâm cứu trợ ở Michalowo và đã hiểu được phần nào quy mô của thảm kịch đang diễn ra ở biên giới.

Bà nói: Đương nhiên, tình hình vô cùng phức tạp và có nhiều vấn đề. Chúng ta có thể thấy được nỗi khổ của những người bị bỏ rơi trong hoàn cảnh bất trắc. Chúng ta phải tìm ra được cách tháo gỡ tình hình. Mục tiêu là phải chấm dứt được nỗi khổ này.  

Chỉ cách đó vài kilomét, các vụ xô xát vẫn xảy ra giữa người nhập cư và binh sĩ Ba Lan. Người nhập cư ném đá và lựu đạn gây choáng, mà theo cáo buộc của Ba Lan là do chính quyền Belarus cung cấp. Còn binh sĩ Ba Lan đáp trả bằng vòi rồng và khí cay.

Phía Ba Lan có 9 cảnh sát, 2 lính biên phòng và 1 quân nhân bị thương. Trong khi đó tại Vacxava, Nghị Viện thảo luận về việc cho phép nhà báo vào khu vực khi tình trạng khẩn cấp ở biên giới sẽ hết hiệu lực vào 02/12 tới”.

Ba Lan cảnh báo nguy cơ khủng hoảng di dân kéo dài nhiều tháng
Ngày 17/11, bộ trưởng Quốc Phòng Ba Lan cho biết người nhập cư tiếp tục « tấn công biên giới Ba Lan » vào ban đêm, đồng thời cảnh báo cuộc khủng hoảng ở biên giới với Belarus « sẽ không được giải quyết nhanh chóng » và có thể kéo dài nhiều tháng.

Dù nhiều người nhập cư đã tình nguyện hồi hương, nhưng có khoảng 4.000 người, hầu hết mắc nợ vì vay tiền sang châu Âu, vẫn tập trung ở biên giới tìm cách vào Ba Lan. Lực lượng biên phòng Ba Lan thống kê « 161 kế hoạch vượt biên trái phép » trong đó có « hai vụ dùng vũ lực để vượt biên » được ghi nhận vào tối 16/11. 

Covid-19: Các nước châu Âu siết chặt đối tượng không tiêm chủng

Anh Vũ

Cảnh sát Áo kiểm tra giấy chứng nhận tiêm chủng của một người bán hàng tại Vienna (Áo) ngày 16/11/2021. © REUTERS/Lisi Niesner/File Photo

Đợt dịch mới Covid-19 đang bùng lên trở lại dữ dội. Để đối phó, nhiều nước trong Liên Hiêp Châu Âu (EU) buộc phải thắt chặt hay trở lại các biện pháp hạn chế phòng dịch trước đây. Những người không tiêm vac-xin ngừa Covid-19 là đối tượng chính của các quy định.

Mặc dù là khu vực có tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao do có nguồn vac-xin đầy đủ, nhưng tại châu Âu những ngày qua, dịch Covid-19 đang diễn biến đáng lo ngại. Nhiều nước đã buộc phải trở lại với các biện pháp hạn chế phòng dịch nghiêm ngặt. Đối tượng chủ yếu được nhắm đến là những người không tiêm phòng.    

Từ đầu tuần này (15/11), Áo là nước đầu tiên trong Liên Hiệp Châu Âu áp dụng phong tỏa những người không tiêm phòng Covid-19. Nước này cũng đã cho mở rộng tiêm chủng đối với trẻ em từ 5 tuổi trở lên. Hiện tỷ lệ tiêm phòng Covid của nước này mới đạt 65%, tương đối thấp so với các nước khác trong EU.

Từ ngày 15/11, tại Áo, những người trên 12 tuổi chưa tiêm phòng Covid-19 không được phép rời khỏi nơi ở, trừ khi phải đi mua đồ, tập thể thao hay khám chữa bệnh. Ai vi phạm sẽ bị phạt 500 euro.

Tại Hà Lan, thủ tướng Mark Rutte từ hôm 12/11 đã thông báo áp dụng trở lại phong tỏa từng phần cùng một loạt các biện pháp hạn chế: Đóng cửa quán ăn trước 20 giờ, cửa hàng dịch vụ không thiết yếu đóng cửa lúc 18 giờ. Chính phủ đang chờ Quốc Hội thông qua lệnh cấm những người không tiêm chủng được đến quán bar, nhà hàng hay những địa điểm giải trí công cộng.  

Đức là nước đang trở thành tâm dịch của châu Âu với tỷ lệ lây nhiễm cao nhất từ đầu đại dịch: 303 ca trên 100 nghìn dân. Những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt đang được các đảng chuẩn bị thành lập chính phủ mới bàn thảo đưa ra trong những ngày tới. Các biện pháp thắt chặt cũng tập trung nhằm vào đối tượng không tiêm chủng.

Tại Litva, những người không tiêm chủng bị cấm đến các quán ăn, nơi công cộng. Ngoài ra nhân viên một số ngành nghề có thể bị mất việc vì không tiêm vac-xin theo những quy định mới ban hành từ đầu tuần này. Thậm chí các quan chức chính trị, dân biểu không có chứng nhận tiêm chủng cũng phải tạm nghỉ việc cho đến khi tiêm phòng đầy đủ.

Tại Pháp, mức độ lây lan của virus cũng đang có dấu hiệu tăng nhanh. Trước mắt mới có các trường học phải trở lại với quy định bắt buộc đeo khẩu trang. Chính phủ không loại trừ khả năng trở lại các biện pháp hạn chế phòng dịch trước đây. 

Pfizer cam kết giúp nước nghèo tiếp cận dễ dàng thuốc trị Covid-19

RFI

Các vỉ thuốc trị Covid-19 Paxlovid của hãng Pfizer được chế tạo tại thành phố Ascoli (Ý). Ảnh không ghi ngày được gởi đến hãng tin Reuters ngày 16/11/2021. © Pfizer/Handout via REUTERS


Vài tuần sau tập đoàn Merck, hôm 16/11/2021, Pfizer thông báo sẽ tạo thuận lợi cho các nước nghèo tiếp cận với loại thuốc chữa trị Covid-19 mà tập đoàn này đang nghiên cứu bào chế và thử nghiệm. Cụ thể là tập đoàn Mỹ sẽ không lấy tiền hoa hồng bán thuốc ở những nước này. Tuy nhiên, một số tổ chức phi chính phủ, như Bác sĩ không biên giới, cho rằng biện pháp này chưa thuyết phục lắm.

Từ Geneva, thông tín viên Jérémie Lanche tường trình:  

PF-07321332… hy vọng đây chỉ là tên tạm thời – vì rất khó nhớ – của viên thuốc uống Pfizer. Điều đáng chú ý là nếu uống thuốc ngay khi có những triệu chứng đầu tiên, cùng với một phân tử khác, thì có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ phải nhập viện hoặc tử vong đến gần 90% các trường hợp. Nếu các kết quả thử nghiệm khả quan và nếu như Pfizer được cấp giấy phép đưa sản phẩm ra thị trường.  

Giống như Merck cách nay ít ngày, Pfizer đã ký một thỏa thuận với Quỹ Sáng chế dược phẩm chung (Medecines Patent Pool – MPP) ở Geneva, một tổ chức được Liên Hợp Quốc hỗ trợ. Tổ chức này chịu trách nhiệm cấp giấy phép phụ cho các nước nghèo để họ phát triển thuốc đồng dạng (generic) với chi phí thấp hơn. Hervé Verhoosel phát ngôn viên của Unitaid, tổ chức đã tạo ra MPP nói : Chúng tôi có một thỏa thuận hơi khác nhau một chút đối với những nước khác nhau. Có 105 quốc gia trong thỏa thuận ban đầu, hiện giờ có 95 nước trong thỏa thuận này và nhóm quốc gia này tương đương với hơn một nửa dân số thế giới.  

Unitaid do đó tỏ ra lạc quan. Trong khi tổ chức Bác sĩ không biên giới – MSF – thì hoàn toàn ngược lại, cảm thấy nản lòng khi các nước sản xuất thuốc đồng dạng nhiều như Brazil và Trung Quốc lại không có mặt trong thỏa thuận này, trong khi các hãng dược phẩm vẫn phản đối việc từ bỏ các bằng sáng chế dược phẩm chống Covid của họ. 

Úc thắt chặt quy định chống can thiệp nước ngoài trong các trường đại học

Anh Vũ

Ảnh minh họa: Bên ngoài đại học xá trường Đại Học New South Wales tại Sydney (Úc), ngày 01/12/2020. © AP Photo/Mark Baker

Theo Reuters ngày 17/11/2021, chính quyền Úc vừa thông báo các quy định thắt chặt quản lý các trường đại học nhằm chống sự can thiệp của nước ngoài, ngăn chặn chuyển giao các bí mật công nghệ nhạy cảm từ các nghiên cứu ở đại học.

Úc là nước  đón nhận du học sinh nước ngoài đông thứ 4 trên thế giới, trong đó đại đa số đến từ Trung Quốc. Do đại dịch Covid-19 , hàng trăm nghìn sinh viên quốc tế vẫn đang chờ mở cửa để được vào Úc theo học.  

Hôm nay (17/11), bà bộ trưởng Nội Vụ Úc, Karen Andrew cho biết chính quyền đã ban hành các chỉ thị về can thiệp nước ngoài nhằm bảo vệ các trường đại học và sinh viên chống lại « các tác nhân nước ngoài và cơ quan tình báo của các nước thù địch, vẫn luôn nhắm vào các nghiên cứu khoa học nhạy cảm, bịt miệng tranh luận và hăm dọa các sinh viên nước ngoài ».

Chỉ thị mới cũng nói rõ là Úc lo ngại sẽ mất lợi thế thương mại vì các công nghệ bị chuyển giao ngoài ý muốn ra bên ngoài, đặc biệt đến những nước không được đánh giá là minh bạch hay dân chủ.  

Các trường đại học của Úc giờ phải xác định những đối tượng nào sẽ phải chịu sự kiểm soát về các mối quan hệ với các chính phủ hoặc công ty nước ngoài.  

Hồi tháng Sáu vừa qua, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Right Watch đã tố cáo một số lượng lớn các sinh viên Trung Quốc trong các trường đại học Úc đã cùng với các giáo sư thiết lập một hệ thống tự kiểm duyệt tránh các tranh luận, nghiên cứu có nội dung phê phán Bắc Kinh. Ngoài ra nhiều sinh viên Trung Quốc đã phải giữ im lặng vì sợ bị sách nhiễu.

Chỉ thị của chính quyền Úc không nêu tên Trung Quốc nhưng nêu ra một số trường hợp nghiên cứu, bài viết liên quan đến Trung Quốc như biểu tình ở Hồng Kông, nguồn gốc đại dịch Covid đã bị những áp lực từ các cơ quan đại diện lãnh sự của nước này.

Từ năm 2018, Úc đã thông qua bộ luật đầu tiên về chống can thiệp nước ngoài. Các quy định mới với mục đích tương tự cho các trường đại học được đưa ra trong khi quan hệ giữa Úc và Trung Quốc đã xấu đi nghiêm trọng kể từ khi Canberra kêu gọi mở điều tra độc lập về nguồn gốc virus corona gây ra đại dịch Covid-19.

Tuần trước chủ tịch ủy ban tình báo Thượng Viện Úc đã phát biểu trước Nghị Viện Châu Âu rằng các quy định của Úc về can thiệp nước ngoài chính là câu trả lời cho mối đe dọa Trung Quốc.  

Mới đây Ủy Ban Châu Âu đã cho biết đang triển khai soạn thảo các quy định chống can thiệp nước ngoài đối với các trường đại học của Châu Âu.  

Related posts