Du Miên
Cả Bắc Kinh và Moscow đều đang ngăn chặn đề xuất của Hoa Kỳ về việc tổ chức một cuộc gặp sắp tới của các nhà lãnh đạo châu Á, dù các thông tin trước đó cho biết chỉ có Nga đang ngăn cản đề xuất này.
Một nguồn tin ngoại giao đã nói với The Epoch Times thông tin này trong một cuộc phỏng vấn độc quyền vào ngày 17/11. Vào ngày 12/11, Politico tiết lộ rằng, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation – APEC) không thể đồng ý với đề xuất của Tổng thống Dân chủ Mỹ Joe Biden về việc tổ chức một diễn đàn sắp tới, do “những lo ngại của một quốc gia thành viên”.
Tuy nhiên, theo nguồn tin ngoại giao của The Epoch Times, cả Nga và Trung Quốc đều ngăn chặn đề xuất này. Theo nguồn tin, Trung Quốc muốn đứng ở vị trí “người cầm cương” và đang đặt vấn đề về Đài Loan và “những thứ khác”. Theo nguồn tin, Hoa Kỳ và Trung Quốc “là đối thủ cạnh tranh”. Họ cho biết: “Trung Quốc cũng đang mạnh lên về mặt kinh tế. Họ muốn phô trương thanh thế của nó. Trung Quốc muốn ngồi trên ghế của người cầm cương”.
Nga và Trung Quốc vẫn có thể tiếp tục và đồng ý để Hoa Kỳ đăng cai tổ chức cuộc họp. Các quyết định về nơi tổ chức các cuộc họp của APEC cần có sự đồng thuận của tất cả 21 quốc gia. Theo nguồn tin, “cả Nga và Trung Quốc vẫn đang ‘xem xét’ việc tổ chức APEC ở Mỹ”.
Nguồn tin không tin rằng Trung Quốc sẽ có hành động quân sự đối với Đài Loan. Ông nói: “Tôi không chắc Trung Quốc sẽ quá mạnh tay với Đài Loan. Họ có rất nhiều thứ để mất”.
Đại sứ quán của Trung Quốc tại Washington đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận từ phía The Epoch Times. Vì lo ngại nguy cơ bị trả đũa, nguồn tin ngoại giao của hãng tin không muốn lộ danh tính.
Ông Biden vẫn có cơ hội đăng cai tổ chức APEC, theo nguồn tin, “vì đó sẽ là năm 2023, vẫn còn thời gian để đưa ra quyết định”.
Vào ngày 12/11, Thủ tướng New Zealand là bà Jacinda Ardern nói với các phóng viên rằng, bà có “mọi niềm tin rằng chúng ta sẽ thấy [sự bế tắc] được giải quyết trong thời gian ngắn”. Theo Politico, “cả bà Ardern và Nhà Trắng đều không xác định được thành viên APEC nào đang ngăn cản việc Hoa Kỳ đăng cai tổ chức cuộc họp, nhưng 2 cựu quan chức Hoa Kỳ cho biết các dấu hiệu cho thấy Nga có thể là nghi can”.
Một trong những nguồn tin của Politico là một cựu quan chức cho biết: “Thông tin hành lang là Nga đang chặn sự đồng thuận, trừ khi Hoa Kỳ dỡ bỏ các hạn chế đi lại của Hoa Kỳ đối với những người Nga bị trừng phạt”. Hãng tin này đã viết rằng: “Hoa Kỳ và các quan chức Nga dự kiến sẽ gặp nhau vào tuần tới để cố gắng tìm ra hướng đi phía trước”.
Nhà Trắng có vẻ ủng hộ các thông tin về việc Nga là nguồn gốc của sự tắc nghẽn. Theo một người phát ngôn của Nhà Trắng được Politico trích dẫn, một trong hai phía vẫn “chưa đạt được sự đồng thuận”.
Nhà Trắng đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của The Epoch Times.
Sự phản đối của Nga và có thể của cả Trung Quốc đối với đề xuất đăng cai tổ chức APEC của Hoa Kỳ chỉ làm gia tăng căng thẳng giữa 3 nước. Bế tắc ngoại giao diễn ra khi Bắc Kinh đe dọa hành động quân sự chống lại Đài Loan và Úc. Mối đe dọa thứ hai xảy ra khi Úc, cùng với Nhật Bản, chỉ ra rằng họ sẽ hỗ trợ Hoa Kỳ trong hành động quân sự để bảo vệ Đài Loan.
Ông Biden đã 2 lần khẳng định Hoa Kỳ cam kết bảo vệ Đài Loan. Trong 5 năm qua, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã có những hành động đe dọa đặc biệt đối với Hoa Kỳ và các đồng minh trong hiệp ước là Nhật Bản và Philippines. Đồng minh của Trung Quốc là Triều Tiên thường tỏ ra hiếu chiến với Nhật Bản cũng như đồng minh hiệp ước khác của Mỹ là Hàn Quốc.
Ở châu Âu, Nga thường xuyên điều động chuyến bay cho các máy bay ném bom và máy bay chiến đấu có khả năng hạt nhân. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thể hiện sự ủng hộ của mình đối với đồng minh Belarus, nước đang cố gắng sử dụng người tị nạn Trung Đông như một vũ khí, bằng cách khuyến khích họ nhập cư bất hợp pháp vào Liên minh châu Âu qua đường biên giới ngày càng kiên cố của Ba Lan.