Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong vì dịch bệnh

Đỗ Duy Ngọc

20-11-2021

Đêm hôm qua 19-11, thành phố đã tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ đã tử vong vì dịch. Đó là việc cần làm nên làm và phải làm. Hàng chục ngàn người đã chết, biết bao gia đình đã tan nát, tổ ấm không còn, biết bao đứa trẻ đã trở thành kẻ mồ côi, những hũ cốt xếp hàng lặng lẽ. Cơn đại dịch đã khiến cho người dân trải qua một thời gian dài sống trong lo âu, sợ hãi và sang chấn tâm lý. Cơn đại dịch cũng đã biến Sài Gòn xơ xác, bi thương suốt cả mấy tháng trường.

Tất cả đang dần đi qua, rồi cũng sẽ đi qua. Nhưng nỗi đau vẫn còn lại, âm ỉ trong lòng mỗi người, bi thương vẫn tồn tại trong mỗi gia đình có người chết trong cơn đại dịch. Người đã chết không thể sống lại được, nhưng những người còn sống phải trả lời cho được tại sao chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, con số tử vong lại quá cao như thế?

Trách nhiệm và lương tâm bắt chúng ta phải tìm câu trả lời. Không phải để rồi nguyền rủa hay trách móc mà để từ đó có cái nhìn sáng suốt và khoa học hơn về việc ngăn chận dịch bệnh. Tìm câu trả lời để lấy đó làm bài học vì dịch bệnh vẫn còn phức tạp và việc ngăn chặn nó vẫn còn nhiều cam go. Nhiều tỉnh thành hiện nay vẫn chống dịch bằng việc đi lại trên vết xe đổ của thành phố. Vẫn những biện pháp và chính sách như đã từng làm. Và như thế, hậu quả cũng khó tránh như thành phố này đã mắc phải.

Con virus chắc chắn không chịu nằm yên, nó vẫn đang tồn tại và tiếp tục gây bệnh. Thế nhưng, chúng ta còn quá chủ quan. Đêm qua tại bờ kênh Nhiêu Lộc, chùa Pháp Hoa thả hoa đăng. Hàng ngàn người chen chúc nhau, chen lấn nhau mà không nghĩ đến mầm tai hoạ có thể đến và có thể gây một cuộc bùng phát mới.

Những nỗi đau còn đó chưa nguôi, con virus cũng còn lẩn khuất khắp nơi, chính chúng ta vì thiếu cảnh giác có thể đưa đến những bi thương tiếp nối. Thắp một ngọn nến, thả một hoa đăng, gióng lên một tiếng chuông, đặt lên một cành hoa cho những người đã khuất là việc cần thiết nhưng đừng quên những người đang còn sống. Đừng vì những chuyện này mà lại khiến cho con số tử vong lên cao trở lại, người nhiễm bệnh nhiều hơn và xã hội lâm vào bế tắc.

Tại Hội trường Thống Nhất đêm qua cũng có mặt nhiều vị lãnh đạo trung ương cũng như thành phố. Khi đặt một cành hoa, thắp một nén nhang các ngài có khi nào tự kiểm với lòng mình đã có lúc thiếu sáng suốt, lúng túng, bất lực, đã có những sai lầm để đưa đến kết cuộc bi đát này chăng?

Con người còn lương tri sẽ vẫn còn xót xa và đau đớn khi nghĩ đến mấy chục ngàn người đã chết oan khuất trong cơn đại dịch. Bởi đáng ra họ không phải chết. Phải thắng thắn mà chấp nhận sự thật đó, không thể lẩn tránh. Tại sao có số người tử vong cao đến thế? Và hậu quả như vậy, trách nhiệm thuộc về ai?

Related posts