Fan Yu
Lạm phát sắp tấn công Trung Quốc vào một thời điểm rất không thích hợp.
Lạm phát và bóng ma về đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ có thể mang đến khó khăn kép cho nền kinh tế Trung Quốc khi nước này phải vật lộn để thoát khỏi tình trạng phong tỏa COVID-19.
Dữ liệu chính thức của Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho thấy giá tại nhà máy của Trung Quốc, hay chi phí mà người bán buôn mua từ các nhà máy, đã tăng 13.5% trong tháng Mười so với một năm trước. Đây là mức tăng nhanh nhất trong chỉ số giá của nhà sản xuất (PPI) của Trung Quốc kể từ năm 1996. Chỉ số này theo dõi thuần túy giá hàng hóa tại “cửa nhà máy” và không bao gồm chi phí vận chuyển hoặc kho vận, vốn cũng đang tăng.
Con số đáng báo động là kết quả của việc tăng giá đầu vào khác, bao gồm cả than, dầu, thép, và điện. Lạm phát tại nhà máy có thể đã trở nên trầm trọng hơn do cuộc khủng hoảng năng lượng bất ngờ trong vài tháng qua. Vào tháng Mười, Trung Cộng đã ra lệnh cho các công ty khai thác của họ tăng sản lượng than và buộc phải giảm giá để giảm chi phí năng lượng.
Điều đó không có gì ngạc nhiên đối với người tiêu dùng Hoa Kỳ vốn đã phải hứng chịu lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Mười ở Hoa Kỳ tăng 6.2% so với năm 2020, mức tăng nhanh nhất so với cùng kỳ năm trước trong 31 năm.
Ở Trung Quốc, giá tiêu dùng không tăng đến mức đó, nhưng vấn đề chỉ là thời gian. Giá cao hơn tại các cổng nhà máy của Trung Quốc ảnh hưởng đến toàn thế giới— vì tất cả mọi người đều tiêu dùng hàng Trung Quốc – bao gồm cả người tiêu dùng ở Trung Quốc.
CPI của Trung Quốc cao hơn 1.5% trong tháng Mười. Đó là con số chính thức và chúng ta có thể chắc chắn rằng Trung Cộng đang quản lý chặt chẽ những con số này. Giá cao ngất ngưởng, đặc biệt là đối với các nhu yếu phẩm như thực phẩm, là một chủ đề nhạy cảm đối với sự ổn định xã hội. Các số liệu chính thức báo cáo rằng giá rau tươi trên toàn quốc đã tăng 16.6% trong tháng Mười, một dấu hiệu cảnh báo rủi ro rất lớn.
Tôi đã nêu vấn đề lạm phát đình trệ ở Trung Quốc gần hai năm trước, nhưng ngày nay nguy cơ lạm phát đình trệ cao hơn nhiều.
Lạm phát đình trệ là một trạng thái kinh tế trong đó nền kinh tế của một quốc gia bị đình trệ về tăng trưởng và lạm phát gia tăng cùng một lúc. Điều này đặc biệt phức tạp vì ngân hàng trung ương không thể sử dụng công cụ thông thường của mình là tăng lãi suất để chống lạm phát mà không làm tổn hại đến hoạt động kinh tế. Hoa Kỳ đã trải qua vấn đề này trong những năm 1970 khi suy thoái kinh tế cùng với khủng hoảng nguồn cung dầu.
Trung Quốc không có khả năng báo cáo tăng trưởng kinh tế âm, ít nhất là theo số liệu chính thức của NBS. Nhưng PPI tăng có nghĩa là giá tiêu dùng cao hơn nhiều sắp diễn ra.
Nhưng các công cụ của Trung Cộng bị hạn chế trong thời gian tới. Do tình trạng thiếu điện liên tục, Trung Cộng không thể kích thích nền kinh tế một cách hiệu quả, vì không có đủ điện được tạo ra để hỗ trợ hoạt động cao hơn. Nhưng nếu không tăng cường cung cấp điện, Trung Quốc không thể tăng trưởng kinh tế. Hiện tại, một số khu vực đang chứng kiến các nhà máy phải đóng cửa để giảm bớt căng thẳng cho lưới điện.
Trong khi đó, kỳ vọng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ gây ra một mối đe dọa khác đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đã giảm mua tài sản hàng tháng (thắt chặt định lượng) bắt đầu từ tháng này. Để giảm bớt kích thích kinh tế do đại dịch gây ra của Fed, Chủ tịch Fed, Jerome Powell, đã đặt nền móng cho việc Fed tăng lãi suất vào giữa năm 2022. Nhưng nếu lạm phát của Hoa Kỳ tiếp tục xấu đi, ông Powell có thể buộc phải hành động sớm hơn.
Rất ít chuyên gia ở Hoa Kỳ đã chú ý đến tác động này, vì trọng tâm là nền kinh tế trong nước, nhưng người sáng lập và Giám đốc điều hành của Citadel LLC, ông Ken Griffin gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Ông nói tại Hội nghị thượng đỉnh Caixin năm 2021 vào tháng 11: “Trung Quốc và Hoa Kỳ giao thoa rất chặt chẽ.”
“Bất kỳ bước nào diễn ra ở Hoa Kỳ để làm chậm áp lực lạm phát sẽ gây áp lực lên tăng trưởng toàn cầu, làm tổn hại đến nền kinh tế của cả hai quốc gia.”
Cho đến nay, giá tiêu dùng của Hoa Kỳ đã cao hơn giá của Trung Quốc, ít nhất là chính thức. Một kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ có thể sẽ tác động tiêu cực đến Trung Quốc do nền kinh tế nước này vẫn đang phải vật lộn với các đợt phong tỏa liên quan đến COVID-19 và hạn chế đi lại.
Kỳ vọng thắt chặt tiền tệ của Hoa Kỳ có thể sẽ làm suy yếu tiền tệ của Trung Quốc và buộc dòng tiền chảy ra khỏi nền kinh tế số 2 thế giới. Đối với một nền kinh tế vẫn đang chật vật tìm chỗ đứng, đó là một diễn tiến không được hoan nghênh.
Fan Yu là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và kinh tế và đã đóng góp các phân tích về nền kinh tế Trung Quốc từ năm 2015.
Chánh Tín biên dịch