Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc giảm kỷ lục
Hoa Biền
Vision Times hôm 20/11 đưa tin, tỷ lệ sinh của Trung Quốc vào năm ngoái đã giảm xuống mức kỷ lục, ở mức dưới 1%.
Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Dân số tỉnh Quảng Đông Dong Yuzheng cho rằng, dịch Covid khiến cho áp lực kinh tế của người dân tăng thêm, cộng với lo sợ về tương lai mù mịt, đã khiến các cặp vợ chồng ngại sinh con.
Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc những năm gần đây liên tục giảm bất chấp việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) xóa bỏ chính sách một con và khuyến khích người dân sinh thêm trong bối cảnh dân số của quốc gia này đang già hóa nhanh chóng.
Vào năm 2020, dân số Trung Quốc tăng ròng 2,04 triệu người, trong khi năm 2019 tăng ròng 4,67 triệu người, năm 2018 tăng ròng 5,3 triệu người.
Lu Jiehua, Hội trưởng Hiệp hội Nhân khẩu học Trung Quốc, giáo sư Khoa Xã hội học Đại học Bắc Kinh, tỷ lệ sinh năm 2020 là thấp nhất kể từ năm 1949 đến nay.
Vào ngày 11/5, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố báo cáo Tổng điều tra dân số Trung Quốc lần thứ 7 cho thấy một bức tranh dân số Trung Quốc không u tối, thậm chí có nhiều điểm sáng. Tuy nhiên báo cáo này bị cho là có nhiều mâu thuẫn và sơ hở, các số liệu như tỷ lệ sinh và tỷ lệ tử gây nhiều tranh cãi.
Chuyên gia Yang Fuxian nói rằng đây là “báo cáo tổng điều tra dân số tồi tệ nhất lịch sử Trung Quốc”, trong đó tồn tại rất nhiều điều không đúng thực tế.
Phó giáo sư Xu Jiajian thuộc Khoa Kinh tế, Đại học Clemson (Mỹ) nói rằng ông không hiểu được vì sao chính quyền Trung Quốc có thể công bố một bản báo cáo có nhiều sơ hở như thế.
Nhà bình luận thời sự kỳ cựu Liu Ruishao cho biết, chính phủ Trung Quốc dù có làm thế nào thì cũng đều không thể che đậy được khủng hoảng dân số mà họ đang phải đối mặt.
Theo truyền thông Trung Quốc, quỹ lương hưu của Trung Quốc có thể sẽ dùng hết vào năm 2035 do dân số già hóa quá nhanh, và thế hệ những người sinh sau năm 1980 có thể không nhận được lương hưu.
Quan chức truyền thông của ông Biden từ chức
Phong Đô
Một quan chức truyền thông Nhà Trắng khác vừa thông báo sẽ từ chức. Quan chức này từ nhiệm trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris tiếp tục giảm, theo Newsweek.
Emma Riley, một quan chức truyền thông Nhà Trắng cho biết trong bài đăng trên Twitter rằng cô sẽ từ bỏ vị trí hiện tại để theo đuổi sự nghiệp ở Bộ Lao động.
Lý do từ chức không được Riley tiết lộ. Tuy nhiên, cô cho biết công việc mới của mình có liên quan đến kế hoạch tái thiết nước Mỹ của ông Joe Biden.
Việc quan chức truyền thông của chính quyền Biden từ chức thu hút sự chú ý của báo giới sau khi Ashley Etienne, Giám đốc Truyền thông của Phó Tổng thống Kamala Harris tuyên bố sẽ rời nhiệm sở vào tháng 12, chưa đầy một năm sau khi đảm nhiệm chức vụ này.
Sự ra đi của hai quan chức truyền thông xảy ra trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris giảm liên tiếp trong những tháng qua.
Theo các cuộc thăm dò của Fox News, tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống Joe Biden đã giảm từ 46% của tháng 10 xuống còn 44% vào tháng này khi dịch COVID-19 ở Mỹ tiếp tục diễn biến phức tạp.
Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ của Phó Tổng thống Kamala Harris đã chạm mức đáy 41% vào tháng 11, theo kết quả thăm dò của RealClearPolitics. Sputnik cho biết một trong những lý do chính khiến Phó Tổng thống Harris không duy trì được tỷ lệ ủng hộ là do bà không giải quyết được cuộc khủng hoảng nhập cư ở biên giới phía Nam.
Nhiều ca mắc Covid ở Malaysia trở nặng dù đã tiêm 2 mũi vaccine
Phong Đô
Nhiều bệnh nhân Covid ở Malaysia đã trở nặng, phải thở máy hoặc đặt nội khí quản mặc dù đã tiêm đủ 2 liều vaccine. Điều này khiến giới chức Malaysia kêu gọi người dân tiêm thêm mũi thứ 3, theo Straitstimes.
Malaysia đang ghi nhận tình trạng ngày càng nhiều người đã chủng ngừa đầy đủ theo yêu cầu nhưng vẫn mắc Covid và bệnh tình diễn tiến nặng. Trước tình hình này, Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin kêu gọi tất cả người dân tiêm thêm mũi vaccine tăng cường.
Bộ trưởng Khairy cho biết hiệu quả của vaccine sẽ suy giảm sau vài tháng. “Đó là lý do tôi muốn người dân tiêm mũi bổ sung, bất kể của hãng nào”, ông Khairy nói.
Theo ông Khairy, người dân cần tiêm mũi bổ sung 3 tháng sau khi tiêm mũi vaccine Sinovac thứ hai. Với người được tiêm vaccine Pfizer và AstraZeneca, thời gian tiêm nhắc lại là sau 6 tháng.
Theo dữ liệu mà ông Khairy chia sẻ, có 165 người Malaysia từng tiêm vaccine Sinovac nhập viện trong tình trạng nặng. Các bệnh nhân phải thở máy hoặc đặt nội khí quản.
Trong khi đó, đối với bệnh nhân tiêm vaccine Pfizer và AstraZeneca, các bệnh nhân trở nặng lần lượt là 24 và 7.
Theo thông báo của Bộ Y tế Malaysia ngày 21/11, nước này ghi nhận thêm 4.854 ca mắc Covid-19 cùng 41 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Đến nay, Malaysia đã chủng ngừa đầy đủ cho 76,5% dân số. Trong khi đó, 78,6% người đã được tiêm ít nhất một liều vaccine.
Malaysia khởi động chiến dịch tiêm mũi vaccine Covid tăng cường từ tháng 10, ưu tiên là người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch, nhân viên y tế tuyến đầu.
Đến nay, hơn 3 triệu mũi vaccine tăng cường đã được tiêm trên khắp Malaysia.
Cháy công ty hóa chất khiến 7 người thương vong ở Chiết Giang, Trung Quốc
Sáng ngày 20 tháng 11, một vụ cháy đã xảy ra tại khu vực bể điều hòa nước thải của một công ty dược phẩm ở huyện Thiên Đài, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc khiến 2 người chết và 5 người bị thương, theo NTD.
Vào ngày 20, tài khoản công khai trên WeChat của “Quản lý Khẩn cấp Thiên Đài” tỉnh Chiết Giang cho biết, vào khoảng 9 giờ 30 sáng ngày hôm đó, một vụ cháy nổ đã xảy ra tại khu vực bể điều hòa nước thải của Công ty TNHH Dược phẩm Trường Minh huyện Thiên Đài, khiến 2 người chết và 5 người bị thương.
Hiện chưa rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
Theo trang web chính thức của Công ty Dược phẩm Zhejiang Changming, công ty được thành lập vào năm 2006, tiền thân của nó là Hóa chất Zhejiang Changming thành lập năm 1998. Công ty đã đầu tư 50 triệu nhân dân tệ, bao gồm Diện tích hơn 90 mẫu và có hơn 250 nhân viên.
Tập đoàn Zhejiang Shengda là cổ đông lớn của công ty. Theo “Điều tra doanh nghiệp”, công ty và các cổ đông lớn của nó có liên quan đến các vụ án xét xử; các cổ đông lớn của nó đã bị phạt hành chính trước khi vụ cháy diễn ra.
Tin nhanh thế giới: Ngôi sao tennis Peng Shuai tái xuất, 5 người Trung Quốc bị bắt ở Congo
Nguyên Sơn
Hãng AP đưa tin, ngôi sao quần vợt Trung Quốc Peng Shuai bị mất tích trong nhiều ngày qua đã xuất hiện trở lại trước công chúng tại một giải đấu ở Bắc Kinh, theo các bức ảnh công bố bởi Ban Tổ chức.
Cô Bành Soái nói với các quan chức Olympic trong một cuộc gọi video từ Bắc Kinh rằng cô an toàn và khỏe mạnh, theo Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cho biết hôm Chủ nhật (21/11).
Cuộc gọi kéo dài 30 phút diễn ra trong bối cảnh thế giới liên tục đưa tin về vụ mất tích của Bành Soái sau khi cô cáo buộc Phó Thủ tướng Trung Quốc tấn công tình dục. Chính quyền Trung Quốc dường như đang cố trấn an thế giới trong khi trấn áp thông tin trong nước về cô Bành.
Cuộc gọi hôm Chủ nhật với IOC dường như là cuộc tiếp xúc đầu tiên của cô Bành với các quan chức thể thao thế giới kể từ khi cô biến mất từ ngày 2/11.
Bành Soái “cảm ơn IOC đã quan tâm đến sức khỏe của cô,” cơ quan Olympic có trụ sở tại Thụy Sĩ cho biết trong một tuyên bố.
“Cô Bành giải thích rằng cô an toàn và khỏe mạnh, đang sống tại nhà riêng ở Bắc Kinh, nhưng muốn sự riêng tư của cô ấy được tôn trọng vào lúc này. Đó là lý do tại sao cô muốn dành riêng thời gian của mình cho bạn bè và gia đình”, tuyên bố của IOC cho biết. Ngôi sao quần vợt Trung Quốc Bành Soái. (Ảnh Sportswire qua Getty)
Cô Bành, người chơi cho đội tuyển tennis Trung Quốc tại ba kỳ Thế vận hội, đã đưa ra cáo buộc tấn công tình dục trên mạng xã hội (MXH) với Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ vào 3 tuần trước. Bài đăng đã bị xóa trong vòng vài phút và tài khoản MXH của cựu ngôi sao tennis cũng mất chế độ xem công khai.
Trước đó, Ủy ban Olympic Quốc tế đã bị chỉ trích vì im lặng trong khi mối quan tâm của công chúng đối với cô Bành ngày càng tăng trong tuần qua. IOC thường theo đuổi chính sách “ngoại giao yên lặng” với Trung Quốc trong thời gian qua.
Hàng chục ngàn người biểu tình phản đối quy định về Covid-19 ở Bỉ
Hàng chục ngàn người đã biểu tình qua trung tâm Brussels vào hôm Chủ nhật để phản đối các hạn chế COVID-19 được tăng cường ở Bỉ, theo hãng tin AP.
Cảnh sát Bỉ ước tính có khoảng 35.000 người có mặt tại cuộc biểu tình. Những người tuần hành phản đối chính phủ về việc tiêm phòng và các động thái áp dụng tiêm phòng bắt buộc.
Tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết châu Âu đang là điểm nóng của đại dịch. Sự gia tăng các bệnh nhân nhập viện xuất hiện ở nhiều quốc gia Trung và Đông Âu, bao gồm Ukraine , Nga , Romania , Cộng hòa Séc và Slovakia.
Mỹ: 14 người chạy vào cửa hàng Louis Vuitton ở Chicago để cướp đồ
Ít nhất 14 người đã tấn công một cửa hàng Louis Vuitton ở ngoại ô Chicago vào tuần trước và lấy đi hàng hóa trị giá ít nhất 100.000 USD, theo hãng tin CNN.
Cảnh sát nói với CNN rằng những người này đã xông vào cửa hàng tại Trung tâm mua sắm Oak Brook hôm thứ Tư, lấy đi nhiều hàng trưng bày trong cửa hàng. Video giám sát từ cửa hàng cho thấy cảnh hỗn loạn khi những người đeo mặt nạ tràn vào cửa hàng để lấy túi xách và các hàng hóa khác trong khi nhiều người mua hàng vội vã chạy ra đường. Cảnh tấn công ở cửa hàng Louis Vuitton (Mỹ) (Theo CNN)
Trước đó, cảnh sát trưởng James Kruger cho biết 8 người khác đã cướp một cửa hàng Louis Vuitton tại Northbrook Court Mall vào tháng 10 và mang theo số hàng hóa trị giá 66.000 USD.
Vào ngày 1/11, ít nhất 13 người đàn ông đeo khẩu trang vào cùng một cửa hàng Louis Vuitton và lấy trộm một số món đồ trị giá 100.000 USD. Các vụ trộm tương tự cũng xảy ra ở bang California vào cuối tuần qua.
5 người Trung Quốc bị bắt cóc ở CHDC Congo
Reuters đưa tin, các tay súng đã giết hại một cảnh sát và bắt cóc 5 người Trung Quốc gần khu mỏ ở vùng đông nam CHDC Congo trong đêm 20/11, một quan chức địa phương và phát ngôn viên quân đội cho biết.
Chưa rõ ai đã thực hiện vụ tấn công gần làng Mukera ở tỉnh Nam Kivu. Quan hệ giữa các công ty khai mỏ Trung Quốc và chính quyền địa phương vốn đã căng thẳng vì giới chức địa phương nói rằng một số doanh nghiệp đang hoạt động trái phép.
“Một nhóm vũ trang đã đấu súng với cảnh sát. 5 công dân Trung Quốc bị bắt cóc”, thiếu tá Dieudonne Kasereka, phát ngôn viên đơn vị quân đội ở khu vực, cho biết.
Hãng tin CGTN dẫn thông tin từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Congo xác nhận vụ bắt giữ. Đại sứ quán Trung Quốc tại Congo cũng khuyến cáo các công dân Trung Quốc ở khu vực này rời đi ngay lập tức.
Trong khi đó, Tổng thống Congo, ông Felix Tshisekedi, đang đánh giá lại thoả thuận “đổi hạ tầng lấy khoáng sản” trị giá 6 tỷ USD với các nhà đầu tư Trung Quốc mà người tiền nhiệm Joseph Kabila đã ký.