Frank Fang
Chính quyền Trung Cộng đã cố gắng gạt bỏ những lo ngại trên thế giới về ngôi sao quần vợt Trung Quốc Bành Súy (Peng Shuai) vào cuối tuần qua, khi các hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc công bố các bức ảnh và video về tay vợt này. Tuy nhiên, nỗ lực này không thuyết phục được những người quan tâm đến sự an nguy của cô Bành.
Vận động viên 35 tuổi Bành Súy, cựu tay vợt đánh đôi số một thế giới, đã biến mất trước công chúng sau khi cô đưa ra những cáo buộc tấn công tình dục chống lại một quan chức cấp cao đã về hưu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) vào ngày 02/11. Cô Bành buộc tội ông Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli), nguyên phó thủ tướng của chế độ cộng sản, từ năm 2013 đến năm 2018 đã cưỡng bức cô quan hệ tình dục tại nhà của ông ta vài năm trước. Sau đó cô Bành tuyên bố hai người thỉnh thoảng có đi lại ngầm với nhau.
Bài đăng trực tuyến tố cáo ông Trương của cô Bành đã được đăng trên mạng trong khoảng 30 phút trước khi nó bị các cơ quan kiểm duyệt của Trung Cộng gỡ bỏ. Kể từ đó, sự biến mất của cô đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, với hashtag Bành Súy Ở Đâu (#WhereIsPengShuai) trở thành xu hướng trên Twitter. Hôm thứ Sáu (19/11), Liên Hiệp Quốc và Tòa Bạch Ốc cũng đã bày tỏ lo ngại.
Trường hợp của cô Bành làm nổi bật việc chế độ Trung Cộng tiếp tục thủ đoạn bắt cóc, theo đó các nạn nhân bị giam giữ tại các địa điểm bí mật và gia đình họ không [thể] biết về tung tích của họ. Chế độ Trung Cộng thực hiện thủ đoạn này nhằm bịt miệng những người bất đồng ý kiến, để trợ giúp cho cái gọi là ổn định xã hội dưới chế độ độc đảng của mình.
Hôm 21/11, người ta có thể trông thấy cô Bành đứng giữa những người quyền cao chức trọng khác tại Vòng chung kết Quần vợt Thiếu niên Fila (Fila Kids Junior Tennis Challenger), một giải đấu do Giải quần vợt Trung Quốc Mở rộng (China Open) tổ chức, theo các hình ảnh được công bố trên trang mạng chính thức của sự kiện này trên Weibo, mạng xã hội giống Twitter [của Trung Quốc]. Cô Bành vận một chiếc áo khoác màu xanh đậm và quần trắng.
Các hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc cũng đăng tải trên Twitter các video clip về cô Bành Súy tại giải đấu. Trong một đoạn clip, có thể thấy cô Bành đang ký lên những quả bóng tennis cỡ lớn, do những đứa trẻ cầm trước khi cô tham gia với chúng để chụp một bức ảnh nhóm.
Trước đó một ngày, ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), tổng biên tập của tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times), một kênh thông tấn diều hâu do nhà nước điều hành, đã viết trên Twitter rằng ông đã “có được” hai video clip về cô Bành mà không nói thêm chi tiết. Ông Hồ viết rằng các đoạn clip “cho thấy cô Bành Súy đang ăn tối với huấn luyện viên và bạn bè của mình trong một nhà hàng.”
Tuy nhiên, nội dung trong cả hai clip này dường như cố ý nhấn mạnh ngày quay.
Trong đoạn clip đầu tiên, huấn luyện viên của cô Bành hỏi: “Có phải ngày mai là ngày 20/11 không?” Cô Bành không trả lời nhưng một người phụ nữ ngồi kế bên đã sửa lỗi cho người đàn ông, và nói rằng hôm đó sẽ là ngày 21/11. Người đàn ông sau đó nhắc lại mốc thời gian ngày 21/11 hai lần.
Trong đoạn clip thứ hai, một người phụ nữ đội mũ và đeo khẩu trang, có lẽ là cô Bành, bước vào một nhà hàng. Camera cho thấy một tấm biển trên cửa sổ nhà hàng, chỉ rõ nơi này đã được khử trùng khỏi virus Trung Cộng. Tuy nhiên, chỉ có tháng, tháng mười một, là có thể nhìn thấy được, trong khi ngày bị làm mờ đi.
Bà Minky Worden, giám đốc các sáng kiến toàn cầu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) có trụ sở tại New York, đã lên tài khoản Twitter của mình để nói rằng mọi người nên có thái độ hoài nghi khi xem tin tức do các hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc đưa ra.
“Trừ khi và cho đến khi chính bản thân cô Bành Súy xuất hiện và nói chuyện một cách thoải mái rõ ràng, thì mọi thông tin khác nên được đối đãi với thái độ hoài nghi – đặc biệt là khi chúng đến từ các hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc,” bà Worden viết.
Theo một tuyên bố, ông Steve Simon, chủ tịch và giám đốc điều hành của Hiệp hội Quần vợt Nữ (WTA), cho rằng các video clip cho thấy cô Bành tại nhà hàng là “chưa đủ” để xua tan những lo ngại.
“Mặc dù việc nhìn thấy cô ấy là tích cực, nhưng vẫn chưa rõ liệu cô ấy có tự do và có thể tự mình đưa ra quyết định và hành động mà không bị ép buộc hay can thiệp từ bên ngoài hay không,” ông Simon nhận định.
Ông Simon nói thêm, “Tôi vẫn lo lắng về sức khỏe và sự an nguy của cô Bành Súy và lo rằng cáo buộc tấn công tình dục đang bị kiểm duyệt và cho qua.”
Phát ngôn viên của WTA nói với Reuters rằng các bức ảnh và video clip về cô Bành tại giải quần vợt vào ngày Chủ nhật (21/11), là vẫn “chưa đủ” để giải quyết các mối lo ngại của hiệp hội.
Trước đây ông Simon đã cảnh báo rằng WTA sẵn sàng rút hoạt động kinh doanh của mình ra khỏi Trung Quốc vì sự an nguy của cô Bành.
Một số nhà lập pháp Hoa Kỳ đã nói rằng trường hợp của cô Bành là một lý do nữa khiến chính quyền Trung Cộng không nên làm nước chủ nhà của Thế vận hội Mùa đông năm 2022 sẽ bắt đầu vào ngày 04/02 năm sau.
Trong một tuyên bố hôm 18/11, Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) đã viết, “Sự biến mất của cô Bành Súy chỉ là vụ việc mới nhất trong danh sách dài những hành động vô đạo đức và vô nhân đạo mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thực hiện.” Ông Rubio nêu rõ đã đến lúc Ủy ban Olympic Quốc tế phải thay đổi địa điểm tổ chức Thế vận hội.
Dân biểu Ami Bera (Dân Chủ-California), Chủ tịch Tiểu ban Ngoại giao Hạ viện về Á Châu, đã viết trong một tuyên bố hôm 19/11 rằng “cũng cần phải có một cuộc điều tra chính thức và độc lập về các cáo buộc của cô Bành về việc bị lạm dụng tình dục.”
Ông Bera viết, “Thế giới không thể đứng yên khi Trung Cộng tiếp tục thực hiện các hành vi tàn bạo vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và vi phạm các quyền tự do căn bản. Đó là lý do tại sao tôi mạnh mẽ kêu gọi Chính phủ Tổng thống Biden tiến hành một cuộc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Bắc Kinh năm 2022.”
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
Yến Nhi biên dịch