Tin thế giới sáng thứ Ba

Nhiều công ty may mặc Nhật Bản ngừng sử dụng bông Tân Cương

DKN

Có tới 8 triệu người đã từng sống trong các ‘trại huấn luyện’ ở Tân Cương, theo một tài liệu được công bố bởi Bắc Kinh. (Ảnh: chụp màn hình The Sun dẫn từ AFP).

Trang Nikkei đưa tin, các nhà sản xuất quần áo Nhật Bản đang tẩy chay bông ở Tân Cương (Trung Quốc), trong bối cảnh các báo cáo về tình trạng lao động cưỡng bức và vi phạm nhân quyền gia tăng trong khu vực.

Nối tiếp Mizuno, một công ty sản xuất thiết bị và quần áo thể thao lớn, các nhà sản xuất quần áo khác của Nhật Bản, trong đó có Sa-ny-o Sho-kai và TSI Holdings, đã quyết định ngừng sử dụng bông Tân Cương. Động thái của các công ty có tên tuổi ở Nhật Bản có thể tạo ra hiệu ứng cho toàn bộ chuỗi cung ứng dệt may.

Sa-ny-o Sho-kai sẽ ngừng sử dụng bông Tân Cương bắt đầu từ mùa xuân hè năm 2022. Chủ tịch Shin-ji Oe của Sanyo Shokai nói với Nikkei rằng, công ty đã thu thập thông tin về các vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, nhưng chưa thể xác minh sự thật. Ông Shin-ji nói: “Chừng nào còn nghi ngờ, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc ngừng sử dụng bông Tân Cương”.

TSI, công ty có rất nhiều thương hiệu may mặc đã biết rằng, bông có nguồn gốc từ Tân Cương đã được sử dụng trong một số sản phẩm của mình. Tuy nhiên, công ty đã loại bỏ bông Tân Cương khỏi các sản phẩm thu đông năm nay.  

Chủ tịch TSI Tsu-yo-shi Shi-mo-ji cho biết: “Chúng tôi sẽ không sử dụng [bông Tân Cương] cho đến khi các vấn đề nhân quyền được giải quyết”.  Công ty King với thương hiệu quần áo phụ nữ Pinore, cũng đã tẩy chay bông Tân Cương.

Gunze, một nhà sản xuất đồ lót lớn, cũng đã ngừng nhập bông từ Tân Cương. Quyết định tẩy chay bông Tân Cương rất khó khăn đối với các nhà sản xuất vì họ phải đối mặt với những thách thức đối với việc quản lý chuỗi cung ứng và phát triển sản phẩm. Nhưng các công ty của Nhật Bản buộc phải làm như vậy trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng phản ứng dữ dội về thông tin người Duy Ngô Nhĩ đang bị sử dụng cưỡng bức lao động ở khu Tân Cương, Trung Quốc.

Trung Quốc là nước trồng bông lớn thứ hai thế giới, trong đó, Tân Cương chiếm 80% đến 90% sản lượng bông của cả nước. Nhiều nhà điều hành ngành cho rằng không thể loại bỏ hoàn toàn bông Tân Cương khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Một số nhà sản xuất quần áo Nhật Bản, bao gồm cả nhà sản xuất đồ lót phụ nữ Charle, đang giảm sử dụng số lượng bông Tân Cương.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra một loại virus corona lây ‘từ lợn sang người’ mới

DKN

Ảnh minh hoạ: Pixabay.

Các virus corona trước đây (như SARS-CoV hay MERS-CoV) có thể lây nhiễm sang người được giới hạn trong các họ alpha và beta (không phải là biến thể delta hay beta). Tuy nhiên, mới đây các nhà khoa học đã phát hiện một loại virus thuộc loại virus Corona delta lợn có thể lây sang lợn, cũng có thể lây sang người, theo Creaders.net.

Virus Corona còn rất thường thấy ở động vật. Ngay từ gần 10 năm trước, người ta đã tìm thấy từ trong cơ thể lợn có sự tồn tại của virus Corona delta. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên virus corona delta lây nhiễm sang người. 

Qua phân tích, người ta thấy rằng các gen mã hóa Nsp15 và glycoprotein của virus này đã bị đột biến, điều này có thể làm thay đổi đặc tính protein của vùng liên kết thụ thể virus, khiến cho nó có khả năng lây nhiễm sang tế bào người.

Gần đây, một bài báo đăng trên tạp chí Nature cho thấy các nhà khoa học đã phát hiện một loại virus corona mới trong mẫu huyết thanh của ba đứa trẻ bị bệnh ở Haiti được thu thập từ năm 2014 đến 2015. Theo điều tra, ba em bị lợn con lây bệnh. Điều đáng sợ là virus corona này đến từ một họ hoàn toàn mới, rất khác với virus SARS và SARS-CoV 2! Các nhà khoa học cho biết, cả ba đứa trẻ đều bị sốt, một em sốt 40 ℃, hai em còn lại kèm theo triệu chứng ho và đau bụng. Sau khi điều trị, cả ba em đều đã bình phục.

Virus Corona thuộc họ delda, trước đây chỉ lây lan ở các loài chim và một số loài động vật có vú và ít gây nguy hiểm cho con người. Việc phát hiện ra virus delta lợn có thể lây nhiễm sang người lần này đã phá vỡ nhận thức này, điều này chắc chắn đặt ra một thách thức nghiêm trọng hơn đối với con đường phòng chống virus của nhân loại.

Luận văn nghiên cứu có tựa đề “Sự lây nhiễm độc lập của virus delta lợn ở trẻ em Haiti” (Independent infections of porcine deltacoronavirus among Haitian children) đã được xuất bản trên tạp chí Nature.

Đan Mạch đón cửa lãnh sự quán tại Trùng Khánh, Trung Quốc

Phụng Minh

cảnh báo móc mắt
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên được xem là một trong những người có phong cách ngoại giao “Sói chiến’ (ảnh chụp màn hình video CCTV).

Đại sứ quán Đan Mạch tại Trung Quốc ngày 20 tháng 11 đưa ra thông báo rằng Lãnh sự quán Đan Mạch tại Trùng Khánh sẽ chính thức đóng cửa vào ngày 1 tháng 12, theo NTD.

Thông báo cho biết, vì lý do hành chính, kể từ ngày 18/11, mọi hoạt động của tổng lãnh sự quán sẽ được chuyển giao cho Đại sứ quán Đan Mạch tại Trung Quốc.

Tờ Nhật báo Bắc Kinh dẫn phản hồi của nhân viên Đại sứ quán Đan Mạch tại Trung Quốc cho biết, việc rút Tổng lãnh sự quán ở Trùng Khánh là một “sự điều chỉnh cơ cấu bình thường” “không liên quan đến các vấn đề khác.”

Trong thời gian gần đây, nhiều báo cáo cho biết, kiểu ngoại giao chiến lang của quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như hồ sơ nhân quyền của tổ chức này đã khiến nhiều quốc gia ngày càng xa lánh chính phủ Trung Quốc. Đan Mạch cũng là một trong số các quốc gia như vậy.

Vào cuối tháng 10 năm nay, đại sứ quán của Trung Quốc tại Đan Mạch đã xé các áp phích bầu cử cấp địa phương bên ngoài tòa nhà đại sứ quán. Nhiều chính trị gia đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Đan Mạch triệu tập đại sứ của Trung Quốc tại Đan Mạch để phản đối. Đại sứ quán Trung Quốc tỏ thái độ cứng rắn và chỉ trích những tấm áp phích dùng cho bầu cử ở Đan Mạch “can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc” vì lên án chính phủ Trung Quốc đàn áp nhân quyền.

Giải Tự do Báo chí 2021 trao cho nhà báo Trung Quốc bị bắt tù vì đưa tin Covid

Minh Sang

Nhà báo Trương Triển xuất hiện trên kênh truyền thông WION.

Vision Times đưa tin, tổ chức “Phóng viên không biên giới” vào ngày 18/11 thông báo rằng nhà báo công dân Trương Triển ở Trung Quốc là người được trao Giải thưởng Tự do Báo chí năm 2021.

Tổng giám đốc Tổ chức Phóng viên không biên giới, ông Christophe Deloire, cho biết: “Người đoạt giải Dũng cảm đã chống lại hệ thống kiểm duyệt, đã can đảm nhắc nhở thế giới về tình hình thực tế của đại dịch [viêm phổi Vũ Hán/COVID-19] bùng phát, vì vấn đề này mà cô ấy đã bị bỏ tù hiện nay tình trạng sức khỏe của cô ấy rất đáng lo ngại”.

Cô Trương Triển 38 tuổi sinh ra ở Hàm Dương tỉnh Thiểm Tây – Trung Quốc, cô tốt nghiệp Đại học Kinh tế Tài chính Tây Nam với bằng thạc sĩ tài chính, cô cũng từng là luật sư.

Tháng 12/2020 Tòa án Phố Đông Thượng Hải đã kết án cô 4 năm tù vì tội “gây rối trật tự”, cô là trường hợp đầu tiên bị kết án ở Trung Quốc vì đưa tin dịch bệnh COVID-19 ở Vũ Hán.

Ngày 3/2/2020, Trương Triển với tư cách là một phóng viên công dân đã đến nơi đầu tiên xảy ra dịch COVID-19/Vũ Hán – Hồ Bắc.

Cô Trương đưa tin về dịch bệnh ở Vũ Hán chủ yếu thông qua truyền thông trực tuyến như WeChat, Twitter.

Cô từng để lại lời nhắn trên Twitter cá nhân “Biện pháp phòng chống dịch bệnh hiện nay của chính phủ Trung Quốc là sai lầm, không có phương pháp điều trị hiệu quả, không đảm bảo phân phối vật tư y tế, không thông tin minh bạch, không bảo vệ nhân quyền”. Vài tháng sau, Trương Triển bị nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc kết án 4 năm tù.

Vào ngày 30/10, anh trai của Trương Triển đã đăng một dòng tâm sự buồn trên Twitter cá nhân kèm bức ảnh thời Trương Triển học đại học: “Chiều cao 177cm, hiện chỉ nặng chưa đầy 40kg. Cô ấy thật bướng bỉnh. Tôi nghĩ có thể cô ấy sẽ không sống được lâu. Trong mùa đông lạnh giá sắp tới, nếu cô ấy không qua khỏi, tôi hy vọng thế giới có thể nhớ đến dáng vẻ trước đây của cô ấy”.

Hoàn cảnh của Trương Triển đã nhận được đồng cảm, ủng hộ và quan tâm của truyền thông quốc tế.

VOA đưa tin, trong một cuộc họp báo vào ngày 8/11/2021 người phát ngôn Edward Price của Chính phủ Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình của Trương Triển: “Mỹ và các cơ quan đại diện ngoại giao khác đã nhiều lần bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về việc giam giữ tùy tiện cô ấy và sự ngược đãi mà cô ấy phải chịu trong thời gian bị giam giữ. Một lần nữa chúng tôi kêu gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lập tức trả tự do cho cô ấy vô điều kiện, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng quyền tự do báo chí và quyền tự do bày tỏ ý kiến ​​của người dân”.

RFA dẫn lời một luật sư nhân quyền Trung Quốc là Nhậm Toàn Ngưu nói, “Cô ấy phản đối không phải vì tự do của bản thân mà vì tự do ngôn luận và thực trạng bất công của Trung Quốc”. Cô Vương Kiến Hồng, một người từ lâu đã không ngừng kêu gọi trả tự do cho Trương Triển nói rằng “Trương Triển tiếp tục tuyệt thực trong tù và tính mạng bị đe dọa, nhưng vẫn kiên trì với hình thức phản đối cuối cùng này. Trương Triển không chỉ vô tội, cô còn là số ít người ở Trung Quốc dám dũng cảm lên tiếng vì sự thật, dám nói ra sự thật, không chịu khuất phục.”

Hồng Kông: Hóa đơn điện nước và thực phẩm tăng vọt châm ngòi nguy cơ lạm phát đình trệ

Thanh Ngọc

Đường phố Hồng Kông (ảnh: Pixabay).

Theo South China Morning Post đưa tin ngày 22/11, nguy cơ lạm phát đình trệ (thuật ngữ tiếng Anh là stagflation) có thể đang chờ đợi Hong Kong khi áp lực lạm phát gia tăng; với những số liệu mới cho thấy chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, nổi bật là hóa đơn điện nước và nhiều loại hàng hóa khác.

Một phát ngôn viên của chính phủ cho biết rằng tháng 10 vừa qua đã chứng kiến ​​”mức tăng rõ ràng hơn so với cùng kỳ năm trước” về giá trên nhiều loại sản phẩm, đặc biệt là phí điện, ga và nước tăng 28,1%, quần áo và giày dép tăng 6,1%. Chi phí vận chuyển tăng 5,7% trong khi hóa đơn thực phẩm tăng 2,2%.

Theo dữ liệu của Cục Điều tra dân số và Thống kê được công bố hôm thứ Hai, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tổng thể ghi nhận lạm phát 1,7% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, so với 1,4% của tháng 9 và 1,6% trong tháng 8.

Tỷ lệ lạm phát đó, đánh dấu 10 tháng tăng liên tiếp, là mức cao nhất kể từ tháng 7, khi mức cao nhất trong 5 năm là 3,7% được ghi nhận.

Người phát ngôn của chính phủ Hồng Kong cho biết: “Nhìn về tương lai phía trước, áp lực lạm phát có thể tăng lên phần nào trong thời gian tới cùng với sự gia tăng nhanh hơn của giá nhập khẩu và quá trình phục hồi kinh tế”.

Đầu tháng này, chính phủ cho biết phổ lạm phát đe dọa sự phục hồi kinh tế mới manh nha của thành phố từ đại dịch Covid-19. Các nhà kinh tế của nước này đã đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội là 6,4%.

Thật vậy, các doanh nghiệp Hồng Kông đã bị ảnh hưởng bởi giá hàng hóa cao hơn từ cả hai nguồn – nhập khẩu từ Trung Quốc đại lục và từ nước ngoài.

Trong quý 3 năm 2021, giá nhập khẩu tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2020, tăng nhanh so với mức tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 2.

Với tư cách là nhà cung cấp hàng nhập khẩu chính của Hồng Kông, vào tháng 10, Trung Quốc đại lục đã trải qua đợt tăng giá xuất xưởng nhanh nhất trong 26 năm, với những chi phí phụ trội khiến sản phẩm trở nên còn đắt hơn trong đô thị.

Kevin Lai, chuyên gia kinh tế trưởng tại Daiwa Capital Markets bao phủ hầu hết châu Á, cho biết: “Trung Quốc đối mặt với nguy cơ lạm phát đình trệ cao hơn và Hồng Kông có khả năng đi sau do tác động của nó”. “Lạm phát đình trệ” là thuật ngữ kinh tế ám chỉ tình trạng của nền kinh tế đồng thời bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao và tỷ lệ thất nghiệp cao.

SCMP cho biết thêm rằng chi phí tìm nguồn cung ứng từ nước ngoài đã tăng vọt trong những tháng gần đây, trong khi phí vận chuyển đang tăng lên trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu phát sinh do dịch bệnh.

Ông Lai cho biết người dân Hong Kong vẫn chưa cảm nhận hết tác động của lạm phát, lý do là vì các doanh nghiệp đang lựa chọn cách tự mình gánh chịu chi phí tăng thêm, thay vì chuyển một phần gánh nặng cho khách hàng.

Ông giải thích: “Nhiều nhà bán lẻ, chẳng hạn, đã gánh thêm chi phí để không làm người tiêu dùng sợ hãi”.

Sau khi các biện pháp cứu trợ một lần của chính quyền để giúp người dân Hong Kong vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19 đã được tính đến, tỷ lệ lạm phát cơ bản hàng năm là 1,1% trong tháng 10.

Đầu tháng này, các quan chức dự đoán rằng chỉ số CPI cả năm sẽ là 0,7%.

Nhật sẽ không ngồi yên nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan

Phan Minh

Ảnh do lực lượng tuần duyên Mỹ cung cấp: Tàu tuần duyên của Mỹ và Nhật Bản diễn tập trong vùng Biển Đông ngày 25/08/2021. © U.S. Coast Guard via AP

Nhật Bản cảnh cáo Trung Quốc là Tokyo sẽ can thiệp quân sự trong trường hợp Bắc Kinh tấn công quân sự Đài Loan.

Theo một nghiên cứu đăng trên Asia-Pacific Security and Maritime Affairs, được báo Hồng Kông South China Morning Post số ra ngày 21/11/2021 trích dẫn, thì Nhật Bản và Mỹ đã thảo luận về các kịch bản Đài Loan bị tấn công và đang lên kế hoạch ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng vũ lực để chiếm hòn đảo này.

Tác giả nghiên cứu này, Ngô Hoài Trung (Wu Huaizhong) thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định : Nhật Bản không chỉ đưa ra các tín hiệu thông qua các cấp chính thức và cá nhân, mà còn cố gắng thực hiện các hành động đáp trả thiết thực thông qua liên minh Nhật-Mỹ.

Hiến Pháp Nhật Bản không cho phép nước này tham chiến và đa số người dân xứ hoa anh đào cũng không muốn nước họ tham gia vào một cuộc xung đột. Tuy nhiên, luật an ninh quốc gia năm 2015 của Nhật Bản cho phép Lực lượng phòng vệ (tức quân đội) hỗ trợ hậu cần hoặc tham gia phòng thủ tập thể trong khuôn khổ hiệp ước liên minh quân sự Mỹ-Nhật.

Do vậy, chuyên gia Trung Quốc họ Ngô cho rằng: “Thật khó tin là trong tương lai gần, Nhật Bản sẽ bất chấp tất cả tham gia vào một cuộc chiến thảm khốc, nhiều khả năng Nhật sẽ cung cấp hỗ trợ hậu cần cho các đồng minh chứ không trực tiếp tham gia chiến đấu. Câu hỏi được đặt ra không phải là liệu Nhật Bản có can thiệp vào cuộc xung đột Trung Quốc-Đài Loan hay không, mà là họ sẽ can thiệp như thế nào.”  

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh của mình và chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để thống nhất hòn đảo với đại lục, trong khi đó, Nhật Bản sẽ coi đây là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của chính bản thân mình và trật tự chính trị khu vực. 

Anh mời ASEAN tham dự G7 vào lúc liên minh Aukus gây căng thẳng trong khu vực

Chi Phương

Ngoại trưởng Anh Liz Truss trong cuộc gặp thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tại Bangkok, hôm 10/11/2021. © Thailand Government House via REUTERS

Vương quốc Anh đã mời các quốc gia Đông Nam Á tham dự cuộc họp ngoại trưởng G7 ở Liverpool vào tháng 12-2021. Theo báo Guardian, lời mời này được đưa ra trong bối cảnh liên minh Aukus ba bên, Mỹ, Anh, Úc, đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đưa vũ trang trong khu vực.

Bộ trưởng Ngoại giao Vương Quốc Anh, bà Liz Truss, cho biết mục đích lời mời là nhằm xây dựng một mạng lưới tự do trên toàn thế giới nhằm “thúc đẩy tự do, dân chủ và hoạt động kinh doanh, đồng thời khuyến khích các quốc gia có cùng chí hướng hợp tác với nhau từ một vị trí có sức mạnh.”

Theo báo Guardian, hiện nay, các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đang bị chia rẽ về liên minh Aukus ba bên Anh, Mỹ và Úc. Một số quốc gia, đặc biệt là Indonesia và Malaysia, đã chỉ trích gay gắt liên minh này và việc thúc ép nhiều nước trong ASEAN phải lựa chọn đứng về phe nào trong cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, ông Hishammudin Hussain, nhận định rằng sự phát triển của liên minh Aukus có thể làm gia tăng căng thẳng và giảm đối thoại với hai siêu cường trong khu vực Đông Nam Á. Theo ông, điều này có thể dẫn đến những hậu quả không lường trước được, nhất là tình hình trên Biển Đông.

Về phía Trung Quốc, quốc gia này coi việc họp mở rộng G7 là một nỗ lực để thuyết phục ASEAN tán thành thỏa thuận Aukus và tạo dựng một cách tiếp cận quân sự « cứng rắn hơn» đối với Trung Quốc. Theo AFP, liên minh này đã khiến Trung Quốc tức giận và coi đây là mối đe dọa “cực kỳ vô trách nhiệm” đối với sự ổn định của khu vực.

 Cũng liên quan đến liên minh Aukus, hôm nay, ngày 22/11/2021, Úc đã chính thức ký thỏa thuân liên minh quốc phòng mới với Anh và Mỹ cho phép trao đổi thông tin về “phát triển tàu hải quân bằng năng lượng hạt nhân”, nhằm đối phó với tình hình căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Xin nhắc lại là khi tham gia liên minh Aukus, Úc đã hủy bỏ hợp đồng khổng lồ mua 12 tàu ngầm của Pháp, châm ngòi cho thẳng giữa Pháp và Úc từ tháng 9/2021.

Ngoại trưởng Pháp: Nga là một láng giềng “phiền toái” và rất “khó chịu”

Minh Anh

Ảnh tư liệu: Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian (T) tiếp người đồng cấp Nga Serguei Lavarov tại Paris, ngày 27/11/2018. © AP Photo/Thibault Camus

Ngày 21/11/2021, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian bày tỏ quan ngại về việc Nga liên tục dồn quân sát Donbass, vùng biên giới Ukraina, đồng thời cảnh báo « mọi sự xâm phạm biên giới Ukraina, mọi sự xâm nhập có nguy cơ gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng sau đó ».

Phát biểu này được lãnh đạo ngành ngoại giao Pháp đưa ra trong chương trình truyền hình « Le Grand Jury » do ba kênh truyền thông cùng thực hiện RTL, LCI và Le Figaro.

Cũng trong chương trình này, ông Jean-Yves Le Drian nhìn nhận, Pháp và Liên Hiệp Châu Âu đang phải đối mặt với một nước Nga mà ông đánh giá là “một láng giềng phiền toái và đôi khi rất khó chịu”.  Paris cũng đã lên tiếng cảnh cáo Moscow về “bất kỳ hành động nào làm tổn hại đến sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina”.

Những động thái điều động quân của Nga đã được Hoa Kỳ theo dõi sát từ đầu tháng 11/2021, cho thấy rõ Matxcơva đang tăng cường quân ở biên giới Ukraina. Dù vậy, ngoại trưởng Pháp nhìn nhận rằng cần “phải tìm kiếm một phương cách để có được một đồng thuận với Nga và phải giữ mọi ngả đối thoại”.

Ngoài ra, ông Le Drian cũng quan ngại về khả năng Mali cho phép lính đánh thuê Nga của hãng Wagner đến vùng Sahel, khu vực mà Pháp đang triển khai hơn 5.000 binh sĩ. Ông khẳng định “không có chuyện để Wagner đưa người đến Mali”. Đối với lãnh đạo ngoại giao Pháp, lính đánh thuê Nga là những “hung thần”.

Về phần mình, điện Kremlin hôm qua, 21/11/2021, tố cáo phương Tây, đi đầu là Mỹ, đã thổi phồng những căng thẳng với Ukraina khi đưa ra một loạt các cáo buộc mà Nga cho là « vô căn cứ ». Reuters nhắc lại, ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken, hôm 20/11, bên lề chuyến thăm Senegal, bày tỏ những “quan ngại sâu sắc” về việc Moscow có ý đồ mở một cuộc tấn công nhắm vào Ukraina, khi “có những hoạt động quân sự bất thường” ở biên giới với Ukraina. 

Covid 19: Pháp chính thức đối mặt với làn sóng dịch thứ năm

Chi Phương

Làn sóng thứ 5 dịch Covid-19 đang bùng lên tại Pháp. Ảnh: Kiểm tra chứng nhận y tế của khách hàng trước một quán ăn tại Paris. © AP

Phát ngôn viên chính phủ Pháp, ông Gabriel Attal, đã kéo hồi chuông cảnh báo về làn sóng dịch thứ năm đang bắt đầu một cách nhanh chóng tại Pháp, Số ca nhiễm tăng vọt, chính phủ Pháp sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát giấy chứng nhận y tế.

Trên đài Europe 1, tối hôm 21/11, người phát ngôn chính phủ Pháp, ông Gabriel Attal, cho biết chính phủ rất quan ngại về tình hình dịch bệnh hiện nay. Trung bình, Pháp ghi nhận khoảng hơn 19 000 ca nhiễm mới mỗi ngày, tăng 80 % so với một tuần trước.

Tuy nhiên, ông Attal cũng nhấn mạnh là Pháp đã đi trước các nước láng giềng về việc chủng ngừa và ban hành lệnh áp dụng chứng nhận y tế. Paris đang thắt chặt các biện pháp kiểm soát giấy chứng nhận y tế.

Phát ngôn viên chính phủ Pháp cho biết, trong bốn ngày đầu tiên của tuần trước, các cơ quan chức năng đã kiểm tra giấy chứng nhận y tế của 70 000 người, và hơn 4300 cơ sở tiếp nhận công chúng.

Trên khắp châu Âu, các biện pháp hạn chế được thắt chặt để đối phó với sự bùng phát của dịch Covid-19. Nước Áo, kể từ hôm nay lại áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc, kéo dài trong 20 ngày.

Covid-19: Số ca tử vong tại Mỹ trong năm 2021 đã vượt mức của năm 2020

Trọng Nghĩa

Tại lễ hội Halloween tại New York, Mỹ, ngày 31/10/2021, một số người hóa trang thành virus corona. REUTERS – EDUARDO MUNOZ

Theo thống kê của Đại Học Mỹ Johns Hopkins tính đến hôm 20/11/2021, số ca tử vong vì Covid-19 ở Hoa Kỳ trong năm 2021 đã vượt quá tổng số trong cả năm 2020. Dịch bệnh như vậy vẫn tác hại mạnh bất kể việc tiêm chủng đã được khởi động.

Một cách cụ thể, tính đến hết ngày hôm qua, tổng số ca tử vong vì Covid-19 được thông kê đã vượt qua mức 770.780, cao hơn gấp đôi so với tổng cộng 385.343 người chết liên quan đến dịch bệnh trong năm 2020 được ghi nhận dựa trên dữ liệu gần đây nhất về giấy chứng tử của Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Hoa Kỳ.

Theo hãng tin Pháp AFP, năm 2020 từng được ghi nhớ như một năm đau thương nhất tại Mỹ, thời kỳ mà đại dịch đã đóng cửa các cơ sở kinh doanh, trường học, biên giới và phong tỏa một bộ phận lớn dân chúng. Thế nhưng, năm 2021 đã vượt qua mức của năm 2020 để trở thành năm chết chóc nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm được The Wall Street Journal trích dẫn, sự lây lan rất dễ dàng của biến thể Delta, kèm theo tỷ lệ tiêm chủng thấp ở một số cộng đồng là những yếu tố quan trọng gây nên thảm họa. Theo các nhà dịch tễ học, tình trạng mệt mỏi liên quan đến các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang càng tạo điều kiện cho virus corona lây lan, phần lớn nơi những người chưa được chủng ngừa.

Ngưỡng tượng trưng này được đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trở lại ở Hoa Kỳ, với trung bình 85.000 ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày (so với khoảng 70.000 vào cuối tháng 10) và khoảng 1.000 ca tử vong mỗi ngày. Số người nhập viện đang gia tăng trở lại ở một số vùng.  

Virus corona : Số người chết kỷ lục ở Nga
Tình hình tử vong vì Covid-19 tại Nga cũng tiếp tục phá kỷ lục đáng buồn – hôm qua là ngày thứ hai liên tiếp với 1.254 trường hợp tử vong. Tình trạng các bệnh viện ở một số vùng đang rất căng thẳng. Tại vùng Primorsky ở Viễn Đông Nga chẳng hạn, tỷ lệ giường bệnh có bệnh nhân đang điều trị là khoảng 90%. Chương trình tiêm chủng của Nga đã bị trì hoãn, một phần do người dân không tin tưởng vào vac-xin được sản xuất trong nước.

Chính phủ Nga đang cố gắng đẩy mạnh các biện pháp hạn chế. Một dự luật được đệ trình lên Quốc Hội, yêu cầu hành khách đi máy bay và tàu hỏa, cũng như khách đến các cơ sở văn hóa, phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng kể từ tháng 02/2022.

Khảo sát: Đa số dân Mỹ đánh giá thấp năng lực điều hành của Biden

Lục Du

Tổng thống Mỹ Joe Biden (ảnh: Từ video của Global News)

Khảo sát của CBS News/YouGov cho thấy đa số người dân Hoa Kỳ không đồng tình với cách Biden điều hành đất nước, chỉ có 4% người được hỏi tin rằng mọi thứ ở Mỹ đang rất khả quan, theo New York Post.

Theo kết quả khảo sát công bố ngày 21/11, khoảng 44% người được hỏi ủng hộ cách ông Biden làm việc. Phần còn lại cho rằng Tổng thống Mỹ đương nhiệm điều hành không tốt nên đề đất nước gặp khó khăn với các vấn đề lạm phát, nhập cư, kinh tế, chính sách đối ngoại và sắc tộc.

Khi được hỏi “Mọi thứ đang diễn ra thế nào tại Mỹ?”, 70% người tham gia khảo sát đánh giá “rất tệ” hoặc “hơi tệ”, chỉ 30% chọn “rất tốt” hoặc “tốt”. Với câu hỏi về nền kinh tế quốc gia, cuộc khảo sát của CBS News/YouGov cho thấy 64% đánh giá “rất tệ” hoặc “tệ”, khoảng 30% đánh giá “tốt” hoặc “rất tốt”.

Về vấn đề người nhập cư, 57% người được hỏi nói rằng Biden “không đủ cứng rắn”, 28% đánh giá ông đang xử lý vấn đề “đúng cách” và chỉ 15% tin người đứng đầu chính phủ Mỹ “đủ cứng rắn”.

Cuộc thăm dò của CBS News/YouGov được thực hiện từ ngày 15/11 đến ngày 19/11, với 2.058 người trưởng thành ở Mỹ đồng ý trả lời câu hỏi khảo sát.

Kết quả thăm dò của NBC hồi đầu tháng này cho thấy hơn 50% người Mỹ không tán thành hiệu suất làm việc của ông Biden, còn 70% cho rằng Mỹ đang đi sai hướng.

Cuộc khảo sát của hãng Gallup cuối tháng 10 cũng cho thấy Biden là người có tỷ lệ ủng hộ trong 9 tháng đầu nhiệm kỳ giảm mạnh nhất trong số các tổng thống Mỹ từ năm 1953.

Related posts