Tin thế giới sáng thứ Năm

Samsung đầu tư 17 tỷ USD xây nhà máy sản xuất chip tại Texas

Thống đốc Greg Abbott cho biết tại cuộc họp báo chiều 23/11.

Hôm 23/11, Thống đốc tiểu bang Texas (Mỹ) và công ty Samsung Electronics của Hàn Quốc đã thông báo rằng Samsung sẽ chi 17 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất chip lớn tại thành phố Taylor, Texas.

“Đây là khoản đầu tư trực tiếp từ nước ngoài lớn nhất trong lịch sử của Texas”, Thống đốc Greg Abbott cho biết tại cuộc họp báo chiều 23/11.

Tham dự buổi họp báo còn có Thượng nghị sĩ Cộng hòa tiểu bang Texas John Cornyn và Phó Chủ tịch, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận Giải pháp Thiết bị của Samsung Electronics Kim Ki-nam.

Tại cuộc họp báo, ông Kim Ki-nam cho biết, công ty Samsung hy vọng thông qua nhà máy sắp xây dựng tại thành phố Taylor này để tạo ra hơn 2000 việc làm trong lĩnh vực công nghệ, hơn nữa một khi nhà máy được đưa vào hoạt động toàn diện, còn sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm liên quan. 

Công ty Samsung cho biết trong một thông cáo báo chí rằng nhà máy sản xuất chip sắp được xây dựng thành phố Taylor cũng sẽ là khoản đầu tư lớn nhất của Samsung tại Mỹ, khiến “tổng vốn đầu tư vào Mỹ vượt quá 47 tỷ đô la kể từ khi công ty bắt đầu hoạt động tại Mỹ vào năm 1978”.

Trong một tuyên bố khác, ông Greg Abbott cho biết: “Các công ty như Samsung tiếp tục đầu tư vào Texas vì chúng tôi có môi trường kinh doanh hạng nhất thế giới và lực lượng lao động xuất sắc”.

“Nhà máy sản xuất chất bán dẫn mới của Samsung tại thành phố Taylor sẽ mang lại vô số cơ hội cho những người làm việc chăm chỉ ở Trung Texas và gia đình của họ, đồng thời sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc tiếp tục duy trì tính đặc biệt của ngành công nghiệp bán dẫn tại tiểu bang chúng tôi”, ông Abbott nói tiếp.

Khoản đầu tư này được thực hiện trong bối cảnh tình trạng thiếu chip xuất hiện phổ biến ở các nước trên thế giới. Sự thiếu hụt chip toàn cầu đã làm suy yếu năng suất của nhiều ngành công nghiệp như điện thoại thông minh, thiết bị gia dụng và sản xuất xe hơi. Ông Abbott nói rằng thỏa thuận mới này sẽ không chỉ giúp ích cho Texas mà còn giúp đỡ các nơi khác trên thế giới.

Hôm 22/11, tờ Wall Street Journal lần đầu tiên đưa tin Samsung sẽ xây dựng một nhà máy ở tiểu bang Texas. Những người quen thuộc với vấn đề này nói tờ báo này rằng Samsung đã đầu tư rất nhiều vào Mỹ khi chính quyền Biden thúc đẩy việc mở rộng lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn của Mỹ.

Bản tin cho biết, theo các tài liệu trước đó của Samsung được đệ trình lên chính quyền Texas, nhà máy Samsung ở thành phố Taylor, trung tâm Texas, dự kiến phải đến cuối năm 2024 mới bắt đầu sản xuất chip. Biện pháp chủ yếu mà thành phố Taylor đưa ra để khuyến khích Samsung đầu tư là miễn giảm thuế. 

Theo trang web Fox Business, tăng cường sản xuất chip ở Mỹ luôn là ưu tiên của chính quyền Biden và Quốc hội Mỹ, và họ đã khởi động các hành động lập pháp nhằm cung cấp kinh phí để kích thích đầu tư vào Mỹ.

Tháng 6 năm nay, Thượng viện Mỹ đã chấp thuận trợ cấp trực tiếp 52 tỷ đô la Mỹ, dùng để xây dựng mới nhà máy sản xuất bán dẫn, mặc dù Hạ viện chưa có hành động.

Quan chức Mexico: CPTPP sẽ không bẻ cong quy tắc để chấp nhận Trung Quốc

Một quan chức thương mại cấp cao của Mexico nói với Nikkei rằng các thành viên của hiệp ước thương mại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ không bẻ cong các quy tắc để chấp nhận Trung Quốc,

Bà Luz María de la Mora, Thứ trưởng phụ trách Ngoại thương, Bộ Kinh tế Mexico, cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào thứ Hai rằng: “Chúng tôi muốn bảo đảm rằng chúng tôi duy trì tiêu chuẩn, hoặc chúng tôi cải thiện tiêu chuẩn, nhưng sẽ không có ngoại lệ, không thay đổi, không đối xử đặc biệt”.

Trước đó, hồi tháng 10, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard đã nói với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị rằng Mexico “hoan nghênh” Trung Quốc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Nhưng bà de la Mora nói rằng “các cuộc đàm phán và thực hiện CPTPP là [trách nhiệm] của Bộ Kinh tế”. Bà phát biểu: “Chưa có quyết định nào được đưa ra”, sau khi nhấn mạnh rằng Mexico sẽ xem xét đơn của Trung Quốc thông qua một quy trình đòi hỏi “rất nhiều công việc, rất nhiều sự chú ý và rất nhiều phân tích.”

Trung Quốc đã nộp đơn gia nhập CPTPP vào tháng 9. Muốn gia nhập được tổ chức này cần phải có sự đồng ý của tất cả các thành viên.

TQ: Cựu Chủ nhiệm tờ Nhân Dân nhật báo bị kết án 13 năm tù tội nhận, đưa hối lộ

Minh Anh

Bà Đinh Đinh trong phiên tòa xét xử của Tòa án Trung cấp Số 1 tỉnh Hải Nam vào ngày 16/10/2020. (Ảnh Tòa án Trung cấp Số 1 Hải Nam)

Hôm 22/11, bà Đinh Đinh, cựu Chủ nhiệm Trung tâm Lấy tin và Biên tập của tờ Nhân Dân nhật báo chi nhánh tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã bị kết án 13 năm tù về tội nhận hối lộ, đưa hối lộ. Bà Đinh bị cáo buộc nhận 3 triệu nhân dân tệ hối lộ từ ông Vương Thiết Minh, cựu Phó Chủ tịch thành phố Tam Á, sau đó bà ta lại đưa hối lộ 3 triệu nhân dân tệ cho bà Trương Gia Huệ, Phó Viện trưởng Tòa án nhân dân cấp cao tỉnh Hải Nam.

Ngày 22/11, bà Đinh Đinh, 39 tuổi, bị kết án 10 năm tù về tội nhận hối lộ và 6 năm tù về tội đưa hối lộ, cùng nhiều tội danh khác, tổng cộng phải chấp hành 13 năm tù và bị phạt 1,4 triệu nhân dân tệ.

Trong thời gian làm phóng viên của tờ Nhân Dân nhật báo (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc) chi nhánh tỉnh Hải Nam vào tháng 1/2016, bà Đinh đã kết giao với Vương Thiết Minh, khi đó là Giám đốc Cục Nhà ở và Phát triển Đô thị – Nông thôn Tam Á khi tác nghiệp tại thành phố này. Ông Vương nhờ vả bà Đinh đưa tin nhiều về Cục Nhà ở và Phát triển Đô thị – Nông thôn Tam Á. Trong nửa cuối năm, ông Vương đã đưa cho bà Đinh 3 triệu nhân dân tệ để cảm ơn sự giúp đỡ của bà.

Năm 2019, bà Đinh kháng cáo lên Tòa án nhân dân cấp cao tỉnh Hải Nam về vụ tranh chấp chuyển nhượng cổ phần mà chồng bà đại diện và hối lộ 3 triệu nhân dân tệ cho bà Trương Gia Huệ, Phó Viện trưởng Tòa án nhân dân cấp cao Hải Nam để có được giúp đỡ.

Bà Đinh bị cảnh sát tỉnh Hải Nam tạm giữ hình sự vào ngày 2/7/2020. Ngày 16/10/2020, Tòa án Trung cấp Số 1 Hải Nam mở phiên tòa xét xử, bản tuyên án được đưa ra vào ngày 22/11 năm nay.

Vào ngày 3/4/2019, ông Vương Thiết Minh, Phó Chủ tịch thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam bị điều tra.

Theo Caixin, bà Đinh không đồng ý với các cáo buộc và mức án đối với bà. 

Vào ngày 4/12/2020, bà Trương Gia Huệ bị kết án 18 năm tù. Bà Trương bị cáo buộc lợi dụng chức vụ quyền hạn, trong thời gian từ năm 2006 đến 2019, đã nhận tài sản bất hợp pháp của 37 người với tổng trị giá 4.375 triệu nhân dân tệ. Trong số 37 người hối lộ, có 18 người là luật sư. 

Theo bài báo, bà Trương Gia Huệ và chồng là Lưu Viễn Sinh đã chiếm đoạt số tài sản khổng lồ là 20 tỷ nhân dân tệ. Bà Trương được coi là “thẩm phán giàu có nhất trong hệ thống tòa án của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, đồng thời bà bị cáo buộc tạo ra một lượng lớn các vụ án oan.

Minh Anh 

Theo The Epoch Times

Đài Loan nói về vi mạch, và việc Trung Quốc ‘cưỡng ép’ kinh tế trong cuộc họp với Hoa Kỳ

Quốc kỳ của Đài Loan và Hoa Kỳ được đặt tại một cuộc họp giữa Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Hoa Kỳ Ed Royce và ông Tô Gia Toàn (Su Chia-chyuan), Viện trưởng Lập pháp viện ở Đài Bắc, Đài Loan, vào hôm 27/03/2018 (Ảnh: Tyrone Siu/REUTERS)

TAIPEI – Hôm thứ Ba (23/11), Bộ trưởng Kinh tế Đài Loan Vương Mỹ Hoa (Wang Mei-hua) cho biết, Đài Loan và Hoa Kỳ đã thảo luận về tình trạng thiếu vi mạch và cách ứng phó với hành động “cưỡng ép” kinh tế của Trung Quốc trong phiên thứ hai của vòng đối thoại kinh tế được khởi xướng vào năm ngoái.

Các cuộc đàm phán diễn ra một tuần sau cuộc gặp trực tuyến giữa Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Sau cuộc gặp đó, ông Tập nói rằng những người ủng hộ độc lập cho Đài Loan ở Hoa Kỳ đang “đùa với lửa”.

Trung Quốc quyết liệt tuyên bố Đài Loan dân chủ là của riêng mình và không loại trừ việc sử dụng vũ lực để bảo đảm cho sự thống nhất cuối cùng.

Trình bày với các phóng viên tại Đài Bắc sau 5 giờ hội đàm trực tuyến, do Thứ trưởng Hoa Kỳ về phát triển kinh tế, năng lượng và môi trường Jose Fernandez chủ trì, bà Vương cho biết họ đã thảo luận về hợp tác chuỗi cung ứng, bao gồm cả trong lĩnh vực chất bán dẫn.

Bà nói thêm, “Phần về chất bán dẫn này bao gồm vấn đề tắc nghẽn chuỗi cung ứng ngắn hạn hiện nay. Điều quan trọng hơn nữa là sự hợp tác lâu dài trong tương lai.”

Cường quốc về sản xuất vi mạch Đài Loan cho biết họ đang làm tất cả những gì có thể để giải quyết tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn trên toàn cầu, và đặc biệt muốn chứng minh cho Hoa Kỳ, nước ủng hộ quan trọng nhất của họ trên trường quốc tế, rằng họ đang xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc.

Bà Vương cho biết, các cách để ứng phó với sự “cưỡng ép” kinh tế của Trung Quốc cũng được đưa ra, tập trung vào Lithuania, nơi đang phải đối mặt với áp lực từ phía Bắc Kinh vì đã cho phép Đài Loan mở [văn phòng] trên thực tế là đại sứ quán ở thủ đô Vilnius của họ.

Bà nói thêm rằng: “Tất cả chúng tôi đều có chung niềm tin rằng tất cả các quốc gia, tất cả các nền kinh tế, không nên chịu sự cưỡng ép từ bên ngoài như thế này.”

Trung Quốc đã hạ cấp quan hệ ngoại giao với Lithuania vào hôm Chủ Nhật do vấn đề gây tranh cãi này.

Đài Loan hy vọng vòng đối thoại này cuối cùng sẽ dẫn đến một hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ và coi cuộc họp khai mạc của năm ngoái là một bước tiến.

Chính phủ Tổng thống Biden vẫn đang tiếp tục gia tăng sự can dự của Hoa Kỳ với Đài Bắc, một xu thế vốn bắt đầu dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, trước sự tức giận của Bắc Kinh.

Hai bên đã tổ chức các cuộc đàm phán bị trì hoãn từ lâu về Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư hồi tháng Bảy, và Đài Loan cho biết họ hy vọng sẽ có thể ký một FTA vào một ngày không xa.

Bản tin có sự đóng góp của Sarah Wu
Thanh Tâm biên dịch

Trung Quốc hạ cấp quan hệ ngoại giao với Lithuania vì Đài Loan

Các nhân viên bên ngoài Văn phòng Đại diện Đài Loan tại Vilnius, Lithuania, hôm 18/11/2021. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Đài Loan/AP) Tây Dương

Hôm 21/11, Trung Quốc đã hạ cấp quan hệ ngoại giao với Lithuania sau khi Đài Loan mở văn phòng trên thực chất là đại sứ quán tại thủ đô Vilnius của Lithuania.

Lithuania đã khiến nhà cầm quyền Trung Quốc phẫn nộ sau khi cho phép Đài Loan mở một văn phòng đứng tên mình tại Vilnius vào mùa hè vừa qua. Bắc Kinh đã triệu hồi phái viên tại Lithuania của họ hồi tháng Tám và trục xuất đại sứ Lithuania khỏi Trung Quốc. Nhà cầm quyền này cũng được cho là đã ngừng cấp các loại giấy phép xuất cảng mới cho thực phẩm của Lithuania.

Chính quyền Trung Quốc đã tuyên bố Đài Loan tự trị là lãnh thổ của riêng mình, và sẽ chiếm hòn đảo này bằng vũ lực nếu cần thiết. Bắc Kinh cũng đã gây áp lực buộc các chính phủ khác phải chấp thuận các tuyên bố của mình bằng cách cố gắng ngăn họ thiết lập quan hệ với hòn đảo được quản lý dân chủ này.

Hành động của Lithuania “làm suy yếu chủ quyền và tính toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, và can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc… tạo ra một tiền lệ xấu trên thế giới,” Bộ Ngoại giao của Bắc Kinh cho biết trong một tuyên bố hôm 21/11. “Chính phủ Lithuania phải chịu mọi hậu quả liên đới.”

Chính quyền này cho biết họ sẽ hạ cấp quan hệ ngoại giao xuống mức đại biện [còn gọi là tham tán hoặc xử lý thường vụ].

Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Lithuania “ngay lập tức khắc phục sai lầm của mình” và cảnh báo rằng những nỗ lực của Đài Loan nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ từ ngoại quốc sẽ đi vào “ngõ cụt”.

Hôm 21/11, Bộ Ngoại giao Lithuania bày tỏ rằng họ “lấy làm tiếc” về quyết định hạ cấp quan hệ ngoại giao của Trung Quốc.

“Lithuania tái khẳng định lập trường chính sách ‘Một Trung Quốc’ của mình, nhưng đồng thời có quyền mở rộng hợp tác với Đài Loan và tiếp nhận cũng như thiết lập các cơ quan đại diện phi ngoại giao để bảo đảm sự phát triển thực tế của các mối bang giao như vậy, như cách nhiều nước khác làm,” bộ Ngoại giao Lithuania cho biết trong một tuyên bố.

Hầu hết các quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, hiện không có quan hệ ngoại giao với hòn đảo này, nhưng họ duy trì mối bang giao với Đài Loan bằng cách thiết lập các văn phòng thương mại. Các cơ quan đại diện của Đài Loan ở những quốc gia đó được đặt dưới tên thành phố Đài Bắc, Đài Loan, một thuật ngữ được sử dụng để tránh khơi mào sự phẫn nộ của chế độ cộng sản.

Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan đã lên án “sự thô lỗ và ngạo mạn” của Trung Quốc, nói rằng Bắc Kinh không có quyền bình luận về điều gì đó không phải là chuyện nội bộ của Trung Quốc và hoàn toàn là một vấn đề giữa Đài Loan và Lithuania.

Hôm 19/11, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Uzra Zeya nói trong một cuộc họp báo ở Vilnius rằng Hoa Thịnh Đốn bác bỏ sự can thiệp của các quốc gia khác vào mối bang giao của Lithuania với Đài Loan. Hoa Kỳ cũng đã cung cấp hỗ trợ tài chính cho quốc gia Baltic này bằng cách xác nhận rằng họ sẽ ký một thỏa thuận tín dụng xuất cảng trị giá 600 triệu USD giữa Lithuania và Ngân hàng Xuất Nhập cảng Hoa Kỳ (EXIM) trong tương lai gần.

Hồi tháng Chín, các nhà lập pháp trên khắp thế giới đã kêu gọi đoàn kết với Lithuania và Đài Loan.

Trong một cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania Gabrielius Landsbergis hồi tháng Tám, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã tái khẳng định sự ủng hộ “vững như bàn thạch” của Hoa Kỳ đối với quốc gia Baltic này trước hành vi cưỡng ép của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Cô Dorothy Li là một phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.

An Nhiên biên dịch

Mỹ-Đài thảo luận cách khắc chế Bắc Kinh

Hải Lam

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (ảnh: Youtube/UDN Video).

Bộ trưởng Kinh tế Đài Loan Vương Mỹ Hoa cho biết, trong vòng thứ hai của cuộc đối thoại kinh tế, Đài Loan và Mỹ đã thảo luận về tình trạng thiếu chip và cách đối phó với sự “chèn ép” kinh tế của Trung Quốc, theo Reuters.

Hai bên đã tổ chức các cuộc đàm phán về Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư vào tháng 7 năm ngoái, và Đài Loan cho biết họ hy vọng có thể ký hiệp định với Mỹ vào một ngày không xa.

Cuộc đàm phán vòng thứ hai diễn ra một tuần sau cuộc gặp trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Sau cuộc gặp này, ông Tập cảnh báo rằng những người ủng hộ Đài Loan độc lập ở Hoa Kỳ đang “đùa với lửa”.

Phát biểu với các phóng viên tại Đài Bắc sau 5 giờ hội đàm trực tuyến với phái đoàn Hoa Kỳ, bà Vương cho biết Mỹ và Đài Loan đã thảo luận về hợp tác chuỗi cung ứng, bao gồm cả chất bán dẫn. Bà nói: “Phần bán dẫn bao gồm vấn đề tắc nghẽn chuỗi cung ứng ngắn hạn hiện tại. Điều quan trọng hơn nữa là sự hợp tác lâu dài trong tương lai”.

Nhà sản xuất chip Đài Loan cho biết họ đang làm tất cả những gì có thể để giải quyết tình trạng thiếu chất bán dẫn trên toàn cầu, và đặc biệt muốn chứng minh cho Hoa Kỳ rằng họ xem xét vấn đề một cách nghiêm túc.

Bà Vương nói, cách đối phó với hành động “chèn ép” kinh tế của Trung Quốc cũng được thảo luận. Các quan chức Mỹ và Đài Loan đã tập trung vào Litva, quốc gia phải đối mặt với áp lực từ Bắc Kinh vì đã cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện ở thủ đô Vilnius.

Người đứng đầu Bộ kinh tế của hòn đảo nói thêm: “Tất cả chúng tôi đều tin tưởng rằng tất cả các quốc gia, tất cả các nền kinh tế, không nên chịu sự ép buộc từ bên ngoài như thế này”.

NASA phóng phi thuyền đâm vào một tiểu hành tinh

Thanh Phương

Phi thuyền DART của cơ quan không gian Mỹ NASA được phóng lên từ Los Angeles (California, Hoa Kỳ) ngày 23/11/2021. Ảnh chụp màn hình ngày 24/11. © Stephen Saux via REUTERS

Chuyện xảy ra giống như trong phim Hollywood: Trong đêm qua, rạng sáng nay, 24/11/2021, cơ quan không gian Hoa Kỳ đã lần đầu tiên phóng lên vũ trụ một phi thuyền để đâm vào một tiểu hành tinh, với hy vọng làm thay đổi đường bay của tiểu hành tinh này, tránh cho Trái Đất nguy cơ một vụ va chạm với hậu quả kinh khủng.

Chuyến bay này được đặt tên là DART. Phi thuyền đã được phóng lên từ căn cứ Vandenberg ở bang California, trên một hỏa tiễn Falcon 9 của hãng SpaceX.

Theo hãng tin AFP, trong một cuộc họp báo, nhà khoa học Tom Statler của cơ quan NASA tuyên bố đây là một cuộc thử nghiệm mang tính “lịch sử”: Lần đầu tiên, nhân loại sẽ làm thay đổi đường di chuyển của một thiên thể trong không gian.

Đúng hơn đây là một cuộc “tổng diễn tập”, bởi vì tiểu hành tinh bị nhắm tới không đe dọa gì Trái Đất chúng ta. Nhưng cơ quan không gian Hoa Kỳ xem mục tiêu của chuyến thử nghiệm này là rất quan trọng.

Hiện giờ NASA đã liệt kê được hơn 27.500 tiểu hành tinh đủ mọi kích thước bay gần Trái Đất và trong số này không có một tiểu hành tinh nào là một mối đe dọa đối với nhân loại trong khoảng 100 năm tới.

Nhưng theo AFP, các chuyên gia chỉ mới nắm được khoảng 40% số tiểu hành tinh có kích thước từ 140 mét trở lên, tức là có thể phá hủy hoàn toàn cả một vùng nếu va chạm vào Trái Đất. Đa số các tiểu hành tinh kia còn cần phải được khám phá. Cho nên, phải phát triển một kỹ thuật để bảo vệ hành tinh của chúng ta khỏi các hiểm họa trong tương lai.

Phi thuyền vừa được NASA phóng lên có kích thước nhỏ hơn một xe hơi, theo dự kiến trong 10 tháng nữa sẽ đâm với vận tốc 24.000 km/giờ vào một tiểu hành tinh có kích thước bằng một sân bóng đá (đường kính khoảng 160 mét). Tiểu hành tinh mang tên Dimorphos thật ra là một “Mặt Trăng” nằm trên quỹ đạo chung quanh một tiểu hành tinh khác có kích thước lớn hơn (đường kính 780 mét) , có tên là Didymos.  

Sau khi phi thuyền đâm vào tiểu hành tinh Dimorphos, các viễn vọng kính từ Trái Đất sẽ tính toán độ chệch hướng của tiểu hành tinh này. Các nhà khoa học sẽ dựa trên kết quả tính toán để xác định trong tương lai nên dùng một khối lượng như thế nào để đâm vào một loại tiểu hành tinh nào để làm chệch hướng bay đủ để tránh cho nó va vào Trái Đất.

Chỉ huy quân đội Nga và Mỹ điện đàm về an ninh quốc tế

Phan Minh

Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Mark Milley (T) và bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin trong cuộc gặp bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina Oleksii Reznikov, tại Nhà Trắng, Washington DC, Mỹ, ngày 18/11/2021. © AP Photo/Manuel Balce Ceneta

Hôm 23/11/2021, tổng tham mưu trưởng quân đội Nga và đồng nhiệm Mỹ đã có một cuộc điện đàm trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây xung quanh vấn đề Ukraina.

Thông cáo của bộ Quốc Phòng Nga, được AFP trích dẫn, cho biết, tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, tướng Valéri Guérassimov đã điện đàm thảo luận với người đồng cấp Mỹ Mark Milley về các vấn đề an ninh quốc tế, nhưng không cho biết thêm chi tiết cụ thể.  

Lầu Năm Góc cũng đã xác nhận cuộc điện đàm nói trên là nhằm làm “giảm các rủi ro”.    

Trong những ngày gần đây, Mỹ, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên Hiệp Châu Âu liên tiếp bày tỏ quan ngại về những hoạt động quân sự của Nga ở vùng biên giới chung với Ukraina. Thậm chí phương Tây còn tố cáo Nga dường như có kế hoạch tấn công Ukraina. Nga đã phủ nhận những cáo buộc trên.

Xin nhắc lại là từ năm 2014, xung đột đã xẩy ra giữa quân đội Nga và lực lượng ly khai ở phía đông Ukraina, được Nga ủng hộ. Cùng năm 2014, Nga đã sáp nhập bán đảo Crimée. 

TT Mỹ Biden mời Đài Loan tham gia thượng đỉnh dân chủ, Trung Quốc phản đối gay gắt

Thùy Dương

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 23/11/2021 đã mời khoảng 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Đài Loan, tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về dân chủ. Hôm nay 24/11, Trung Quốc đã gay gắt phản đối, bởi theo Bắc Kinh, Đài Loan chỉ là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc.  

“Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ” sẽ được tiến hành trực tuyến vào ngày 09-10/12/2021 và cuộc họp trực tiếp sẽ diễn ra một năm sau đó. Theo AFP, danh sách khách mời đã được công bố hôm thứ Ba 23/11 trên trang web của bộ Ngoại Giao Mỹ. Các đối thủ chính của Mỹ, dẫn đầu là Trung Quốc và Nga, không có tên trong danh sách này.

Trái lại, tổng thống Biden đã mời Đài Loan. Đối với Hoa Kỳ, hòn đảo không được công nhận là một quốc gia độc lập nhưng là một mô hình dân chủ chống lại Trung Quốc.

Ngay lập tức, Bắc Kinh đã có phản ứng. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Triệu Trung Quốc Lập Kiên (Zhao Lijian) hôm nay 24/11/2021 khẳng định sự « phản đối mạnh mẽ » của Trung Quốc và nhấn mạnh « theo luật pháp quốc tế, Đài Loan không có vị thế gì khác ngoài là một phần không thể tách rời của Trung Quốc ».

Từ khi nhậm chức vào tháng 01/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden đã không giấu diếm ý định tiến hành một « cuộc đấu » giữa các nền dân chủ và chế độ chuyên quyền, mà Trung Quốc và Nga là đại diện. Biden coi đó là tâm điểm chính sách đối ngoại của ông.

Tuy nhiên, bà Laleh Ispahani, Quỹ Xã Hội Mở (Open Society), lưu ý thay vì biến thượng đỉnh vì dân chủ lần này thành một cuộc họp chống Trung Quốc, tổng thống Biden phải tận dụng cơ hội này để tập hợp các nhà lãnh đạo và xã hội dân sự để “tấn công vào cuộc khủng hoảng do sự suy thoái nghiêm trọng của nền dân chủ ở nhiều nơi trên thế giới, kể cả đối với các mô hình tương đối vững chắc như Hoa Kỳ”.

Quả thực, hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ diễn ra trong bối cảnh nền dân chủ thế giới đã hứng chịu nhiều thất bại trong những tháng gần đây ở một số nước mà Hoa Kỳ từng đặt nhiều hy vọng, chẳng hạn Miến Điện, Sudan, những nơi đã diễn ra đảo chính quân sự. Ngay chính nước Mỹ cũng lần đầu tiên bị Viện Quốc tế về Dân chủ và Hỗ trợ Bầu cử (IDEA) có trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển, xếp vào danh sách “các nền dân chủ đang tụt lùi”, chủ yếu liên quan đến thời Tổng thống Donald Trump.  

Liên Âu chuẩn bị trừng phạt các công ty Belarus liên quan đến khủng hoảng di dân

Phan Minh

Dân di cư tại một trung tâm hậu cần ở cửa khẩu Kuznitsa, biên giới Belarus – Ba Lan, gần Grodno, Belarus, ngày 23/11/2021. © Andrey Pokumeiko/BelTA via AP

Liên Hiệp Châu Âu ngày 23/11/2021 cho biết sẽ ban hành các biện pháp trừng phạt đối với hãng hàng không Belavia của Belarus và các công ty liên quan đến việc chuyên chở di cư, gây ra cuộc khủng hoảng ở biên giới Ba Lan – Belarus.  

Theo AFP, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen thông báo là lệnh trừng phạt sẽ được các quốc gia thành viên thông qua trong những ngày tới.  

Từ Strasbourg, thông tín viên Daniel Vallot tường trình:

Theo chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, phần lớn máy bay mà Belavia sử dụng là thuê của các công ty châu Âu. Cấm các hãng đó cho Belavia thuê dường như là một trong những công cụ hữu hiệu nhất để ngăn cản Belarus gây áp lực, bắt bí về vấn đề di dân, theo như cáo buộc của Bruxelles. Phát biểu trước các nghị sĩ châu Âu, Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen tiết lộ một công cụ khác nhằm giảm áp lực di cư: lập một danh sách đen bao gồm các công ty vận tải và các cơ quan có dính líu đến vận chuyển dân di cư này.  

Bà giải thích : Quả thực là có những công ty du lịch chuyên cung cấp các dịch vụ trọn gói bao gồm thị thực nhập cảnh, vé máy bay, khách sạn, thậm chí còn có cả taxi và xe buýt đưa đến biên giới. Những người di cư này bị lừa gạt bởi những lời hứa hão huyền. Và đó là lý do tại sao chúng tôi đề xuất thiết lập danh sách đen liên quan đến tất cả các phương tiện và phương thức vận tải trên cơ sở luật pháp quốc tế chống tệ nạn buôn người và việc vận chuyển người di cư.  

Để giải quyết khủng hoảng, Liên Hiệp châu Âu cũng muốn đảm trách việc hồi hương những người bị mắc kẹt tại biên giới Belarus. Các khoản tiền bổ sung sẽ được cung cấp cho 3 quốc gia bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng là Ba Lan, Litva và Latvia. Ủy Ban Châu Âu nhấn mạnh, số tiền này giúp 3 nước tăng cường các phương tiện giám sát ở biên giới của mình, và trong mọi trường hợp, không phải để tài trợ cho việc xây tường hay lập hàng rào dây thép gai ở biên giới.

Ngoài ra, cũng theo AFP, tổ chức Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch) tố cáo hai nước, Belarus và Ba Lan, đều vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với những người di cư và xin tị nạn ở biên giới 2 nước.

Việt Nam, Nhật Bản “mạnh mẽ” chống lại việc làm thay đổi nguyên trạng các vùng biển trong khu vực

Thanh Phương

Trao đổi văn kiện ký kết hợp tác giữa phái đoàn bộ Quốc Phòng Việt Nam (T) và các đồng nhiệm Nhật Bản, tại bộ Quốc Phòng Nhật, Tokyo, ngày 23/11/2021. © REUTERS/Issei Kato/Pool

Tại Tokyo hôm 23/11/2021,bộ trưởng Quốc Phòng của Việt Nam và Nhật Bản đã tuyên bố “mạnh chẽ chống lại” mọi mưu toan đơn phương nhằm làm thay đổi nguyên trạng các vùng biển trong khu vực, ám chỉ đến sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông

Hãng tin Kyodo, trích dẫn thông báo bộ Quốc Phòng Nhật cho biết, trong cuộc gặp tại Tokyo, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Nobuo Kishi và đồng nhiệm Việt Nam Phan Văn Giang đã thảo luận về những diễn biến gần đây tại Biển Đông và biển Hoa Đông, xác nhận là hai nước sẽ cùng nhau nỗ lực duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ở các vùng biển này. Ông Kishi còn tuyên bố Nhật Bản cam kết bảo vệ một vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương “tự do và dân chủ”, cũng như cam kết hợp tác với Hoa Kỳ và các quốc gia “có cùng tư tưởng chia sẽ những giá trị phổ quát”.

Theo lời bộ trưởng Kishi, cuộc hội đàm giữa ông với đồng nhiệm Việt Nam Phan Văn Giang đã đưa hợp tác quốc phòng giữa hai nước lên một “mức độ mới”.

Cũng nhân cuộc gặp hôm qua giữa hai bộ trưởng Quốc Phòng tại Tokyo, Việt Nam và Nhật Bản đã ký hiệp định hợp tác về an ninh mạng và về quân sự. Theo hãng tin AP, tuyên bố với các phóng viên, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Nobuo Kishi cho biết hiệp định hợp tác về an ninh mạng là nhằm đối phó khẩn cấp với những hoạt động trên vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương đang “thách thức trật tự quốc tế hiện có”, ám chỉ đến Trung Quốc, tuy ông không nêu tên cụ thể quốc gia nào.  

Hai bộ trưởng Quốc Phòng hôm qua cũng thông báo Nhật Bản và Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác về các chiến dịch duy trì hòa bình. Việt Nam hiện đang chuẩn bị tham gia lực lượng duy trì hòa bình của Liên Hiệp Quốc ở một vùng đang tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan. Theo hãng tin Kyodo, bộ trưởng Kishi cho biết là quân đội Nhật sẽ gởi người đến Việt Nam để chia sẽ kinh nghiệm và kỹ năng của Nhật liên quan đến các chiến dịch duy trì hòa bình.

Cuộc gặp giữa bộ trưởng Quốc Phòng hai nước diễn ra một ngày trước khi thủ tướng Nhật Fumio Kishida hội đàm với thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính. Ông Phạm Minh Chính là lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên được ông Kishida tiếp kể từ khi ông nhậm chức thủ tướng vào tháng trước. 

Related posts