Có phải ông Thưởng đang ám chỉ về phương thức… ‘xử lý’ Tô Lâm?

Trân Văn (VOA)

24-11-2021

Hôm qua (23/11/2021) khi gặp gỡ đại diện dân chúng Đà Nẵng trong vai đại biểu của họ tại Quốc hội khóa 15, ông Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Trường trực Ban Bí thư của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN – bảo rằng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đang… “hướng tới xây dựng cơ chế để cán bộ không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng.

Ông Thưởng nói ngoa như thế sau khi một số cử tri tại Đà Nẵng bất bình về thực trạng tham nhũng và hiệu quả phòng – chống tham nhũng: Lửa vẫn cháy, lò vẫn nóng nhưng củi ướt, khói nhiều, sức nóng không đủ để củi cháy hết. Luật phòng chống tham nhũng không đủ chế tài, sức răn đe nên hạn chế kết quả. Phòng – chống nhưng tham nhũng vẫn trầm trọng, chẳng hạn phải xử lý một… tiểu đội… tướng lĩnh của Cảnh sát biển

Giống như nhiều viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam, ông Thưởng tiếp tục nhấn mạnh: Phòng – chống tiêu cực, tham nhũng là vấn đề đảng rất quan tâm bởi đó là chuyện có tính sống còn với vận mệnh của đảng, nhà nước và chế độ! Để chứng minh, ông dẫn chứng đảng của ông… đã xử lý nghiêm nhiều cán bộ vừa được bầu vào BCH TƯ đảng khóa này, nhiều tướng lĩnh cao cấp

Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định: Những quy định sau Đại hội 13 của đảng CSVN đã đổi mới, rất chặt chẽ, rõ ràng, có tính khả thi và phòng ngừa rất cao. Nếu cán bộ có khuyết điểm, sai lầm, uy tín giảm sút thì trước hết là khuyến khích từ chức. Đồng thời cũng phải tạo ra áp lực chính trị của tổ chức đảng và cơ quan để cán bộ từ chức khi uy tín giảm sút, không chờ hết nhiệm kỳ (1)...

***

Từ thực tế như đã biết và đang thấy, rõ ràng ông Thưởng thiếu kiến thức và thiếu suy nghĩ. Ủy viên Bộ Chính trị mà không biết đối tượng nào chọn “nhiều cán bộ vừa được bầu vào BCH TƯ đảng khóa này” để sau đó phải… “xử lý nghiêm” vì từng đục khoét của công! Thường trực Ban Bí thư mà không rõ đối tượng nào phong tướng cho những sĩ quan biến chất, đối tượng nào từng mặc kệ những viên tướng đó khi chúng câu kết nhũng lạm?

Vì sao… “đã đổi mới, rất chặt chẽ, rõ ràng, có tính khả thi và phòng ngừa rất caomà lại như thế? Thực tế đã như thế lại còn khẳng định như thế thì bao nhiêu người tin? Đến giờ, ông Thưởng vẫn không nhận ra tiếp tục nói ngoa như thế vừa hủy hoại uy tín cá nhân, vừa khiến thiên hạ thêm chán ngán bởi ông và đảng của ông đã gian lại còn dại, mãi luẩn quẩn, loanh quanh với thói nói lấy được!

Giống như các đồng chí của ông, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tiếp tục quảng bá… nghiêm minh. Trong lịch sử nhân loại, có thời nào, ở xứ nào mà… nghiêm minh là… “khuyến khíchcán bộ có khuyết điểm, sai lầm, uy tín giảm sút… từ chức”, nếu không thì… “tổ chức đảng và cơ quan tạo ra áp lực chính trị để cán bộ từ chức chứ không chờ hết nhiệm kỳ”? Còn gì khôi hài hơn thế?

Hay là ông Thưởng nói xa, nói gần về trường hợp ông Tô Lâm – Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Bộ trưởng Công an – điển hình cao nhất, mới nhất về việc… “có khuyết điểm, sai lầm, uy tín giảm sút”? 17 thành viên còn lại của Bộ Chính trị đang… tạo ra áp lực chính trị để ông Tô Lâm… “từ chức khi uy tín giảm sút, không chờ hết nhiệm kỳ”? Nếu điều đó đúng thì cũng không thể xếp loại… áp lực chính này vào diện… nghiêm minh!

***

Trong vài năm gần đây, sau khi nghe thiên hạ kháo với nhau về phương thức phòng – chống tham nhũng của Singapore khiến các viên chức của họ “không dám, không thể, không cần, không muốn” tham nhũng, các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam bắt đầu bi bô về “bốn không” như sáng kiến riêng của đảng CSVN quang vinh!

Singapore phòng – chống tham nhũng có hiệu quả vì phương thức quản trị – điều hành tại đó buộc các viên chức của họ nhận thức, tham nhũng đồng nghĩa với mất lớn hơn được. Thậm chí nếu vẫn muốn, các viên chức ở Singapore cũng không thể tham nhũng vì việc kiểm soát tài sản, thu nhập của họ được thực hiện rất chặt chẽ. Tham nhũng ở Singapore đồng nghĩa đối diện với đủ thứ phiền toái, chưa kể thiệt đơn, thiệt kép…

Cho dù đã nói ngoa và nói điêu từ lâu, nói ngoa nhiều lần về “bốn không” nhưng các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đều giống như ông Thưởng, chỉ cho biết đang… “hướng tới xây dựng cơ chế để cán bộ không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng! Tự thân hai từ… “hướng tới” có lẽ là đủ để xác định sự trâng tráo của những kẻ lập ngôn ở mức nào.

Chú thích

(*) https://tuoitre.vn/lam-sao-de-can-bo-khong-dam-khong-the-khong-can-khong-muon-tham-nhung-20211123141221495.htm

Related posts