Tin thế giới sáng thứ Sáu

Lượng du khách đổ đến Florida nhiều hơn so với trước khi có đại dịch

Bãi biển Cocoa, Florida, chật kín những người đi biển trong Ngày Tưởng niệm hôm 23/05/2020. (Ảnh: Stephen M. Dowell/Orlando Sentinel) Hoa Kỳ

Các số liệu vừa được công bố cho thấy có 32.5 triệu du khách đã đổ đến Florida vào tháng Bảy, Tám và Chín, vượt quá số lượng du khách cùng kỳ năm 2019 trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Đây là quý thứ hai liên tiếp tăng trưởng lượng khách nội địa, với 31.2 triệu người Mỹ đổ xô đến Tiểu bang Ánh nắng này trong quý thứ ba của năm nay, theo Visit Florida, công ty tiếp thị du lịch chính thức của tiểu bang này.

Con số đó đã tăng gần 7% so với trước khi xảy ra đại dịch.

Trong khi đó, trên toàn quốc, tổng số lượt du lịch nội địa dự kiến chỉ đạt 85% mức năm 2019, theo phần dự báo cho mùa thu của Hiệp hội Lữ hành Hoa Kỳ.

Và lượng khách quốc tế đến Hoa Kỳ nói chung chỉ đạt 27% so với mức trước đại dịch.

Trong năm 2019, du lịch nội địa của Hoa Kỳ đã tăng 1.7%, với số chuyến đi đạt 2.3 tỷ chuyến, báo cáo này cho thấy.

Du lịch giải trí chiếm 80% trong tổng số chuyến du lịch. Lượt chuyến quốc tế đã giảm 0.7% trong năm 2019, nhưng vẫn chiếm 79 triệu lượt.

Cùng năm đó, khách du lịch trong nước và quốc tế đã chi tiêu 1.1 nghìn tỷ USD ở Hoa Kỳ.

Ngành công nghiệp này đã hỗ trợ chín triệu việc làm vào năm 2019 và tạo ra 277 tỷ USD tiền lương và 180 tỷ USD doanh thu thuế cho chính phủ liên bang, tiểu bang và địa phương.

Sau đó, đại dịch COVID-19 tấn công, và hoạt động du lịch đành phải tạm dừng.

Dự đoán, lượt du lịch nội địa trên toàn quốc sẽ thoát hẳn khỏi tình trạng suy thoái do virus Trung Cộng gây ra vào năm 2023, và cuối cùng sẽ vượt 3% so với mức trước đại dịch.

Dự kiến đến năm 2025, lượng khách quốc tế mới phục hồi như mức năm 2019.

Thế nhưng ngành du lịch đang bắt đầu đà tăng trở lại ở Florida. Khoảng 1.2 triệu du khách từ nước ngoài đã đến Florida và 85,000 du khách đến từ Canada trong quý ba năm nay.

Lượng du khách này tăng 597% so với cùng thời điểm năm 2020 và tăng 16.1% so với quý 2 năm nay.

Trong khi du lịch ở các tiểu bang khác thực tế đã bị tạm dừng, thì Florida đã tích cực tiếp thị ra ngoài biên giới của mình trong bảy tháng qua và đã chứng kiến sự tăng trưởng ổn định về lượng khách trong mỗi quý.

Thống đốc Ron DeSantis cho biết, “Vào năm 2020, các chuyên gia đều nghĩ rằng nền kinh tế của Florida sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất trên toàn quốc, bởi vì ngành du lịch có một vị trí vô cùng quan trọng đối với tiểu bang của chúng tôi. Thay vào đó, chúng tôi đang dẫn đầu trong việc tạo ra việc làm và các hoạt động du lịch ở Hoa Kỳ.

“Chúng tôi có thể thiết lập những kỷ lục này bởi vì, ở Florida, chúng tôi duy trì hoạt động của các doanh nghiệp và bảo đảm người dân Florida có thể tiếp tục làm việc. Chỉ trong vòng 15 tháng, số lượt các chuyến du lịch tới Florida đã vượt qua mức trước đại dịch, giúp thúc đẩy doanh thu, tăng trưởng việc làm, và hoạt động kinh tế cho tất cả 67 quận trong tiểu bang của chúng tôi.”

Dòng du khách này “là một chiến thắng to lớn cho tiểu bang của chúng tôi và đã thúc đẩy sự phục hồi của ngành du lịch của Florida lên một tầm cao mới,” theo ông Danny Gaekwad, chủ sở hữu của chuỗi Khách sạn MGM và là chủ tịch hội đồng quản trị của tập đoàn Visit Florida cho biết.

Ông Gaekwad nói: “Florida thường xuyên vượt trội so với toàn quốc về công suất khách sạn, nhu cầu, và doanh thu, đồng thời là một tác nhân dẫn đầu tin cậy trong lĩnh vực du lịch của Hoa Kỳ.”

“Chúng tôi vô cùng biết ơn Thống đốc DeSantis vì đã mở đường cho thành công này và cho phép cộng đồng du lịch của chúng tôi phát triển mạnh mẽ.”

Thanh Tâm biên dịch

Israel bắt đầu chích ngừa COVID cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi

Bé Israel Liam Lev Tov, 6 tuổi, trong vòng tay mẹ, được nhân viên y tế tại Clalit Health Services chích vaccine COVID-19 Pfizer-BioNTech ở Tel Aviv, Israel hôm 23/11/2021. (Ảnh: Oded Balilty/AP Photo) Tây Dương

TEL AVIV, Israel – Hôm thứ Ba (23/11), Israel đã bắt đầu chích vaccine ngừa virus corona cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.

Nước này gần đây đã xuất hiện làn sóng COVID thứ tư và có tỷ lệ lây nhiễm hàng ngày tương đối thấp trong vài tuần qua. Nhưng số liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy phần lớn các ca nhiễm mới đều là ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Trẻ em từ 5 đến 11 tuổi chiếm gần một nửa số ca dương tính. Các quan chức hy vọng chiến dịch chích ngừa mới này sẽ giúp giảm số lượng [ca nhiễm] và có thể ngăn chặn một làn sóng mới.

Truyền thông Israel cho biết nhu cầu chích vaccine khá thấp vào ngày đầu tiên thực hiện cho nhóm tuổi này. Hôm thứ Ba (23/11), Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã đi cùng cậu con trai David, 9 tuổi, của ông để khuyến khích các bậc cha mẹ đưa con mình đi chích ngừa.

Ông Bennett đã nắm tay con trai mình khi cậu bé được chích ngừa. Ông David Bennett cho biết cậu bé hơi sợ hãi nhưng mũi chích đó không đau. Thủ tướng kêu gọi tất cả trẻ em đủ điều kiện nên đi chích ngừa. Ông nói rằng “Nó sẽ bảo vệ con em chúng ta và cả các bậc cha mẹ.”

Israel, quốc gia có dân số hơn 9 triệu người, đã có hơn 1.3 triệu ca nhiễm kể từ khi đại dịch bắt đầu và hơn 8,100 ca tử vong.

Thanh Tâm biên dịch

Thư viện Hồng Kông gỡ bỏ sách vì ‘vi phạm’ luật an ninh quốc gia

Ngọc Mai

(Ảnh chụp màn hình Youtube/Shan My Channel)

Đài Á châu Tự do đưa tin, theo luật an ninh quốc gia do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) áp đặt lên thành phố, các thư viện công cộng ở Hồng Kông đang âm thầm loại bỏ những cuốn sách được coi là “nhạy cảm” về mặt chính trị.

Kể từ khi luật an ninh quốc gia có hiệu lực vào ngày 1 tháng 7 năm 2020, hơn 100 đầu sách được cho là đã biến mất khỏi mạng lưới các thư viện công cộng của Hồng Kông. Trong đó có nhiều cuốn đề cập đến vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 – một thảm họa xảy ra do chính sách đàn áp đẫm máu của ĐCSTQ.

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương, Bộ dịch vụ Văn hóa và Giải trí của thành phố đã lập ra danh sách hơn 70 cuốn sách bị coi là vi phạm pháp luật. Đây là động thái nhằm hình sự hóa và trừng phạt những lời chỉ trích của công chúng đối với chính quyền Hồng Kông và ĐCS Trung Quốc.

Hong Kong Free Press đưa tin vào ngày 21 tháng 11, một số cuốn sách về phong trào đấu tranh ủng hộ dân chủ năm 1989 ở Trung Quốc vẫn còn trên kệ thư viện, nhưng số lượng bản sao của chúng đã bị cắt giảm. Độc giả muốn đọc phải đặt hàng qua chương trình mượn sách liên thư viện.

Trong số những cuốn sách “biến mất” có cuốn “Lời tường thuật thực tế về cuộc tìm kiếm nạn nhân ngày 4 tháng 6” (Cuốn 1 – Cuốn 2) của bà Đinh Tử Lâm (Ding Zilin), người sáng lập nhóm vận động Các bà mẹ Thiên An Môn.

Nhiều cuốn sách về sự kiện Thiên An Môn cũng như những tiếng nói bất đồng ở Hồng Kông đã lặng lẽ biến mất khỏi các thư viện sau những lời tố cáo trên các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ, với cáo buộc những tài liệu này vi phạm luật an ninh quốc gia.

Vào tháng 6 năm 2021, cảnh sát đột kích và đóng cửa tờ báo ủng hộ dân chủ Apple Daily và người sáng lập đế chế truyền thông Next Digital Jimmy Lai. Sau đó, hơn 30 cuốn sách liên quan đến tờ báo và ông Jimmy đã bị xóa khỏi các thư viện Hồng Kông.

Sách của người sáng lập tổ chức ủng hộ dân chủ Oóc-kiu-pai Sen-trờ (Occupy Central) và cựu giáo sư luật Benny Tai cũng bị gỡ xuống sau khi bị chỉ trích bởi các phương tiện báo chí do Bắc Kinh hậu thuẫn .

Chính quyền Hồng Kông cho biết “Nếu bất kỳ nội dung nào bị phát hiện vi phạm Luật An ninh Quốc gia của Hồng Kông hoặc các luật khác có liên quan, nội dung đó sẽ bị … xem xét nghiêm túc và bị đình chỉ khỏi tập hợp [sách] của chúng tôi”.

Nhà xuất bản kỳ cựu Jimmy Pang cho biết, luật an ninh quốc gia đã buộc các nhà xuất bản và nhà văn phải tạm dừng các dự án. Đồng thời, các nhà in, nhà phân phối và hiệu sách từ chối những cuốn sách nhạy cảm. Ông cho biết thêm, nhà xuất bản Sắp-Kao-trờ (Sub-Culture) của ông đã xóa ít nhất một đầu sách khỏi các thư viện vào tháng Năm.

Ông nói: “Trước đây, chúng tôi có ranh giới rõ ràng … nhưng bây giờ điều đó không dựa trên việc chúng tôi có hiểu hoặc tuân thủ [một bộ quy tắc] hay không. Bây giờ, họ [chính quyền] chỉ làm bất cứ điều gì họ muốn.” Ông dẫn chứng việc sách về ẩm thực của ông Jimmy Lai cũng bị gỡ bỏ theo cái gọi là “luật an ninh quốc gia”. Ông nói “Những cuốn sách của Jimmy Lai về ẩm thực và cách tiến lên trong kinh doanh đã vi phạm luật an ninh quốc gia như thế nào?”

Ông nói: “Chúng tôi không biết có bao nhiêu bản sách đã bị gỡ xuống khỏi kệ”. Ông Pang nói thêm rằng, biện pháp này đã gây “hiệu ứng lạnh gáy” đối với ngành xuất bản, vốn từng sôi động một thời của Hồng Kông. Ông cảnh báo: “Họ sẽ cần phải nghiền ngẫm từng trang, từng chữ trong mỗi cuốn sách để đáp ứng yêu cầu của chính phủ”.

Gần đây, nhà báo Allan Au nói rằng, anh ấy không ngạc nhiên khi tác phẩm của mình đang biến mất khỏi các thư viện.

Anh nói: “Rất nhiều tiếng nói đã biến mất hoặc bị bịt miệng trong môi trường hiện nay. Phải chăng trong tương lai, các thư viện [Hồng Kông] sẽ chỉ cung cấp những cuốn sách về ẩm thực, du lịch và tình cảm hay sách lịch sử của chính quyền?”.

2 nhà hoạt động Trung Quốc ủng hộ phong trào #MeToo mất tích

Ngọc Mai

Nhà hoạt động Hoàng Tuyết Cầm. (ảnh chụp màn hình Youtube/South China Morning Post)

Sau vụ mất tích và tái xuất hiện của vận động viên quần vợt Bành Soái, thêm hai trường hợp mất tích của các nhà ủng hộ phong trào chống quấy rối tình dục ở Trung Quốc đã được đưa ra ánh sáng, theo Newsweek.

Cô Hoàng Tuyết Cầm (Huang Xueqin) và cô Vương Kiến Binh (Wang Jianbing) là hai nhà ủng hộ phong trào chống quấy rối tình dục #Metoo. Họ đã giúp những người giúp phụ nữ khác khai báo các vụ tấn công tình dục. Cả hai người đều bị bắt giữ vào tháng 9 và không ai biết tin tức gì về họ kể từ đó.

Vào năm 2018, cô Hoàng đã giúp một phụ nữ tên La Tây Tây (Luo Xixi) buộc tội công khai rằng, giáo sư của cô ấy tại Đại học Bắc Hàng đã ép buộc cô quan hệ tình dục với ông ta. Câu chuyện của La đã truyền cảm hứng cho hàng chục phụ nữ khác tiến về phía trước. Trường đại học đã điều tra, sau đó sa thải giáo sư.

Hãng tin AP đưa tin, khi cô Hoàng giúp khơi dậy phong trào Mi-tu ở Trung Quốc, cô đã đạt được một số khía cạnh thành công, như một bộ luật dân sự để xác định quấy rối tình dục đã được ban hành. Tuy nhiên, chính quyền cũng bắt đầu một loạt các cuộc đàn áp đối với các nhà hoạt động chống quấy rối tình dục vì lo ngại phong trào này có thể gây bất ổn cho chính phủ.

Lu Pin, một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ, nói với AP “Họ công khai loại trừ chúng tôi khỏi tính hợp pháp, khỏi không gian công cộng hợp pháp. Nền tảng trung gian của xã hội này đang biến mất.”

Một trong những người bạn của cô Hoàng và cô Vương, nói với AP rằng, theo thông báo cảnh sát gửi cho gia đình Vương, hai cô bị buộc tội lật đổ nhà nước. Cáo buộc mơ hồ này thường được ĐCSTQ sử dụng để dán nhãn cho những người bất đồng chính kiến.

Một dấu hiệu cho thấy phong trào #Metoo và hoạt động vì quyền phụ nữ bị đe dọa ở Trung Quốc là nhiều nhà hoạt động bị coi là công cụ can thiệp của nước ngoài. ĐCSTQ thường cáo buộc những tội danh như “chống Trung Quốc”, “gây mất ổn định xã hội”, “gây mất an ninh quốc gia” hay “phần tử khủng bố” để làm mất uy tín những người dân mà nó muốn đàn áp.

Cuộc đàn áp đang diễn ra chủ yếu nhắm vào các nhà hoạt động ít nổi tiếng, ít có tầm ảnh hưởng và những người thường làm việc với các nhóm bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Câu chuyện của cô Lai đã truyền cảm hứng cho hàng chục phụ nữ khác bước ra. Hàng nghìn sinh viên đã ký vào bản kiến ​​nghị và gây áp lực lên các trường đại học để giải quyết vấn đề bạo lực tình dục. Những người phụ nữ khác cũng đã lên tiếng, dẫn đến các cuộc thảo luận công khai về sự mất cân bằng giới tính ở nhiều nơi làm việc, sự thiếu công bằng đối với những người từng trải qua bạo lực tình dục và việc phân biệt đối xử dựa theo giới tính.

Đầu mùa xuân năm nay, những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã phát động một làn sóng tấn công các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ trên nền tảng Weibo. Họ cáo buộc các nhà hoạt động với tội danh “chống Trung Quốc” và “được thế lực nước ngoài hậu thuẫn”, mặc dù không có bằng chứng.

Vào cuối tháng 4, tài khoản của khoảng 10 nhà hoạt động và tổ chức phi lợi nhuận bị hạn chế đăng bài hoặc bị đình chỉ vĩnh viễn mà không rõ lý do. Liang Xiaowen, một nhà hoạt động bị mất tài khoản cho biết, Weibo thông báo rằng, tài khoản của cô “chia sẻ thông tin bất hợp pháp và có hại”.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động vẫn hy vọng rằng phong trào chống bạo lực tình dục Mi-tu đã mở ra một cánh cửa không thể đóng lại.

Chu Hiểu Tuyền, một nạn nhân từng bị quấy rối tình dục nói: “Trở thành một nhà nữ quyền bắt nguồn từ việc tìm hiểu về loại vấn đề mà bạn đối mặt. Và rất khó để từ bỏ một khi bạn đã trở thành nhà nữ quyền. Ý nghĩa rất quan trọng của #Metoo là nó đã truyền cảm hứng cho một cộng đồng nữ quyền rộng lớn.”

Covid-19 : Pháp mở rộng tiêm vac-xin liều 3 cho người trên 18 tuổi

Thanh Phương

Bộ trưởng Y Tế Pháp Olivier Véran, thông báo các biện pháp bổ sung đối phó với làn sóng dịch Covid-19 thứ 5, tại Paris, ngày 25/11/2021. © Thomas Coex via AP

Hôm 25/11/2021, chính phủ Pháp đã thông báo nhiều biện pháp nhằm kềm chế đại dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh trở lại, trong đó việc mở rộng chích liều vac-xin thứ ba cho toàn bộ những người trên 18 tuổi ngay từ thứ Bảy tuần này.

Con số ca nhiễm mới mỗi ngày đang trên đà gia tăng tại Pháp, hôm qua đã lên đến 32.591, mức cao nhất kể từ ngày 24/04. Tuy nhiên, hiện giờ chính phủ chưa tính đến việc ban hành trở lại lệnh giới nghiêm hay lệnh phong tỏa, mà chủ yếu đẩy mạnh chiến dịch tiêm ngừa Covid-19 và tăng cường việc áp dụng chứng nhận y tế.

Một trong những biện pháp mà bộ trưởng Y tế Olivier Véran thông báo trong cuộc họp báo vào trưa ngày 25/11, đó là việc chích liều vac-xin thứ ba ngay từ thứ Bảy tuần này sẽ được mở rộng ra toàn bộ những người trên 18 tuổi. Thời hạn giữa thời điểm được chích ngừa đầy đủ và thời điểm chích liều thứ ba sẽ được rút ngắn từ 6 tháng như hiện nay xuống còn 5 tháng. Ngoài ra, kể từ ngày 15/01 năm tới, đối với những người trên 18 tuổi, chứng nhận y tế sẽ chỉ có giá trị nếu đã chích liều thứ 3.

Biện pháp thứ hai là giá trị của xét nghiệm Covid-19 đối với những người không chích ngừa sẽ giảm từ 72 tiếng xuống còn 24 tiếng. Đây là một cách để gây thêm áp lực lên những người cho tới nay vẫn dứt khoát không chịu chích ngừa.

Về việc tiêm phòng cho trẻ em độ tuổi 5-11, bộ trưởng Véran cho biết chính phủ Pháp đang suy nghĩ, nhưng sẽ không tính đến việc này trước năm 2022.

Cũng theo thông báo của bộ trưởng Y Tế, việc đeo khẩu trang kể từ nay sẽ là bắt buộc tại toàn bộ những nơi tiếp đón công chúng bên trong. Khách đến các chợ Noel năm nay đều phải trình chứng nhận y tế.

Ông Véran còn cho biết từ tháng 12 tới sẽ có một thuốc mới điều trị cho những người có nguy cơ bị các dạng nặng của Covid-19.

Thật ra thì hiện giờ, tuy số ca nhiễm mới đang tăng vọt tại Pháp, số bệnh nhân nhập viện chưa tăng theo cùng nhịp độ. Theo chính phủ, đó là nhờ Pháp có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn các nước châu Âu khác.

Đức: Số tử vong vượt ngưỡng 100,000
Trong khi đó, tại Đức, số ca tử vong do Covid-19 nay đã vượt qua ngưỡng 100,000 người, chính xác là 100,119, theo số liệu do cơ quan y tế liên bang công bố hôm nay. Trong 24 tiếng đồng hồ, cơ quan này ghi nhận 75.961 ca nhiễm mới, vào lúc là nền kinh tế hàng đầu của châu Âu đang lo ngại tình trạng quá tải của các bệnh viện.

Theo thống kê của hãng tin AFP, từ đầu mùa dịch đến nay, đã có hơn 1,5 triệu người chết ở châu Âu.

Đức bước vào thời kỳ “hậu Merkel”

Phan Minh

Ông Olaf Scholz ( thứ 2 bên trái) sau khi đạt thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh sẽ do ông lãnh đạo, ngày 24/11/2021 tại Berlin, Đức © REUTERS/Fabrizio Bensch

Hôm 24/11/2021, lãnh đạo đảng Xã Hội Dân Chủ Đức Olaf Scholz đã đạt được thỏa thuận liên minh cùng với đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do để lập chính phủ. Ông Olaf Scholz sẽ trở thành thủ tướng thay cho bà Angela Merkel sau 16 năm nắm quyền. Theo AFP, một trong những thách thức đối với tân chính phủ là đối phó với làn sóng Covid-19 thứ 4 đang hoành hành ở Đức.

Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut tường trình:  

177 trang để khép lại thời kỳ Merkel. Hai tháng sau cuộc bầu cử lập pháp, một liên minh chưa từng có ở cấp liên bang sẽ nắm quyền lãnh đạo nước Đức. Hôm qua, đảng Xã Hội Dân Chủ (SPD), đảng Xanh và đảng Dân Chủ Tự Do (FDP) đã công bố thỏa thuận liên minh trong nhiệm kỳ lập pháp này.

Sau khi các thành viên của đảng môi trường, đại hội của SPD và FDP thông qua thỏa thuận trên, Hạ viện Đức, theo dự kiến, vào tuần mồng 6 tháng 12 tới, sẽ bầu ông Olaf Scholz làm thủ tướng. Là lãnh đạo số hai trong chính phủ mãn nhiệm, ông Scholz sẽ là thủ tướng Đức thứ 9 kể từ năm 1949. Sau 16 năm làm thủ tướng, bà Angela Merkel sẽ rời bỏ quyền lực và một lần nữa, người đứng đầu đảng SPD sẽ lên lãnh đạo đất nước.

Liên minh mới được coi là liên minh dựa trên một dự án chung như hiện đại hóa nước Đức và đặc biệt là tiến hành quá trình chuyển đổi năng lượng, chứ không phải là một liên minh mang tính chiến thuật. Nhưng trước khi thỏa thuận liên minh rất chi tiết này được chuyển hóa thành hiện thực, các quan chức cấp cao mới sẽ phải nhanh chóng đối mặt giải quyết làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19 đang hoành hành ở Đức. Một số bình luận sáng nay nhấn mạnh rằng các dự án của liên minh mới ngay lập tức sẽ được thử thách với làn sóng dịch hiện nay. 

Biển Đông: Manila bác yêu cầu của Bắc Kinh đòi Philippines dời chiếc tàu mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây

Trọng Nghĩa

Con tàu BRP Sierra Madre của Philippines mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây, trong quần đảo Trường Sa, Biển Đông. Ảnh chụp ngày 30/03/2014. © REUTERS/Erik De Castro/File Photo

Philippines sẽ không di dời một chiến hạm rỉ sét mà họ đã cố tình cho mắc cạn trước đây tại Bãi Cỏ Mây, trong vùng quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana đã tuyên bố như trên vào hôm nay 25/11/2021, mặc nhiên bác bỏ yêu cầu của Bắc Kinh sau khi Trung Quốc ngăn chặn một chiến dịch tiếp tế cho nhóm lính Philippines đồn trú trên con tàu.

Theo hãng tin Anh Reuters, phát biểu với báo chí, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines đã phản bác lời khẳng định của Trung Quốc vào hôm qua, 24/11, theo đó Manila đã cam kết di dời chiếc tàu BRP Sierra Madre, đã được cố ý cho mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây (tên Philippines là Ayungin, tên quốc tế là Second Thomas Shoal) vào năm 1999 để củng cố tuyên bố chủ quyền của Manila ở Trường Sa.

Chiếc tàu đổ bộ này dài khoảng 100 mét đã được Hải Quân Mỹ sử dụng trong Thế Chiến Thứ Hai, trước khi được bàn giao cho Hải Quân Philippines.

Theo ông Lorenzana: “Con tàu đó đã nằm ở đó từ năm 1999. Nếu có cam kết thì nó đã bị dỡ bỏ từ lâu rồi”. Vào hôm qua (24/11), phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã khẳng định rằng Bắc Kinh “yêu cầu phía Philippines tôn trọng cam kết và di dời chiếc tàu đổ bộ trái phép của họ”.

Bãi Cỏ Mây nằm cách Palawan 105 hải lý hiện do Philippines kiểm soát thông qua một toán lính nhỏ trú ngụ trên con tàu đã rỉ sét.

Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines một lần nữa tố cáo việc Hải Cảnh Trung Quốc ngăn chặn Manila tiếp tế cho đơn vị trên Bãi Cỏ Mây, một thực thể “thuộc chủ quyền” của Philippines, trái với luận điệu của Bắc Kinh theo đó thực thể này nằm trong vùng biển của Trung Quốc. Đó cũng là điều mà phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc lại nêu lên hôm 19/11 vừa qua khi tố cáo tàu tiếp tế của Philippines đã “xâm phạm vùng biển” của Trung Quốc khi tiếp cận Bãi Cỏ Mây.

Hôm Thứ Hai 22/11 vừa qua, chính tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã cho biết tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến do chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng chủ trì rằng ông “phản đối” các hành động gần đây của Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây. 

Mỹ đưa thêm một loạt công ty công nghệ Trung Quốc vào sổ đen

Trọng Nghĩa

Ảnh minh họa: Một gian hàng giới thiệu công nghệ Mỹ tại Hội trợ Quốc tế Thương mại và Dịch vụ, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 03/09/2021. AP – Mark Schiefelbein

Áp lực của Mỹ đối với Trung Quốc không hề giảm bớt. Hôm 24/11/2021, chính quyền Biden đã đưa thêm hàng chục công ty Trung Quốc vào danh sách đen các thực thể bị trừng phạt về mặt thương mại. Trong số này có nhiều công ty công nghệ bị cáo buộc phục vụ cho quân đội Trung Quốc, gây hại cho an ninh Hoa Kỳ.

Nổi bật trong số các công ty bị Mỹ đưa vào sổ đen lần này là 8 thực thể công nghệ có trụ sở tại Trung Quốc, bị tố cáo về vai trò của họ trong việc hỗ trợ các chương trình tính toán lượng tử của quân đội Trung Quốc và mua lại hoặc cố gắng “mua lại các mặt hàng có xuất xứ từ Hoa Kỳ để hỗ trợ các ứng dụng quân sự”.

Theo kênh truyền hình Mỹ CNBC, các quan chức Mỹ từ lâu nay luôn bày tỏ thái độ lo lắng trước việc các công ty Trung Quốc là bình phong giúp quân đội Trung Quốc thu thập các thông tin nhạy cảm. Bắc Kinh dĩ nhiên là luôn luôn phủ nhận việc can dự vào các hoạt động gián điệp công nghiệp.

Hãng tin Anh Reuters trích dẫn một thông báo của bộ Thương Mại Mỹ nói rõ là Washington muốn ngăn không cho quân đội Trung Quốc phát triển công nghệ chống tàng hình, radar tiên tiến và các ứng dụng chống tàu ngầm. Quyết định này cũng ngăn không cho tài liệu của Hoa Kỳ được sử dụng để giúp Trung Quốc phá vỡ hệ thống mã hoặc phát triển hệ thống mã không thể phá vỡ.

Bắc Kinh đã lập tức phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ. Phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ tuyên bố rằng họ “cực lực phản đối” những hành động của Washington nhắm vào doanh nghiệp Trung Quốc và khuyên Mỹ nên “dừng việc lạm dụng hoặc phóng đại khái niệm an ninh quốc gia để trấn áp doanh nghiệp Trung Quốc”.

Ngoài 8 thực thể tại Trung Quốc nói trên, bộ Thương Mại Mỹ hôm qua còn thêm vào danh sách trừng phạt 16 tổ chức và cá nhân đang hoạt động ở Trung Quốc và Pakistan, bị cáo buộc về vai trò trong chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của chính quyền Islamabad.  

Tổng cộng, sổ đen thương mại Mỹ có thêm 27 tổ chức và cá nhân ở Trung Quốc, Pakistan, Nga, Nhật Bản và Singapore.

Related posts