Mai Hạ
Vào mùa đông, nhu cầu sử dụng than ở Trung Quốc tăng lên đáng kể. Tháng 10 năm nay, Trung Quốc đã lần đầu tiên giải quyết thủ tục thông quan cho than của Úc. Khoảng một năm trước, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu không chính thức đối với than của nước này, sau khi Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc COVID-19.
Theo tờ Lianhe Zaobao đưa tin ngày 23/11, số liệu của Cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, trong tháng 10, Trung Quốc Đại lục đã nhập khẩu 2,79 triệu tấn than của Úc. Bloomberg đưa tin rằng, số than này có thể là hàng bị mắc kẹt tại các cảng của Trung Quốc khi chưa được thông quan trước đó. Phần lớn lượng than này là than nhiệt được sử dụng để sưởi ấm, nhưng cũng bao gồm 778.000 tấn than cốc được các nhà máy thép sử dụng.
Úc là nguồn nhập khẩu than chính của Trung Quốc. Năm 2020, sau khi chính phủ Úc kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc COVID-19, ĐCSTQ đã ngừng nhập khẩu than của Úc từ tháng 10 năm ngoái.
Argus, một cơ quan thẩm định giá độc lập có trụ sở chính tại London, đã đưa ra một báo cáo vào ngày 23/11, cho biết lượng nhập khẩu than của Trung Quốc trong tháng 10 tăng so với tháng 9, nguyên nhân chủ yếu là do ĐCSTQ dỡ bỏ lệnh cấm vận than của Úc và lượng vận chuyển than từ Mông Cổ đã tăng trở lại.
Theo số liệu của Cục Hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu 4,38 triệu tấn than trong tháng 10/2021, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tăng 1% so với tháng 9 năm nay.
Tháng 10 năm nay, chính quyền ĐCSTQ đã cho phép nhập khẩu than Úc trước khi lệnh cấm được dỡ bỏ. Mục đích là tăng nguồn cung cấp than nhiệt để sưởi ấm vào mùa đông.
Tháng trước, Wood Mackenzie, một công ty tư vấn năng lượng nổi tiếng của Mỹ, ước tính có khoảng 5 triệu tấn than cốc và 3 triệu tấn than nhiệt của Úc đọng lại tại các cảng của Trung Quốc đang chờ thông quan.
Argus cho biết trong báo cáo rằng, chính quyền Trung Quốc đã thông báo cho các nhà máy thép và các công ty thương mại rằng, họ sẽ từng bước xử lý vấn đề than đá và than cốc của Úc trước khi lệnh cấm được dỡ bỏ.
Than từ Mông Cổ cũng tăng trong thời gian gần đây. Argus báo cáo rằng, vào giữa tháng 10, lượng vận chuyển than từ Mông Cổ đã tăng lên khoảng 400 xe tải / ngày, tăng gấp đôi so với 200 xe tải / ngày của với tháng trước. Tuy nhiên, đến cuối tháng 10, tốc độ vận chuyển than lại chậm lại do dịch COVID-19 ở khu vực biên giới leo thang.
Hậu quả từ việc trừng phạt than Úc
Trung Quốc là nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới và tới 70% sản lượng điện ở Trung Quốc được cung cấp bởi các nhà máy nhiệt điện đầy ô nhiễm, công nghệ lạc hậu. Bất kỳ sự sụt giảm nào về tỷ trọng nhiệt điện than sẽ làm tổn hại đến khả năng sản xuất đủ điện cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Úc là nhà cung cấp than lớn nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi “thẳng tay” trừng phạt than Úc, Trung Quốc đã phải đối mặt với tình trạng thiếu than trầm trọng. Điều này ngay lập tức khiến miền nam Trung Quốc, nơi ngốn điện năng lớn nhất trong mùa khô nóng, chìm vào bóng tối do thiếu điện và dự báo tình trạng khủng hoảng điện sẽ trầm trọng hơn vào mùa đông nếu Trung Quốc không thông quan đối với than Úc.
Phóng viên trưởng Javier Blas của Bloomberg News viết trên Twitter: “Cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc: Tình trạng thiếu điện của Trung Quốc ngày càng trầm trọng và phạm vi địa lý ngày càng mở rộng. Mọi thứ đang trở nên tồi tệ đến mức Bắc Kinh hiện đang yêu cầu một số nhà chế biến thực phẩm (như nhà máy nghiền đậu nành) đóng cửa”.