Các quốc gia đình chỉ đi lại từ Nam Phi vì biến thể COVID-19 mới
Hôm thứ Sáu (26/11), các quốc gia ở Âu Châu và Á Châu đã hành động nhanh chóng để tạm dừng việc đi lại từ một số quốc gia Phi Châu vì một chủng COVID-19 đột biến mà các quan chức cho là nguyên nhân của sự gia tăng các ca nhiễm ở Nam Phi.
Mặc dù hôm thứ Sáu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo không nên áp đặt các hạn chế đi lại đối với những quốc gia liên quan đến biến thể B.1.1.529, Liên minh Âu Châu đã thông báo họ sẽ đề nghị cho ngừng các chuyến bay từ miền nam Phi Châu.
“Lúc này điều quan trọng là tất cả chúng ta ở Âu Châu cần hành động rất nhanh chóng, dứt khoát, và thống nhất,” người đứng đầu Ủy ban Âu Châu, bà Ursula von der Leyen, cho biết trong một bài đăng trên Twitter hôm thứ Sáu. Bà lập luận rằng khối gồm 27 quốc gia thành viên này nên áp dụng “phanh khẩn cấp” đối với việc đi lại.
Trong khi đó, các quan chức Anh Quốc thông báo hôm thứ Sáu rằng họ đã thực hiện các hạn chế đi lại đến và đi từ Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini (trước đây là Swaziland) và Lesotho.
Tại Nhật Bản, các quan chức hôm thứ Sáu xác nhận rằng họ sẽ đặt ra yêu cầu cách ly 10 ngày đối với bất kỳ ai đến từ miền nam Phi Châu. Họ cũng sẽ phải thực hiện tổng cộng bốn lần xét nghiệm COVID-19 trong khoảng thời gian đó.
“Chìa khóa để quản lý khủng hoảng là chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất,” Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno cho biết hôm thứ Sáu, theo Japan Times.
COVID-19 là căn bệnh do virus Trung Cộng gây ra.
Tại Hồng Kông, giới chức địa phương đã xác nhận hai ca nhiễm chủng mới. Các nhà chức trách y tế Hồng Kông xác nhận rằng họ sẽ cấm nhập cảnh đối với các cá nhân không cư trú trước đây từng ở tám quốc gia Nam Phi trong vòng 21 ngày.
Các quan chức Đức cho biết họ đang cân nhắc một lệnh cấm đối với khu vực này ngay sau đêm thứ Sáu. Các quan chức Ý cũng thông báo lệnh cấm đi lại hôm thứ Sáu.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết, “Chúng tôi không muốn mang về một biến thể mới mà thậm chí sẽ còn gây ra nhiều vấn đề hơn nữa.”
Cùng thời điểm, Thủ tướng Israel Naftali Bennett cũng đã thông báo rằng quốc gia của ông đang “trên bờ vực của tình trạng khẩn cấp” vì biến thể mới này. Tuyên bố của ông được đưa ra sau khi Bộ Y tế Israel cho biết một cá nhân ở Malawi đã có kết quả xét nghiệm dương tính với chủng mới này, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương.
Do đó, Israel cũng mở rộng lệnh cấm đi lại đối với các nước Nam Phi hôm thứ Sáu. Ông Bennett cho biết một số ca đã được ghi nhận ở Israel, trong đó có ít nhất một người đã được chích mũi vaccine bổ sung.
Trong các bài diễn văn trước công chúng, ông Bennett đã khẳng định rằng các vaccine COVID-19 vẫn có hiệu quả nhưng tuyên bố thận trọng rằng “điều đó có thể có nghĩa là chúng có hiệu quả ở một mức độ nhất định. Israel có một hệ thống giấy thông hành vaccine nghiêm ngặt, được gọi là “thẻ xanh”, nhằm ngăn không cho những người chưa chích ngừa vào một số cơ sở kinh doanh và địa điểm khác nhau.
Khi các quốc gia hạn chế việc đi lại, phát ngôn viên của WHO, ông Christian Lindmeier xác nhận rằng cơ quan y tế thuộc Liên Hiệp Quốc này đang tổ chức một cuộc họp kín tại Geneva. Những người tham dự đã gặp nhau để chỉ định chủng COVID-19, được biết đến với tên gọi là B.1.1.529, là một biến thể đáng lo ngại hay một biến thể cần chú ý.
“Tại thời điểm này, không nên thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại,” ông Lindmeier nói trong một cuộc họp báo của Liên Hiệp Quốc tại Geneva, theo Reuters. “WHO khuyến nghị các quốc gia tiếp tục áp dụng cách tiếp cận dựa trên rủi ro và khoa học khi thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại.”
Về chủng virus này, “chúng tôi chưa biết nhiều về nó,” bà Maria van Kerkhove, người làm việc với tư cách là một nhà dịch tễ học cho WHO về COVID-19, cho biết trong các bình luận công khai.
“Điều chúng tôi biết là biến thể này có một số lượng lớn đột biến,” bà nói. “Và mối lo ngại là khi quý vị có quá nhiều đột biến, nó có thể ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của virus này.”
Ông Jack Phillips là một phóng viên tin tức thời sự của The Epoch Times tại New York.
An Nhiên biên dịch
Lo ngại an ninh quốc gia: Trung Quốc yêu cầu Didi hủy niêm yết tại Mỹ
Bảo Nguyên
Cơ quan giám sát công nghệ của Trung Quốc muốn ban lãnh đạo Didi rút công ty này ra khỏi Sàn giao dịch chứng khoán New York vì lo ngại về việc rò rỉ dữ liệu nhạy cảm. Các gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đang bị nhà nước giám sát gắt gao với lý do chống độc quyền và bảo mật dữ liệu người dùng. Đây là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiềm chế sự thống trị của những tập đoàn này sau nhiều năm tăng trưởng không kiểm soát.
Nguồn tin thân cận với Bloomberg mới đây cho biết, giới chức trách Trung Quốc đã yêu cầu các Giám đốc điều hành của Didi Global Inc. đưa ra kế hoạch hủy niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ. Đây là yêu cầu chưa từng có tiền lệ, và đã làm dấy lên lo ngại về ý định của Bắc Kinh đối với ngành công nghệ khổng lồ của họ.
Reuters cũng dẫn lời hai nguồn tin cho hay, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC), cơ quan chịu trách nhiệm về an ninh dữ liệu tại nước này, đã yêu cầu Didi làm việc theo những gì được Bắc Kinh chấp thuận. Vào tháng 7, CAC đã yêu cầu các cửa hàng ứng dụng xóa 25 ứng dụng di động do Didi điều hành, chỉ vài ngày sau khi công ty này niêm yết tại New York. CAC cũng yêu cầu Didi ngừng đăng ký người dùng mới, với lý do an ninh quốc gia và lợi ích công cộng.
Các đề xuất về Didi đang được các bên liên quan xem xét bao gồm tư nhân hóa hoặc chuyển nhượng cổ phần ở Hong Kong, sau đó là hủy niêm yết ở Mỹ. Nguồn tin của Bloomberg cho biết, nếu quá trình tư nhân hóa được tiến hành, giá cổ phiếu của Didi có thể giao dịch ít nhất mức 14 USD, bởi vì nếu đưa ra mức chào bán thấp hơn ngay sau đợt phát hành cổ phiếu lần đầu vào tháng 6 thì có thể dẫn đến các vụ kiện tụng hoặc phản đối từ phía cổ đông. Trong khi đó, nếu Didi được niêm yết thứ cấp ở Hong Kong, giá IPO có thể thấp hơn so với giá được giao dịch ở Mỹ, ở mức 8,11 USd (tính đến cuối ngày thứ 4, 24/11).
SoftBank hiện sở hữu 21,5% cổ phần Didi, tiếp theo là Uber với 12,8%, và Tencent 6,8%, theo hồ sơ của Didi vào tháng 6.
Cổ phiếu của SoftBank đã giảm hơn 5% tại Tokyo. Các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc đã sụt giảm tại Hong Kong. Giá trị cổ phiếu của Didi đã giảm tới 7,5% trong những phút đầu tiên của phiên giao dịch ngày thứ 6 (26.11) tại New York, mức giảm trong ngày lớn nhất trong hơn một tháng.
Nguồn tin của Bloomberg cho biết thêm, 1 trong 2 sự lựa chọn đều sẽ giáng một đòn mạnh vào gã khổng lồ gọi xe đã có đợt IPO lớn nhất tại Mỹ sau Alibaba.
Didi đã làm dấy lên cơn giận dữ của Bắc Kinh khi tiến hành chào bán cổ phiếu tại New York vào mùa hè năm nay, bất chấp các yêu cầu của cơ quan quản lý rằng Didi phải đảm bảo tính bảo mật cho dữ liệu trước khi IPO. Bloomberg từng đưa tin vào hồi tháng 7, các nhà quản lý Trung Quốc đã nhanh chóng mở nhiều cuộc điều tra đối với Didi và đã thảo luận một loạt các hình phạt chưa từng có.
Việc hủy niêm yết này có thể là một phần hình phạt dành cho gã khổng lồ Didi. Chính quyền Bắc Kinh đã đề xuất một khoản đầu tư vào Didi, nhằm cho phép các công ty nhà nước kiểm soát hiệu quả doanh nghiệp này, Bloomberg News đưa tin vào tháng 9. Một khoản đầu tư như vậy có thể giúp Didi mua lại cổ phiếu được giao dịch tại Mỹ.
Ngay cả khi chuyển việc niêm yết sang Hong Kong, Didi vẫn phải giải quyết vấn đề bảo mật dữ liệu vốn đang bị giám sát bởi các cơ quan quản lý. Công ty có thể phải chuyển quyền kiểm soát dữ liệu của mình cho bên thứ ba, một động thái sẽ khiến cổ phiếu của Didi giảm giá.
Bảo Nguyên
Thống đốc New York tuyên bố tình trạng khẩn cấp, cảnh báo biến thể Omicron sắp xuất hiện
Mimi Nguyen Ly
Hôm thứ Sáu (26/11), Thống đốc New York Kathy Hochul đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trước khi số ca nhiễm COVID-19 có khả năng tăng đột biến vào mùa đông năm nay, đồng thời cảnh báo rằng biến thể Omicron mới sắp xuất hiện.
Được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định là biến thể B.1.1.529 và đặt tên là Omicron trong một cuộc họp khẩn cấp hôm thứ Sáu (26/11), biến thể COVID-19 mới này lần đầu tiên được tìm thấy ở Botswana, phía nam Phi Châu. Việc mang theo hàng chục đột biến trên protein gai khiến virus này có khả năng trốn tránh hệ thống miễn dịch của cả những người từng bị nhiễm bệnh và những người đã chích ngừa trước đó.
Bà Hochul nói rằng, “Chúng ta đã thực hiện những hành động đặc biệt để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 và chống lại đại dịch này. Tuy nhiên, chúng ta vẫn tiếp tục thấy các dấu hiệu báo động về sự gia tăng đột biến trong mùa đông sắp tới, và mặc dù biến thể Omicron mới này vẫn chưa được phát hiện ở tiểu bang New York, nhưng rồi nó cũng sẽ đến.”
“Để chuẩn bị sẵn sàng, tôi đang công bố các bước khẩn cấp trong ngày hôm nay để mở rộng sức chứa bệnh viện và giúp bảo đảm các hệ thống bệnh viện của chúng ta có thể ứng phó với bất kỳ thách thức nào do đại dịch này gây ra khi chúng ta bước vào những tháng mùa đông sắp tới.”
Tình trạng khẩn cấp mới của New York sẽ có hiệu lực kể từ ngày 03/12 và sẽ được đánh giá lại vào ngày 15/01 dựa trên tình hình thực tế.
Cụ thể, theo sắc lệnh mới mà bà Hochul vừa ký, Sở Y tế của tiểu bang này được phép hạn chế các thủ tục không thiết yếu, không khẩn cấp để bảo vệ quyền tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trọng yếu, đối với các bệnh viện hoặc hệ thống có sức chứa hạn chế. Sức chứa hạn chế có nghĩa là có dưới 10% số giường có nhân viên túc trực, trừ khi Sở có quy định khác.
Sắc lệnh này cũng cho phép tiểu bang có được các nguồn vật tư thiết yếu để giải quyết đại dịch này nhanh chóng hơn.
Hôm thứ Sáu, WHO đã nhận định chủng Omicron này là một “biến thể đáng lo ngại”. Tòa Bạch Ốc đã thông báo rằng Hoa Kỳ sẽ hạn chế đi lại với Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique, và Malawi, nhằm hạn chế sự lây lan của biến thể mới này.
Liên minh Âu Châu, Israel, Anh Quốc, Nhật Bản, và các quốc gia khác cũng đã công bố các quy định hạn chế đi lại tương tự đối với các quốc gia phía nam Phi Châu.
Hôm thứ Sáu, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất cũng đã thắt chặt các yêu cầu đi lại, theo Reuters.
Cô Mimi Nguyen Ly là một phóng viên chuyên về tin tức thế giới sống tại Úc. Cô có bằng Cử nhân về phương pháp đo thị lực và khoa học thị lực của Đại học New South Wales.
Thanh Tâm biên dịch
Nhật Bản tìm kiếm thêm ngân sách quốc phòng do lo ngại về Trung Quốc, Bắc Hàn
TOKYO – Hôm thứ Sáu (26/11), Nội các Nhật Bản đã thông qua một yêu cầu 770 tỷ yên (6.8 tỷ USD) cho một ngân sách quốc phòng bổ sung cho đến tháng Ba để xúc tiến việc mua hỏa tiễn, hỏa tiễn chống tàu ngầm, và các loại vũ khí khác trong bối cảnh gia tăng lo ngại về việc Trung Quốc, Nga, và Bắc Hàn leo thang các hoạt động quân sự.
Bản yêu cầu này, hiện vẫn đang chờ quốc hội chấp thuận, đưa chi tiêu quân sự của Nhật Bản trong năm hiện tại lên mức cao mới là hơn 6.1 ngàn tỷ yên (53.2 tỷ USD), tăng 15% so với 5.31 ngàn tỷ yên vào năm 2020.
Bộ Quốc phòng cho biết “gói tăng tốc và củng cố sức mạnh quốc phòng” của họ nhằm đẩy nhanh tốc độ khai triển một số thiết bị quan trọng từ yêu cầu ngân sách năm 2022. Các quan chức cho biết, mục tiêu là tăng cường khả năng phòng thủ của Nhật Bản trước mối đe dọa hỏa tiễn của Bắc Hàn và hoạt động hàng hải ngày càng quyết liệt của Trung Quốc xung quanh các hòn đảo xa xôi ở phía tây nam của Nhật Bản.
Nhật Bản cũng đã nêu lên mối lo ngại về các hoạt động quân sự chung gần đây của Trung Quốc và Nga gần vùng biển và không phận của họ.
Hôm thứ Ba (23/11), Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi cho biết một hạm đội gồm hai chiến đấu cơ H-6 của Trung Quốc và hai chiếc Tu-95 của Nga đã bay từ Biển Nhật Bản đến Biển Hoa Đông và Thái Bình Dương, khiến các phi cơ phản lực của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản phải nhanh chóng xuất kích.
Yêu cầu ngân sách này bao gồm gần 100 tỷ yên (870 triệu USD) cho phiên bản tiên tiến của phi cơ đánh chặn hỏa tiễn đất đối không di động PAC-3 và các thiết bị liên quan, cũng như các hỏa tiễn hành trình.
Ngoài ra, hơn 800 tỷ yên (7 tỷ USD) sẽ được dùng để đẩy nhanh việc mua trinh sát cơ và thiết bị, trong đó có ba chiếc P-1, thiết bị cho P-3C, và hệ thống phóng thẳng đứng để đặt trên hai khu trục hạm; nhằm tăng cường giám sát xung quanh lãnh hải và không phận của Nhật Bản.
Nhật Bản đang tăng cường phòng thủ ở các khu vực và đảo phía tây nam của mình, bao gồm cả Đảo Ishigaki, nơi sẽ đưa vào hoạt động một căn cứ quân sự mới với hệ thống phòng thủ hỏa tiễn đất đối biển. Đảo Ishigaki nằm ở phía bắc của Quần đảo Senkaku không có người ở do Nhật Bản kiểm soát, cũng được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và gọi chúng là đảo Điếu Ngư.
Tokyo thường xuyên phản đối sự hiện diện của lực lượng tuần duyên Trung Quốc gần Quần đảo Senkaku.
Bộ cũng có kế hoạch xây dựng nhà ở cho binh lính chiến đấu trên bộ tại Đảo Ishigaki.
Ngân sách tổng hợp cho năm 2021 sẽ chỉ chiếm hơn 1% GDP của Nhật Bản, giữ nguyên giới hạn thông thường. Thủ tướng Fumio Kishida cho biết ông sẵn sàng tăng gấp đôi chi tiêu quân sự của Nhật Bản để ứng phó với môi trường an ninh ngày càng tồi tệ này.
Các quan chức cho biết, ngân sách quốc phòng này cũng nhằm giảm bớt gánh nặng cho các nhà cung cấp thiết bị và phụ tùng quốc phòng Nhật Bản vốn đang phải chật vật để duy trì nền công nghiệp đang suy yếu của đất nước này.
Ngân sách quốc phòng này là một phần của một dự thảo ngân sách bổ sung gần 36 ngàn tỷ yên (316 tỷ USD) đã được Nội các thông qua hôm thứ Sáu để tài trợ cho gói kích thích kinh tế tập trung vào việc chuẩn bị cho đại dịch COVID-19 và hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp nào bị ảnh hưởng bởi đại dịch này. Một số nhà lập pháp đối lập đã chỉ trích chính phủ của ông Kishida vì đã sử dụng gói thúc đẩy này để trang trải chi tiêu quân sự.
Các nhà phê bình cũng cho rằng Nhật Bản, là quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới với dân số đang ngày càng giảm dần, nên phân bổ nhiều tiền hơn dịch vụ cho chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ khác.
Năng lực và chi tiêu quân sự của Nhật Bản đã tăng liên tục kể từ khi cựu Thủ tướng Shinzo Abe nhậm chức vào tháng 12/2012, và kể từ đó đã tăng 17%. Chính phủ của ông Abe đã cho phép quân đội Nhật Bản tham gia nhiều hơn vào các vấn đề quốc tế bằng cách áp dụng một cách giải thích mới về Điều 9 của hiến pháp từ bỏ chiến tranh hồi năm 2015.
Thanh Tâm biên dịch