Anh xác nhận hai ca nhiễm biến chủng Omicron
Nguyễn Đô
Tiếp sau Bỉ, Anh xác nhận hai ca bệnh Covid đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron. Một trong hai ca nhiễm đến từ phía nam châu Phi. Trong khi đó, Đức cũng phát hiện ca nghi nhiễm loại biến thể được cho là mạnh hơn Deltam, theo Aljazeera.
“Sau khi giải trình tự bộ gene đêm qua, Cơ quan An ninh Y tế Anh xác nhận hai ca Covid-19 có đột biến phù hợp với biến chủng Omicron”, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết trong một tuyên bố hôm 27/11. “Chúng tôi đã hành động nhanh chóng và người bị nhiễm đang tự cách ly, trong khi truy vết tiếp xúc tiếp tục diễn ra”.
Một ca được phát hiện tại thành phố Chelmsford, đông bắc London, và một ca ở thành phố Nottingham, miền trung nước Anh. Hai ca nhiễm liên quan đến nhau, trong đó một người đến từ phía nam châu Phi.
4 quốc gia châu Phi, gồm Malawi, Mozambique, Zambia và Angola, sẽ được thêm vào danh sách hạn chế đi lại của Anh từ 4h ngày 28/11.
Anh hôm 25/11 mô tả Omicron là “biến chủng tôi tệ nhất” và là một trong những nước đầu tiên gấp rút áp hạn chế đi lại với 6 nước châu Phi, gồm Nam Phi, Namibia, Botswana, Zimbabwe, Lesotho và Eswatini. Công dân Anh trở về từ những quốc gia này sẽ phải cách ly.
Đức cũng đã xác nhận một ca nghi nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên ở nước này, đây là một người trở về từ Nam Phi.
“Biến chủng Omicron rất có khả năng đã đến Đức”, Kai Klose, quan chức phụ trách các vấn đề xã hội ở tiểu bang Hesse, phía tây nước Đức, thông báo trên Twitter hôm 27/11.
Theo Klose, các xét nghiệm đêm 26/11 đối với một người trở về từ Nam Phi cho thấy “một số đột biến điển hình của Omicron”. “Vì mức độ nghi ngờ cao nên người này đã được cách ly ở nhà. Quá trình giải trình tự gene đầy đủ đang được hoàn tất”.
Máy bay chở ca nghi nhiễm Omicron hạ cánh tại sân bay quốc tế Frankfurt, ga hàng không tấp nập nhất ở Đức. Ca nghi nhiễm biến chủng Omicron xuất hiện khi Đức, quốc gia đông dân nhất Liên minh châu Âu, đang vật lộn với đợt bùng phát nghiêm trọng.
Omicron được báo cáo lần đầu ở Nam Phi, một số ca nhiễm khác cũng được ghi nhận tại Botswana, Israel và Hong Kong. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã họp khẩn vào ngày 26/11 để bàn về Omicron, sau đó kết luận rằng biến chủng này thuộc loại đáng lo ngại do khả năng lây nhiễm cao hơn Delta.
‘Tem phiếu mua than’ xuất hiện ở Trung Quốc
Thanh Mai
Do nguồn cung cấp than đá khan hiếm nên gần đây, thành phố Sóc Châu, tỉnh Sơn Đông, xuất hiện hiện tượng cung cấp phiếu mua than. Một số học giả cảnh báo rằng đây là tín hiệu cho thấy người dân sắp bị “lạnh cóng”, theo Sound of Hope.
Tờ “Nhật báo Thanh niên Trung Quốc” đã đăng tải hình ảnh một tấm “phiếu than” được sử dụng vào ngày 24/11. Mặt trước của phiếu than này có dòng chữ “Phiếu than dân dụng” và “hai tấn” được viết ở trung tâm của phiếu than, phía dưới còn viết “Cục năng lượng quận Bình Lỗ, thành phố Sóc Châu”. Trên phiếu mua than này chú thích thời gian có hiệu lực sử dụng là từ tháng 7 năm 2021 đến tháng 6 năm 2022.
Tạ Vạn Quân, một nhà hoạt động dân chủ, đã viết trên Twitter: “Khi người dân cầm phiếu than trên tay, tức là họ sắp phải chịu đựng cái lạnh! Khi người dân cầm phiếu lương thực trên tay, tức là họ sắp phải chịu đói! “
Vương Kiếm, một người làm truyền thông ở Mỹ, bình luận trong một chương trình phát sóng trực tiếp vào ngày 24/11 rằng, “Tấm phiếu là để hạn chế nguồn cung, hạn chế nguồn cung là hạn chế tiêu dùng. Vì vậy, trên thực tế, đặc thù của nền kinh tế kế hoạch chính là cung không đủ cầu, chính là năng lực sản xuất lạc hậu. Năng lực sản xuất lạc hậu sẽ không cách nào đáp ứng nhu cầu, thế là xuất hiện phiếu mua, phiếu mua chính là hạn chế tiêu dùng, hạn chế bạn đi mua sắm.
Ngày 26/11, RFA đã gọi điện cho chính quyền quận Bình Lộc của thành phố Sóc Châu để hỏi về tình hình liên quan. Nhân viên tiếp điện thoại nói rằng anh ta “không biết”, hơn nữa khu vực nội thành nơi đây đều là chuyên cung cấp nhiên liệu sưởi ấm, không phổ biến dùng phiếu than. Tuy nhiên, ông cũng tiết lộ rằng hiện nay, các vùng nông thôn ở huyện Bình Lỗ cần sử dụng phiếu than để mua “than sạch”.
Vào tháng 4, Bộ Tài chính Trung Quốc đã ban hành “Thông báo kết quả đánh giá cạnh tranh của các dự án sưởi ấm sạch vào mùa đông ở các khu vực phía Bắc năm 2021”. Các thành phố Sóc Châu, Đại Đồng và Hân Châu ở tỉnh Sơn Tây đều được đưa vào danh sách “các khu vực trọng điểm” và yêu cầu cải tạo hệ thống sưởi ấm sạch. Theo tờ “Nhật báo Thanh niên Trung Quốc”, mỏ than ở Sóc Châu có hàm lượng lưu huỳnh cao và không đạt tiêu chuẩn “than sạch”. Vì vậy nhiều quận địa phương đó cần mua than từ Nội Mông và Thiểm Tây.