Tin thế giới tối Chủ Nhật

Hoa Kỳ: Novavax phát triển vaccine ngừa biến thể COVID-19 mới

Zachary Stieber

Các mẫu từ một thử nghiệm lâm sàng nghiên cứu vaccine COVID-19 của Novavax được nhìn thấy ở Seattle, Washington, trong một bức ảnh tư liệu. (Ảnh: Karen Ducey/Getty Images)

Một công ty công nghệ sinh học của Mỹ đang nghiên cứu một phiên bản vaccine ngừa COVID-19 dành riêng cho việc đối phó với biến thể Omicron mới được xác định.

Hãng dược Novavax có trụ sở tại Maryland đã bắt tay vào phát triển phiên bản này và dự kiến sẽ bắt đầu thử nghiệm trong tháng tới.

Công thức được cải tiến này xoay quanh một loại protein gai mới, kích hoạt phản ứng từ hệ miễn dịch của con người, Novavax nói với The Epoch Times trong một tuyên bố gửi qua email.

COVID-19 là bệnh do virus Trung Cộng gây ra, đôi khi còn được gọi là bệnh SARS-CoV-2.

Hôm thứ Sáu (26/11), Novavax cho biết, loại vaccine được điều chỉnh lại này sẽ sẵn sàng “để bắt đầu thử nghiệm và sản xuất trong một vài tuần tới.”

Hãng này cho biết dữ liệu thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine của họ có khả năng cung cấp khả năng bảo vệ chống lại các biến thể mới và đang phát triển. Vaccine sử dụng công nghệ hạt nano tái tổ hợp này “cho phép chúng ta thích ứng nhanh chóng với các biến chủng và tạo ra các kháng thể trung hòa chéo trên diện rộng dựa trên việc sử dụng một protein gai có chiều dài hoàn chỉnh, vốn lưu giữ lại các epitope (yếu tố quyết định kháng nguyên) mà hệ miễn dịch nhận biết được,” Novavax nói.

Kháng thể được cho là một trong những biện pháp bảo vệ chống lại nhiễm trùng. Epitope là một phần của kháng nguyên gắn kết với các kháng thể.

Vaccine của Novavax mới chỉ được cấp phép ở một số quốc gia, bao gồm cả Philippines. Vaccine này chưa khả dụng ở Hoa Kỳ, tuy vậy các quan chức cho biết họ có thể nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vào cuối năm nay.

Người Mỹ hiện có thể nhận được mũi chích từ Johnson & Johnson, Moderna, và Pfizer.

Hãng Johnson & Johnson có trụ sở tại New Jersey cho biết trong một tuyên bố rằng công ty này đang “theo dõi chặt chẽ các chủng virus COVID-19 mới xuất hiện có nhiều đột biến trong protein gai của SARS-CoV-2” và cũng đang thử nghiệm hiệu quả vaccine của mình chống lại biến thể Omicron.

Hãng dược Moderna có trụ sở tại Massachusetts cho biết trong một tuyên bố rằng, Omicron “đại diện cho một nguy cơ tiềm ẩn đáng kể đẩy nhanh sự suy giảm khả năng miễn dịch tự nhiên và miễn dịch tạo thành bởi vaccine” và các nhà khoa học của hãng này sẽ bắt đầu nghiên cứu một liều bổ sung phục vụ cho việc phòng ngừa biến thể này.

Trong khi đó, hãng Pfizer có trụ sở tại New York và đối tác Đức BioNTech của họ cho biết họ đang làm việc để xây dựng lại công thức cho mũi chích chống biến thể Omicron của mình và có thể ra mắt trong khoảng 100 ngày tới.

Các nhà sản xuất vaccine khác cũng đang nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm của họ trong việc chống lại biến thể mới.

Một phát ngôn viên của Inovio Pharmaceuticals có trụ sở tại Pennsylvania nói với The Epoch Times trong một email rằng công ty này đang thử nghiệm ứng viên vaccine hiện có của mình chống lại biến thể mới. Ngoài ra, họ còn đồng thời phát triển một loại vaccine mới nhắm vào Omicron.

Trong khi đó, AstraZeneca cũng đang chuẩn bị thử nghiệm vaccine và hỗn hợp kháng thể của họ, được sử dụng như một phương pháp điều trị COVID-19, trong việc chống lại Omicron.

Một nữ phát ngôn viên của công ty có trụ sở tại Anh Quốc này nói với The Epoch Times qua email rằng vaccine của họ đã chứng minh hiệu quả chống lại mọi biến thể đáng lo ngại của SARS-CoV-2 và COVID-19 trong các thử nghiệm lâm sàng với sự tham gia của hàng chục ngàn người, và bằng chứng thực tế trong các thử nghiệm khác.

Nữ phát ngôn viên này cho biết, “Như với bất kỳ biến thể nào mới xuất hiện, chúng tôi đang xem xét B.1.1.529 để hiểu sâu hơn về biến thể này và tác động của nó lên vaccine. Hợp tác chặt chẽ với Đại học Oxford, AstraZeneca đã phát triển một nền tảng vaccine cho phép chúng ta ứng phó nhanh chóng với các biến thể mới có thể xuất hiện. AstraZeneca cũng đang tiến hành nghiên cứu tại các địa điểm nơi mà biến thể này đã được xác định, cụ thể là ở Botswana và Eswatini, điều này sẽ cho phép chúng tôi thu thập dữ liệu thực tế của Vaxzevria chống lại biến thể mới này của virus.”

Hỗn hợp kháng thể cũng sẽ được nghiên cứu để xem liệu pháp này có giữ được hiệu quả chống lại virus hay không.

Ông Zachary Stieber phụ trách mảng tin tức Hoa Kỳ, bao gồm cả tin tức chính trị và các vụ kiện ở Hoa Kỳ. Ông bắt đầu làm việc cho The Epoch Times với vai trò là một phóng viên đưa tin về thành phố New York.

Thêm nhiều nước châu Âu ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron

Hôm Chủ Nhật 28/11 Đức, Ý, Hòa Lan và Đan Mạch thông báo ghi nhận những ca nhiễm chủng Omicron đầu tiên.

Cơ quan y tế tiểu bang Bavaria, miền nam Đức, hôm nay ghi nhận hai ca nhiễm biến chủng Omicron là người nhập cảnh tại phi trường Munich hôm 24/11, trước khi Nam Phi công bố thông tin về chủng biến chứng này. Tuy nhiên, giới chức không cho biết họ có đến từ Nam Phi hay không. Cả hai người đã tự cách ly và tự động thông báo cho giới chức sau khi nghe thông tin về biến chủng Omicron.

Cơ quan y tế Bavaria khuyến cáo những người từng đến Nam Phi trong 14 ngày cần hạn chế tiếp xúc, thực hiện xét nghiệm PCR và liên hệ với giới chức địa phương. “Tiểu bang Bavaria đã phản ứng sớm và nhanh chóng với biến chủng mới nhất. Cần làm mọi thứ để ngăn nó lây lan”, phát ngôn viên cơ quan y tế tiểu bang thông báo.

50 người xuất phát từ thành phố Cape Town, Nam Phi, hôm 26/11 đang được cách ly tại tiểu bang Bavaria. Hai hành khách nước ngoài trong số này đã xét nghiệm dương tính nCoV và đang được điều tra xem có nhiễm chủng Omicron hay không.

Quan chức tiểu bang miền đông Hesse trước đó cũng thông báo một ca nghi nhiễm chủng Omicron trong những hành khách đến từ Nam Phi. Truyền thông Đức cho biết trường hợp này nhập cảnh cuối tuần trước và đã tiêm chủng đầy đủ.

Đức hôm nay xếp Nam Phi vào danh sách khu vực có biến chủng, khiến các hãng hàng không chỉ được đưa công dân Đức từ Nam Phi trở về nước. Những người đã tiêm vaccine Covid-19 cũng phải cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh.

Viện Y tế Quốc gia Ý (ISS) hôm qua cũng phát hiện một ca nhiễm biến chủng Omicron sau khi xét nghiệm gen của một hành khách trở về từ Mozambique, cho biết người này và gia đình vẫn trong trạng thái sức khỏe tốt.

Bệnh viện thành phố Liberec, miền bắc Cộng hòa Czech, hôm 27/11 xác nhận ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên là một nữ bệnh nhân từng ở Namibia và trở về nước sau khi quá cảnh tại Nam Phi và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

“Các đồng nghiệp của tôi tại cơ quan phân tích gen xác nhận với tỷ lệ tới 90% sau khi phân tích trình tự gen. Địa điểm xuất phát và tình huống di chuyển khiến chúng tôi kết luận sự xuất hiện của chủng mới”, phát ngôn viên bệnh viện Vaclav Ricar nói, thêm rằng mẫu xét nghiệm sẽ được chuyển cho viện nghiên cứu quốc gia để xác nhận.

Bộ Y tế Đan Mạch thông báo nước này có nhiều khả năng đã tìm thấy chủng Omicron trong hai người trở về từ Nam Phi. “Giới chức có cơ sở để nghi ngờ rằng đây là hai ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên ở Đan Mạch”, Bộ trưởng Y tế Magnus Heunicke nói.

Tuy nhiên, các trường hợp này chỉ được xác nhận sau khi hoàn tất giải trình tự gen trong vài ngày tới.

Viện Sức khỏe Hòa Lan (RIVM) nhận định có những ca nhiễm biến chủng Omicron trong 61 trường hợp dương tính nCoV trên hai chuyến bay từ Nam Phi đáp xuống sân bay Schiphol hôm 26/11.

Phát ngôn viên RIVM cho biết cơ quan này “gần như chắc chắn” một số ca dương tính đã mang biến chủng mới, nhưng sẽ cần kiểm tra thêm để bảo đảm chính xác. Giới chức từ chối cho biết có bao nhiêu ca nghi nhiễm chủng Omicron trong số người dương tính nCoV.

Biến chủng B.1.1.529 được ghi nhận lần đầu ở Nam Phi ngày 24/11, một số ca nhiễm khác cũng được phát hiện tại Botswana, Bỉ, Do Thái và Hồng Kông. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) họp khẩn sau đó hai ngày và đổi tên biến chủng này thành Omicron, xếp vào danh sách biến chủng đáng lo ngại do khả năng lây nhiễm cao hơn Delta.

Omicron có 32 đột biến trong protein gai, phần mà hầu hết các loại vaccine sử dụng để tạo ra hệ thống miễn dịch chống nCoV. Đột biến protein gai có thể ảnh hưởng tới khả năng nhiễm bệnh và tốc độ lây lan của virus, cũng như khiến tế bào miễn dịch khó tấn công mầm bệnh hơn. Giới khoa học đang chạy đua xác định mối đe dọa từ chủng Omicron và có cần điều chỉnh vaccine Covid-19 hiện tại hay không.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 29/11 bắt đầu cấm chuyến bay từ Nam Phi và khu vực lân cận. 4 nước Đông Nam Á gồm Malaysia, Thái Lan, PhilippinesSingapore đã siết đi lại với các nước phía nam châu Phi, yêu cầu cách ly người nhập cảnh trong những ngày qua.

Anh cũng cấm nhập cảnh đối với người đến từ Nam Phi và 5 nước láng giềng. Những hành động tương tự đã được áp dụng tại Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, Iran, BrazilCanada.

Do Thái dự định cấm toàn bộ người nước ngoài nhập cảnh từ đêm 28/11, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đóng cửa hoàn toàn biên giới để ngăn nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập.

Thủ tướng Nhật tuyên bố củng cố quốc phòng để đối phó Trung Quốc, Triều Tiên

Nguyễn Đô

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (ảnh: Youtube/自民党).

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố sẽ hỗ trợ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đối phó với các mối đe dọa an ninh do Trung Quốc và Triều Tiên gây ra, tái cam kết xem xét “tất cả các lựa chọn”, bao gồm cả việc đạt được khả năng tấn công căn cứ của đối phương, theo Epoch Times.

Phát biểu trong cuộc duyệt binh hôm 27/11, ông Kishida nói rằng tình hình an ninh của Nhật đang thay đổi nhanh chóng, trên thực tế, an ninh của đất nước đang nghiêm trọng hơn bao giờ hết trước mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên và hoạt động hàng hải ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong khu vực.

“Tôi sẽ xem xét tất cả các lựa chọn, bao gồm cả khả năng tấn công căn cứ của đối phương”, ông Kishida nói.

Tuyên bố của ông Kishida gây ra tranh cãi vì trong hiến pháp của Nhật sau chiến tranh thế giới thứ 2 có quy định không cho phép thực hiện việc này.

Kishida cho biết ông sẵn sàng tăng gấp đôi chi tiêu quân sự và khả năng của Nhật Bản, nhưng nói thêm rằng chính phủ của ông sẽ dẫn dắt các cuộc thảo luận “bình tĩnh và thực tế” để xác định các hành động cần thiết để bảo vệ cuộc sống của người dân.

Vào ngày 26/11, nội các Nhật Bản đã thông qua yêu cầu chi 770 tỷ yên (6,8 tỷ USD) bổ sung vào ngân sách quốc phòng. Đây là khoản phân bổ lớn nhất từ ​​trước đến nay cho chi tiêu quốc phòng của Nhật khi nước này tìm cách xúc tiến các dự án phòng thủ tên lửa để đối phó với các mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc, Nga, và Bắc Triều Tiên.

Chuyên gia: Tập Cận Bình đang cố gắng quét sạch vây cánh của Giang Trạch Dân

Lục Du | DKN 8 giờ trước 151 lượt xem

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh chụp màn hình Youtube/Guardian News).

Kể từ khi chính quyền Tập Cận Bình phát động chiến dịch thanh trừng hệ thống chính trị và pháp luật vào tháng 2/2021, 1.972 quan chức ở tỉnh Giang Tô, quê hương của cựu Tổng bí thư Giang Trạch Dân, đã bị khởi tố, theo Sound of Hope.

Nhà phân tích chính trị Trung Quốc Lý Yên Minh cho rằng Giang Trạch Dân đã sử dụng vây cánh của ông ta ở Giang Tô để thực hiện cuộc đảo chính chống lại Tập Cận Bình. Do đó, việc ông Tập thanh trừng bộ máy quan lại ở Giang Tô là “từng bước gây sức ép và tiêu diệt nhóm đảo chính của Giang Trạch Dân.”

Vào tháng 7 năm ngoái, chính quyền Tập Cận Bình đã bắt đầu thí điểm chiến dịch thanh trừng nhắm vào hệ thống chính trị và pháp luật. Trong làn sóng chiến dịch thanh trừng thứ hai mang tên “Chỉnh phong” bắt đầu vào tháng 2 năm nay, các quan chức Giang Tô tiếp tục là một trong những mục tiêu đả kích then chốt của chính quyền ông Tập. Tính đến nay, ngoài số cán bộ bị khởi tố đề cập ở trên, còn có 5.718 cán bộ bị xử lý, kỷ luật, giáng chức hoặc chuyển công tác.

Vào ngày 8/10, Quách Thanh Côn, bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã có một bài phát biểu, tiết lộ rằng mục đích của chiến dịch thanh trừng là làm cho hệ thống chính trị và pháp luật trở thành “một Trung ương Đảng lấy Tập Cận Bình làm nồng cốt.”

Hiện tại người của Tập Cận Bình đã chiếm lĩnh các cơ quan chủ chốt của đảng và chính quyền ở tỉnh Giang Tô do các quan chức phe Giang kiểm soát trước đây.

Có thông tin cho rằng kể từ khi Vương Lập Khoa, một người thuộc phe Giang và là cựu bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Giang Tô, chủ động ra đầu thú vào ngày 24/10 năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã bắt đầu công cuộc thanh trừng bộ máy quan lại ở Giang Tô.

Vào ngày 22/9 năm nay, Vương Lập Khoa đã bị song khai, khai trừ khỏi đảng và tước bỏ chức vụ chính quyền. Đến ngày 12/10, ông Vương chính thức bị bắt vì các tội danh liên quan tới kinh tế. Sau đó, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục thanh trừng phe nhóm của Vương Lập Khoa.

Vào ngày 19/11, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương tuyên bố trong một thông cáo chung rằng “xóa sổ Vương Lập Khoa và phần tử xấu còn sót lại là nhiệm vụ trọng điểm của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật tỉnh Giang Tô” và “Cuộc vận động này sẽ không dừng lại mà chỉ tiếp tục gia tăng lực độ xử lý vụ án”.

Lý Yên Minh cho rằng nhìn bề ngoài, ông Tập Cận Bình đang thanh lý hệ thống chính trị và pháp luật, nhưng trên thực tế ông Tập đang cố gắng “nhổ tận gốc” vây cánh của Giang Trạch Dân.

Ông Lý nói: “Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng và những người khác không tín nhiệm Tập Cận Bình. Nỗ lực phế truất ông Tập của họ chưa bao giờ dừng lại. Tình hình đã phát triển cho đến nay, oán hận chất chứa giữa Tập Cận Bình và phe Giang Trạch Dân đã không thể hòa giải.”

Anh Quốc đưa ra các biện pháp tạm thời để ứng phó với biến thể Omicron

Allen Zhong

Thủ tướng Anh Quốc Boris Johnson trả lời phóng viên trong một cuộc họp báo sau khi các ca nhiễm của biến thể COVID-19 mới được xác nhận ở Anh Quốc, tại London, Anh Quốc, hôm 27/11/2021. (Ảnh: Hollie Adams/Getty Images)

Thủ tướng Anh Quốc Boris Johnson sẽ đưa ra một số biện pháp để ứng phó với các ca nhiễm biến thể virus corona Omicron mới được phát hiện ở nước này.

Sẽ được áp dụng bắt đầu từ tuần tới, các biện pháp này bao gồm:

  • Tất cả những người đến từ quốc tế phải làm một xét nghiệm PCR Ngày 2 và tự cách ly cho đến khi nhận được kết quả âm tính.
  • Tất cả những người tiếp xúc với các ca nghi nhiễm Omicron phải tự cách ly, bất kể tình trạng chích ngừa của họ như thế nào. Họ sẽ được cơ quan Xét nghiệm và Truy vết NHS liên lạc.
  • Việc đeo khẩu trang sẽ trở thành quy định bắt buộc trong các cửa hàng và trên các phương tiện giao thông công cộng kể từ tuần tới. Tất cả các cơ sở dịch vụ lưu trú sẽ được miễn.

Ông Johnson thông báo vào thứ Bảy trong một cuộc họp báo tại số 10 phố Downing rằng các biện pháp đó là để phòng ngừa và sẽ được đánh giá sau ba tuần.

Giám đốc Y tế của Anh Quốc Chris Witty, cho biết tại cùng cuộc họp báo với ông Johnson rằng vẫn còn nhiều điều không chắc chắn xung quanh biến thể Omicron, nhưng “có khả năng hợp lý là biến thể này ít nhất sẽ né tránh vaccine ở một mức độ nào đó.”

Hôm thứ Tư (24/11), Omicron – một biến thể khác của virus Trung Cộng, lần đầu tiên được ghi nhận ở Nam Phi. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể này có “một lượng lớn các đột biến” và một vài trong số đó là đáng lo ngại.

WHO cho biết trong một tuyên bố: “Bằng chứng sơ bộ cho thấy nguy cơ tái nhiễm với biến thể này tăng lên so với các VOC (Biến thể Đáng lo ngại) khác.”

Việc phát hiện ra biến thể này đã khuấy động sự lo lắng trên toàn cầu, một làn sóng cấm hoặc hạn chế đi lại, và bán tháo trên thị trường tài chính hôm thứ Sáu khi các nhà đầu tư lo ngại rằng biến thể Omicron có thể cản trở sự phục hồi toàn cầu sau gần hai năm chìm trong dịch bệnh.

Thông báo của ông Johnson được đưa ra sau khi các ca biến thể Omicron được phát hiện ở một số quốc gia Âu Châu.

Anh Quốc, Đức và Ý đã phát hiện các ca của biến thể virus corona Omicron mới hôm thứ Bảy.

Sở Y tế tiểu bang Bavaria của Đức đã công bố hai ca được xác nhận nhiễm biến thể này. Sở này cho biết hai ca bệnh đó đã nhập cảnh vào Đức tại phi trường Munich hôm 24/11, trước khi Đức chỉ định Nam Phi là khu vực có các biến thể của virus. Hai người này hiện đang được cách ly.

Tại Ý, Viện Y tế Quốc gia cho biết một ca nhiễm biến thể mới đã được phát hiện ở Milan trên một người đến từ Mozambique.

Cơ quan y tế Czech cũng cho biết họ đang xét nghiệm một ca nghi nhiễm biến thể này trên một người từng sống ở Namibia.

Ông Allen Zhong là một nhà văn và phóng viên lâu năm của The Epoch Times. Ông gia nhập Epoch Media Group vào năm 2012. Ông tập trung đưa tin về chính trị Hoa Kỳ.

An Nhiên biên dịch

Nhà ngoại giao hàng đầu Hoa Kỳ về Á Châu thăm bốn nước ASEAN

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo (bên phải) và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink (bên trái) tham dự cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại Bộ Ngoại giao ở Hà Nội, Việt Nam, vào ngày 26/02/2019. (Ảnh: Andrew Harnik/Ảnh chung qua Reuters)

HOA THỊNH ĐỐN — Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ về Đông Á sẽ thăm Indonesia, Malaysia, Singapore, và Thái Lan vào cuối tuần này sau khi Tổng thống Joe Biden cam kết tăng cường hợp tác với khu vực Đông Nam Á, một chiến trường quan trọng trong cuộc tranh giành ảnh hưởng của ông với Trung Quốc.

Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao cho biết ông Daniel Kritenbrink, trợ lý ngoại trưởng đặc trách khu vực Đông Á, sẽ có mặt tại khu vực này từ thứ Bảy (27/11) cho đến ngày 04/12.

Ông Kritenbrink sẽ “tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ trong việc hợp tác … để giải quyết những thách thức  toàn cầu và khu vực nghiêm trọng nhất”, đồng thời nhấn mạnh sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với “một trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” tuyên bố cho biết khi đề cập đến việc chính quyền Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành vi gây hấn trong khu vực, điều mà Hoa Thịnh Đốn đã nhiều lần lên án là “cưỡng bách”.

Tuyên bố này cho biết ông Kritenbrink sẽ thảo luận về “những thách thức” về nhân quyền, tìm cách tăng cường hợp tác về biến đổi khí hậu và thảo luận về các cách thức để gây áp lực buộc chính phủ quân đội Miến Điện (còn được gọi là Myanmar) ngừng bạo lực và cho phép việc tiếp cận nhân đạo không bị cản trở.

Ông cũng sẽ thảo luận về cách tăng cường các mối quan hệ kinh tế và “xây dựng lại tốt hơn” từ đại dịch COVID-19, tuyên bố nêu rõ.

Tổng thống Biden đã cùng các nhà lãnh đạo Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tham dự một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào tháng trước, lần đầu tiên sau 4 năm Hoa Thịnh Đốn đã làm việc ở cấp cao nhất với khối này.

Ông cam kết sát cánh cùng ASEAN trong việc bảo vệ tự do trên biển và dân chủ, đồng thời cho biết Hoa Thịnh Đốn sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán phát triển một khuôn khổ kinh tế khu vực.

Một nhà ngoại giao Á Châu cho biết các nước trong khu vực vẫn đang chờ đợi các chi tiết của kế hoạch này. Ông thừa nhận việc Tổng thống Biden tập trung vào tái thiết sức mạnh kinh tế trong nước là một yếu tố hạn chế.

Ông Daniel Russel, người tiền nhiệm của ông Kritenbrink dưới thời chính phủ Tổng thống Obama, cho biết một câu hỏi quan trọng đối với ASEAN là “liệu ​​Hoa Kỳ có thực sự có một chiến lược kinh tế khả thi” cho khu vực này hay không.

Ông nói: “Cam kết thảo luận về các phương thức để Hoa Kỳ tăng cường hợp tác kinh tế với các nước ASEAN thuận tai họ, ngay cả khi họ có thể bị choáng ngợp bởi ‘khuôn khổ kinh tế này’ cho đến nay.”

Thông báo về chuyến đi của ông Kritenbrink đã nhấn mạnh “vai trò trung tâm” của 10 thành viên ASEAN đối với các vấn đề trong khu vực, nhưng ông sẽ không thăm chủ tịch mới của khối, Campuchia, vốn đã xích lại gần với chính quyền Trung Quốc hơn bao giờ hết.

Nhà ngoại giao Á Châu nói trên và ông Russel cho biết ông Kritenbrink có khả năng sẽ thăm các nước ASEAN khác trong tương lai gần và ông Russel lưu ý rằng thủ đô Jakarta của Indonesia là nơi đặt trụ sở thường trực của khối ASEAN.

“Mặc dù việc thảo luận về nghị trình của ASEAN với chủ tịch năm 2022 của khối này là rất quan trọng, nhưng việc thăm trụ sở ASEAN ở Jakarta sẽ giúp ông ấy có cơ hội bắt đầu cuộc trò chuyện đó,” ông Russel nói.

An Nhiên biên dịch

Related posts