Nhiều máy bay chiến đấu Trung Quốc bay gần Đài Loan sau chuyến thăm của các nhà lập pháp Mỹ
Chi Phương
Nhiều máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, hôm Chủ nhật, 28/11/2021, sau chuyến thăm của các nhà lập pháp Hoa Kỳ bất chấp yêu cầu của Bắc Kinh đòi hủy bỏ chuyến đi. Về phía Đài Loan, tổng thống Thái Anh Văn kêu gọi tăng cường hợp tác với châu Âu để “thoát khỏi chế độ độc tài”.
Bộ Quốc Phòng Đài Loan, được Reuters trích dẫn, cho biết hôm qua, 28/11, Trung Quốc đã điều 27 máy bay, bao gồm 8 máy bay chiến đấu J-16, tiến vào vùng nhận dạng phòng không ở phía tây nam của Đài Loan. Trong số này, lần đầu tiên có sự xuất hiện của máy bay tiếp dầu trên không Y-20 của Trung Quốc. Máy bay này có thể chở khoảng 60 tấn nhiên liệu.
Trong một tin nhắn đăng trên tài khoản Twitter được Bloomberg trích dẫn, ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) tố cáo hành động hăm dọa của Trung Quốc “muốn Đài Loan khuất phục và khiến chúng ta xa lánh các đối tác dân chủ.” Và lãnh đạo ngoại giao Đài Loan khẳng định “sẽ không bao giờ cúi đầu trước áp lực của đảng Cộng Sản Trung Quốc”.
Theo Bloomberg, đây là hành động khiêu khích quân sự lớn nhất kể từ tháng 10/2021, diễn ra sau khi một nhóm các nhà lập pháp Hoa Kỳ đến thăm Đài Loan, trong đó có bà Elissa Slotkin. Bà cho biết đã nhận được nhiều tin nhắn từ phía Đại sứ quán Trung Quốc, yêu cầu hủy chuyến đi này. Và ngay khi họ đến Đài Loan vào đầu tháng 11, quân đội Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động quân sự ở eo biển Đài Loan “để đáp trả những hành động sai lầm của các quốc gia” liên quan đến vấn đề Đài Loan.
Trong cuộc tiếp các nhà lập pháp đến từ Litva, Latvia và Estonia hôm nay, ngày 29/11, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, tuyên bố rằng Đài Loan và châu Âu cần phải “cùng nhau hợp tác để chống lại chủ nghĩa độc tài và các thông tin sai lệch.” Bà Thái cũng nhấn mạnh việc 3 quốc gia vùng Baltic, trước kia thuộc Liên Xô cũ, có điểm chung với Đài Loan để có thể “chia sẻ các kinh nghiêm nhằm thoát khỏi sự cai trị của chế độ độc tài và đấu tranh cho nền tự do dân chủ”.
Tại cuộc họp, nhà lập pháp Litva, Matas Maldeikis được Reuters trích dẫn, cho biết,, “ việc bảo vệ tự do và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp là lợi ích quan trọng đối với cả Đài Loan và Litva. Chúng tôi đến đây để bày tỏ tình đoàn kết với Đài Loan.” Trên tài khoản Twitter của mình, ông nhấn mạnh việc Litva chọn “dân chủ, tự do và tình hữu nghị”, với hashtag “StandwithTaiwan” – Sát cánh cùng Đài Loan
Litva đã phải đối mặt với các áp lực liên tục từ Trung Quốc khi quốc gia này tuyên bố cho phép mở cơ quan đại diện ngoại giao Đài Loan trên lãnh thổ của mình vào năm 2022. Chưa có thành viên nào của Liên Hiệp châu Âu có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Hoa Kỳ đã hậu thuẫn mạnh mẽ cho Litva, đồng minh của khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong cuộc tranh đấu với Trung Quốc.
Liên Âu và NATO tăng cường hợp tác đối phó với mối đe dọa “hỗn hợp”
Thùy Dương
Các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu và Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO hôm Chủ Nhật 28/11/2021 đã cam kết hợp tác nhiều hơn để đối phó với các mối đe dọa “chiến tranh hỗn hợp” (hybride). Thông báo được đưa ra nhân chuyến công du Litva của tổng thư ký NATO và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu.
Chuyến đi của tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen đến Litva chủ yếu tập trung vào cuộc khủng hoảng người nhập cư ở biên giới Belarus-Ba Lan và việc Nga tăng cường sự hiện diện quân sự gần Ukraina.
Cả ông Stoltenberg và bà von der Leyen đều cáo buộc Belarus dàn dựng cuộc khủng hoảng di dân ở cửa ngõ Liên Âu và gây ra điều họ xem là “mối đe dọa chiến tranh hỗn hợp” đối với Liên Âu, điều mà Minsk luôn bác bỏ.
Trong cuộc họp báo chung với tổng thư ký NATO và các lãnh đạo Litva, chủ tịch Ủy ban Châu Âu von der Leyen nhấn mạnh : “Để đối phó với những sự kiện như vậy, điều quan trọng là Liên Âu và NATO phải hợp tác với nhau”. Còn ông Stoltenberg cho biết là đã thảo luận với chủ tịch Ủy ban châu Âu về cách NATO và Liên Âu có thể tăng cường hoạt động chung, bao gồm cả việc thông qua một tuyên bố chung mới, bởi vì Liên Âu và NATO “sẽ mạnh mẽ hơn và an toàn hơn khi hợp tác với nhau”.
Bà von der Leyen cũng nhấn mạnh rằng Bruxelles đã quyết định tăng gấp 3 lần ngân sách dành cho công tác kiểm soát biên giới ở Latvia, Litva và Ba Lan cho năm 2021 và 2022. Số tiền lên tới 200 triệu euro và sẽ dành chi cho các phương tiện tuần tra và giám sát điện tử, trong đó có máy bay tự động.
Về phía Litva, tổng thống Gitanas Nauseda cảnh báo : “Nếu tình hình an ninh xấu đi nữa, chúng tôi không loại trừ khả năng tham vấn về việc kích hoạt điều 4 của NATO”. Theo hiệp ước thành lập NATO, mỗi thành viên của tổ chức có thể yêu cầu Liên Minh họp để tham vấn nếu họ cho rằng an ninh hoặc nền độc lập của nước đó bị đe dọa. Theo AFP, Ba Lan cũng đã cảnh báo rằng Vacxava có thể viện dẫn điều khoản nói trên.
Liên quan tới nước Nga, tổng thư ký Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg một lần nữa kêu gọi Matxcơva “giảm leo thang” gần biên giới với Ukraina và cảnh báo về “cái giá và hậu quả” nếu Nga dùng vũ lực. Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh ngoại trưởng khối NATO, trong đó có ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, sẽ họp tại Latvia vào ngày 30/11 và 01/12, chủ yếu bàn về tình hình biên giới Nga-Ukraina.
Châu Âu muốn tăng cường hợp tác với Anh Quốc ngăn chặn di dân bất hợp pháp
Phan Minh
Bốn 4 ngày sau vụ đắm thuyền làm 27 người chết ở biển Manche, bộ trưởng Nội Vụ bốn nước trong Liên Âu, Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, cùng ủy viên châu Âu phụ trách Nội Vụ, giám đốc tổ chức Cảnh sát châu Âu (Europol) và lãnh đạo lực lượng kiểm soát biên giới chung của Liên Âu (Frontex), đã họp khẩn cấp tại Calais, Pháp, hôm qua, 28/11/2021.
Theo AFP, các bên tham gia cuộc họp đã đồng ý cải thiện hợp tác với Vương quốc Anh để đối phó với nạn đưa người vượt biên trái phép, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng di dân gây căng thẳng kéo dài giữa Anh và Pháp.
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet tường trình:
Theo ủy viên châu Âu phụ trách Nội Vụ, Ylva Johansson, cuộc họp ở Calais cho thấy 27 nước cần phải thông qua một hiệp ước mới về nhập cư và tị nạn. Ủy Ban Châu Âu đã đưa ra đề xuất vào tháng 9 năm 2020 nhưng việc thông qua văn bản này vẫn vấp phải những chủ đề trọng tâm liên quan đến cuộc khủng hoảng di cư sang Anh. Theo Ủy Ban, cần phải có một quy trình phù hợp để sàng lọc và cho lưu trữ thông tin về di dân, nhằm ngăn chặn họ tới tận bờ biển Manche.
Ủy viên châu Âu phụ trách Nội Vụ nhấn mạnh rằng cần phải hợp tác với chính phủ Anh để chống lại các mạng lưới và đường dây của những kẻ buôn người.
Trong cuộc họp tại Calais, quốc vụ khanh Đức Stephan Mayer chủ trương cần khẩn cấp tìm kiếm một thỏa thuận với Vương quốc Anh để xác định quốc gia nào có trách nhiệm xử lý các đơn xin tị nạn.
Đó là những chủ đề gây chia rẽ các quốc gia trong Liên Hiệp Châu Âu kể từ khi bùng nổ cuộc khủng hoảng di dân vào năm 2015, trong bối cảnh các nước Địa Trung Hải kêu gọi tình liên đới của châu Âu. Một sự đoàn kết mà Ba Lan và các nước Baltic từ nay sẽ mẫn cảm hơn.
Nối lại đàm phán về hạt nhân Iran
Phan Minh
Trong bầu không khí căng thẳng giữa Iran và các cường quốc, hôm nay 29/11/2021 tại trụ sở của Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (AIEA), ở Vienna, Áo, các liên quan nối lại cuộc đàm phán về hồ sơ hạt nhân Iran nhằm làm sống lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Theo Kế hoạch hành động toàn diện chung, viết tắt là JCPOA – thường gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran, được ký kết giữa Iran với Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Đức vào năm 2015, Iran chấp nhận hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc phát triển bom nguyên tử. Đổi lại, phương Tây đồng ý chấm dứt mọi biện pháp trừng phạt nhắm vào Iran.
Tuy nhiên, JCPOA có nguy cơ không còn giá trị, sau khi tổng thống Donald Trump rút nước Mỹ ra khỏi thỏa thuận này vào năm 2018.
Từ Teheran, thông tín viên Siavosh Ghazi cho bên thêm thông tin về vòng đàm phán lần này:
Một phái đoàn Iran hùng hậu gồm khoảng 40 thành viên, dẫn đầu bởi Ali Bagheri Kani, một nhân vật bảo thủ, đã tới Vienna.
Các phát biểu của phía Iran tỏ ra khá cứng rắn. Ali Bagheri Kani đã tuyên bố rằng mục tiêu đầu tiên của cuộc đàm phán là Mỹ phải chấm dứt mọi lệnh trừng phạt của mình và điều này phải có thể kiểm chứng được.
Ông nhấn mạnh rằng Iran không tin tưởng phương Tây và sẽ không lặp lại những sai lầm trong quá khứ.
Người đứng đầu phái đoàn Iran nói thêm: “Người dân Iran sẽ không bị khuất phục bởi những lời đe dọa quân sự và trừng phạt kinh tế.”
Iran cũng đã từ chối yêu cầu của Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (IAEA), của Hoa Kỳ cũng như của Pháp, Đức và Anh cho phép AIEA kiểm soát kỹ hơn các hoạt động hạt nhân của mình, đặc biệt là tại cơ sở Karaj, gần Teheran.
Tại đây, Iran sản xuất máy ly tâm cực kỳ hiện đại và nhanh hơn, cho phép nước này đẩy nhanh chương trình làm giàu uranium.
Từ một năm qua, Iran đã hạn chế hợp tác một cách đáng kể với Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế của Liên Hợp Quốc.
Trong điều kiện này, các cuộc đàm phán có thể sẽ khó khăn và thời gian đàm phán có thể sẽ bị kéo dài.
Hồng Kông mở phiên tòa xét xử 47 nhà hoạt động ủng hộ dân chủ
Chi Phương
Sau gần 10 tháng bị giam giữ theo Luật An ninh Quốc gia, tại Hồng Kông hầu hết các chính khách thuộc phe đối lập ủng hộ dân chủ lại ra tòa thêm một lần nữa, vào thứ Hai ngày 29/11/2021. Họ bị buộc tội có “âm mưu lật đổ Nhà nước” vì đã tổ chức và tham gia cuộc bầu cử sơ bộ vào tháng 7 năm 2020. Tuy nhiên, tư pháp Hồng Kông có thể gặp khó khăn trong việc xét xử các nhà hoạt động này.
Từ Hồng Kông, thông tín viên RFI, Florence de Changy tường trình:
“Được mệnh danh bằng con số 47, những nhà hoạt động, cả nam và nữ, phải ra tòa ở Cửu Long Tây (West Kowkoon), đều là những nhân vật “nổi tiếng” và được tôn trọng trong công luận và đời sống chính trị ở Hồng Kông, thậm chí một số người được biết đến từ nhiều thập kỷ. Bị tạm giam từ tháng Hai, 14 trong số họ đã được tại ngoại hầu tra.
Tất cả đều bị cáo buộc có âm mưu lật đổ nhà nước, một tội danh có thể lãnh án tù chung thân, vì họ đã tổ chức và tham gia vào một cuộc bầu cử sơ bộ, diễn ra vào tháng 7/2020, một cách rất trật tự. Khỏang 600 000 công dân Hồng Kông đã tham gia. Mục đích của cuộc bầu cử sơ bộ này, giống như trong bất kỳ cuộc bầu cử sơ bộ nào, là để có được kết quả tối ưu cho phe ủng hộ dân chủ trong cuộc bầu cử lập pháp diễn ra hai tháng sau đó nhưng đã bị hoãn lại cho đến tháng 12 năm 2021.
Nhưng giờ đây, người ta tự hỏi liệu, và bằng cách nào, một tòa án Hồng Kông có thể đánh đồng việc tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ với tội danh “âm mưu lật đổ”, ngay cả khi có thêm Luật An ninh Quốc gia, một công cụ pháp lý cực kỳ mạnh.”
Theo trang Foreign Brief, chuyên phân tích các rủi ro về địa chính trị của Úc, các phán quyết về vụ việc sẽ đánh dấu một bước ngoặt lớn cho nền độc lập của tư pháp Hồng Kông, vì Bắc Kinh có thể gây ảnh hưởng lớn đối với việc truy tố những nhà hoạt động dân chủ này. Một số thẩm phán đã từ chức tại Tòa án tối cao vì lo ngại rằng cơ quan tư pháp này đang mất dần sự tự do. Tuy nhiên, điều này lại tạo cơ hội cho Bắc Kinh có thể thay thế các thẩm phán ủng hộ tự do bằng những người có liên kết chặt chẽ với đảng Cộng Sản Trung Quốc.