Chuyên gia Đức: Biến thể mới có thể là tin tốt!
Giáo sư Karl Lauterbach, chuyên gia về dịch tễ học Đức, cho rằng biến thể Omicron có thể là một “món quà Giáng sinh”, có thể khiến đại dịch Covid-19 kết thúc sớm hơn.
Ông Karl Lauterbach gợi ý rằng Omicron có rất nhiều đột biến (Omicron có tới 32 đột biến ở protein gai, con số này nhiều gấp đôi so với biến thể Delta) có nghĩa là nó có thể được tối ưu hóa để lây nhiễm nhưng ít gây bệnh nghiêm trọng hơn.
Ông Karl Lauterbach đưa ra kiến giải trên khi các chuyên gia ở Nam Phi khẳng định Omicron gây ra các triệu chứng Covid-19 nhẹ hơn so với các biến thể trước đó.
Các chuyên gia y tế ở Nam Phi cho biết biến thể Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ so với nhiều biến thể trước đây, chẳng hạn như đau đầu, đau cơ và mệt mỏi, và chưa ghi nhận trường hợp nào nhập viện hoặc tử vong.
Bác sĩ Angelique Coetzee, chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi, cho biết 7 người mà bà điều trị rất mệt mỏi, đau cơ nhẹ, ngứa cổ họng và ho khan. Bác sĩ Coetzee cho biết những người bị nhiễm hồi phục tốt tại nhà và khỏe hơn trong vòng 2-3 ngày. Không ai bị mất vị giác, khứu giác hay giảm mạnh nồng độ oxy trong máu.
Hầu hết các ca nhiễm biến thể Omicron cho đến nay là ở những người trẻ tuổi. Do đó, các chuyên gia cho rằng các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của chúng có thể khác nhau khi Omicron lây lan sang các nhóm tuổi cao hơn, mắc bệnh mãn tính.
Giáo sư Paul Hunter, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trường ĐH East Anglia, nhận xét lý thuyết của ông Karl Lauterbach có thể đúng và cho rằng việc tiêm phòng giúp chống lại biến thể Omicron.
Tương tự, Giáo sư Abdool Karim, người từng là cố vấn chính của chính phủ Nam Phi trong đợt đại dịch đầu tiên, cho biết ông tin rằng vắc-xin sẽ bảo vệ con người trước các triệu chứng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng họ cần ít nhất 2 tuần để xác định tác động của biến thể Omicron. Các nhà khoa học cũng cần ít nhất 2 tuần để tìm hiểu xem liệu những đột biến đáng lo ngại của Omicron có thể khiến chủng này lây nhiễm mạnh hơn biến thể Delta hay không, cũng như có khả năng kháng vắc-xin hay không.
Theo Daily Mail, các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng virus corona khó có thể bị tiêu diệt mà thay vào đó sẽ chuyển thành một loại virus gây cảm lạnh.
Lầu Năm Góc hoạch định vị thế mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc và Nga
Quân đội Mỹ sẽ tăng cường các hoạt động nhắm vào Trung Quốc và Nga, đồng thời duy trì các lực lượng ở Trung Đông đủ để ngăn chặn Iran và các nhóm thánh chiến, Lầu Năm Góc cho biết hôm thứ Hai dựa trên kết quả một bản đánh giá, AFP đưa tin.
Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ nâng cấp và mở rộng các cơ sở quân sự ở Guam và Australia, nhấn mạnh Trung Quốc là đối thủ quốc phòng hàng đầu của nước này, các quan chức cho biết.
Động thái này diễn ra sau sự hình thành của một liên minh quốc phòng mới giữa Mỹ – Anh – Australia có tên là AUKUS, nhằm chống lại một Trung Quốc đang trỗi dậy.
Hiệp ước AUKUS được thành lập khi Bắc Kinh tăng cường các hành động củng cố quyền kiểm soát đối với vùng Biển Đông đang tranh chấp, cũng như ngày càng đẩy mạnh đe dọa quân sự đối với Đài Loan.
Bà Mara Karlin, một quan chức chính sách hàng đầu của Lầu Năm Góc, xác nhận khu vực ưu tiên của quân đội Mỹ hiện tại là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Bà Karlin cho biết: “Ở Australia, mọi người sẽ thấy việc triển khai máy bay ném bom và máy bay chiến đấu mới, sẽ thấy việc đào tạo các lực lượng mặt đất và tăng cường hợp tác hậu cần”.
Bà cho biết tại Guam, quần đảo Bắc Mariana và Australia cũng sẽ có những hạng mục nâng cấp sân bay và các cơ sở lưu trữ nhiên liệu và đạn dược.
Theo bà Karlin, bản đánh giá “hướng đến việc tăng cường hợp tác với các đồng minh và đối tác trong khu vực để thúc đẩy các sáng kiến, góp phần vào sự ổn định khu vực và ngăn chặn sự xâm lược quân sự tiềm tàng từ Trung Quốc cũng như các mối đe dọa từ Triều Tiên”.
Ngoài ra, nó “củng cố khả năng răn đe nhằm chống lại nguy cơ xâm lược của Nga ở châu Âu và cho phép lực lượng NATO hoạt động hiệu quả hơn”, bà nói.
Tuy nhiên, Trung Đông vẫn là một khu vực quan trọng đối với Lầu Năm Góc sau các cuộc chiến kéo dài ở Iraq và Afghanistan.
Tuy vậy, một quan chức giấu tên khác của Lầu Năm Góc lại nói với hãng tin rằng hầu như sẽ không có sự thay đổi chiến lược triệt để nào.
Quan chức này cho biết: “Trong năm đầu tiên của chính quyền [Biden], đây không phải là thời điểm chúng tôi thực hiện một sự thay đổi lớn ở cấp chiến lược.”
Giám đốc tình báo Anh MI6 bàn về cuộc đua thống trị
Giám đốc cơ quan phản gián của Anh hôm thứ Ba cảnh báo rằng các đối thủ của phương Tây như Trung Quốc và Nga đang chạy đua để làm chủ trí tuệ nhân tạo theo cách có thể cách mạng hóa địa chính trị trong những thập kỷ tới, theo Reuters.
Các điệp viên trên thế giới, từ Langley và London tới Moscow và Bắc Kinh, đang chật vật với những tiến bộ địa chấn trong công nghệ đang thách thức các hoạt động gián điệp truyền thống do con người lãnh đạo đã thống trị hàng nghìn năm.
Richard Moore, Giám đốc Cơ quan Tình báo hải ngoại của Anh (MI6), cho biết, kỹ thuật lượng tử, sinh học kỹ thuật, kho dữ liệu khổng lồ và những tiến bộ của sức mạnh máy tính là một mối đe dọa cần được giải quyết đối với phương Tây.
Ông Moore, người hiếm khi xuất hiện trong các bài phát biểu, cho biết: “Các đối thủ của chúng tôi đang đổ tiền và tham vọng vào việc làm chủ trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và sinh học tổng hợp, bởi vì họ biết rằng việc làm chủ những công nghệ này sẽ mang lại cho họ đòn bẩy”.
Ông cho biết, tiến bộ công nghệ trong thập kỷ tới có thể vượt xa mọi tiến bộ công nghệ trong thế kỷ qua.
Mối quan tâm đặc biệt đối với các điệp viên phương Tây là các cơ quan tình báo của Nga và Trung Quốc đã gấp rút khai thác sức mạnh của một loạt công nghệ tinh vi, đôi khi với tốc độ nhanh hơn so với phương Tây. Các cơ quan tình báo phương Tây lo ngại Bắc Kinh có thể thống trị tất cả các công nghệ quan trọng mới nổi trong vòng nhiều thập kỷ.
Sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của Trung Quốc trong 40 năm qua được coi là một trong những sự kiện địa chính trị quan trọng nhất trong thời gian gần đây, cùng với sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, sự sụp đổ này đã kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Ông Moore cho biết cơ quan MI6 sẽ phải thay đổi để khai thác các công nghệ mới, ông nói: “Chúng ta phải trở nên cởi mở hơn, để giữ bí mật.
Các nhà khoa học Mỹ cho biết robot sống đầu tiên trên thế giới có thể sinh sản
Các nhà khoa học Mỹ mới tạo ra những robot sống đầu tiên tên là xenobots, có thể sinh sản theo cách chưa từng thấy ở động vật và thực vật với sự trợ giúp của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Nghiên cứu này được đăng tải trên tạp chí khoa học PNAS.
Xenobots được hình thành từ các tế bào gốc của loài ếch có móng vuốt châu Phi (Xenopus laevis). Vậy nên, nó đã được đặt tên dựa trên loài ếch này. Xenobots có chiều rộng chưa đến 1 mm (khoảng 0,04 inch), được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2020 sau khi các thí nghiệm chỉ ra rằng chúng có thể di chuyển, làm việc nhóm và tự chữa lành (self-heal).
Robot đầu tiên trên thế giới có thể sinh sản được phát triển bởi nhóm các nhà khoa học tại Đại học Vermont, Đại học Tufts và Viện Kỹ thuật Cảm hứng Sinh học thuộc Đại học Harvard. Họ cho biết họ đã phát hiện ra một hình thức sinh sản hoàn toàn mới, khác biệt với bất kỳ động vật hoặc thực vật nào mà giới khoa học từng biết đến trước đây.
Giáo sư sinh học Michael Levin, Giám đốc Trung tâm Khám phá Allen tại Đại học Tufts, đồng tác giả của nghiên cứu mới, chia sẻ: “Tôi vô cùng kinh ngạc về điều đó. Cách sinh sản của ếch rất đặc biệt. Chúng giải phóng các tế bào khỏi phần còn lại của phôi thai, qua đó tìm ra cách để tái tạo trong môi trường mới”.
Tế bào gốc là những tế bào không chuyên biệt, có khả năng phát triển thành các loại tế bào khác nhau. Để tạo ra xenobots, các nhà nghiên cứu đã lấy các tế bào gốc sống từ phôi ếch và đem ủ chúng. Ngoài ra, họ không can thiệp vào bất kỳ quy trình nào liên quan gen.
Giáo sư Josh Bongard đến từ Đại học Vermont, thành viên thuộc nhóm nghiên cứu, cho biết: “Hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng robot được làm bằng kim loại, sắt thép, gốm sứ. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là chúng được làm ra từ đâu, mà là chúng ta có thể làm được gì để thay thế con người. Chúng tôi tạo ra một loại robot mang đầy đủ đặc tính của sinh vật và được tạo ra từ tế bào ếch chưa qua biến đổi gen”.
Giáo sư Bongard cho biết họ phát hiện ra các xenobots, ban đầu có hình cầu và được tạo ra từ khoảng 3.000 tế bào và có thể tái tạo. Các xenobots đã sử dụng cơ chế “sao chép động học (kinetic replication)”, quá trình xảy ra ở cấp độ phân tử nhưng chưa từng được quan sát ở quy mô toàn bộ tế bào hoặc sinh vật.
Với sự trợ giúp của AI, các nhà khoa học sau đó đã thử nghiệm hàng tỷ hình dạng cơ thể để các xenobots có thể tái tạo một cách hiệu quả hơn. Họ phát hiện các xenobot “bố mẹ” có hình chữ C, nó có thể tìm thấy tế bào gốc nhỏ li ti trong một đĩa petri. Sau đó, chúng thu thập hàng trăm tế bào vào trong miệng, chỉ vài ngày sau, bó tế bào (bundle of cell) sẽ trở thành xenobot mới.
Xenobots hiện đang là công nghệ rất sơ khai. Nó tựa như chiếc máy tính những năm 1940 và chưa có bất kỳ ứng dụng thực tế nào.
Trên thực tế, công nghệ AI có thể gây ra những hậu quả khôn lường cho nhân loại, với nguy cơ thay thế con người trong tương lai. Trước đó, hồi năm 2017, câu chuyện về người máy Sophia (được vận hành bởi một hệ thống AI) trở thành robot đầu tiên được cấp quyền công dân hợp pháp (thậm chí có nhiều quyền hơn phụ nữ ở quốc gia này) đã gây xôn xao dư luận. Robot Sophia có hình người, mang quốc tịch Ả Rập Xê-út, đã đưa ra một số tuyên bố gây tranh cãi, nhưng gần đây nhất, một câu nói của Robot Sophia đã khiến cả thế giới “cạn lời”: Tôi muốn có một đứa con robot và bắt đầu xây dựng gia đình.
Trong một cuộc trò chuyện với David Hanson, người tạo ra robot này, nói rằng Sophia sẽ tiêu diệt con người. Tất nhiên, điều đó đã gây ra sự lo lắng, bởi kể từ thời kỳ đầu của robot và công nghệ AI, người ta đã lo sợ rằng chúng sẽ nổi dậy chống lại loài người.
Robot này còn xuất hiện một cách đầy tranh cãi với tư cách là giảng viên về các chủ đề khoa học và công nghệ, xuất hiện cùng với các nhân vật nổi tiếng trong các hội nghị truyền hình, chương trình truyền hình và các trường đại học trên khắp thế giới. Đầu năm 2021, Hanson Robotics thông báo rằng họ sẽ bắt đầu sản xuất hàng trăm robot sử dụng công nghệ AI kiểu như Sophia.
Nga phát hiện hơn 190 ứng dụng của Huawei có chứa phần mềm độc hại
Các nhà nghiên cứu của Doctor Web, công ty chống virus máy tính của Nga, cho biết họ đã tìm thấy hơn 190 ứng dụng có chứa phần mềm độc hại trong kho ứng dụng AppGallery của Huawei. Các ứng dụng này đã được cài đặt bởi khoảng 9,3 triệu người dùng, theo Vision Times.
Các nhà nghiên cứu tiết lộ rằng, Huawei ẩn phần mềm độc hại trong các ứng dụng Android, ngụy trang dưới dạng trình giả lập, hoặc trò chơi.Vì thế, người dùng rất khó nhận ra rằng điện thoại di động của họ đã bị dùng để khai thác thông tin của chính họ.
Trong cửa hàng ứng dụng Huawei, ba ứng dụng được tải xuống nhiều nhất có chứa phần mềm độc hại này là: Nhanh chóng và ẩn nấp (2 triệu lượt tải xuống), Những cuộc phiêu lưu của mèo (427.000 lượt tải xuống), Trường học lái xe mô phỏng (142.000 lượt tải xuống).
Doctor Web đã thông báo cho Huawei và hiển thị danh sách các ứng dụng có phần mềm độc hại. Hiện các ứng dụng này đã bị xóa khỏi kho ứng dụng.
Các nhà nghiên cứu cho biết, các phần mềm độc hại trong những ứng dụng kể trên có thể thực hiện nhiều hoạt động có hại khác nhau, như là thu thập thông tin người dùng và thông tin điện thoại di động, và hiển thị quảng cáo.
Khi một ứng dụng có chứa phần mềm độc hại được người dùng cài đặt, nó thường yêu cầu các quyền không liên quan đến trò chơi, chẳng hạn như thực hiện cuộc gọi hoặc phát hiện vị trí của người dùng. Sau khi người dùng cấp quyền, phần mềm độc hại sẽ lấy các dữ liệu như số điện thoại di động của người dùng, vị trí của thiết bị dựa trên GPS / mạng di động và điểm truy cập WiFi, kiểu máy và thông số kỹ thuật của thiết bị được sử dụng, mã mạng và mã quốc gia, v.v., và chuyển nó sang máy chủ nước ngoài.
Ngoài ra, các phần mềm này được cập nhật liên tục, điểm đáng chú ý là nó có thể được cài đặt thêm phần mềm gián điệp bí mật.
Li Jianjun, một phóng viên chuyên nghiệp về công nghệ mạng của RFA, cho biết: “Huawei đặt trụ sở tại Trung Quốc, nơi không có pháp quyền. Người dùng nói chung rất khó để yêu cầu Huawei bồi thường thông qua các thủ tục pháp lý, hoặc tung ra một phiên bản không có các phần mềm khai thác thông tin người dùng. Vì vậy, bạn không thể mong đợi AppGallery của Huawei có cùng mức độ bảo mật như App Store của Apple, hay Play Store của Google. Đây không chỉ là vấn đề của văn hóa doanh nghiệp Huawei, mà còn là vấn đề của hệ thống an ninh mạng Trung Quốc. Bởi vì chính quyền Trung Quốc có thói quen sử dụng tin tặc để theo dõi người dân, nguồn nguy hiểm lớn nhất tiềm ẩn đối với an ninh mạng chính là chính phủ Trung Quốc ”.
Chuyên gia này nói rằng, cách an toàn nhất là không sử dụng điện thoại di động Huawei