Lệ Thu
Nhắc tới bộ phim “Dheepan”, người ta không thể phủ nhận được sự sáng suốt của Jacques Audiard, đạo diễn kiêm đồng biên kịch phim, khi lựa chọn hai diễn viên không chuyên cho tác phẩm của mình. Cả hai người, lần đầu tiên đứng trước ống kính, đã có những diễn xuất xuất thần, những ngơ ngác, lạc lõng, gượng gạo vô cùng cần thiết khi họ vào vai những người xa lạ lần đầu đặt chân tới nước Pháp.
Cùng với đó, sở hữu những chi tiết đắt giá, những cảnh quay bố cục chặt chẽ, “Dheepan” dường như là thước phim tài liệu sống động về cuôc sống của những người nhập cư khốn cùng trên đất lạ quê người. Dù có nhiều tranh cãi, nhưng bộ phim vẫn gây tiếng vang lớn tại liên hoan phim Cannes lần thứ 68 năm 2015, bất ngờ đạt được Cành cọ vàng và, như một nhà phê bình phim đã nói, thì tác phẩm này tiềm ẩn trong nó một năng lực mạnh mẽ không thể chối cãi.
“Dheepan” là câu chuyện về một gia đình tị nạn ở Pháp, gốc Sri Lanka. Sivadhasan, chiến binh trong hàng ngũ “Những con hổ Tamoul”, quá hoảng sợ chiến tranh, đã trốn khỏi quân ngũ để tìm tới cuộc sống tốt đẹp hơn. Anh buộc phải nhận một người phụ nữ 26 tuổi và một đứa bé 9 tuổi làm vợ con. Họ cùng nhau giả làm một gia đình để được nhập cư vào Pháp với cái tên Dheepan, Yalini và Illayaal.
Mở đầu phim là một Dheepan phải thiêu xác những đồng đội của mình, đốt cả bộ quân phục anh đang mặc cùng những bộ xương đang cháy đen và một Yalini tuyệt vọng tìm kiếm bất cứ đứa trẻ bị bỏ rơi nào để làm con của cô. Họ đã đủ một gia đình, quyết định bỏ lại quá khứ phía sau lưng, bước vào cuộc sống mới với mong muốn sẽ tìm thấy ánh sáng cầu vồng xán lạn sau mưa.
Từ đây, bộ phim mở ra biết bao hi vọng nhưng cũng thật nhiều đổ vỡ chán chường, cả những Tốt và Xấu song hành, mà quan trọng nhất là những “Nhân tính mắc kẹt giữa cái Ác” khao khát tìm cho được lối ra.
Giả mà Thật, Thật mà Giả
Cả ba người đặt chân lên đất Pháp bằng giấy tờ giả của những người đã chết, bằng những lời khai giả và bằng sự gắn bó giả tạo. Một gia đình không có thật, chỉ cốt nương tựa vào nhau để qua được “thế giới mới” và Yalini đã có sẵn dự định cho riêng mình là cô sẽ đi tiếp sang Anh để sống với chị họ của cô. Thế nhưng, dựa trên tất cả sự giả mạo ấy, một thứ tình cảm gắn bó Thật đã nảy sinh giữa họ.
Mãi về sau này, người xem mới biết Dheepan đã từng có một gia đình thật, có vợ và hai con trai, nhưng họ đã bị chiến tranh cướp đi mất. Phải chăng vì vậy mà anh dành nhiều tình thương cho Illyaal, dù không ruột thịt? Khi Yalini nói dự định sẽ rời khỏi Pháp, Dheepan đã nhắc nhở cô hãy nghĩ cho con bé, nó mới chỉ 9 tuổi và nó cần mẹ. Dù Yalini tỏ ra lạnh lùng kéo Dheepan về với thực tại rằng họ chỉ là một gia đình giả thì bản thân cô cũng dấy lên tình thương với Illyaal. Lựa chọn ở lại sống chung với chồng và con gái giả có vẻ là lựa chọn rất Thật của Yalini bởi chỉ sau thời gian ngắn, khoảng cách giữa cô và Dheepan cũng kéo gần nhau hơn.
Có hai chi tiết đắt giá, nhỏ thôi nhưng cũng đủ để khán giả dấy lên sự vui mừng cho họ khi Yalini tắm mà chỉ để hé cửa. Thân hình cô nửa kín nửa hở hiện ra sau cánh cửa khép hờ. Ánh mắt dịu dàng len lén dành cho Dheepan như là cho anh một dấu hiệu để lại gần cô. Rồi sau đó, ngày họ tham gia sinh hoạt cộng đồng, đi nhà thờ, đi picnic trong công viên, Illyaal đã hái cho Dheepan một bó hoa dại nhỏ, ra hiệu cho anh hãy tới chỗ Yalini. Họ trao cho nhau hoa, trao cho nhau ánh mắt, trao cho nhau cả lần gần gũi thân xác hiếm hoi.
Khi Illyaal đánh nhau với bạn ở trường chỉ vì cô bé kia coi thường em thì Yalini đã quát mắng em, đã nói em là kẻ dối trá. Mới 9 tuổi, phải sống giữa những người xa lạ, trên một đất nước xa lạ, nhưng Illyaal đã chọn đối mặt với Yalini, dạy cho người mẹ hờ một bài học về Tình Thương. Em hỏi Yalini có anh chị em không, nếu có thì hãy yêu thương em như là cách mà cô yêu thương họ, vì em đã mất mẹ rồi và em cần được Yêu.
Đó là những cảm xúc rất Thật giữa cái gia đình Giả mà dường như cũng sắp trở nên Thật, nếu cuộc sống không quá nhiều thử thách vẫn tiếp tục giáng xuống họ.
Chính là công việc mới của Dheepan, công việc làm người canh gác cho một khu chung cư cũ đầy rẫy những kẻ sống ngoài vòng pháp luật, những băng nhóm tội phạm chen chúc nhau. Chính là cuộc sống Thật hiểm nguy rình rập ấy khiến cho Dheepan và Yalini phải tiếp tục giả vờ. Họ tảng lờ những gì đang diễn ra, cố gắng sống hài hòa, vờ như tất cả đều rất bình yên. Ngày ngày Dheepan đi quét dọn, sửa chữa đồ đạc ở khu chung cư. Ngày ngày Yalini dọn dẹp và nấu ăn cho một gia đình gồm hai người đàn ông, một – già bị tai biến và một là tội phạm đang bị quản thúc tại gia. Ngày ngày Illyaal vẫn đi học cùng những người bạn không thích tiếp xúc với em.
Nhưng cuộc sống không để yên cho họ giữa những Thật giả lẫn lộn ấy. Quá khứ vẫn đuổi theo Dheepan, quá khứ mang tên một Đại tá cũ của Tamoul, yêu cầu anh phải tiếp tục con đường cũ. Hiện tại cũng không buông tha gia đình ba người khi mà những cuộc đấu súng, thanh trừng, giết hại lẫn nhau vẫn diễn ra quanh khu chung cư. Và tương lai thì là một ảo ảnh mù mờ không thể sờ nắm.
Tốt và Xấu
Họ phải sống ra sao? Những người quá sợ hãi chiến tranh và súng đạn, bỏ chạy khỏi quê hương, một lần nữa phải đối mặt với nó ở nơi mà họ tưởng rằng sẽ là cầu vồng hạnh phúc, họ sẽ phải tồn tại như thế nào? Sẽ Tốt, như bản năng họ, hay sẽ Xấu, để sinh tồn? Bỗng nhiên, cái ranh giới giữa Tốt và Xấu trở nên thật nhạt nhòa. Dù có tình cảm với Dheepan và thấy gắn bó với Illyaal nhưng sau khi chứng kiến vụ nổ súng, nỗi sợ hãi trong Yalini lại dấy lên mạnh mẽ. Cô vội vàng thu xếp đồ đạc và bỏ trốn. Vậy Yalini là Tốt hay Xấu?`
Dheepan đã bắt cô ở lại, cất hộ chiếu của cô để cô không thể đi đâu. Anh giữ chân cô vì Illyaal hay vì bản thân anh? Vì cái giấc mộng gia đình đang dần thành hiện thực? Sau sự việc nổ súng, Dheepan đứng lên mạnh mẽ, phản ứng với lũ côn đồ ở dãy nhà đối diện bên kia nhưng lại qua lại với băng nhóm dãy bên này như tìm kiếm sự hỗ trợ và bảo vệ. Anh khiến cho Yalini thất vọng, quay lưng lại với anh. Vậy anh là Tốt hay Xấu?
Những nỗ lực trở thành người tốt liệu có thành hiện thực giữa một thực tại tăm tối đầy rẫy vũ lực? Cái kết của “Dheepan” là điều tất yếu sẽ phải xảy ra, khi mà người ta bị ép vào tận đường cùng thì họ sẽ bật dậy mạnh mẽ như một sợi dây cao su kéo quá căng. Với nhiều người, đây là phân đoạn vô cùng ám ảnh.
Mở đầu phim, ta thấy chiến tranh ở Sri Lanka chỉ thông qua cảnh Dheepan phải thiêu xác đồng đội chất chồng hay cảnh dân tị nạn sống trong những túp lều tạm bợ. Thì ở cuối phim, cuộc chiến mà Dheepan phải tham gia vào nó giống như cuộc chiến tận thẳm sâu bên trong con người anh, giữa Thiện và Ác, giữa Xấu và Tốt.
Những cảnh quay ngang thân dưới, chỉ nhìn thấy bước chân vững chãi của Dheepan bước trên những bậc thang ở khu chung cư và bàn tay cầm súng cầm dao của anh. Tia lửa bắn ra xung quanh. Tiếng súng. Và những thân người ngã xuống dưới bước chân ấy. Nhưng vẫn không hề có bất cứ một sự chần chừ hay ngần ngại nào. Vẫn là những bước chân và những xác người. Chỉ tới khi Dheepan tiến tới căn hộ và cất tiếng gọi… Chỉ khi Yalini xuất hiện, người dính đầy máu của tay anh chị vừa bị bắn chết thì khán giả mới thấy được gương mặt của Dheepan. Gương mặt của kẻ bị lạc lối giữa bạo lực, bắn giết và nỗi sợ hãi.
Anh gần như không nhận ra Yalini trong cơn say máu ấy cho tới lúc cô chạm vào anh. Bàn tay Yalini níu chặt gương mặt Dheepan. Nỗi đau khổ dồn ứ trong họ, giữa những xác người, những khói súng, những cháy nổ… để rồi bật ra là hình ảnh của tương lai. Cái tương lai lấp lánh sắc cầu vồng mà họ vẫn mơ tới… Đó là một gia đình hạnh phúc, Dheepan, Yalini và Illyaal, giữa không gian ngập nắng, trong bữa tiệc nhỏ với bạn bè thân thiết và họ trao nhau một đứa con trai bé bỏng trên tay.
Phim là một cái kết mở. Người ta không biết thật sự tương lai đó là Thật hay chỉ tồn tại trong ảo mộng của những người nhập cư khốn khổ kia hay chỉ là hi vọng của những nhà làm phim muốn gửi gắm tới người xem. Có thể cũng không cần phải biết một cách rõ ràng như thế nữa bởi vì xuyên suốt bộ phim, dù là trong trại tị nạn, dù là ở khu chung cư cũ ẩm thấp hay ở giữa làn súng đạn của các băng đảng thanh trừng lẫn nhau thì khán giả vẫn thấy lấp lánh tình yêu thương đây đó. Giá trị nhân văn của “Dheepan” nằm ở chỗ dù người ta biết cầu vồng chỉ là hình ảnh phản chiếu của ánh sáng Mặt trời qua những giọt nước trong không khí thì người ta vẫn mong muốn được vươn tới nó bằng tất cả sự tốt đẹp trong bản chất một con người.