Tổng thống Biden hứa giúp đỡ các tiểu bang bị bão tàn phá
Zachary Stieber
Hôm thứ Bảy (11/12), Tổng thống Joe Biden đã hứa rằng các tiểu bang bị ảnh hưởng bởi cơn bão lớn quét qua tiểu bang Kentucky và các khu vực lân cận vào cuối ngày thứ Sáu (10/12) sẽ nhận được hỗ trợ liên bang.
“Chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua chuyện này,” ông Biden nói gần khu nhà ông ở Wilmington, Delaware.
Ông nói thêm, “Chính phủ liên bang sẽ không quay đi. Đây là một trong những thời điểm mà chúng ta không phải là thành viên Đảng Dân Chủ hay Đảng Cộng Hòa. Chúng ta đều là người Mỹ.”
Tiểu bang Kentucky cho biết số người tử vong do tình trạng thời tiết khắc nghiệt này có thể vượt quá 100 người trong khi các tiểu bang Illinois, Missouri, Arkansas, và Tennessee cũng báo cáo thiệt hại nghiêm trọng.
Hệ thống bão này bao gồm bốn cơn lốc xoáy, Thống đốc tiểu bang Kentucky Andy Beshear, một thành viên Đảng Dân Chủ, nói với các phóng viên tại Bowling Green.
Ông nói, “Bây giờ thiệt hại thậm chí còn tồi tệ hơn khi bình minh đến. Một vài nơi đã bị ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng, chắc chắn là [không chỉ ở] thành phố Mayfield tại Quận Graves này, mà còn ở mọi nơi dọc theo đường đi của cơn lốc xoáy đã chạm xuống và ở trên mặt đất 227 dặm (365 km) này.”
Quãng đường đi dài nhất từng được ghi nhận là 219 dặm, được hoàn thành từ năm 1925 bởi một cơn lốc xoáy di chuyển qua Missouri, Illinois, và Indiana.
Cơ quan Thời tiết Quốc gia cho biết một cơn lốc xoáy đã được xác nhận với thiệt hại ở cấp độ EF-3 và sức gió 150 dặm một giờ (241 km/h) đã xảy ra tại khu vực Bowling Green. Việc đánh giá ở các khu vực khác đang được tiến hành.
Ông Ronnie Noel, một thẩm phán ở Quận Hopkins, nói trên NPR rằng ông đã chứng kiến “sự phá hủy hoàn toàn” khi đi cùng những nhân viên ứng phó đầu tiên đến thành phố Dawson Springs.
Ông nói, “Rất, rất nhiều đường dây điện, cây cối ở khắp mọi nơi, nhà cửa bị phá hủy, sụp đổ. Có thiệt hại về người. Tôi không chắc con số đó là bao nhiêu nữa.”
Tổng thống Biden đã nhanh chóng chấp thuận tuyên bố tình trạng khẩn cấp của tiểu bang Kentucky, hành động này nhận được lời khen ngợi từ ông Beshear.
Ông Beshear cho hay, việc chấp thuận [một tuyên bố tình trạng khẩn cấp của tiểu bang] “hiếm khi xảy ra ngay giữa một thảm họa”.
Tổng thống Biden cũng đã nhận được một bản tóm tắt về tình hình và nói chuyện với thống đốc của các tiểu bang bị ảnh hưởng trước khi có bài diễn thuyết.
Theo thông tin từ Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Biden đã hỏi ông Beshear, Thống đốc tiểu bang Arkansas — ông Asa Hutchinson, Thống đốc tiểu bang Illinois — ông JB Pritzker, Thống đốc tiểu bang Missouri — ông Mike Parson, và Thống đốc tiểu bang Tennessee — ông Bill Lee về những gì mà mỗi tiểu bang của họ cần và bày tỏ sự chia buồn về những người đã thiệt mạng.
“Jill và tôi xin cầu nguyện, và tôi chân thành muốn nói điều này, xin cầu nguyện cho những người đã mất đi thân nhân và những người không chắc về số phận của những người thân yêu của họ,” ông Biden nói ở Wilmington.
Vị tổng thống thuộc Đảng Dân Chủ này đang dự định sẽ đến thăm các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng sẽ chưa đi ngay vì ông không muốn cản trở các nỗ lực phục hồi.
Theo NTD News
Thanh Tâm biên dịch
Áo: 44,000 người phản đối việc tiêm chủng bắt buộc
Hải Lam
Theo Guardian, hàng chục nghìn người đã tập trung tại thủ đô Vienna của nước Áo vào ngày 11/12 để phản đối việc tiêm chủng bắt buộc và lệnh cấm ra ngoài đối với những người không được tiêm chủng.
Cảnh sát địa phương ước tính có 44.000 người tham gia cuộc biểu tình ngày hôm đó.
“Tôi đang đấu tranh cho tự do”, một người tham dự nói.
Đây là cuộc biểu tình quy mô lớn nhất kể từ khi chính phủ Áo công bố kế hoạch bắt buộc tiêm vaccine vào ngày 19 tháng trước và thực hiện một đợt truy quét hoàn toàn đối với người chưa tiêm. Kể từ đó, các cuộc biểu tình liên tục diễn ra vào mỗi cuối tuần ở Áo.
Tại Áo, tất cả mọi người trên 14 tuổi sẽ được yêu cầu tiêm vaccine này từ tháng 2 năm sau. Nếu không làm như vậy họ sẽ bị phạt 600 euro.
Đối trọng lại Ấn Độ, Trung Quốc thúc đẩy xây đường sắt 8 tỷ USD với Nepal
Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cho biết Trung Quốc sẽ giúp Nepal tăng cường kết nối thông qua đường bộ và đường sắt, một động thái được các chuyên gia cho rằng sẽ gây những lo ngại chiến lược cho đối thủ khu vực là Ấn Độ.
Phát biểu tại Hội nghị quốc tế về tái thiết Nepal, ông Vương cam kết Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng lại đất nước sau trận động đất kinh hoàng năm 2015 và thúc giục hợp tác chặt chẽ hơn trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường.
“Trung Quốc sẽ nỗ lực để nghiên cứu tính khả thi của dự án đường sắt xuyên biên giới, cải thiện mạng lưới kết nối đa chiều xuyên Himalaya, và giúp Nepal thực hiện ước mơ của họ nhằm thay đổi từ một ‘đất nước sâu bên trong lục địa’ thành một ‘đất nước được kết nối,’” ông Vương nói tại hội nghị qua video hôm thứ Tư (9/12).
Ông cũng kêu gọi Nepal hợp tác sâu sắc hơn các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường trên các vấn đề từ thương mại, đầu tư và cung cấp năng lượng đến cơ sở hạ tầng và biến đổi khí hậu.
Trong số này bao gồm tuyến đường sắt xuyên biên giới trị giá 8 tỷ đôla chạy từ Shigatse ở miền nam Tây Tạng tới thủ đô Kathmandu của Nepal. Nó được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế Nepal, đất nước nghèo thứ hai ở châu Á sau Triều Tiên. Đây cũng là một phần quan trọng của chiến lược Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Trung Quốc ở Nam Á.
Tuyến đường sắt nằm trong 20 thoả thuận song phương được ký trong chuyến thăm chính thức Nepal của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2019, nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng kết nối hai nước.
Các chuyên gia cho rằng động thái của Trung Quốc rõ ràng là nhằm vào uy thế của Ấn Độ với nước láng giềng trên dãy Himalaya.
Giáo sư Madhav Nalapat, phó chủ tịch Manipal Advanced Research Group, nói rằng vấn đề của tuyến đường sắt là, mặc dù có giá trị chiến lược, nhưng việc sử dụng trong thực tế là hạn chế vì có rất ít nhu cầu giao thương trên tuyến đường này.
“Nhu cầu đi lại của hành khách cũng không có nhiều,” ông Nalapat nói. “Do đó, với nhiều người ở Ấn Độ, mục đích thực sự của tuyến đường sắt này là nhanh chóng mở lối cho quân đội từ Trung Quốc vào Nepal [nước có chung biên giới với Ấn Độ].”
Quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi đã xấu đi kể từ tháng 6 năm ngoái, khi quân đội Trung Quốc và Ấn Độ giao chiến trong một vụ đụng độ giáp lá cà chí tử tại biên giới tranh chấp của họ ở phía tây Himalaya.
“Có một khoảng cách giữa vị thế của Trung Quốc và Ấn Độ tại Nam Á, mức độ thâm nhập của Ấn Độ tại các nước Nam Á cao hơn nhiều so với Trung Quốc,” Lin Minwang, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Á tại Đại học Phúc Đán, cho biết.
Dự án tuyến đường sắt Tây Tạng – Kathmandu đã vấp phải sự phản đối của Ấn Độ trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng với Trung Quốc để giành ảnh hưởng chiến lược tại Himalaya, nơi các nhà chức trách Nepal đã đồng ý triển khai một tuyến đường sắt từ Kathmandu tới lục địa Ấn Độ vào năm ngoái.
Ngân Hà (theo SCMP)
Ứng viên nặng ký cho cuộc đua Tổng thống Pháp nói “Không” với siêu liên bang EU
Ứng viên bảo thủ, người dường như sẽ là đối thủ đáng gờm nhất của ông Emmanuel Macron cho cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm tới đã bắt đầu chiến dịch tranh cử của bà vào thứ Bảy (11/12), trong đó tuyên bố sẽ chống lại lời kêu gọi của nước Đức về việc hình thành một siêu liên bang châu Âu.
Valerie Pecresse, người đã tự mô tả mình là “1/3 Thatcher, 2/3 Merkel”, đã bất ngờ chiến thắng trong cuộc tranh cử lãnh đạo của đảng Cộng hòa bảo thủ Les Republicains party vào cuối tuần trước. Kể từ đó, bà đã gây tiếng vang lớn trong các cuộc thăm dò dư luận.
Tại cuộc mít-tinh tranh cử đầu tiên của mình với tư cách là ứng cử viên của một đảng bắt nguồn từ cố Tổng thống Charles de Gaulle, bà Pecresse nói rằng bà muốn EU duy trì sự độc lập của các quốc gia và không trở thành một siêu liên bang như Hoa Kỳ.
Trong lịch sử, những người bảo thủ Pháp ủng hộ hội nhập châu Âu trong lĩnh vực kinh tế, chẳng hạn như tạo ra đồng euro hoặc một thị trường chung duy nhất, nhưng đã chống lại các nỗ lực chuyển dịch quyền lực cấp cao về các vấn đề chủ quyền nhạy cảm như chính sách đối ngoại và quốc phòng.
Bà nói: “Tôi nghe một số đối tác Đức của chúng tôi gợi ý rằng Liên minh châu Âu nên phát triển thành một nhà nước liên bang. Tôi sẽ nói “không”.
Thỏa thuận thành lập liên minh cầm quyền mới của Đức dưới thời Thủ tướng Olaf Scholz nói rằng EU nên hướng tới một “nhà nước liên bang châu Âu”.
Pecresse cũng cho biết bà không muốn Pháp trở thành nước mà bà gọi là chư hầu của Hoa Kỳ, và cũng không muốn thấy một nước khác thoát khỏi EU như Anh đã làm. Bà sẽ làm việc với ông Scholz bất chấp phe cánh tả chiếm đa số.
“Tôi sẽ làm việc với ông ấy vì Đức là đồng minh quan trọng. Nhưng đối với tôi, tình bạn không đến nếu không có sự thẳng thắn”, bà nói.
Tại cuộc mit-tinh ở trung tâm Paris, Michel Barnier, nhà cựu đàm phán Brexit của EU, người đã mất quyền lãnh đạo đảng, cho biết ông đồng ý với bà Pecresse về vấn đề châu Âu.
Một cuộc thăm dò tuần này đã cho thấy bà sẽ có thể đánh bại ông Macron với tỷ số 52-48 nếu bà lọt vào vòng tranh cử Tổng thống vào tháng Tư năm tới.
Đông A (theo Reuters)