Tin thế giới tối thứ Ba

Alibaba sa thải nữ nhân viên cáo buộc đồng nghiệp cũ tấn công tình dục

Logo của Alibaba được lên đèn tại tòa nhà văn phòng của tập đoàn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 09/08/2021. (Ảnh: Tingshu Wang/Reuters) Trung Quốc

BẮC KINH — Đại tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba Group Holding đã sa thải một nữ nhân viên cáo buộc một đồng nghiệp cũ tấn công tình dục hồi đầu năm nay, tờ báo Dahe Daily của Trung Quốc đưa tin vào tối hôm thứ Bảy (11/12).

Dahe Daily đã phỏng vấn nữ nhân viên này, cho biết cô đã nhận được thông báo về việc chấm dứt hợp đồng cuối tháng 11/2021, và công bố một bản sao của những gì cô nói là thư chấm dứt hợp đồng của mình.

Bức thư cho biết nhân viên này đã lan truyền thông tin sai lệch về việc bị tấn công và về việc công ty không giải quyết vụ việc. Bức thư nói thêm rằng điều này đã “gây ra mối lo ngại sâu sắc từ xã hội và có tác động xấu đến công ty.”

“Tôi không mắc sai lầm nào, và chắc chắn sẽ không chấp nhận kết quả này, và trong thời gian tới tôi sẽ sử dụng các cách thức pháp lý để bảo vệ các quyền và lợi ích của mình,” tờ báo dẫn lời nhân viên này trong cuộc phỏng vấn.

Alibaba đã không phúc đáp một yêu cầu bình luận ngoài giờ làm việc. Luật sư của nhân viên này đã không trả lời ngay yêu cầu bình luận.

Hồi tháng Tám, Alibaba, công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, đã bị rung chuyển bởi cáo buộc tấn công tình dục này sau khi nữ nhân viên đăng tải một câu chuyện lên mạng nội bộ của công ty nói rằng cô bị đồng nghiệp của mình và một khách hàng tấn công tình dục trong một chuyến công tác.

Alibaba đã sa thải người đồng nghiệp bị cáo buộc đã tấn công, nhưng cũng sa thải 10 nhân viên khác vì công khai vụ việc.

Các công tố viên Trung Quốc sau đó đã hủy bỏ vụ kiện chống lại người đồng nghiệp của nữ nhân viên này, tuyên bố rằng anh ta đã thực hiện hành vi khiếm nhã dùng vũ lực (forcible indecency) nhưng không phải là một tội ác. Tuy nhiên, họ đã chấp thuận việc bắt giữ người khách hàng hồi đầu tháng Chín.

An Nhiên biên dịch

Intel đầu tư 7 tỷ USD vào nhà máy vi mạch bán dẫn Malaysia

Naveen Athrappully

Giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger tham dự một cuộc họp của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế tại Versailles, Pháp hôm 28/06/2021. (Ảnh: Stephane de Sakutin/Pool/Reuters) Tây Dương

Hôm thứ Hai (13/12), các nhà chức trách Malaysia cho biết, Intel sẽ đầu tư 30 tỷ ringgit, tương đương hơn 7 tỷ USD vào nhà máy đóng gói chất bán dẫn hiện đại ở Penang, một tiểu bang ở phía tây bắc của nước này.

Khoản đầu tư này sẽ tăng cường khả năng đóng gói vi mạch bán dẫn hiện có của công ty trên đảo quốc này. Dự kiến ​​sẽ có thêm thông tin chi tiết về thỏa thuận tại cuộc họp báo tại phi trường Kuala Lumpur hôm thứ Tư (15/12) với sự tham gia của Giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger cùng với Bộ trưởng Thương mại Malaysia, Azmin Ali, và Giám đốc điều hành của Cơ quan Phát triển Malaysia, ông Arham Abdul Rahman.

Mặc dù khoản đầu tư được quảng cáo là để định vị quốc gia này như một trung tâm sản xuất quan trọng, nhưng khả năng đóng gói sẽ bổ sung cho các hoạt động hiện có và hỗ trợ trung tâm dịch vụ toàn cầu của Intel.

Thông báo được đưa ra cùng lúc Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đang có chuyến thăm đầu tiên tới Đông Nam Á.

Doanh số bán thiết bị máy tính liên quan đến đại dịch đã góp phần làm tăng nhu cầu đối với vi mạch bán dẫn, trong đó các nhà sản xuất thiết bị và vi mạch bán dẫn toàn cầu phải đối mặt với gánh nặng của việc đứt gãy chuỗi cung ứng. Tình trạng thiếu hụt trong các ngành sản xuất bao gồm điện tử và điện thoại thông minh đến các thiết bị gia đình và xe hơi.

Các nhà đầu tư đã bổ nhiệm ông Gelsinger làm giám đốc điều hành vào đầu năm nay với hy vọng giành lại vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất vi mạch bán dẫn trên toàn thế giới. Hiện tại đại công ty sản xuất của Á Châu, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (tạm dịch: Công ty TNHH Sản xuất chế tạo chất bán dẫn Đài Loan, TSMC) đang dẫn đầu [thị trường này].

Ông Gelsinger sẽ đến Đài Loan để họp với công ty TSMC vào cuối tuần này khi ông cân bằng mối liên hệ phức tạp nhà cung cấp-đối thủ cạnh tranh với công ty này. Bên cạnh Intel, hầu hết các tập đoàn điện tử hàng đầu như AMD, Apple và Nvidia đều được TSMC cung cấp vi mạch bán dẫn. Intel có kế hoạch đối đầu trực tiếp với công ty này trong hoạt động kinh doanh xưởng đúc.

Intel dần dần từ bỏ thị phần do không hiện đại hóa được năng lực sản xuất của mình. Họ đã đánh mất thương vụ kinh doanh với Apple, do công ty này bắt đầu sử dụng vi mạch thuộc dòng M-series của riêng mình, và hiện đang tụt hậu so với Samsung và TSMC trong lĩnh vực sản xuất vi mạch bán dẫn.

Ông Gelsinger có kế hoạch đẩy nhanh việc nâng cao sản lượng của Intel để ngang bằng với TSMC và Samsung vào năm 2024 và vượt qua họ trong năm tới. Đó là nơi hoạt động kinh doanh xưởng đúc của Intel đi đầu, khi công ty này sản xuất vi mạch bán dẫn cho các nhà thiết kế khác.

Liên quan đến các khoản đầu tư vào Hoa Kỳ, Samsung gần đây đã thông báo rằng họ đang mở một nhà máy sản xuất vi mạch bán dẫn hiện đại trị giá 17 tỷ USD ở Taylor, Texas tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 2,000 người, và TSMC đang xem xét đầu tư gần 12 tỷ USD vào Arizona.

Các tập đoàn này đang tìm cách thiết lập một chuỗi cung ứng nội địa hóa và tận dụng một số ưu đãi do chính phủ tiểu bang và liên bang cung cấp, trong khi Giám đốc điều hành của Intel đang vận động chính phủ Hoa Kỳ không cung cấp tín dụng thuế thu nhập cho các nhà sản xuất chất bán dẫn ngoại quốc như Samsung và TSMC thông qua pháp luật như Đạo luật CHIPS, thể hiện động lực của nhà cung cấp-đối thủ cạnh tranh trong bộ ba [nhà sản xuất] chất bán dẫn này.

Đây là chuyến đi đầu tiên của ông Gelsinger đến Châu Á với tư cách là Giám đốc điều hành. Ngoài Malaysia, Intel có một đơn vị sản xuất tại Đại Liên, Trung Quốc.

Naveen Athrappully là một phóng viên thời sự đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới tại The Epoch Times.

Thiện Lan biên dịch

EU do dự về khả năng tẩy chay Olympic Bắc Kinh

Nhật Minh

Pháp và Hà Lan đang tìm kiếm một hướng tiếp cận chung của Liên minh châu Âu về việc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Olympic mùa đông 2022 ở Trung Quốc, nhưng việc này khó có thể sớm đạt được, theo các nhà ngoại giao và Ngoại trưởng EU cho biết hôm thứ Hai (13/12).

EU hiện đang bị giằng xé về việc liệu có nên tham gia cùng với Hoa Kỳ, Canada, Australia và Anh trong việc quyết định không cử các quan chức chính phủ của họ tham dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vào tháng Hai do lo ngại về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc hay không, Reuters đưa tin.

“Các bạn cũng như tôi, biết rằng chúng ta sẽ không thể tìm ra được giải pháp liên quan đến Thế vận hội Olympic trong hôm nay hoặc trong tuần này”, Bộ trưởng Ngoại giao Luxembourg Jean Asselborn cho biết trước cuộc thảo luận giữa các Ngoại trưởng EU.

Các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ tranh luận về vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh cuối cùng trong năm của họ vào thứ Năm tới. Paris và The Hague đã chính thức đưa việc tranh luận này vào chương trình nghị sự, các nhà ngoại giao cho biết.

Các nhà ngoại giao EU nói rằng Hungary, đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc trong khối, sẽ không ủng hộ việc tẩy chay ngoại giao, nhưng có thể có sự đồng thuận giữa 26 thành viên còn lại.

Lithuania, quốc gia đang bị Trung Quốc phong tỏa hàng hóa vì mối quan hệ với Đài Loan, là một trong những nước ủng hộ quan điểm tẩy chay mạnh mẽ nhất.

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian tuần trước cho biết Paris nên có lập trường chung với các nước khác của EU, và người đồng cấp mới của Đức, bà Annalena Baerbock, đã ủng hộ quan điểm này.

Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg nói rằng ông “rất ủng hộ lập trường chung của EU”, nhưng chưa có bất cứ động thái tẩy chay ngoại giao nào.

Ông nói: “Chúng tôi có quan điểm rõ ràng về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc, nhưng tôi không nghĩ rằng việc để Thế vận hội Olympic trở thành một sự kiện chính trị một cách giả tạo có thể mang lại lợi ích gì.”

Sự do dự này phản ánh tình cảnh của EU trong việc tìm kiếm một con đường trung gian trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung. Khối đang bị chia rẽ nội bộ đối với tình cảm chống Trung Quốc, khi một số nước như Hungary được hưởng lợi lớn từ Bắc Kinh. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU và nhiều doanh nghiệp lớn của Đức khôn

G7 lo ngại về nhân quyền và ‘các chính sách kinh tế o ép’ của Trung Quốc

Aldgra Fredly

Ngoại trưởng Anh Quốc Liz Truss trình bày trong một cuộc họp báo tại cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao G-7 ở Liverpool, Anh Quốc, hôm 12/12/2021. (Ảnh: Jon Super/AP Photo) Tây Dương

Hôm 12/12, Ngoại trưởng Nhóm Bảy (G7) bày tỏ lo ngại về “các chính sách kinh tế o ép” của Trung Quốc và những thách thức mà chế độ Trung Quốc đặt ra ở khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông, cũng như các vi phạm nhân quyền liên quan đến Bắc Kinh, trong cuộc họp đầu tiên của họ với các quốc gia ASEAN.

Ngoại trưởng Anh Quốc Liz Truss, người chủ trì nhóm họp (G7) này, cho biết các cuộc thảo luận về Trung Quốc với “một loạt các vấn đề và thách thức”, bao gồm các vấn đề nhân quyền ở Hồng Kông, nơi Trung Quốc bị cáo buộc đàn áp tự do dân chủ, và Tân Cương, nơi bị cáo buộc nhắm mục tiêu vào dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ.

Trong một tuyên bố, bà Truss cho biết các bộ trưởng cũng nói về “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan” và các vấn đề ở Biển Đông, chẳng hạn như những vấn đề liên quan đến “việc khai hoang, các hoạt động, sự cố nghiêm trọng trong khu vực,” vốn có thể phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực này.

Nhóm G7, bao gồm Hoa Kỳ, Anh Quốc, Canada, Pháp, Ý, Đức, Nhật Bản, và các đối tác ASEAN của họ, tái khẳng định “mối quan tâm chung trong việc duy trì một khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương tự do và cởi mở” đồng thời khuyến khích “tăng cường hợp tác trong việc thúc đẩy an ninh hàng hải,” bà Truss cho hay.

Bộ trưởng các nước trong nhóm này cũng kêu gọi Bắc Hàn kiềm chế “các hành động khiêu khích” và tham gia vào một quá trình ngoại giao để có được “sự từ bỏ hoàn toàn, có thể kiểm chứng, và không thể đảo ngược” đối với tất cả các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt và hỏa tiễn đạn đạo bất hợp pháp của họ.

Bà Truss nói rằng, “Chúng tôi kêu gọi CHDCND Triều Tiên [Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên] tôn trọng nhân quyền cho tất cả mọi người và giải quyết vấn đề bắt cóc ngay lập tức.” 

Mặc dù các bộ trưởng G7 hoan nghênh việc nối lại các cuộc đàm phán tại Vienna về khôi phục Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung, nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng họ kêu gọi Iran ngừng leo thang vũ khí hạt nhân và nắm bắt cơ hội ngay từ bây giờ để tiến đến ký kết một thỏa thuận.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và người đồng cấp Australia, bà Marise Payne, đã đồng ý thúc đẩy “liên hệ đối tác chiến lược đặc biệt” của các nước lên “cấp độ cao hơn” để đạt được mục tiêu “Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở,” theo bộ ngoại giao Nhật Bản.

Bộ trưởng hai nước này đã gặp nhau bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển G7, nhấn mạnh rằng Nhật Bản và Úc sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng ở khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương, bao gồm cả việc sử dụng khuôn khổ của Nhật Bản, Úc, và Hoa Kỳ.

Úc và Hoa Kỳ cũng đã tái khẳng định nỗ lực thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương và hướng tới mục tiêu làm sâu sắc thêm liên hệ đồng minh của họ trong bối cảnh lo ngại về những tham vọng kinh tế và quân sự của Trung Quốc trong khu vực này.

Riêng hôm 11/12, Úc, Nhật Bản, và Hoa Kỳ đã phát đi tín hiệu rằng họ sẽ cùng tài trợ cho một tuyến cáp ngầm dưới biển để cải thiện kết nối mạng Internet tới ba quốc gia Thái Bình Dương — Liên bang Micronesia, Kiribati, và Nauru.

“Tuyến cáp ngầm dưới biển được đề nghị sẽ cung cấp thông tin liên lạc nhanh hơn, chất lượng cao hơn, cũng như an toàn và đáng tin cậy hơn cho khoảng 100,000 người ở cả ba quốc gia,” theo một thông cáo truyền thông chung giữa sáu quốc gia.

Thanh Tâm biên dịch

Nam Hàn từ chối tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh

Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in nói chuyện với các ký giả trong và ngoài nước trong một cuộc họp báo trực tuyến mừng năm mới tại Thanh Ngõa Đài ở Seoul hôm 08/01/2021. (Ảnh: Jeon Heon-kyun/Pool Photo/AP) Đông Dương

Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in cho biết đất nước của ông sẽ không tham gia cuộc tẩy chay ngoại giao do Hoa Kỳ dẫn đầu đối với Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022, với lý do cần sự giúp đỡ của Trung Quốc để “có thể phi hạt nhân hóa” trên Bán đảo Triều Tiên.

“Chúng tôi chưa nhận được yêu cầu từ bất kỳ quốc gia nào khác, kể cả Hoa Kỳ, để tham gia vào một cuộc tẩy chay ngoại giao. Hiện chúng tôi đang không cân nhắc thực hiện biện pháp tẩy chay nào cả,” ông Moon nói với các phóng viên sau một cuộc họp thượng đỉnh với Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm 13/12.

Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên tuyên bố tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh để phản đối “tội ác diệt chủng và tội ác phản nhân loại đang diễn ra ở Tân Cương” của chính quyền Trung Quốc. Úc, Anh Quốc, Canada, Lithuania, và New Zealand đã làm theo. Tất cả các quốc gia tham gia cuộc tẩy chay ngoại giao này sẽ cho phép các vận động viên của họ thi đấu.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết Trung Quốc sẽ thực hiện “các biện pháp trả đũa kiên quyết” nhắm vào Hoa Kỳ vì nỗ lực tẩy chay này, mà không nêu cụ thể hơn.

Ông Moon nói rằng trong khi Nam Hàn coi trọng quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ trên cơ sở ngoại giao và các vấn đề an ninh, chính phủ của ông cũng phải xem xét vấn đề “hòa bình và an ninh” trên Bán đảo Triều Tiên.

Ông nói, “Chúng tôi cần những nỗ lực mang tính xây dựng của Trung Quốc để có thể phi hạt nhân hóa Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Do đó, Nam Hàn tập trung vào mối quan hệ đồng minh bền vững với Hoa Kỳ và cả với Trung Quốc.”

Ông Moon tiếp tục nêu rõ mối quan tâm của Nam Hàn trong việc đạt được một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở thông qua một “mối quan hệ hài hòa” với Trung Quốc.

“Có thể có những xung đột nhất định, và có thể có một số vấn đề về cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu quý vị nhìn vào biến đổi khí hậu và vấn đề chuỗi cung ứng, cũng như về đại dịch và bệnh truyền nhiễm, có những thách thức toàn cầu, và đây là những lĩnh vực mà chúng ta cần phải phối hợp và cộng tác,” ông nói.

Khi được hỏi về tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, ông Moon cho biết các bên liên quan – Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Bắc Hàn – đã bày tỏ sự ủng hộ “trên nguyên tắc” đối với một tuyên bố kết thúc chiến tranh, nhưng Nam Hàn vẫn chưa tham gia đàm phán với nước láng giềng phía bắc của họ.

Ông Moon lưu ý rằng Bắc Hàn khăng khăng rằng để có bất kỳ hiệp ước chính thức nào nhằm chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950–53, vốn đã kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, thì trước hết Hoa Kỳ phải chấm dứt “sự thù địch” đối với Bình Nhưỡng.

“Và do đó, chúng tôi không thể tiến tới đàm phán thảo luận về các tuyên bố giữa Nam và Bắc Hàn, và những tuyên bố giữa Bắc Hàn và Hoa Kỳ,” ông Moon nói.

Trong chuyến thăm của ông Moon tới Úc, hai nước đã ký một thỏa thuận quốc phòng trị giá 1 tỷ AUD (716.5 triệu USD) để thúc đẩy các nỗ lực quân sự của Seoul. Theo các điều khoản của thỏa thuận này, công ty quốc phòng Nam Hàn Hanwha Corporation sẽ chế tạo 30 xe pháo tự hành và 15 xe tiếp tế đạn dược bọc thép cho Úc.

An Nhiên biên dịch

TT Macron tìm cách buộc nền tảng mạng xã hội chịu trách nhiệm về phát ngôn thù hận

Nicholas Dolinger

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có bài diễn văn vào cuối Hội nghị thượng đỉnh Pháp-Châu Đại Dương lần thứ 5, được tổ chức qua hội nghị trực tuyến, tại Cung điện Elysee ở Paris, Pháp, vào ngày 19/07/2021. (Ảnh: Yoan Valat/Pool/Reuters)

Hôm 08/12, Tổng thống Pháp Emanuel Macron đã thông báo rằng EU đang xem xét luật mới để buộc các công ty công nghệ phải chịu trách nhiệm về phát ngôn gây thù hận xảy ra trên nền tảng [xã hội] của họ.

Ông Macron cho biết: “Đây là quy định chưa từng có của Âu Châu nhằm chiến đấu với việc gây thù hận trực tuyến, nhằm xác định tính trách nhiệm của các nền tảng lớn này đối với nội dung của họ. Hàng ngày, chúng tôi phải đối phó với các vấn đề như bài Do Thái, phân biệt chủng tộc, phát ngôn thù hận và quấy rối trực tuyến. Hiện đại, nói một cách nghiêm túc, không có quy định quốc tế nào về những vấn đề này.”

Hiện tại, Liên minh Âu Châu không có bất kỳ luật quốc tế nào để hạn chế phát ngôn gây thù hận, mặc dù Hội đồng Âu Châu khuyến nghị luật hạn chế phát ngôn gây thù hận thông qua Ủy ban Châu Âu Chống phân biệt chủng tộc và cực đoan.

Thông báo này được đưa ra vào thời điểm quan trọng đối với ông Macron, người đang thay mặt Pháp chuẩn bị đảm nhận nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh Âu Châu ngay trước cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2022.

Mặc dù ông Macron chưa thông báo về việc tái tranh cử, nhiều nhà quan sát Pháp kỳ vọng tổng thống sẽ tái tranh cử.

Sự hợp nhất hiếm hoi giữa chức vụ chủ tịch Liên minh Âu Châu với mùa bầu cử quốc gia sẽ có tầm quan trọng then chốt đối với ông Macron, người mà tương lai chính trị có thể phụ thuộc vào khả năng tận dụng vị trí chủ tịch Liên minh Âu Châu để có hành động quyết định vào giai đoạn cuối này của nhiệm kỳ đầu tiên của ông.

Việc công bố quy định về phát ngôn gây thù hận này có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc bầu cử, vì ông Macron phải đối mặt với hai đối thủ theo chủ nghĩa dân tộc mà các nhà phê bình gán cho họ là những kẻ cuồng tín và bài ngoại: ứng cử viên Bầu cử Quốc gia Marine Le Pen và ứng cử viên độc lập Éric Zemmour, người đã tuyên bố ra tranh cử vào tháng trước.

Mặc dù ông Macron không đề cập cụ thể đến những đối thủ này, nhưng thông báo của ông được đưa ra trong bối cảnh dư luận được chia làm hai nhóm đối lập liên quan đến phát ngôn gây thù hận, với những ngụ ý đặc biệt về hai đối thủ chính trị của vị tổng thống này.

Cha của bà Marine, ông Jean-Marie Le Pen, đã bị kết án nhiều lần theo luật phát ngôn gây thù hận hiện hành của Pháp vì những bình luận của ông về Holocaust (nạn diệt chủng người Do Thái) và Hồi giáo. Bà Marine đã hết sức cẩn thận để tránh xa những bình luận quá khích của cha bà, nhưng cuộc tranh cãi vẫn tiếp diễn, trong đó các nhà bình luận vẫn cáo buộc bà Le Pen trẻ tuổi này là phân biệt chủng tộc và cực đoan.

Ông Zemmour, mặc dù không bị bao vây bởi lịch sử gia đình như của bà Le Pen, nhưng vẫn nổi tiếng là một người ủng hộ hết mình và trung thành cho chủ nghĩa dân tộc Pháp. Thiên hướng của ông đối với những nhận xét không chính xác và gây tranh cãi đã khiến ông bị so sánh với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Giống như ông Jean-Marie Le Pen, ông Zemmour trước đây đã bị kết án theo luật phát ngôn gây thù hận hiện hành của Pháp, đã nộp hai khoản tiền phạt và hiện phải đối mặt với bản án thứ ba về tội “xúc phạm nơi công cộng” và “kích động thù hận hoặc bạo lực”.

Trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông Macron đã phải chật vật với tỷ lệ ủng hộ liên tục âm, mặc dù điều này là điển hình cho nhiệm kỳ của tổng thống Pháp, một công việc nổi tiếng là bạc bẽo. Mặc dù nói chung là không được [dân chúng] ưa chuộng, nhưng vị trí của ông Macron như một người được coi là trung tâm mang lại cho ông sự linh hoạt trong việc phân loại giữa các đối thủ của mình và ông được nhiều người coi là người dẫn đầu trong một cuộc tái đắc cử trong tương lai.

Tuy nhiên, các kiến nghị về phát ngôn gây thù hận của ông Macron đã khiến ông gặp căng thẳng với truyền thống tự do ngôn luận cấp tiến lâu đời của nước Pháp, như đã được thiết lập trong Tuyên ngôn về Quyền của Con người và Công dân và được đưa vào hiến pháp của Pháp.

Vào năm 2015, sau khi những kẻ khủng bố Hồi giáo thực hiện vụ xả súng hàng loạt vào trụ sở của tạp chí trào phúng “Charlie Hebdo”, chủ đề tự do ngôn luận này đã trở thành một chủ đề gây xôn xao ở Pháp và ở hải ngoại, ngay cả khi một số nhà bình luận cáo buộc chính “Charlie Hebdo” cũng có phát ngôn gây thù hận.

Do đó, bằng cách công khai ủng hộ luật về phát ngôn gây thù hận quốc tế của EU, ông Macron có thể gây ra một số thiệt hại cho nỗ lực tái đắc cử tiềm năng của chính mình. Với thông báo mới này, ông Macron đã tuyên bố ủng hộ một luật về phát ngôn gây thù hận xuyên quốc gia và toàn diện hơn bằng cách công bố đề nghị mới này.

Tuy nhiên, không rõ đề xướng như vậy sẽ được nhìn nhận như thế nào ở quốc gia của Voltaire và Houellebecq, một quốc gia lâu nay luôn tự hào về những quan điểm phiến diện và chính trị cấp tiến, có thể thấy những truyền thống này nằm trong tầm ngắm của những người quản lý phát ngôn gây thù hận ở Brussels.

Nguyễn Lê biên dịch

Trung Quốc phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên

Ngày 13/12, thành phố Thiên Tân phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên.(Ảnh minh họa: Chengwei Tu/Shutterstock)

Ngày 13/12, thành phố Thiên Tân Trung Quốc công bố phát hiện một ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán biến thể Omicron, đây cũng là ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ở Trung Quốc.
viêm phổi vũ hán, covid-19

Theo một thông báo đăng trên Weibo của “Nhật báo Thiên Tân”, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Thiên Tân đã xác nhận việc phát hiện biến thể Omicron từ một người nhập cảnh vào ngày 9/12. Bệnh nhân đã được đưa đến bệnh viện để điều trị.

Chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh thực hiện các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt hơn ở các thành phố cảng như Thiên Tân, cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 140 km.
Theo AFP đưa tin, Bắc Kinh đang tích cực chuẩn bị cho Thế vận hội Mùa đông được tổ chức vào tháng Hai sang năm. Trung Quốc – quốc gia đông dân nhất thế giới, cũng đang cảnh giác với những đợt bùng phát dịch bệnh mới.

Ngày 12/12, WHO cho biết, biến thể Omicron dường như lây lan nhanh hơn biến thể Delta, nhưng các triệu chứng mà nó gây ra thì lại nhẹ hơn, và nó làm giảm hiệu quả của vắc-xin.

Trước đó, bà Lý Lan Quyên (Li Lanjuan), Học viện sĩ Viện Kỹ thuật Trung Quốc, và cũng là giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về các bệnh truyền nhiễm, đã chỉ ra rằng Omicron có tổng cộng 50 đột biến và protein gai có hơn 30 đột biến. Protein gai chính là “chìa khóa” cánh cửa lớn để ngăn virus xâm nhập tế bào của con người.

Cuối tháng 11, tờ Daily Mail tại Anh trích dẫn ý kiến ​​của các chuyên gia như ông Adam Finn (Chủ tịch Ủy ban hỗn hợp về vắc-xin và tiêm chủng Anh) và ông Francois Balloux (nhà di truyền học của Đại học London), chỉ ra rằng biến thể virus Omicron đã tiến hóa đến mức có tất cả những đột biến nghiêm trọng nhất của Alpha, Beta và Delta; các nhà khoa học Anh cảnh báo rằng số lượng đột biến ở virus biến thể Omicron gấp đôi Delta, có khả năng làm giảm 40% khả năng bảo vệ của vắc-xin.

Hôm 12/12, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc báo cáo có thêm 74 ca nhiễm COVID-19. Theo Ủy ban Y tế thành phố Hàng Châu, kể từ ngày 5/12 đến 15:00 ngày 12/12, 3 khu vực Ninh Ba, Thiệu Hưng, Hàng Châu có tổng số 138 trường hợp được xác nhận lây nhiễm, và 1 ca nhiễm không triệu chứng. Trong đó, thành phố Thiệu Hưng có 77 ca xác nhận lây nhiễm và 1 ca nhiễm không triệu chứng; thành phố Ninh Ba có 44 ca; thành phố Hàng Châu có 17 ca. Phần lớn các ca nhiễm ở 3 khu vực này là lây nhiễm không triệu chứng, ngoài ra còn là lây nhiễm tập thể, số người nhiễm nhiều, tình hình dịch bệnh căng thẳng.

Từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát đến nay, tính trung thực về dữ liệu dịch bệnh do Chính phủ Trung Quốc công bố vẫn luôn bị quốc tế nghi ngờ.

Nội dung tweet: “Quận Thượng Ngu, thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang thực thi quản lý khép kín. Người dân quận Thượng Ngu cầm đèn pin chào nhau kêu gọi cố lên, việc từng cánh cửa sổ của mỗi nhà mở ra thế này khiến người ta xúc động! Đợi dịch bệnh hết chúng ta lại nghe thấy tiếng biển người náo động. Thượng Ngu cố lên! Giao thông toàn khu quận Thượng Ngu cũng bị phong tỏa, kiểm soát.”

Trí Đạt

Related posts