Roger L. Simon
Với tư cách là một tay vợt và là một người hâm mộ cuồng nhiệt cả đời, có lẽ tôi biết đến ngôi sao quần vợt Trung Quốc Bành Soái (Peng Shuai) hơn hầu hết những người Mỹ, và cả các loại phương tiện truyền thông.
Tôi đang theo dõi trên truyền hình khi cô ấy chật vật ở vòng bán kết của giải Mỹ Mở rộng 2014 – thành công lớn nhất tính đến nay của cô – và buộc phải rời sân bằng xe lăn, chấp nhận thua cuộc trước cô Caroline Wozniacki.
Khi đó cô Bành đã nhận được sự đồng cảm của tôi, nhưng không nhiều lắm như dạo gần đây, vì tới thời điểm hiện tại, cô ấy là một thành viên của điều được biết đến bằng tiếng Tây Ban Nha là “Desaparecida” (những người mất tích), bởi vì nó xảy ra rất thường xuyên ở Argentina trong những ngày chế độ độc tài quân sự thống trị.
Cô Bành biến mất bởi vì, như Leta Hong Fincher đã giải thích trên The New York Times:
“Vào ngày 02/11, cô Bành Soái, một cựu vô địch đôi Wimbledon, đã cáo buộc cựu phó thủ tướng Trung Quốc, ông Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli), về tội tấn công tình dục. Cô ấy viết trong một bài đăng dài trên Weibo rằng, ‘Dù là lấy trứng chọi đá, hoặc là một con thiêu thân lao vào ngọn lửa, chuốc lấy việc tự hủy hoại bản thân, thì tôi cũng sẽ nói ra sự thật về ông.’ Sau đó cô ấy biến mất”.
Sự thật mà cô ấy đang nói ra (chúng ta có thể nói là “cáo buộc”, nhưng ở nước Trung Quốc cộng sản, quý vị không được có các cáo buộc thông thường) là ông Trương đã tấn công tình dục cô ấy. Ngay cả khi điều này diễn ra trong lúc vợ ông ta đang ở nhà – quả là các xã hội [theo chế độ] phụ quyền!
Ông Trương và cô Bành đã từng có một mối quan hệ mập mờ, khiến tay vợt này cảm thấy tội lỗi và tự trách bản thân về việc đó. Rõ ràng là cô ấy muốn chấm dứt và cho rằng nó đã chấm dứt. Cựu phó thủ tướng hẳn nhiên không đồng ý (mà còn dữ dội hơn thế).
Đây là cáo buộc kiểu #MeToo đầu tiên được biết đến đối với một quan chức cao cấp của Trung Quốc. Ông Trương từng là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cho đến khá gần đây.
Các nội dung thảo luận công khai về những lời xác nhận của cô ấy và nơi ở của cô ấy đã bị xóa khỏi mạng internet bị kiểm duyệt nghiêm ngặt của Trung Quốc.
Cũng như nhiều người khác trong ngành thể thao, các siêu sao quần vợt Serena Williams và Novak Djokovic đã thể hiện sự quan tâm và ủng hộ dành cho cô Bành.
Ngoài ra, không giống như hầu hết các tổ chức thể thao của Mỹ (đặc biệt là Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia), Hiệp hội Quần vợt Nữ (WTA) dưới thời ông Steve Simon (không có mối liên quan) đã thực sự hành động chống lại những người cộng sản độc tài đang cai trị Trung Quốc. WTA sẽ tạm dừng chơi ở quốc gia đó cho đến khi cô Bành xuất hiện trong tình trạng an toàn.
Họ cũng có thể đợi cho đến khi Trung Cộng ngừng việc đàn áp (và tệ hơn thế) các học viên Pháp Luân Công, những người Duy Ngô Nhĩ, và các dân tộc thiểu số khác, nghĩa là hàng triệu triệu người ở đất nước Trung Quốc rộng lớn.
Ký giả Bari Weiss nói đến những chiều hướng lựa chọn này trên nền tảng Substack của mình: “Quần vợt Nữ thật dũng cảm. Còn Wall Street thì sao?”
Mục tiêu nhắm đến của cô Weiss là giám đốc quỹ phòng hộ Ray Dalio, người mà cô cáo buộc là đã lờ đi nhiều hành vi tàn bạo nổi tiếng của nước Cộng hòa Nhân dân này, bao gồm — nhưng, như chúng tôi nói là “không giới hạn đối với” — cuộc diệt chủng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và những sự biến mất bí ẩn của các bác sĩ và các nhà khoa học “đã cố gắng cảnh báo về bệnh COVID-19”.
Cô viết về ông Dalio như sau:
“Mọi người cho rằng ông ấy là người thông minh, được tin tưởng giao quản lý 150 tỷ USD tiền của người khác, giống như công ty Bridgewater của ông ấy. Nhưng khi ông Dalio được hỏi vào ngày hôm qua trên đài CNBC về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, và ông ấy nghĩ việc đó liên quan đến các khoản đầu tư của mình như thế nào, thì ông ấy đã vờ không biết gì.”
“‘Tôi không thể trở thành một chuyên gia về những chuyện như thế,’ ông ấy nói với người phỏng vấn Andrew Ross Sorkin. ‘Tôi thực sự không biết.’ Ông ấy tiếp tục so sánh sự quản lý của Trung Quốc với việc quản lý của một phụ huynh nghiêm khắc, và đưa ra một số lý lẽ dựa trên thuyết tương đối về đạo đức cho thấy Hoa Kỳ cũng làm những điều tồi tệ. Lời này là từ một người đàn ông đã viết một cuốn sách có tên là ‘Các nguyên tắc’”.
Thật ngán ngẩm, phải không nào?
À, vâng, nhưng đáng tiếc là điều này lại khá bình thường trong xã hội chúng ta ngày nay, khi nhiều người ở tầng lớp thượng lưu thà đi theo Trung Quốc còn hơn là đề cập đến bất cứ điều gì quá lỗi thời như đạo đức.
Điều này đưa chúng ta đến với Thế vận hội. Sao lại lờ đi vấn đề đạo đức — tôi biết, đây là một thuật ngữ lỗi thời — để tham dự một sự kiện thể thao tại Trung Quốc khi mà một trong những nhân vật thể thao hàng đầu của đất nước bị mất tích dưới chế độ này?
Rõ ràng là không được. Theo một cách nào đó, với Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh diễn ra vào tháng Hai [năm 2022], chúng ta sẽ trở lại Thế vận hội Berlin năm 1936. Chỉ là lần này, không có người hùng nước Mỹ nào giống như Jesse Owens có khả năng sẽ đối đầu với các thuộc hạ của ông Tập Cận Bình.
Vẫn ít có khả năng là Hoa Kỳ sẽ thực sự tẩy chay thế vận hội lần này. Có một điều cần nói đến là liệu các nhà lãnh đạo của chúng ta có đủ ảnh hưởng để làm như vậy hay không, liệu họ có mong muốn thế (điều mà họ có thể cũng không).
Lý do thì ở ngay trước mắt chúng ta trong bài xã luận hôm 02/12 của New York Post: “Xin lỗi, nhưng mà việc đầu cơ trục lợi của ông Hunter Biden là quan trọng — dù là phần còn lại của báo chí phớt lờ điều đó”.
“Hầu hết các phương tiện truyền thông,” ban biên tập của tờ báo này viết, “tiếp tục phớt lờ ông Hunter Biden giống như những đứa trẻ chập chững biết đi dùng tay bịt tai lại. Máy điện toán xách tay của ông ta là ‘chưa được xác nhận’. ‘Không có căn cứ’. ‘Việc đó không quan trọng’”.
Sau khi lật tẩy [lời khẳng định của hầu hết các phương tiện truyền thông đó về thông tin] “chưa được xác nhận” và “không có căn cứ”, vốn quả thực là nực cười vào thời điểm này — thực tế là luôn luôn lố bịch — ban biên tập này cho biết thêm:
“Vậy thì điều còn lại là ‘Chuyện này không có gì quan trọng’. Các phương tiện truyền thông thiên tả lờ đi một cách khác thường việc ông Hunter rao bán ảnh hưởng của cha mình. Trong trường hợp thỏa thuận với Trung Quốc, do [tác giả Miranda] Devine phác thảo, họ nói rằng ‘không có dấu hiệu’ cho thấy ông Joe Biden đã từng nhận được khoản ‘10% cho ông lớn’ được hứa trong một thư điện tử.
“Nhưng hãy xem xét những nghi vấn sau:
“Chúng tôi biết từ thư từ của chính ông Hunter rằng chủ tịch của công ty năng lượng CEFC có kết nối với chính phủ Trung Quốc đã hứa với ông ta 10 triệu USD mỗi năm trong ba năm để lo liệu ‘các cuộc giới thiệu’. Ông ta đã giới thiệu các chính trị gia nào với các giám đốc điều hành? Ông Joe Biden đã giúp tạo điều kiện cho những cuộc gặp nào trong số đó? Những lời hứa nào đã được thực hiện tại các cuộc họp đó?”
Tôi gác lại việc này ở đó. Rõ ràng là có nhiều thông tin hơn trong đường dẫn của tờ Post, bao gồm các thư điện tử cho biết ông Hunter thực sự đã thanh toán các hóa đơn của ông Joe bằng các thẻ tín dụng mà hai người dùng chung và một trong những thẻ đó đã được sử dụng để thanh toán cho một gái mại dâm, có lẽ là ở Trung Quốc.
Không giống như hồ sơ Steele tai tiếng, sự việc này xuất phát từ bằng chứng thực tế, trong một ổ đĩa rời thuộc về ông Hunter.
Vì vậy, Hoa Kỳ dưới thời ông Joe Biden sẽ tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh không? Quý vị hẳn đùa chắc. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu gia đình đó có một phần trong việc này.
Tuy nhiên, Người dân Chúng ta có thể tự mình tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh. Chúng ta có thể quyết định không xem thêm một màn tuyên truyền cộng sản tồi tệ nào nữa trên màn ảnh truyền hình của chúng ta, và tạo ra thảm họa xếp hạng của riêng chúng ta cho đài NBC. Họ xứng đáng bị thế và khi ấy thật ra trò.
Vì thế hãy tìm việc khác để làm trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Viết thư cho nghị viên của quý vị — có rất nhiều điều để viết — hoặc ôn lại về Shakespeare của quý vị trước khi ông ấy bị cấm ở các trường học.
Về phần cô Bành Soái – hãy cầu nguyện cho cô ấy. Và trong khi quý vị làm việc đó, hãy cầu nguyện cho những người Duy Ngô Nhĩ, Pháp Luân Công, và tất cả những người khác ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, những người còn quan tâm một chút đến tự do của con người.
Ông Roger L. Simon là một tiểu thuyết gia từng đoạt giải thưởng, nhà biên kịch được đề cử giải Oscar, người đồng sáng lập PJMedia, và hiện là biên tập viên chính cho The Epoch Times. Những cuốn sách gần đây nhất của ông là tiểu thuyết viễn tưởng “The GOAT” (“Con DÊ”) và sách phi hư cấu “I Know Best: How Moral Narcissism Is Destroying Our Republic, If It Hasn’t Already” (“Tôi Biết Rõ Nhất: Sự Ích Kỷ về Đạo Đức Đang Phá Hủy Nền Cộng Hòa của Chúng Ta Như Thế Nào, Nếu Điều Đó Chưa Xảy Ra”). Quý vị có thể tìm thấy ông ấy trên GETTR và Parler @rogerlsimon.
Cẩm An biên dịch