Tập đoàn Logistics của nhà nước Trung Quốc ra mắt nhằm tăng thống trị nguồn cung toàn cầu
Trung Quốc đang thành lập một tập đoàn logistics toàn cầu lớn thuộc nhà nước Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn. Cách bố trí mới này sẽ giúp chính quyền này nâng cao vị thế thống trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu và duy trì vị thế độc quyền trong và ngoài Trung Quốc, một chuyên gia cho biết.
Theo cơ quan ngôn luận Tân Hoa xã, mới được thành lập hôm 06/12, Tập đoàn Logistics Trung Quốc là một doanh nghiệp trung ương chịu sự giám sát trực tiếp của Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước thuộc Quốc vụ viện, dựa trên sự hợp nhất của Tập đoàn Vật liệu Đường sắt trước đây và Tập đoàn Chengtong. Các nhà đầu tư của tập đoàn mới bao gồm Tập đoàn Hàng không Phương Đông của Trung Quốc, Tập đoàn Vận tải biển COSCO và Tập đoàn Thương Gia.
Trong khi đó, Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc đã được chấp thuận thành lập tại tỉnh Giang Tây, miền đông Trung Quốc vào cuối năm nay. Theo Wall Street Journal trích dẫn từ các nguồn tin giấu tên khác nhau hôm 07/12, Tập đoàn sẽ bao gồm Tập đoàn Minmetals thuộc sở hữu nhà nước, Tập đoàn Nhôm và Tập đoàn Đất hiếm Ganzhou.
Ông Mike Sun, một cố vấn đầu tư cao cấp sống ở Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng Trung Quốc đã có một vị trí tương đối độc quyền trên thị trường quốc tế về đất hiếm, và giờ đây Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã một lần nữa hợp nhất một tập đoàn logistic toàn cầu, nên họ sẽ có thêm tiếng nói và sức mạnh xác định giá cả trên trường quốc tế.
Ngoài ra, ông Mike nói thêm, không thể loại trừ khả năng đất hiếm sẽ được chính phủ của Trung Quốc sử dụng để thực hiện các giao dịch với các nước phương Tây trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, nơi mà Trung Quốc đang tụt hậu so với các nước phương Tây.
Khoáng sản đất hiếm là nguyên liệu cơ bản cho các ngành công nghiệp chiến lược hoặc mới nổi như công nghiệp quốc phòng, thông tin điện tử, sản xuất cao cấp, hàng không vũ trụ và các phương tiện năng lượng mới. Theo báo cáo của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), trữ lượng đất hiếm của thế giới là 120 triệu tấn, và trữ lượng của Trung Quốc là 44 triệu tấn, chiếm 36.67% tổng trữ lượng. Năm 2019, Trung Quốc có 60% sản lượng đất hiếm toàn cầu.
Báo cáo cũng cho thấy từ năm 2016 đến năm 2019, 80% kim ngạch nhập cảng đất hiếm của Hoa Kỳ đến từ Trung Quốc.
Vào tháng Hai, Tổng thống Biden đã xác định đất hiếm là một trong bốn lĩnh vực quan trọng cần có các chính sách mạnh mẽ hơn để giảm rủi ro chuỗi cung ứng. Reuters đưa tin hôm 18/02, trong số 2 ngàn tỷ USD luật cơ sở hạ tầng được Biden công bố hôm 31/03, 15 tỷ USD được lên kế hoạch cho việc phân tách nguyên tố đất hiếm, xe điện, máy tính lượng tử, và một số dự án R&D trình diễn khác.
Trong những năm gần đây, sự độc quyền của ĐCSTQ đối với đất hiếm đã trở thành trọng tâm trong các mối quan hệ quốc tế và sự phụ thuộc của các nước vào chuỗi công nghiệp đất hiếm của Trung Quốc được coi là một rủi ro chiến lược.
Nikkei Á Châu, một phương tiện truyền thông Nhật Bản, báo cáo hôm 24/10 rằng Bắc Kinh có thể sử dụng đất hiếm như “một con át chủ bài ngoại giao,” đề cập rằng trong năm 2010, khi Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku, Bắc Kinh gây áp lực lên nước này bằng cách ngăn chặn xuất cảng đất hiếm đến Nhật Bản.
Theo ông Sun, việc chế độ sử dụng tài nguyên đất hiếm của Trung Quốc như một hành động chính nhằm độc quyền chuỗi cung ứng hậu cần toàn cầu, thể hiện xu hướng quay trở lại hệ thống “kinh tế kế hoạch.” Nếu quay trở lại thời kỳ kinh tế kế hoạch của Mao, các doanh nghiệp có thể phát triển lớn hơn và vững chắc, điều này có thể mang lại lợi ích cho ĐCSTQ; nhưng “đối với nền kinh tế thị trường, nó [nền kinh tế kế hoạch] là sự độc quyền.”
Ông Sun nói, trong nền kinh tế kế hoạch, các doanh nghiệp nhà nước sẽ thiếu sức sống và hiệu quả, và các doanh nghiệp càng lớn, thì chúng càng lãng phí tài nguyên thiên nhiên của đất nước.
Ruth Lee
Bình Hòa biên dịch
Phóng Viên Không Biên Giới: 488 nhà báo bị bỏ tù, 46 người bị giết hại trong năm 2021
Trong năm 2021, có 488 nhà báo bị bỏ tù tính trên toàn thế giới. Đây là mức kỷ lục trong vòng 26 năm qua, tính từ khi tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) bắt đầu ra báo cáo thường niên hồi năm 1995.
Năm quốc gia có số nhà báo bị bắt giữ nhiều nhất, tính đến ngày 01/12, là Trung Quốc (127), Miến Điện (53), Việt Nam (43), Belarus (32) và Ả Rập Xê Út (31). Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 5 nước bỏ tù nhiều nhà báo nhất.
Theo thông cáo của tổ chức phi chính phủ bảo vệ quyền tự do báo chí, công bố hôm nay 16/12/2021, số nhà báo bị bỏ tù như vậy đã tăng 20% trong vòng một năm, chủ yếu liên quan đến 3 nước và vùng lãnh thổ, Miến Điện, Belarus và Hồng Kông. RSF nhấn mạnh từ khi luật an ninh quốc gia mới mà Bắc Kinh áp đặt đối với Hồng Kông vào năm 2020, số nhà báo bị giam giữ tại Hồng Kông đã tăng mạnh. Về Việt Nam, số lượng nhà báo bị giam giữ năm nay tăng gấp rưỡi so với năm ngoái (28 nhà báo bị giam giữ năm 2020).
Theo AFP, một điều đáng lưu ý khác là chưa bao giờ số nhà báo nữ bị giam giữ lại cao đến như vậy : 60 người, tăng 1/3 so với năm 2020. Belarus là quốc gia giam giữ nhiều nhà báo nữ nhất (17 nhà báo nữ so với 15 nhà báo là nam giới bị tù giam). Trên thế giới, tính trung bình 87,7% số nhà báo bị bỏ tù là nam giới.
Số nhà báo bị giết là 46 người, con số thấp nhất trong 20 năm qua. 65% là do bị ám sát. Theo phân tích của RSF, số nhà báo bị giết hại có xu hướng giảm từ năm 2016, do diễn biến của các cuộc xung đột tại nhiều khu vực như Syria, Irak và Yemen, cũng như do các mặt trận vốn dĩ gây nhiều tử vong đã ổn định hơn sau những năm 2012 và 2016.
Mêhicô và Afghanistan vẫn là hai quốc gia nguy hiểm nhất đối với các nhà báo trong năm 2021, với lần lượt 7 và 6 người thiệt mạng, tiếp theo là Yemen và Ấn Độ, với 4 nhà báo thiệt mạng ở mỗi nước.
Ngoài số nhà báo bị bỏ tù và bị giết hại, RSF còn cho biết có ít nhất 65 nhà báo bị bắt làm con tin, nhiều hơn năm ngoái 2 người, chủ yếu ở Trung Đông.
Chống biến thể Omicron : Vac-xin Sinovac và Pfizer kém hiệu quả
Phan Minh
Theo một nghiên cứu của Đại học Hồng Kông (HKU), vac-xin Sinovac Biotech và Pfizer BioNTech tạo ra kháng thể “không đủ mạnh” để chống lại biến thể Omicron của Covid-19. Các nhà nghiên cứu đang kêu gọi tiêm liều tăng cường để chống lại biến thể mới.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình :
Trong tuyên bố đáp lại nghiên cứu của Đại học Hồng Kông (HKU), tập đoàn Sinovac khẳng định 94% những người đã tiêm liều tăng cường với vac-xin Coronac đã được phát hiện có mức kháng thể có khả năng vô hiệu hóa Omicron.
Hãng dược phẩm không cung cấp chi tiết về các mức kháng thể xác định được, nhưng thừa nhận là với 2 mũi tiêm, chỉ có 7 trên 20 người có thể tạo ra kháng thể đối phó với biến thể mới này của Covid-19.
Trong mọi trường hợp, việc suy giảm hiệu quả của vac-xin là một tín hiệu xấu đối với Trung Quốc, nước cho đến nay đã có thể kiềm chế Covid-19 bằng các biện pháp như đóng cửa biên giới và các biện pháp phát hiện, truy tầm các ca tiếp xúc và cách ly nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, nếu hầu hết các khu đô thị lớn ở Trung Quốc đã tiến hành tiêm mũi thứ ba, hiện vẫn còn vài lỗ hổng trên bản đồ tiêm chủng toàn quốc. Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết, tại một số tỉnh, tỷ lệ tiêm chủng cho người trên 80 tuổi đang ở mức 30%, và cho người trên 70 tuổi là 50%.
Trong khi chờ đợi các thuốc điều trị và vac-xin mới, bức tường thành y tế ngăn chặn virus của Trung Quốc đang bị thử thách với mối lo ngại là biến thể Omicron lách qua những kẽ hở trong chiến lược “zero Covid”.
Ngoài ra, cũng theo các nhà nghiên cứu ở Hồng Kông được Bloomberg trích dẫn, biến thể Omicron có thể nhân lên hơn 70 lần trong phế quản con người so với biến thể Delta hoặc chủng virus Covid-19 gốc, nhưng lại kém phát triển hơn 10 lần trong phổi của bệnh nhân so với các biến chủng ban đầu. Điều này có thể giải thích lý do tại sao người nhiễm Omicron dường như mắc bệnh ít nghiêm trọng hơn so với những người nhiễm các biến thể trước đó.
Một phái đoàn dân biểu Pháp công du Đài Loan
Cựu chủ tịch Quốc Hội Pháp François de Rugy dẫn đầu một phái đoàn gồm 6 dân biểu công du Đài Loan trong 5 ngày, từ 15 đến 19/12/2021. Đây là lần thứ nhì trong năm, một phái đoàn chính thức của Pháp đến Đài Loan. Trung Quốc « mạnh mẽ phản đối mọi trao đổi chính thức giữa Đài Loan » với các quốc gia có thiết lập bang giao với Bắc Kinh.
Theo trang mạng Taiwan Info, nguyên chủ tịch Quốc Hội Pháp, nghị sĩ François de Rugy tuyên bố, sau Thượng Viện, đến lượt Quốc Hội bày tỏ « đoàn kết với Đài Bắc » để Đài Loan được hiện diện trong các định chế đa uốc gia.
Cựu chủ tịch Quốc Hội Pháp cũng bày tỏ mong muốn « Đài Loan và Liên Hiệp Châu Âu cũng như là với Pháp mở rộng quan hệ trên nhiều lĩnh vực ». Lời lẽ này được đưa ra vào lúc Paris chuẩn bị giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Âu kể từ ngày 01/01/2022. Sáng nay, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã tiếp phái đoàn. Theo chương trình nghị sự trong 5 ngày làm việc tại Đài Bắc, các dân biểu Pháp có những buổi làm việc với thủ tướng, chủ tịch Quốc Hội, ngoại trưởng và các bộ trưởng Kinh Tế, Y Tế, Môi Trường Đài Loan.
Tháng 9/2021 thượng nghị sĩ Alain Richard, cựu bộ trưởng Quốc Phòng Pháp, đã dẫn đầu một phái đoàn của Thượng Viện đến Đài Loan và trong thời gian làm việc tại Đài Bắc, ông đã nhiều lần gọi Đài Loan là « một quốc gia ». Điều này đã khiến Bắc Kinh vô cùng tức tối. Lần này, Trung Quốc có phản ứng tương tự về sự hiện diện của phái đoàn các đại biểu Quốc Hội Pháp. Trong cuộc họp báo sáng nay, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố « Trung Quốc mạnh mẽ chống đối mọi trao đổi chính thức và chính trị giữa Đài Loan với những quốc gia đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh ».
Về phía Đài Loan, Reuters cho biết, tiếp phái đoàn Pháp, tổng thống Thái Anh Văn hy vọng nhanh chóng kết thúc đàm phán về một hiệp định tự do mậu dịch giữa Đài Bắc và Bruxelles. Bà mong muốn trong cương vị chủ tịch luân phiên Liên Âu, Paris sẽ thúc đẩy đối thoại kinh tế, thương mại và đầu tư với Đài Loan để « mở ra một chương mới trong quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu ». Tránh nêu đích danh Trung Quốc, nhưng lãnh đạo Đài Loan gián tiếp kêu gọi các nền dân chủ đẩy mạnh hợp tác « trong bối cảnh tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng và trước ảnh hưởng ngày càng lớn của các chế độ chuyên chế ». Sau cùng tổng thống Thái Anh Văn nhấn mạnh Đài Bắc « chia sẻ với Pháp và Liên Âu những giá trị chung để có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho hòa bình và ổn định trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương ».
Căng thẳng Nga và Ukraina, tâm điểm của thượng đỉnh Liên Âu
Một lần nữa, Nga và Ukraina là tâm điểm của hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp châu Âu (EU) diễn ra vào hôm nay 16/12/2021 tại Bruxelles, Bỉ. Hôm qua, lãnh đạo 27 thành viên Liên Âu đã gặp các đồng nhiệm Moldova, Armenia, Azerbaijan, Gruzia và Ukraina tại hội nghị thượng đỉnh về “Đối tác phương Đông”. Trong số các đề tài quan trọng, đặc biệt đáng chú ý vẫn là mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và Ukraina ở biên giới hai nước.
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet tường trình:
Khởi động lại các cuộc đàm phán là giải pháp mà Liên Hiệp Châu Âu chủ trương. Để làm được điều này, Liên Hiệp muốn sử dụng cái gọi là công thức “Normandy” trong đó Pháp và Đức đóng vai trò điều phối, cầu nối giữa Ukraina và Nga.
Để thuyết phục điện Kremlin, Liên Hiệp châu Âu đã tăng cường các cảnh báo đe dọa đối với Matxcơva trong tuần qua.
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel tuyên bố : liên quan đến việc Nga điều quân ồ ạt dọc biên giới Ukraina, chúng tôi đã chuẩn bị một lập trường cực kỳ cứng rắn, cực kỳ chặt chẽ, và cực kỳ đoàn kết thống nhất. Chúng tôi bình tĩnh và đanh thép nói rằng chúng tôi khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Ukraina và nếu có một cuộc xâm lược quân sự mới do Nga dẫn đầu chống lại Ukraina, thì các hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, cái giá mà Nga phải trả sẽ rất cao.
Mong muốn của các quốc gia Trung và Đông Âu đẩy nhanh việc Ukraina ra nhập NATO hoặc EU đi ngược lại với mong muốn của Ý và đặc biệt là Đức khi các nước này muốn duy trì quan hệ thương mại quan trọng với Nga, chẳng hạn như trong hồ sơ đường ống dẫn khí đốt NordStream II trong tương lai của Đức và Nga. Các biện pháp trừng phạt sẽ được hoàn tất vào hôm nay, thứ Năm và sức mạnh của các trừng phạt này sẽ tùy thuộc vào sự cân bằng chính trị nội bộ Liên Âu.
Lithuania triệu hồi đại diện ngoại giao do căng thẳng với Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan
Thùy Dương
Chính quyền Vilnius ngày 15/12/2021 thông báo triệu hồi đại biện Litva tại Trung Quốc về nước tham vấn và sẽ cho điều hành từ xa đại sứ quán Litva ở Bắc Kinh. Thông cáo của ngoại trưởng Litva được đưa ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang căng thẳng về vấn đề Đài Loan.
Theo bộ Ngoại Giao Lithuania (Litva), chính quyền Vilnius đang thảo luận về hoạt động của đại sứ quán Litva tại Trung Quốc cũng như về đại diện ngoại giao của Bắc Kinh tại Vilnius, trong khi chờ đợi Trung Quốc gia hạn hoặc chấp nhận thân phận ngoại giao của các nhân viên trong sứ quán Litva. Thông cáo của bộ Ngoại Giao Litva khẳng định Vilnius « sẵn sàng tiếp tục đối thoại với Trung Quốc và nối lại các hoạt động của đại sứ quán ở mức tối đa » nếu Bắc Kinh và Vilnius « tìm được một thỏa thuận có lợi cho cả đôi bên ».
Một nguồn tin ngoại giao nói với Reuters là vào hôm qua 15/12, một nhóm 19 người bao gồm các nhân viên đại sứ quán Litva tại Trung Quốc và thân nhân của họ đã rời Bắc Kinh sang Paris. Bà Tiêu Mĩ Cầm (Hsiao Bi-khim), đại diện của Đài Loan tại Washington, lưu ý là các nhà ngoại giao Litva tại Trung Quốc đang bị đe dọa. Chỉ ít giờ sau những thông tin nói trên, hôm nay 16/12/2021, bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết mối lo ngại về sự an toàn của các nhà ngoại giao Litva tại Trung Quốc là không có căn cứ.
Căng thẳng đôi bên không ngừng gia tăng sau khi Litva cho mở Văn phòng đại diện của Đài Loan tại Vilnius. Hồi tháng 11/2021, Trung Quốc đã hạn chế các cuộc tiếp xúc ngoại giao với Vilnius và ngừng cấp thị thực nhập cảnh từ Litva, nhằm phản đối quyết định của Vilnius cho phép Đài Loan mở cơ quan đại diện tại Vilnius với tên Đài Loan chứ không phải Đài Bắc như thường lệ. Bắc Kinh lo ngại một cơ quan chính thức gắn với tên gọi Đài Loan sẽ mang lại tính chính đáng quốc tế cho hòn đảo, mà Bắc Kinh luôn coi là một tỉnh của Trung Quốc và cần được thu hồi, kể cả bằng vũ lực. Ngay trong tháng 12, một số công ty và doanh nhân Litva than phiền rằng Bắc Kinh cản trở việc thông quan hàng hóa của Litva tại Trung Quốc.
Về phía Đài Loan, đại diện của Đài Bắc tại Mỹ hôm qua nói Đài Loan sẽ phát triển kinh tế sâu rộng với Litva để hỗ trợ Vilnius đối phó với áp lực gia tăng từ Trung Quốc.
Bỉ: Chủ mưu vụ 39 di dân Việt Nam thiệt mạng bị đề nghị 15 năm tù
Phan Minh
Hôm 15/12/2021, tư pháp Bỉ đề nghị 15 năm tù đối với một người Việt Nam bị buộc tội tổ chức vận chuyển một số người trong số 39 người di cư Việt Nam bị chết trong một container ở Anh vào năm 2019.
Các nạn nhân được phát hiện vào sáng hôm 23/10/2019, tại khu công nghiệp Grays, phía đông Luân-Đôn sau khi container rời cảng Zeebrugge từ tối hôm trước. Các nạn nhân gồm có 31 nam và 8 nữ, từ 15 đến 44 tuổi đều đến từ Việt Nam. Họ chết vì ngạt thở và thân nhiệt tăng, do sức nóng và thiếu oxy trong không gian chật hẹp của container.
Vụ việc gây xúc động công luận quốc tế và là đối tượng điều tra, khởi tố, xét xử của tư pháp bốn nước. Trong vụ này, tại Bỉ, tổng cộng có 23 bị cáo và việc xét xử diễn ra trong nhiều ngày.
Trong phiên xét xử ở Bruge, ngày hôm qua, Viện Công tố nhận định bị cáo Võ Văn Hồng, 45 tuổi, là thủ lĩnh mạng lưới đưa người tại Bỉ, giám sát việc lưu trú của những người di cư quá cảnh tại thủ đô của Bỉ, hướng dẫn họ cách thức vượt biên sang Anh. Viện Công tố đã đề nghị 15 năm tù đối với bị cáo này.
Theo AFP, cuộc điều tra tập trung vào một “tổ chức” ở Bruxelles chịu trách nhiệm tập hợp những di dân có nguyện vọng vượt biển Manche sang Anh, từ Đức, Pháp hoặc Hà Lan. Cơ quan chức năng Bỉ cho biết tổ chức này “hoạt động rất thành thạo”, với hai nơi ẩn náu ở khu vực Anderlecht, Bruxelles, nơi đã có ít nhất 15 trong số 39 nạn nhân tá túc trước khi sang Anh.
Tại Anh, 7 người đã phải lĩnh mức án từ 7 đến 23 năm tù hồi tháng Giêng 2021.
Còn ở Việt Nam, tháng 09/2020, 4 người đã bị kết án tù từ 2 năm rưỡi đến 7 năm rưỡi.