Kha Đạt
Ngành bất động sản và bán lẻ của Trung Quốc tiếp tục suy thoái trong những tháng gần đây. Dữ liệu kinh tế do chính phủ Trung Quốc công bố hôm 15/12 cho thấy lĩnh vực tiêu dùng và đầu tư vẫn tiếp tục trì trệ. Mặc dù vậy Bắc Kinh vẫn kiên quyết áp dụng chính sách chống dịch Covid bằng cách phong tỏa tất cả, ngay cả khi địa phương bị đóng cửa chưa có ca nhiễm, theo Epoch Times.
Tỉnh Chiết Giang là một trong những địa phương đang chịu cảnh phong tỏa khắt khe nhất, hàng loạt nhà máy ở tỉnh này đã phải đóng cửa vì chính sách ‘0-Covid’ của chính quyền.
Là cảng container lớn thứ ba thế giới, Ningbo Zhoushan của Chiết Giang hiện đã thắt chặt các thủ tục nhập cảnh để phục vụ chính sách phòng chống Covid.
Vào tháng 8 năm nay, Ningbo có một ca nhiễm Covid và cảng đã bị đóng cửa trong vài tuần, gây ra tắc nghẽn vận chuyển và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Xing Zhaopeng, chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc tại ANZ Research, nói với AFP: “Việc đóng cửa nhà máy ở Chiết Giang sẽ tác động đến chuỗi cung ứng của nhiều ngành, đặc biệt là ngành sợi và dệt”.
Xing dự đoán rằng tác động của việc đóng cửa nhà máy ở Chiết Giang sẽ tương tự như việc thực hiện cắt điện vào tháng 9 và tháng 10. GDP của Chiết Giang vào năm 2020 chiếm khoảng 6% GDP Trung Quốc, tức là khoảng 1 nghìn tỷ USD.
Một chuyên gia của tổ chức Capital Investment Macros hôm 15/12 cho biết: Dịch COVID-19 ở Chiết Giang đã một lần nữa khiến chính quyền Trung Quốc đóng cửa nhà máy, và những rắc rối của ngành bất động sản sẽ lại cản trở lĩnh vực này phát triển.
Các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế. Tại một hội nghị công tác kinh tế quan trọng vào tuần trước, họ thừa nhận rằng nền kinh tế đang phải đối mặt với áp lực rất lớn khi nhu cầu tiêu dùng thu hẹp, nguồn cung gặp khủng hoảng và niềm tin vào nền kinh tế suy yếu.
Hiệu quả của các chính sách chống dịch theo nguyên tắc “0-Covid” mà chính quyền Trung Quốc kiên trì thực hiện vấn đang bị nghi ngờ, trong khi hệ lụy mà chính sách này gây ra cho nền kinh tế Trung Quốc thì đã thấy rõ.
Ngoài Chiết Giang, việc phong tỏa chống dịch cũng đang diễn ra tại một loạt địa phương nằm ở khu vực biên giới, nơi hoạt động giao thương kinh tế diễn ra nhộn nhịp. Khu vực Manzhouli ở Khu tự trị Nội Mông giáp với Nga, Ruili của tỉnh Vân Nam giáp với Myanmar là những địa phương đang nằm trong danh sách phong tỏa của chính quyền Trung Quốc.
Các doanh nghiệp địa phương và cư dân ở Manzhouli nói rằng cuộc sống của họ về cơ bản đã bị đình trệ kể từ ngày 28/11. Hầu hết các chuyến bay, xe lửa và phương tiện giao thông công cộng đã ngừng hoạt động. Sau vài tuần, hầu hết các khu vực của Manzhouli vẫn không được dỡ phong tỏa.
Việc thành phố Ruili bị đóng cửa liên tục trong hơn một năm đã ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế địa phương. Ruili là trung tâm buôn bán đồ trang sức ở biên giới Trung Quốc và Myanmar. Nền kinh tế của thành phố này được thúc đẩy bởi thương mại và du lịch, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Ruili là 8,1%. Tuy nhiên, dữ liệu chính thức mới nhất cho thấy trong 9 tháng đầu năm nay, nền kinh tế của Ruili giảm 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái.