Jan Jekielek
Theo một cựu quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Đảng Cộng Sản Trung Quốc (Trung Cộng) đang thực hiện ít nhất ba cuộc diệt chủng, nhằm mục đích tiêu diệt các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng.
Hôm 08/12, ông Robert Destro, cựu trợ lý ngoại trưởng về dân chủ, nhân quyền, và lao động, nói với chương trình “American Thoughts Leaders” của EpochTV rằng: “Những người mà quý vị đang giao dịch cùng ở Trung Quốc là những kẻ buôn người. … Họ đang phạm tội diệt chủng chống lại chính người dân của họ.”
“Diệt chủng không chỉ là sát nhân thôi đâu … mà hơn thế nữa đó là sự hủy diệt một cộng đồng một cách có hệ thống.”
Pháp Luân Công
Ông Destro nói rằng mặc dù nhóm tu luyện Pháp Luân Công không phải là một cộng đồng dân tộc, nhưng Trung Cộng đã nhắm mục tiêu vào những học viên của môn tập này vì niềm tin của họ bằng “những nỗ lực có hệ thống nhằm xóa sổ họ, giải tán họ, cưỡng bức không cho họ hoạt động công khai một cách bất hợp pháp.” Các hành động này được tính là tội diệt chủng.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần bao gồm các bài tập tĩnh tại và bài giảng đạo đức dựa trên ba nguyên lý cốt lõi là chân, thiện, và nhẫn. Các học viên đã bị nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc đàn áp một cách tàn bạo kể từ năm 1999.
Theo ông Destro, môn tu luyện Pháp Luân Công được coi là một môn tập đưa mọi người quay trở về với văn hóa Trung Hoa chân chính. Nhưng vào năm 1996 hoặc 1997, Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc nhận thấy rằng số lượng học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc có lẽ đã vượt qua cả số đảng viên Đảng Cộng Sản. Chính điều này đã thúc đẩy cuộc đàn áp. Theo ước tính vào thời điểm đó, môn tập này đã thu hút khoảng 70 triệu đến 100 triệu người theo học ở Trung Quốc vào cuối những năm 1990.
Ông cho hay, “Trong một xã hội độc tài toàn trị như thế, không thể tồn tại một tổ chức cạnh tranh có một quan điểm trái ngược với những gì Trung Quốc đang tin tưởng … [đó là một] mối đe dọa sống còn.”
Ông Destro, hiện là giáo sư luật tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ, đã lập luận rằng “quá rõ ràng” là Pháp Luân Công đáp ứng định nghĩa của một cộng đồng tôn giáo theo Luật pháp Hoa Kỳ, và rằng nếu như các học viên bị đàn áp ở Hoa Kỳ, giống như họ đang bị đàn áp ở Trung Quốc, thì “ai nấy đều sẽ vô cùng phẫn nộ.”
Chiến dịch đàn áp có hệ thống của Trung Cộng đối với các học viên Pháp Luân Công đã bị các chuyên gia gán nhãn là một “cuộc diệt chủng lạnh”, vì những nỗ lực ròng rã không ngừng nghỉ của nhà cầm quyền nhằm diệt trừ nhóm tín ngưỡng này trong hai thập niên qua. Thuật ngữ này được sử dụng để phân biệt với một “cuộc diệt chủng nóng” nhằm mục đích triệt tiêu một nhóm trong một khoảng thời gian ngắn.
Năm 2006, có nhiều cáo buộc về việc Trung Cộng sát hại các học viên Pháp Luân Công để bán nội tạng của họ cho mục đích cấy ghép. Kể từ đó, nhiều cuộc điều tra đã xác nhận những chi tiết rùng rợn về hành vi tàn bạo này.
Ông Destro cho rằng, thu hoạch nội tạng là một hình thức buôn người, thuộc loại hoạt động tội phạm có tổ chức, nhưng nếu được thực hiện với mục đích tận diệt một cộng đồng nào đó, thì hoạt động này sẽ trở thành tội ác diệt chủng.
Tòa án Luận tội Trung Quốc (China Tribunal) — một tòa án nhân dân độc lập do Ngài Geoffrey Nice làm chủ tọa — đã kết luận vào năm 2019 (pdf) rằng chính quyền Trung Quốc đã thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các tù nhân lương tâm trong nhiều năm, và trên một quy mô lớn. Bản báo cáo này nói rằng “chắc chắn” nội tạng được lấy từ các học viên Pháp Luân Công bị tống giam và họ “có lẽ là nguồn chính”.
Người Duy Ngô Nhĩ
Những vi phạm nhân quyền mà người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương phải gánh chịu “bao gồm từ việc bắt bớ người trên đường, sau đó tống họ vào một trại giam, sau đó bắt họ làm việc, đến việc bắt cóc họ trên phố, tống họ vào một trại giam, rồi thu hoạch nội tạng của họ,” ông Destro nói.
Hôm 09/12, một tòa án nhân dân độc lập, được gọi là Tòa án Duy Ngô Nhĩ, đã ra phán quyết rằng chính quyền Trung Quốc đã phạm tội diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở vùng viễn tây Tân Cương.
Tòa án Duy Ngô Nhĩ phát hiện rằng Trung Cộng đã thực hiện một “chính sách có chủ ý, có hệ thống, và có sự thông đồng lẫn nhau” nhằm làm giảm dân số Duy Ngô Nhĩ trong khu vực, thông qua một loạt các hành vi đàn áp bao gồm giam giữ hàng loạt, chia cắt gia đình, triệt sản, và cưỡng bức lao động.
“Thật là không thể tưởng tượng nổi khi quý vị nhìn vào phạm vi và chiều sâu của sự sa đọa về nhân quyền mà chúng ta đang chứng kiến diễn ra ở đó,” ông Destro nói về chiến dịch của Trung Cộng ở Tân Cương.
Theo ông Destro, người Duy Ngô Nhĩ sẽ cùng chung số phận với người Tây Tạng, vì nền văn hóa của họ là điều mà chính quyền Trung Quốc không ngừng chĩa mũi nhọn vào để xóa sổ. Đây là “một phần của định nghĩa về tội diệt chủng,” ông nói.
Người Tây Tạng
Năm 1950, Trung Cộng đã tiếp quản Tây Tạng — quê hương cội nguồn của nhóm dân tộc Tây Tạng với các truyền thống Phật giáo đặc biệt — và kể từ đó đã bắt đầu một chiến dịch tước đoạt di sản văn hóa và tôn giáo độc nhất vô nhị của khu tự trị này cũng như của người dân nơi đây.
Trong nỗ lực hủy hoại văn hóa Tây Tạng, Trung Cộng đã sử dụng biện pháp kiểm soát dân số, cấm dạy tiếng Tây Tạng cho trẻ em, cũng như ra sức kiểm soát việc đào tạo các tăng nhân Tây Tạng, cũng như việc kế vị và tái sinh của Đức Đạt Lai Lạt Ma, theo ông Destro.
Ông nói rằng báo chí phương Tây đã không đưa tin về các vi phạm nhân quyền của Tây Tạng một cách liên tục, đó là lý do tại sao mọi người thường không hay biết về vấn đề này.
Cuối cùng, ông Destro lập luận rằng, khi giao dịch với Trung Quốc, thế giới phương Tây không nên tách vấn đề nhân quyền ra khỏi hoạt động kinh doanh, và các quốc gia nên tránh mua các sản phẩm được làm ra bằng lao động cưỡng bức.
“Luật pháp Hoa Kỳ hiện đang cấm nhập cảng bất cứ thứ gì được sản xuất bằng lao động nô lệ. Chúng ta có định thực thi quy chế đó hay không? Nếu chúng ta không thực thi điều đó, thì đừng nói chuyện với tôi về áp lực ngoại giao đối với Trung Quốc. Làm thế hoàn toàn chẳng khác nào đánh bóng cái mã ngoài mà thôi.”
Danella Pérez Schmieloz và Jan Jekielek
Hồng Ân biên dịch