Liên Hiệp Châu Âu nhất trí trừng phạt kinh tế Nga nếu xâm lược Ukraina
Thu Hằng
Lãnh đạo của 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu nhất trí sẽ phối hợp với Hoa Kỳ và Anh Quốc áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga trong trường hợp chính quyền Matxcơva ra lệnh tấn công Ukraina. Tuy nhiên, trong phiên họp thượng đỉnh ngày 16/12/2021, Bruxelles vẫn ưu tiên con đường trao đổi ngoại giao với Nga.
Trong thông cáo chung sau cuộc họp kín diễn ra trong nhiều giờ tại Bruxelles, nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ của 27 nước Liên Hiệp Châu Âu nêu rõ « thêm bất kỳ vụ tấn công quân sự nào nhắm vào Ukraina sẽ dẫn đến những hậu quả hàng loạt và trả giá đắt, trong đó có các biện pháp hạn chế được phối hợp với các đối tác » Hoa Kỳ và Anh Quốc.
Đây là một trong những lời cảnh cáo trực tiếp nhất của Bruxelles nhắm đến Nga. Tuy nhiên, theo Reuters, chi tiết các biện pháp trừng phạt không được đưa ra thảo luận tại thượng đỉnh. Nhưng trước đó, một số nhà ngoại giao cho rằng Bruxelles có thể nhắm đến các đại tập đoàn Nga và cấm mọi giao dịch ngân hàng của châu Âu với các ngân hàng Nga.
Phía NATO cũng ủng hộ lập trường của Liên Hiệp Châu Âu. Tổng thư ký Jens Stoltenberg từng cảnh báo « sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa hiệp nào về quyền của Ukraina được tự lựa chọn con đường riêng, về quyền quyết định của NATO bảo vệ các thành viên hay làm đối tác với Ukraina ». Matxcơva vẫn yêu cầu NATO « chính thức » từ bỏ quyết định năm 2008 mở đường kết nạp Ukraina và Gruzia làm thành viên. Đây là « lằn ranh đỏ » mà chính quyền của tổng thống Putin đặt ra vì Nga không muốn NATO hiện diện ngay sát sườn.
Cũng trong thông cáo chung, 27 nhà lãnh đạo tuyên bố Liên Hiệp Châu Âu « cổ vũ mọi nỗ lực ngoại giao và ủng hộ « khuôn khổ Normandie » để đạt đến việc triển khai hoàn toàn các thỏa thuận Minsk » được ký năm 2014 và 2015 nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở vùng Donbass, phía đông Ukraina. Nga luôn phủ nhận có binh sĩ hiện diện trong vùng ly khai này nhưng theo thẩm định của Mỹ, có khoảng 100.000 quân, đang tập kết ở sát vùng biên giới chung với Ukraina.
Binh sĩ Nga ở Đông Ukraina: Moscow “giấu đầu hở đuôi”?
Minh Anh
Moscow cho đến giờ luôn phủ nhận có sự hiện diện của binh sĩ Nga tại những vùng ly khai Đông Ukraina. Tuy nhiên, việc tòa án Rostov, phía tây nước Nga, tuyên án 5 năm tù nhắm vào một phó giám đốc của một doanh nghiệp Nga về tội đưa hối lộ đã làm lộ rõ những thông tin về việc cung cấp lương thực cho quân đội Nga đồn trú tại những nước cộng hòa ly khai.
Từ Moscow, thông tín viên Anissa El Jabri tường thuật:
Vụ hối lộ đã đụng chạm đến một hoạt động cực kỳ nhậy cảm. Và hoạt động này đã được miêu tả rõ ràng trên giấy trắng mực đen trong phán quyết của tòa án : Đó là cung cấp lương thực-thực phẩm cho quân đội Nga, xin trích, « đang chiến đấu tại các nước Cộng hòa Donetsk và Louhansk ». Hơn nữa, hoạt động này còn được mô tả một cách rất chi tiết, như gỡ biển số xe ở biên giới và được một sĩ quan quân đội Nga kiểm soát.
Theo ước tính của Radio Svoboda, đài phát thanh đã tiết lộ vụ việc, với 1.300 tấn thực phẩm được giao theo nhịp độ hai tuần một lần, trong khoảng thời gian 2018 – 2019, thì số lượng lương thực này dường như đủ để nuôi sống 26.000 binh sĩ. Chưa hết, không có gì khẳng định là chỉ có một doanh nghiệp duy nhất đảm trách nguồn cung ứng.
Phát ngôn viên điện Kremlin vẫn giữ nguyên lập trường chính thức, theo đó, quân đội Nga không và chưa bao giờ hiện diện tại Donbass. Ngược lại, nước Nga, xin trích, « đã cung cấp và tiếp tục cung cấp “viện trợ nhân đạo” ». Kể từ đó, bản án biến mất khỏi trang mạng của tòa án, nhưng đã được giới truyền thông lưu giữ và công bố. Văn bản này còn được lưu truyền trên các trang mạng xã hội.
Đài Loan chặn chuyển giao công nghệ cao cho Trung Quốc
Minh Anh
Kể từ đầu năm 2022, Đài Bắc rất có thể cấm các doanh nghiệp bán lại các chi nhánh hay tài sản của mình cho Trung Quốc. Theo Nikkei Asia ngày 15/12/2021, động thái mới nhất này của Đài Loan nhằm ngăn chặn việc rò rỉ các công nghệ nhậy cảm vào Hoa Lục, bao gồm cả các mạch bán dẫn.
Theo giải thích của Ủy Ban Đầu Tư với nhật báo kinh tế Nhật Bản, những quy định mới này, sẽ có hiệu lực « sớm nhất là trước cuối năm hay vào tháng Giêng năm tới ». Văn bản này sẽ siết chặt thêm các quy định hiện hành, theo đó các doanh nghiệp Đài Loan kể từ giờ sẽ phải xin phép “nếu những doanh nghiệp này dự trù bán hay chuyển nhượng các tài sản, chi nhánh hay nhà xưởng ở Trung Quốc », cho các doanh nghiệp Trung Quốc, hay những hoạt động có thể dẫn đến « việc chuyển giao công nghệ nhậy cảm”.
Theo nhận định của tờ báo kinh tế Nhật Bản, chính quyền Đài Bắc sẽ “triển khai nhiều quy định mới nhằm ngăn chặn các ngành công nghiệp phát tán bí mật thương mại và công nghệ mũi nhọn », bất kể đó là Trung Quốc, Hồng Kông hay Macao, trong một « nỗ lực rộng lớn để cản trở bất kỳ ai làm việc với những doanh nghiệp bên kia eo biển”.
Nikkei Asia ghi nhận từ vài năm gần đây, “nhiều doanh nghiệp công nghệ Đài Loan đã bán lại các cơ sở của mình ở Trung Quốc”. Đây chính là trường hợp trong lĩnh vực năng lượng Lite-On. Doanh nghiệp này đã bán 51% cổ phần nhà xưởng về ổ cứng ở Suzhou cho tập đoàn Tsinghua Unigroup của Trung Quốc hồi năm 2017, và sau đó đã nhượng hết phần còn lại cho một hãng đầu tư Trung Quốc vào tháng 6/2021.
Thời gian gần đây, căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc mỗi lúc gia tăng. Việc Bắc Kinh luôn xem hòn đảo này « như là một phần của lãnh thổ » và không loại trừ khả năng “chiếm lại bằng vũ lực” đang đẩy Đài Loan thực hiện mọi biện pháp để bảo vệ “vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng thế giới về con chip điện tử”. Đây là những linh kiện thiết yếu trong phần lớn các sản phẩm điện tử, xe hơi, và trò chơi điện tử. Tình trạng khan hiếm đang gây khó khăn cho việc tái phục hồi nền kinh tế trong những tháng qua.
Covid-19: biến thể Omicron thúc đẩy Liên Hiệp Châu Âu đoàn kết hơn
Phan Minh |Thu Hằng
Biến thể Omicron của Covid-19 dự kiến sẽ thay thế biến thể Delta, chiếm đa số ở châu Âu trong vài ngày tới. Bốn nước, Ailen, Hy Lạp, Ý và Bồ Đào Nha, đã quyết định áp dụng biện pháp buộc hành khách trước khi nhập cảnh phải làm xét nghiệm PCR hoặc kháng nguyên âm tính. Đây là một trong những chủ đề nóng tại hội nghị thượng đỉnh châu Âu diễn ra vào hôm qua 16/12/2021 tại Bruxelles. Ngoài ra, châu Âu cũng sẽ cố gắng cung ứng vac-xin cho những quốc gia có nhu cầu nhất.
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet tường trình:
Liên Hiệp Châu Âu sẽ tiếp tục xuất khẩu và chia sẻ vac-xin và vật tư y tế, đồng thời sẽ tăng cường hỗ trợ cho các quốc gia có nhu cầu nhất, đặc biệt là ở châu Phi. Đây là kết luận của 27 quốc gia thuộc Liên Hiệp Châu Âu.
Điều này rất giống với những tuyên bố trước đây của châu Âu, nhưng trên thực tế, sự xuất hiện của Omicron đã gây ra một cú sốc.
Do vậy, châu Âu cam kết từ giờ đến hè năm sau cung cấp tổng cộng 700 triệu liều vac-xin cho Covax, cơ chế đoàn kết toàn cầu trong phân phối vac-xin. Châu Âu đã cam kết 250 triệu liều trong năm nay và đã huy động được thêm hơn một phần ba. Nhưng mới chỉ có 135 triệu liều đã được gửi đi. Châu Âu đã vượt qua hai trở ngại đầu tiên ; đó là khắc phục thủ tục hành chính nặng nề và mong muốn giữ lại các liều vac-xin cho chính người dân nước mình. Bây giờ, châu Âu muốn vượt qua trở ngại cuối cùng, giải quyết các tắc nghẽn còn lại như vấn đề thiếu phòng lạnh, các khó khăn phức tạp của việc tiêm chủng ở những nơi có xung đột, các liều vac-xin không dùng đến ở những nơi mà đa số người vẫn do dự không chịu tiêm và cuối cùng là những vấn đề về hậu cần khi có hàng triệu liều vac-xin tới cùng một lúc.
Trước làn sóng dịch thứ 5 được cho là kéo dài và khó khăn hơn trong những tuần tới, Pháp triệu tập họp Hội đồng quốc phòng dịch tễ vào chiều 17/12. Một trong số các biện pháp có thể được đưa ra là đẩy mạnh tiêm nhắc lại, cụ thể là rút ngắn thời hạn 6 tháng giữa hai mũi tiêm xuống còn 5 tháng. Trong khi kỳ nghỉ lễ cuối năm đang đến gần, Pháp sẽ tái lập các biện pháp hạn chế đối với hành khách đến từ Anh, nơi ghi nhận số ca nhiễm hàng ngày kỉ lục, 88.000 ca vào ngày 16/12. Kể từ thứ Bảy 18/12, chỉ có những hành khách có « lý do chính đáng » mới được nhập cảnh vào Pháp.
Mỹ: Nhiều doanh nghiệp từng chỉ trích cảnh sát đang kêu cứu vì bị cướp phá
Nam Sơn
Nhiều công ty thuộc ngành bán lẻ Hoa Kỳ đang kêu gọi Quốc hội giúp đỡ ngăn chặn các vụ đập phá và cướp bóc. Tuy nhiên, những công ty này vào năm ngoái đã ủng hộ việc hủy bỏ lực lượng cảnh sát, theo Sound of Hope.
Gần hai mươi giám đốc điều hành của các công ty như Nordstrom, Target, Levi Strauss, … đã ký một lá thư gửi Quốc hội yêu cầu hỗ trợ khi tội phạm trộm cắp đang xuất hiện khắp nơi.
Trong những tuần gần đây, Nordstrom và nhiều công ty khác đã bị thiệt hại hàng trăm nghìn đô la do những vụ cướp tập thể có lúc lên đến 80 tên cướp cùng một lúc hành đồng ở nhiều địa điểm thuộc California. Nhưng trớ trêu là chính công ty này đã ủng hộ phong trào Black Lives Matter yêu cầu hủy bỏ lực lượng cảnh sát Hoa Kỳ.
Chính quyền một số thành phố với đa số lãnh đạo thuộc phe cánh tả đã ủng hộ việc giảm biên chế và ưu đãi đối với lực lượng cảnh sát sau vụ tội phạm ma túy George Floyd bị một cảnh sát ngộ sát.
Hiện tại chính quyền một số thành phố ở Hoa Kỳ đã đảo ngược quan điểm khi đối mặt với lượng tội phạm gia tăng nhanh chóng, họ đã yêu cầu nhiều cảnh sát hơn và quên việc họ từng chống cảnh sát vào năm ngoái, thậm chí nhiều quan chức không thừa nhận rằng họ đã từng phản đối cảnh sát.
Chủ tịch của Liên đoàn Bảo vệ Cảnh sát Los Angeles, Craig Lally, nói với Fox News hôm thứ 14/12: “Đây là một lời nói dối có tổ chức, Black Lives Matter ở Los Angeles muốn cắt giảm hơn 90% ngân sách của Sở Cảnh sát Los Angeles và vì thế mà lực lượng cảnh sát đã bị giảm từ 9.700 xuống dưới 1.000 người. Điều này có nghĩa là 90% các vụ hãm hiếp, giết người, hành hung và tấn công sẽ không bị điều tra gì cả. Và chúng tôi không bị mất trí nhớ. Trong cuộc bầu cử, cử tri sẽ không bị mất trí nhớ”.