Theo VOA, Bắc Kinh đã thừa nhận rằng nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt ba áp lực: nhu cầu giảm, cú sốc nguồn cung và kỳ vọng suy yếu. Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc tăng cường đầu tư công và thu hút đầu tư nước ngoài có thể giảm bớt áp lực kinh tế vĩ mô; và việc quay lại đi theo hướng của nền kinh tế thị trường là chìa khóa để thoát khỏi tình trạng khó khăn.
Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế, có thể khiến Đảng Cộng sản (ĐCSTQ) lung lay và có tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.
Bất chấp các cảnh báo, một số nhà phân tích khác vẫn lạc quan rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có thể hoàn thành nhiệm vụ quản lý cuộc khủng hoảng này.
Tuy nhiên, Thomas J. Duesterberg, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hudson, đã viết trên Wall Street Journal rằng “sự lạc quan này là sai lầm”.
Ông Dusterberg cho rằng Mỹ và các đồng minh có nhiều công cụ để tác động đến nền kinh tế Trung Quốc và cần cân nhắc hậu quả của cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và mối đe dọa mà quỹ đạo hiện tại của Trung Quốc gây ra cho Hoa Kỳ. Các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ nên xem xét cách sử dụng tốt nhất các công cụ này, thay vì thụ động giả định rằng sự ổn định và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc sẽ tiếp tục.
Kinh tế Trung Quốc và “Ba ngọn núi lớn”
Tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương được tổ chức vào đầu tháng 12, quan chức ĐCSTQ đã thừa nhận rằng sự phát triển kinh tế của Trung Quốc đang đối mặt với “ba áp lực từ nhu cầu giảm, cú sốc nguồn cung và kỳ vọng suy yếu”.
Vào ngày 10 tháng 12, Hãng thông tấn Tân Hoa xã của ĐCSTQ cho biết trong một báo cáo về Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương vừa kết thúc rằng dưới tác động của đại dịch thế kỷ, những thay đổi trong thế kỷ qua càng tăng nhanh và ngoại cảnh ngày càng phức tạp, khắc nghiệt và bất trắc. Trung Quốc “sẽ không chỉ đối mặt với những khó khăn mà còn phải củng cố lòng tin của mình”.
Báo cáo của Tân Hoa xã cũng nêu rõ Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế, nâng cao năng lực đổi mới công nghệ, tuân thủ chủ nghĩa đa phương, chủ động nâng cao các tiêu chuẩn cao, các quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế, đồng thời thúc đẩy cải cách sâu rộng và phát triển chất lượng cao với mức độ cởi mở cao.
Tờ Wall Street Journal của Mỹ ngày 15/12 đưa tin, nền kinh tế Trung Quốc hiện đang gặp khó khăn và cần nhận được nhiều chính sách trợ giúp hơn. Các nhà phân tích tin rằng dữ liệu tháng 11 của Trung Quốc cho thấy người tiêu dùng đang gặp khó khăn, bất động sản vẫn đang vật lộn trong khủng hoảng. Nền kinh tế hiện tại của Trung Quốc cần được hỗ trợ nhiều hơn về chính sách để tránh suy thoái nghiêm trọng hơn trong năm tới.
Tiến sĩ Derek Scissors, nhà nghiên cứu cấp cao về kinh tế Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington DC, nói với VOA rằng Trung Quốc có hai lựa chọn chính sách trước những khó khăn kinh tế hiện nay.
Ông Scissors nói rằng một trong những lựa chọn của Trung Quốc là nới lỏng kiểm soát đối với những đợt bùng phát dịch COVID-19 ở quy mô nhỏ. Những chính sách chống dịch không khoan nhượng mà Trung Quốc áp dụng đã đưa đến hậu quả. Ngay từ đầu, các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ nói rằng đóng cửa thành phố và phong toả sẽ không gây ra gián đoạn kinh tế, nhưng thực tế đã chứng minh rằng cách tiếp cận này là sai đối với nhu cầu và kỳ vọng của người tiêu dùng, cũng như chuỗi cung ứng.
Phương án thứ hai mà ông Scissors cho biết là: cách tiếp cận đúng đắn là cho phép điều chỉnh thị trường bất động sản. Tuy nhiên, do ngành bất động sản của Trung Quốc đã được cho phép “phóng túng” trong một thời gian dài, nó đã trở nên quá quan trọng đối với nền kinh tế, nên việc điều chỉnh ngành bất động sản chắc chắn sẽ trở thành một lực cản không thể tránh khỏi đối với tăng trưởng kinh tế chung.
“Vấn đề dần xuất hiện đằng sau tất cả những điều này là việc Trung Quốc từ chối thực hiện các cải cách kinh tế ủng hộ thị trường; ví dụ như cải cách quyền đất đai ở nông thôn. Cải cách để trở lại nền kinh tế ủng hộ thị trường sẽ là một phản ứng mạnh mẽ đối với dịch COVID-19 và bất động sản yếu kém. Nhưng, rất ít khả năng Trung Quốc sẽ làm như vậy”, ông Scissors nói.
Giáo sư Đinh Hoằng Bân, phó hiệu trưởng Trường Kinh doanh của Đại học Loyola Maryland, Hoa Kỳ, tin rằng cái gọi là ba áp lực “nhu cầu giảm, cú sốc nguồn cung và kỳ vọng suy yếu” mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt về cơ bản là áp lực kinh tế vĩ mô liên quan đến sự suy giảm nhu cầu hiệu quả. Biểu hiện là khi người tiêu dùng không còn tin tưởng vào tương lai của nền kinh tế, họ sẽ ít sẵn sàng chi tiêu hơn.
Ông Đinh Hoằng Bân cho rằng các chính sách như nới lỏng định lượng (QE), tăng đầu tư công và thu hút đầu tư nước ngoài là những biện pháp đối phó phổ biến đối với vấn đề suy giảm nhu cầu; tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc có thể thận trọng hơn trong việc sử dụng ba công cụ chính sách này.
“Trong tương lai gần, chúng ta có thể thấy việc áp dụng ba công cụ này trong các ngành hoặc khu vực địa lý cụ thể. Ví dụ: với nhu cầu rất cao về tàu mới, ngành công nghiệp đóng tàu có thể trở thành một ngành dễ tiếp cận các hạn mức tín dụng và đầu tư nhiều hơn”, ông nói.
Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc đã đề xuất rằng chính sách vĩ mô cần phải hợp lý và hiệu quả, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chủ động và chính sách tiền tệ thận trọng. Một chính sách tài khóa chủ động phải nâng cao hiệu quả và chú trọng hơn đến tính chính xác và bền vững. Các tổ chức tài chính sẽ được hướng dẫn để tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế thực, đặc biệt là cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đổi mới khoa học công nghệ và phát triển xanh.
Kỳ vọng kinh tế Trung Quốc dưới ba áp lực
Sau Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương ở Bắc Kinh, các nhà phân tích kỳ vọng rằng tăng trưởng kinh tế thực tế của Trung Quốc trong năm tới có thể vào khoảng 5,5%; trong khi Chính phủ Trung Quốc có thể đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 5%. Reuters dẫn lời Hình Tự Cường (Xing Ziqiang), nhà kinh tế trưởng của Morgan Stanley Trung Quốc, cho biết: “Chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng 5-6% trong năm tới và có thể sẽ cố gắng vượt mục tiêu trong năm tới”.
Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương tại Bắc Kinh yêu cầu phải nâng cao niềm tin của các bên tham gia thị trường, thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện các chính sách cạnh tranh bình đẳng, tăng cường chống độc quyền và chống cạnh tranh không lành mạnh, và đảm bảo cạnh tranh bình đẳng với sự giám sát công chính. Trong khoảng một năm trở lại đây, Bắc Kinh luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải “ngăn chặn sự bành trướng và tăng trưởng nhanh chóng của tư bản”.
Nền kinh tế Trung Quốc hiện tại đang phải đối mặt với điều mà chính phủ gọi là ba áp lực, cũng như việc chính phủ tăng cường đàn áp chống độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh của các công ty tư nhân.
Ông Đinh Hoằng Bân, giáo sư tại Đại học Loyola ở Maryland, nói với VOA rằng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc sẽ chậm hơn so với trước đây. Nhìn chung, chúng ta sẽ thấy nhiều hơn cái gọi là “quốc tiến dân thoái”; và các công ty tư nhân cũng có thể phải đối mặt với nhiều áp lực hơn từ các cuộc điều tra chống độc quyền.
“Chống độc quyền có thể là một công cụ chính sách rất mạnh để phân phối lại tài sản và của cải tập trung cao độ cho một nhóm người rộng lớn hơn. Tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy nhiều cuộc điều tra chống độc quyền hơn đối với các công ty tư nhân lớn ở Trung Quốc vào năm 2022”, ông Đinh nói.
Đối với kỳ vọng tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Trung Quốc, ông Scissors, tin rằng kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc nên được phân tích từ hai khía cạnh: chính phủ Trung Quốc nói gì và thực tế đã xảy ra điều gì. “Trung Quốc có thể nói rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của họ sẽ tăng 5%, bởi vì điều này phù hợp với các tuyên bố trước đây của họ và cũng bởi vì ĐCSTQ sẽ không cho phép bất kỳ sự bất ổn nào được báo cáo”.
Theo quan điểm của ông Scissors, sự tăng trưởng thực sự của nền kinh tế Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào sự lây lan của dịch COVID-19 và liệu Trung Quốc có sẵn sàng cho phép thị trường bất động sản tiếp tục suy yếu hay không. Nếu Trung Quốc quyết định can thiệp để thúc đẩy thị trường bất động sản, hoặc nếu dịch COVID-19 tiếp tục giảm dần trong năm, thì các số liệu chính thức sẽ chính xác.
Ông nói: “Nếu cả hai điều này đều không xảy ra, thì tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ đạt gần 3%”.