Tin thế giới sáng thứ Bảy

Thế giới đón năm mới 2022 dưới bóng đen Covid-19

Minh Anh

Ban tổ chức thử bật công tắc khởi động quả cầu “giao thừa” trên quảng trường Times Square (New Year’s Eve Times Square Ball) ngày 30/12/2021. AP – Ted Shaffrey

Các sinh hoạt lễ hội bị hủy hay phải chịu áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, các buổi hòa nhạc bị cấm, đêm giao thừa được tổ chức trong khuôn khổ gia đình : Thế giới chuẩn bị đón năm 2022, năm thứ ba của đại dịch của Covid-19, vào lúc các ca nhiễm mới bùng phát mạnh những ngày cuối năm 2021.

Được phát hiện lần đầu vào năm 2019, virus corona SARS-COV-2, gây bệnh Covid-19, từ hai năm qua, luôn là điểm nóng thời sự. Tính đến hôm nay, thế giới đã có hơn 5,4 triệu người chết. Đông đảo người nhiễm bệnh phải chịu cảnh cách ly, bị giới nghiêm, và hàng loạt các biện pháp xét nghiệm.

Đặc biệt, những ngày cuối năm 2021, biến thể Omicron bùng phát mạnh đã làm số ca nhiễm mới thường nhật trên thế giới lần đầu tiên vượt ngưỡng một triệu người, theo số liệu do AFP công bố ngày 30/12/2021. Omicron lan mạnh khiến nhiều nước phương Tây có hệ thống y tế được cho là vững chắc nhất cũng lao đao như Anh, Pháp, Mỹ và Úc…

Trong hoàn cảnh này, tại nhiều nơi trên thế giới, từ Seoul đến San Francisco, các lễ hội mừng năm mới đều bị hủy hay bị giảm quy mô. Nếu như Sydney (Úc), thành phố đầu tiên đón năm 2022, Times Square ở New York, Rio de Janeiro (Brazil) hay như Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất), vẫn duy trì lễ hội pháo hoa hay mừng mới, thì nhiều nơi khác ở châu Âu như Paris, đã hủy các chương trình mừng năm mới.

Ở châu Á, trước mối lo dịch bệnh bùng phát tại những nơi tụ tập đông người, lễ bắn pháo hoa ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam cũng bị đã hủy. Tại Singapore, tuy số ca nhiễm mới đang có xu hướng giảm, nhưng để tránh nguy cơ bệnh viện quá tải, chính quyền đảo quốc Đông Nam Á vẫn quyết định hạn chế các hoạt động mừng năm mới.

Từ Singapore, thông tín viên Quỳnh Nguyễn cho biết thêm chi tiết:

“Ngày 30/12, Singapore có 311 ca nhiễm covid mới. Trong số này, có 70 ca nhập cảnh và 33 ca cộng đồng nhiễm biến thể Omicron.

Tỉ lệ lây nhiễm hàng tuần hiện nay là 0,73. Nghĩa là nếu tuần trước có 100 ca mới, tuần này chỉ còn 73 trường hợp. Mục tiêu của Singapore là giữ được tỉ lệ này dưới 1, có nghĩa là số lượng ca nhiễm mới hàng tuần đang giảm. Từ cuối tháng 11, nhờ tỉ lệ lây nhiễm giảm, người dân Singapore đã được hưởng các biện pháp ngăn ngừa Covid nhẹ nhàng hơn : Được tiếp 5 người khách, được gặp gỡ nhóm 5 người ở nơi công cộng,

Tỉ lệ sử dụng giường ICU, chăm sóc tích cực, cũng được theo dõi sát sao và thông báo rõ ràng cho người dân. Tỉ lệ này hiện nay là khoảng 50%, đã giảm nhiều so với cuối tháng 10, có lúc lên đến gần 80%.

Khi bạn vướng phải bệnh hiểm nghèo, phải trải qua đại phẫu và nằm lại trong phòng ICU trong lúc Covid vẫn đang hoành hành, bạn sẽ cảm thấy rất may mắn khi đang sống ở một đất nước đầy kỷ luật. Chính phủ Singapore luôn áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo các bệnh viện không quá tải do covid.

Đêm giao thừa, sẽ không có màn bắn pháo hoa rực rỡ ở Marina Bay. Thay vào những bữa tiệc tưng bừng nhộn nhịp, mọi người sẽ tận hưởng khoảnh khắc kết nối yêu thương cùng những người thân thiết. Người dân Singapore vẫn tin tưởng và đồng lòng cùng chính phủ để vượt qua đại dịch.”

2021: Số doanh nghiệp Trung Quốc phá sản gấp hơn 3 lần số đăng ký mới

Đặng Trần

Tiêu dùng trì trệ, kinh tế Trung Quốc phục hồi không mấy khả quan

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thay đổi một số chính sách kinh tế, nhất là các chính sách đối với bất động sản, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển mạnh trong quá khứ ở Trung Quốc đã gặp phải những sóng gió kinh tế lớn trong năm 2021.

Các phương tiện truyền thông của Alibaba cho biết, tính tới tháng 11 năm 2021, 4,37 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc đã phải đóng cửa và lần đầu tiên sau 20 năm số doanh nghiệp phá sản gấp 3 lần số doanh nghiệp đăng ký mới. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng GDP quý 4 năm 2021 có thể giảm xuống dưới 4%.

Trung bình mỗi tháng của năm 2021 có 397.400 công ty siêu nhỏ và nhỏ đóng cửa, vượt qua con số 370.700 doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ đóng cửa được tính trung bình hàng tháng trong năm ngoái.

Trong 11 tháng đầu năm nay, chỉ có 1,32 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa mới ở Trung Quốc đăng ký kinh doanh, thấp hơn nhiều so với con số 6,13 triệu vào năm ngoái.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ được coi là xương sống của nền kinh tế Trung Quốc, chiếm một nửa nguồn thu thuế, 60% GDP và 80% việc làm ở thành thị của Trung Quốc.

Zhang Zhiwei, chuyên gia kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management, cho rằng số liệu thống kê về các doanh nghiệp Trung Quốc phá sản không có gì đáng ngạc nhiên, nó một lần nữa chứng tỏ rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại quốc gia đông dân nhất thế giới đang chịu áp lực rất lớn để tồn tại.

Nicaragua sẽ bị kiện vì tịch thu tài sản của Đài Loan chuyển cho ĐCSTQ

Viễn Triết

Tổng thống Nicaragua theo đường lối cánh tả Daniel Ortega (ảnh: Từ video của AGENCIA EFE)

Sau khi quay sang thiết lập quan hệ ngoại giao với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), chính quyền Nicaragua đã thu giữ tài sản của Đài Loan và chuyển cho Bắc Kinh. Đài Loan tuyên bố, họ sẽ thực hiện các vụ kiện theo luật pháp quốc tế để bảo vệ tài sản của mình và buộc Nicaragua phải chịu trách nhiệm về các hành vi sai trái.

Tổng thống Nicaragua theo đường lối cánh tả Daniel Ortega đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan vào Ngày Nhân quyền Quốc tế 10/12. Truyền thông Nicaragua đưa tin rằng ông Ortigia tuyên bố rằng dựa trên “Nguyên tắc Một Trung Quốc”, đại sứ quán cũ của chính phủ Đài Loan tại Nicaragua bị tịch thu tài sản và các tài sản này sẽ được giao cho chính quyền Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Đài Loan vào ngày 30/12 tuyên bố rằng cơ sở và tài sản của Đại sứ quán Đài Loan trước đây tại Cộng hòa Nicaragua là tài sản ngoại giao được mua hợp pháp bởi chính phủ Trung Hoa Dân Quốc kể từ năm 1990. Theo Điều 45 của Công ước về quan hệ ngoại giao, các bên phải tôn trọng và bảo vệ tài sản đại sứ quán của nhau sau khi cắt đứt quan hệ.

Bộ Ngoại giao Đài Loan nói rằng họ cực lực lên án việc chế độ độc tài ở Nicaragua sử dụng bất hợp pháp quyền lực nhà nước để can thiệp vào việc chuyển giao hợp pháp tài sản ngoại giao của Trung Hoa Dân Quốc, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và Đài Loan nghiêm túc yêu cầu chính phủ Nicaragua sửa sai.

Bộ Ngoại giao Đài Loan tái khẳng định rằng Trung Hoa Dân Quốc có chủ quyền và độc lập, không liên quan với chế độ của ĐCSTQ chuyên chế. .

Cuối cùng, Bộ Ngoại giao Đài Loan nói rằng “Chính phủ độc tài toàn trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc và chế độ độc tài Daniel Ortega vào thời điểm này đã tự ý và bất hợp pháp chiếm giữ tài sản mà đất nước chúng tôi đã bán cho Giáo hội Công giáo ở Nicaragua, được kiểm soát bởi trật tự luật pháp quốc tế dựa trên các quy tắc”.

Quân đội Trung Quốc và Mỹ nối lại đàm phán về an toàn hàng hải

Hai hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan (CVN 76) trên Biển Đông, ảnh chụp ngày 06/07/2020. AP – Mass Communication Specialist 2nd Class Samantha Jetzer

Phát ngôn viên của quân đội Trung Quốc vào hôm qua 30/12/2021, cho biết, Trung Quốc và Mỹ đã nối lại các cuộc đàm phán về an toàn hàng hải vào giữa tháng 12/2021. Nhân dịp này, Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ ngừng điều tàu và máy bay đến Biển Đông.

Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc, đại tá Đàm Khắc Phi (Tan Kefei), được báo South China Morning Post trích dẫn, cho biết, đại diện của lực lượng không quân và hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã có cuộc họp trực tuyến kéo dài 3 ngày, từ 15 đến 17/12 vừa qua, với các đối tác Mỹ thuộc Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương, Hạm đội Thái Bình Dương và Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Hoa Kỳ liên quan đến Hiệp định Tham vấn Hàng hải Quân sự (MMCA).

Hiệp định MMCA được ký để tăng cường an toàn hàng hải quân sự và giảm thiểu rủi ro va chạm giữa lực lượng Mỹ và Trung Quốc, kể cả ở Biển Đông.

Quân đội hai nước đã gặp nhau thường xuyên kể từ năm 1998, nhưng cuộc họp dự kiến vào năm ngoái đã bị hủy bỏ, với việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc không thiện chí, còn hải quân Trung Quốc tố cáo Mỹ đã bóp méo sự thật.

Tại cuộc họp năm nay, quân đội hai nước đã xem xét việc thực hiện Quy tắc ứng xử vì an toàn tránh các cuộc đụng độ hàng không và hàng hải, được ký kết vào năm 2015, và thảo luận về “các biện pháp cải thiện an toàn hàng hải quân sự Trung-Mỹ”.

Hôm 30 tháng 12, Trung Quốc cho biết “giải pháp cơ bản” để ngăn ngừa rủi ro quân sự là Mỹ nên ngừng các hoạt động của họ ở các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Còn Bộ Tư lệnh Ấn Độ -Thái Bình Dương của Mỹ tuyên bố rằng MMCA đóng vai trò như một “hàng rào bảo vệ” để giảm nguy cơ đụng độ quân sự trên không và trên biển, đồng thời giúp hai nước quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm.

Từ lâu, Mỹ đã chỉ trích các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc trong các vùng biển đang có tranh chấp với các nước khác trong khu vực.

Liên Âu sẵn sàng tăng cường trừng phạt và cấm vận vũ khí đối với Miến Điện

Thùy Dương

Cảnh tàn phá tại thị trấn Hpruso, bang Kayah (Miến Điện) ngày 24/12/2021. Ảnh do Lực Lượng Phòng Vệ Quốc Gia Karen (KNDF) cung cấp. Quân đội chính phủ Miến Điện bị cáo buộc tấn công sát hại 35 thường dân. © AP

Sau Hoa Kỳ, đến lượt Liên Hiệp Châu Âu ngày 30/12/2021 thông báo ủng hộ việc áp đặt lệnh cấm vận quốc tế về vũ khí đối với Miến Điện và sẵn sàng bổ sung các biện pháp trừng phạt nhắm vào tập đoàn quân sự Miến Điện.

Châu Âu tỏ ra có lập trường cứng rắn bởi vì chín quyền quân sự Miến Điện, ngày 24/12 đã gây ra thảm sát, thiêu sống ít nhất 35 thường dân, trong đó có nhiều trẻ em, phụ nữ và 2 thành viên của tổ chức phi chính phủ Save The Children.

Trong một thông cáo báo chí, lãnh đạo ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu, Josep Borrell tuyên bố: “Đối mặt với bạo lực leo thang ở Miến Điện, cần có các hành động phòng ngừa bổ sung ở cấp quốc tế, kể cả lệnh cấm vận vũ khí” có thể do Liên Hiệp Quốc công bố.

Bruxelles đã ngăn chặn việc bán vũ khí và các thiết bị mà tập đoàn quân sự Miến Điện có thể sử dụng phục vụ cho các cuộc trấn áp trong nước. Liên Âu cũng cấm xuất khẩu các mặt hàng lưỡng dụng dành cho quân đội và lực lượng cảnh sát biên phòng Miến Điện.

Lãnh đạo ngành ngoại giao châu Âu hôm qua còn nhấn mạnh: “Nhắm vào thường dân và những người hoạt động trong lĩnh vực cứu trợ nhân đạo là điều không thể chấp nhận được, đó rõ ràng là sự vi phạm nhân quyền và luật pháp quốc tế (…). Liên Hiệp Châu Âu sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung chống chế độ quân sự” Miến Điện.

AFP nhắc lại : Sau vụ đảo chính hôm 01/02/2021 và các vụ đàn áp thường dân đã đẩy Miến Điện vào cảnh hỗn loạn, Bruxelles đã đưa khoảng 30 người và 6 thực thể vào một “danh sách đen”, cấm nhập cảnh vào Liên Âu và phong tỏa tài sản của những cá nhân và thực thể có liên quan. Liên Âu cũng đã quyết định tiếp tục phong tỏa các khoản tài trợ trực tiếp cho chính phủ Miến Điện và ngưng hoàn toàn các hoạt động trợ giúp có thể góp phần hợp thức hóa chính quyền Naypyidaw.

Sau khi thông tin về vụ thảm sát được loan báo, Hoa Kỳ, quốc gia từ lâu nay đã hạn chế bán vũ khí cho tập đoàn quân sự Naypyidaw, hôm thứ Ba 28/12 lại tiếp tục kêu gọi quốc tế thông qua lệnh cấm vận vũ khí đối với Miến Điện.

Iran phóng tên lửa mang thiết bị vào không gian

Phan Minh

Tên lửa Simorgh được phóng đi từ một căn cứ của Iran. Ảnh do bộ Quốc Phòng Iran công bố ngày 30/12/2021. © REUTERS – WANA NEWS AGENCY / Ministère de la Défense

Hôm 30/12/2021, bộ Quốc Phòng Iran cho biết đã phóng một tên lửa mang ba thiết bị nghiên cứu vũ trụ vào không gian, một dự án có thể bị phương Tây chỉ trích vào lúc các cuộc đàm phán hạt nhân đang được tiến hành.

Đài truyền hình quốc gia Iran chiếu nhanh cảnh một tên lửa được phóng từ một địa điểm trên sa mạc, đồng thời ca ngợi “một thành tựu mới của các nhà khoa học Iran.”  

Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Iran Ahmad Hosseini cho biết : “Các mục tiêu nghiên cứu được lên kế hoạch cho vụ phóng tên lửa này đã thành công. Đây là một vụ phóng sơ bộ và chúng tôi sẽ có những đợt phóng thử nghiệm trong tương lai gần”.  

Từ Teheran, thông tín viên Siavosh Ghazi cho biết thêm:

Theo phát ngôn viên của bộ Quốc Phòng Iran, tên lửa Simorgh đã đưa  3 thiết bị, nhằm mục đích nghiên cứu, vào không giab ở độ cao 470 km so với trái đất. Ông không cho biết thêm chi tiết.

Vụ phóng tên lửa này diễn ra trong bối cảnh Iran đang có các cuộc đàm phán hạt nhân với các cường quốc nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Các cuộc đàm phán này đang diễn ra rất chậm chạp trong khi Hoa Kỳ, các nước châu Âu và Israel khẳng định rằng Iran đang đẩy nhanh chương trình hạt nhân và trong vài tuần tới, sẽ trở thành một quốc gia đạt ngưỡng có vũ khí hạt nhân.. Nghĩa là Iran sẽ đủ khả năng chế tạo vũ khí nguyên tử.

Trong quá khứ, các nước phương Tây đã thường xuyên lên án các hoạt động của Iran trong không gian, và khẳng định rằng Teheran sử dụng công nghệ tương tự để làm tăng tầm bắn của các tên lửa quân sự.

Vụ phóng tên lửa mới này cũng diễn ra vào lúc Iran thực hiện các cuộc diễn tập quân sự cách đây vài ngày, trong đó 16 tên lửa đã phá hủy một mô hình căn cứ hạt nhân Dimona của Israe

Các nhà chức trách quân sự Iran đã khẳng định rằng các cuộc diễn tập này nhằm đáp trả những mối đe dọa của Israel nhắm vào các địa điểm hạt nhân của Teheran. 

Related posts