Du Miên
Niềm tin rằng mềm mỏng với những hành vi vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh sẽ dẫn đến cải cách ở Trung Quốc đã không chỉ xác thực cách tiếp cận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các nhóm tín ngưỡng như Pháp Luân Công, mà còn cho phép nước này lặp lại những hành vi tàn bạo, một bài báo được xuất bản bởi Viện Macdonald-Laurier (MLI) cho biết.
Được MLI xuất bản vào ngày 10/12, bài báo nhấn mạnh rằng, các chính trị gia đã lựa chọn con đường dễ dàng hơn khi đối mặt với các vấn đề liên quan đến Pháp Luân Công. Tác giả bài viết lập luận: “Đối với các nhà ngoại giao đang tìm cách thúc đẩy các chương trình nghị sự phức tạp và nhiều mặt với Trung Quốc, cuộc bức hại Pháp Luân Công được hiểu là con đường thứ 3”. Họ giải thích: “Khi nhắc đến một số hình thức đàn áp khác, [thì Đảng] Cộng sản Trung Quốc sẽ đưa ra những lời phủ nhận và biện minh. Khi nói về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, [thì] những người [này] nổi cơn thịnh nộ và bước ra khỏi phòng”.
Luật sư nhân quyền nổi tiếng người Canada là ông David Matas và chuyên gia nhân quyền Caylan Ford đã cùng viết bài báo “Hãy mở to mắt chúng ta để xem chừng cỗ máy đàn áp của Trung Quốc” (Keeping Our Eyes Open to China’s Machinery of Repression). Trong bài báo, hai tác giả viết: “Các chính phủ kế nhiệm của Canada và các chính phủ khác trên thế giới đã tự thuyết phục rằng, động thái nhẹ nhàng đối với những hành động tàn bạo bằng cách nào đó sẽ khuyến khích cải cách ở Trung Quốc. Thay vào đó, bộ máy áp bức được xây dựng để đè bẹp Pháp Luân Công đã di căn, trở thành một điểm đặc trưng lâu dài trong bộ máy quản trị của Đảng Cộng sản [Trung Quốc]”.
Họ nói thêm: “Với những rủi ro này, có vẻ đơn giản và hiệu quả hơn nhiều nếu chỉ tập trung vào những thứ khác”.
Theo như trích dẫn trong bài báo, Giáo sư lịch sử Trung Quốc Arthur Waldron tại Đại học Pennsylvania đã nhận xét rằng, Bắc Kinh đặt Pháp Luân Công vào vị trí hàng đầu trong các mục tiêu bức hại của họ. Trong một bài báo do Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp xuất bản vào tháng 7/2007, ông nói: “Pháp Luân Công không đơn giản nằm trong danh sách đen của Bắc Kinh. Tên của [pháp môn] được ghi bằng chữ với thứ mực đen nhất”.
Mặc dù vào ngày 8/12, Canada tuyên bố sẽ tham gia cùng với Hoa Kỳ, Úc và Anh trong một cuộc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội mùa đông Olympic 2022 sắp tới ở Bắc Kinh, nhưng đó là một “biện pháp nửa vời rõ ràng”, 2 tác giả Matas và Ford đánh giá. Họ lý luận rằng, mặc dù cuộc tẩy chay ngoại giao nhằm thể hiện sự không hài lòng của chính phủ Canada đối với những hành vi vi phạm nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đặc biệt là đối với những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ thiểu số ở Tân Cương, nhưng mọi chuyện đã đến “quá muộn”.
Luật sư và chuyên gia nhân quyền viết: “Những người lập luận rằng chúng ta không được tham gia ‘Thế vận hội diệt chủng’ ở Bắc Kinh quên một điều quan trọng: chúng ta đã tham gia rồi. Thế vận hội Mùa hè Olympic Bắc Kinh 2008 cũng diễn ra với hậu trường đầy rẫy những [hành vi] man rợ. Sự thành công của những kỳ vận hội đó, và phản ứng im lặng của cộng đồng quốc tế đối với những hành vi vi phạm nhân quyền xung quanh chúng, được Bắc Kinh hiểu như một sự xác thực cho cách tiếp cận của họ và như một giấy phép để lặp lại nó”.
Các tác giả trích dẫn các phát hiện từ báo cáo thường niên năm 2008 của Ủy ban Chấp hành của Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc, trong đó ghi nhận hơn 8.000 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giữ từ tháng 12/2007 đến cuối tháng 6/2008 trong một cuộc đàn áp trên toàn Trung Quốc, trước kỳ Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008. Một báo cáo khác của Tổ chức Ân xá Quốc tế vào năm 2008 ghi nhận, ít nhất 100 người trong số họ đã chết do bị đối xử tệ bạc khi bị giam giữ.
Tài liệu này cho biết: “Điều này đôi khi xảy ra trong khoảng cách đi bộ giữa các địa điểm tổ chức Olympic và các địa danh lớn”.
Chiến dịch bức hại Pháp Luân Công do cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân phát động vào tháng 7/1999, nhằm vào 100 triệu người đang tập luyện Pháp Luân Công ở Trung Quốc cũng như người thân, bạn bè và đồng nghiệp của họ.
Hai tác giả Matas và Ford viết: “Trong các nhà tù, trại lao động cưỡng bức và trung tâm cải tạo, họ phải chịu những thủ đoạn áp lực cao để cưỡng bức ‘chuyển hóa’ tâm trí của họ, bao gồm đánh đập, gây thiếu ngủ, làm nhục tình dục và cưỡng hiếp, bị trói trong tư thế căng người, sốc điện bằng roi điện, và tiêm thuốc thần kinh không rõ nguồn gốc”.
ĐCSTQ cũng thành lập Phòng 610 – một lực lượng cảnh sát đặc nhiệm ngoài vòng pháp luật. Tổ chức này đã huy động các phương tiện truyền thông, cơ quan tư pháp, lực lượng an ninh và tất cả các tổ chức đảng và nhà nước dưới quyền kiểm soát của ĐCSTQ để thực hiện cuộc bức hại chống lại nhóm tín ngưỡng Pháp Luân Công trong 2 thập kỷ qua.
Vào năm 2006, những người tố giác tại Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo rằng, sự mở rộng nhanh chóng của ngành công nghiệp cấy ghép nội tạng vì lợi nhuận của Trung Quốc được thúc đẩy bởi nguồn nội tạng được thu hoạch từ các tù nhân lương tâm Pháp Luân Công. Sau đó, nhiều cuộc điều tra, trong đó bao gồm một cuộc điều tra do luật sư Matas và cựu nghị sĩ Canada David Kilgour thực hiện, dường như đã xác nhận các cáo buộc này, tờ báo cho biết. Các tác giả cũng nhắc đến một tòa án độc lập gồm các học giả và luật gia, những người vào năm 2019 cũng đã kết luận trong cuộc điều tra của họ rằng, nội tạng được thu hoạch từ những học viên Pháp Luân Công mà không có sự cho phép của họ là nguồn cung cấp chính cho lĩnh vực cấy ghép tạng béo bở của Trung Quốc.
Các tác giả lập luận rằng, lý do ĐCSTQ muốn “tiêu diệt hoàn toàn” Pháp Luân Công là bởi vì nó không thể dung thứ cho bất kỳ niềm tin nào không phù hợp với hệ tư tưởng cộng sản, vô thần của mình.
Luật sư và chuyên gia nhân quyền khẳng định: “Niềm tin tôn giáo là mối đe dọa đối với những người theo chủ nghĩa toàn trị ở khắp mọi nơi, bởi vì họ không thể phủ nhận ý tưởng rằng bất kỳ quyền lực nào – đặc biệt là quyền lực thần thánh – đứng trên quyền lực của họ. Không thể có lòng trung thành nào ngoại trừ lòng trung thành với [ĐCSTQ], không gì có ý nghĩa ngoại trừ điều do [ĐCSTQ] quy định, không có chân lý nào không thể thay đổi bằng pháp luật hoặc vũ lực”.
Các tác giả nhấn mạnh: “Thực tế này không chỉ giải thích lý do tại sao Đảng Cộng sản [Trung Quốc] tìm cách tiêu diệt Pháp Luân Công, mà còn là lý do tại sao nó đàn áp Phật tử Tây Tạng, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, người Công giáo tín đạo và thành viên của các nhà thờ Tin lành ngầm”.
Tuy nhiên, hầu hết người Canada không biết gì về việc ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc, 2 tác giả Matas và Ford nói. Họ đồng thời bổ sung rằng, các nhà lãnh đạo chính trị ở Canada hiếm khi thừa nhận điều đó. Bên cạnh các chính trị gia, bài báo còn nhắc đến một số hãng truyền thông của Canada và Hoa Kỳ đã đưa tin về “những câu chuyện mũi nhọn hoặc bị kiểm duyệt” về chiến dịch bức hại, có thể do áp lực từ chế độ Trung Quốc.
Bài viết nêu rõ: “Nói rộng ra, có vẻ như truyền thông khó có thể động chạm đến câu chuyện này nếu họ muốn tiếp tục hoạt động ở Trung Quốc”. Các học giả Trung Quốc cũng có nguy cơ bị từ chối cấp thị thực vào Trung Quốc, nếu họ viết về Pháp Luân Công theo cách không vừa ý ĐCSTQ. Các tác giả cho rằng, một lý do khác là do tên của Pháp Luân Công và những người ủng hộ đức tin đã bị che khuất khi cuộc bức hại bắt đầu.
Các tác giả cho biết: “Vào thời điểm bắt đầu đàn áp ở Trung Quốc, nhóm này hầu như không được biết đến ở phương Tây. Họ không có được nguồn vốn xã hội đáng kể, có ít mạng lưới hoặc kết nối, và không có khu vực bầu cử tự nhiên nào mà họ có thể kêu gọi hỗ trợ”. Các nhà hoạt động nhân quyền nói thêm rằng, do những rào cản về ngôn ngữ và văn hóa mà các học viên Pháp Luân Công phải đối mặt, và việc thiếu một cơ chế thích hợp để tổ chức một chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng hiệu quả, nhiều người không biết pháp môn tu luyện này là gì và những hành động tàn ác mà ĐCSTQ đang gây ra ở Trung Quốc.
Cũng có những người không sẵn sàng “đương đầu với thực tế” rằng, một cuộc đàn áp quy mô lớn như vậy đang tồn tại trong xã hội ngày nay. Hai tác giả Matas và Ford viết: “Bất chấp những chiều sâu của sự sa đọa đã thấy trong Holocaust, vẫn còn một niềm tin ngây thơ rằng những hành động tàn bạo này — sự giết người hàng loạt đã được công nghiệp hoá bởi một xã hội tiên tiến đối với một nhóm người vô tội — không thể xảy ra”.
Các tác giả nhấn mạnh rằng, cho dù đó là cuộc bức hại người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ hay những người theo đạo Cơ đốc tín tâm, nó được thực hiện bởi “nhiều người, với cùng một thủ đoạn, mà Pháp Luân Công đã phải chịu đựng trong nhiều thập kỷ”. Họ nói: “Những người phớt lờ cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công trong nhiều thập kỷ nay không thể tự nhận là bản thân thấy ngạc nhiên”.