Đặng Trần
Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc, năm quốc gia có vũ khí hạt nhân, ngày 3/1, ra tuyên bố chung thống nhất ngăn chặn chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên, truyền thông Mỹ cho rằng khó có được điều này vì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Nga vẫn đang gia sức phát triển vũ khí hạt nhân.
Hãng tin AP cho rằng trong bối cảnh ĐCSTQ và Nga liên tục mở rộng kho vũ khí hạt nhân, đồng thời Bắc Kinh không ngừng gây sức ép lên Đài Loan, và Nga cũng làm điều tương tự với Ukraine, thì khó có khả năng để Mỹ thu hẹp kho vũ khí hạt nhân của mình.
Ngoài ra, người Mỹ đang tỏ ra ngày càng lo ngại trước tham vọng bá chủ của ĐCSTQ. Sức ép từ bên trong Hoa Kỳ đang khiến chính quyền Biden phải dè dặt trong các quyết định liên quan tới việc giảm phát triển vũ khí hạt nhân.
Các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội tin rằng nếu chính quyền Biden thay đổi chính sách vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ, thì việc này không khác gì tặng quà cho các đối thủ hạt nhân như Trung Quốc hay Nga.
Vào tháng 3 năm 2021, Nhà Trắng ban hành hướng dẫn tạm thời về an ninh quốc gia. Chính quyền Biden tuyên bố rằng Trung Quốc và Nga đã thay đổi “sự phân bổ quyền lực trên toàn cầu”.
Bản hướng dẫn cho biết: “Cả Bắc Kinh và Moscow đều đã đầu tư mạnh mẽ để đối trọng với sức mạnh của Mỹ và ngăn cản chúng ta bảo vệ lợi ích của mình và các đồng minh trên toàn cầu”.
Vào mùa hè năm 2021, các hình ảnh vệ tinh cho thấy ĐCSTQ đã xây dựng 120 hầm chứa mới cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) gần Yumen, một thành phố sa mạc ở tây bắc Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tốc độ phát triển nhanh chóng các kho vũ khí hạt nhân của ĐCSTQ, cho thấy Bắc Kinh không muốn tuân thủ các hiệp ước về phát triển các loại vũ khí có mức độ răn đe tối thiểu.
Vào tháng 11/2021, Lầu Năm Góc đã công bố báo cáo sức mạnh quân sự của ĐCSTQ. Báo cáo chỉ ra rằng Bắc Kinh có thể có 700 đầu đạn hạt nhân vào năm 2027 và 1.000 đầu đạn hạt nhân vào năm 2030, gấp hơn hai lần con số ước tính vào năm 2020.