Đông Phương
Kể từ khi xuất hiện COVID-19, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng thắt chặt chi tiêu, tình trạng tiêu dùng suy yếu đã kéo nền kinh tế Trung Quốc đi xuống. Theo phân tích của báo chí nước ngoài, hiện tượng này sẽ không có dấu hiệu giảm bớt trong năm 2022.
Giống như thị trường bất động sản, tiêu dùng là một trong hai lĩnh vực mà các nhà kinh tế lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Các quan chức Bắc Kinh đã cảnh báo tại cuộc họp về quy hoạch kinh tế vào tháng 12/2021 rằng, Trung Quốc đang phải đối mặt với “3 áp lực cùng đè nặng” là “nhu cầu suy giảm, nguồn cung bóp nghẹt và kỳ vọng suy yếu”.
Mặc dù Trung Quốc tuyên bố rằng nền kinh tế năm 2020 nhìn chung có sự tăng trưởng, nhưng doanh số bán lẻ ở nước này lại giảm. So với năm 2020, doanh thu bán lẻ quý I năm 2021 tăng mạnh nhưng tốc độ tăng đã chậm lại kể từ mùa hè. Tuy vậy, doanh thu bán lẻ của 11 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2020.
CNBC phân tích hôm 30/12 rằng, sự bất ổn trong công việc và thu nhập của người dân Trung Quốc đã làm giảm mức độ sẵn sàng tiêu dùng của họ. Các khoản nợ lớn của các nhà phát triển bất động sản như Evergrande cũng khiến một số gia đình chùn tay trên thị trường này.
Doanh số bán lẻ của Hong Kong cũng giảm trong năm 2019 và 2020. Do sự đàn áp của Bắc Kinh đối với phong trào dân chủ, nền kinh tế địa phương đã bị nhiễu loạn, cho nên trước khi xuất hiện đại dich COVID-19, Hong Kong đã xảy ra hiện tượng thu hẹp kinh tế. Các nhà chức trách Hong Kong đã tung ra chương trình phiếu quà tặng (voucher) mới nhất vào tháng 8/2021, với hy vọng sẽ kích thích nền kinh tế.
Dự đoán của các nhà phân tích
Theo ước tính của các nhà phân tích Goldman Sachs, dựa trên phân chia về ngành, người tiêu dùng đang chi tiêu nhiều hơn cho thực phẩm và quần áo, thay vì các dịch vụ như giáo dục và giải trí. Họ dự đoán chênh lệch tiêu dùng giữa hàng hóa và dịch vụ sẽ giảm nhẹ trong năm 2022.
Nhưng các nhà phân tích cho rằng, ngay cả khi họ dự đoán rằng tiêu dùng thực tế của các hộ gia đình sẽ tăng 7% trong năm nay, thì “vào cuối năm 2022, nó vẫn sẽ thấp hơn so với trước khi có dịch”. Họ cho rằng chính sách “không khoan nhượng” Covid-19 và sự suy thoái trong ngành bất động sản của Trung Quốc là những lý do chính.
Bất động sản Trung Quốc là tiêu điểm
Từ mùa hè năm 2021, tình trạng khó khăn trên thị trường bất động sản Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư toàn cầu. Evergrande và các nhà kinh doanh địa ốc Trung Quốc khác đang trên bờ vực vỡ nợ. Tình trạng này làm dấy lên lo ngại về các vụ đổ vỡ bất động sản hàng loạt trên quy mô toàn cầu.
Ông Larry Hu là nhà kinh tế hàng đầu về Trung Quốc tại Macquarie – một công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng đầu tư độc lập đa quốc gia của Úc. Trong một báo cáo, ông nói rằng, bất động sản là “cơn gió tăng trưởng ngược chiều lớn nhất của năm 2022”. Ông dự đoán, trong năm 2022, sự suy giảm về diện tích bán và cắt giảm xây dựng nhà ở mới sẽ diễn ra với tốc độ nhanh hơn. Trên thực tế, đầu tư vào bất động sản năm 2021 đã giảm 2%, trước đó mức tăng trưởng dự kiến là 4,8%.
Nhà kinh tế về Trung Quốc của Macquarie nói: “Chính sách bất động sản có thể được nới lỏng vào một thời điểm nào đó trong năm tới (2022), bởi vì chúng tôi dự đoán các nhà hoạch định chính sách sẽ bảo vệ mức tăng trưởng GDP 5%”. “Rủi ro ở chỗ, có thể họ sẽ phản ứng quá muộn, bởi vì họ không nguyện ý dùng tài sản làm công cụ kích thích”.
Nhà đầu tư bất động sản trì hoãn giao dịch do giá tiếp tục giảm
Fitch Ratings Inc, cơ quan xếp hạng tín dụng của Mỹ, cho biết trong một báo cáo vào nửa cuối tháng 12/2021: “Tâm lý thị trường suy yếu cũng đã ảnh hưởng đến doanh số bán nhà ở và người mua đang trì hoãn giao dịch do giá tiếp tục giảm”. Công ty này dự kiến giá bán nhà sẽ giảm 15% trong năm 2022.
“Chúng tôi dự đoán việc cắt giảm hoạt động xây dựng bất động sản sẽ ảnh hưởng đến các ngành liên quan như gang thép, quặng sắt và luyện than cốc. Về tổng thể sẽ làm chậm lại việc đầu tư tài sản cố định và thậm chí gây áp lực lên các tổ chức tài chính”, Fitch Ratings nói.
Về chính sách kinh tế năm 2022, Bắc Kinh nhấn mạnh “đặt ổn định lên hàng đầu” khi nói về “ba áp lực”. Các nhà phân tích cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc đang bước vào một mùa đông lạnh giá và triển vọng kinh tế năm 2022 cũng vô cùng tồi tệ; cả chính quyền Trung Quốc cũng rất lo lắng sẽ xảy ra biến động kinh tế trong năm nay.
Đông Phương