Du Miên
Hôm 5/1, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã giao lệnh điều động năm nay cho quân đội của ĐCSTQ, trong đó yêu cầu lực lượng này phải phát triển thành một lực lượng tinh nhuệ có khả năng chiến thắng bất kỳ cuộc chiến nào.
Theo hãng thông tấn Tân Hoa xã của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), lệnh này nêu rõ: “Các lực lượng vũ trang phải theo sát sự biến hóa của công nghệ, chiến tranh và các đối thủ, nỗ lực gấp đôi để kết hợp tốt hơn giữa huấn luyện với tác chiến, tăng cường huấn luyện có hệ thống và sử dụng công nghệ để phát triển một lực lượng tinh nhuệ đủ sức chiến đấu và chiến thắng trong chiến tranh”.
Hiện ông Tập vừa là Tổng bí thư ĐCSTQ, vừa là người đứng đầu quân đội của ĐCSTQ với tư cách là Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Kể từ năm 2018, hàng năm ông đều đã ban hành lệnh tổng động viên cho quân đội Trung Quốc. Các lệnh này báo hiệu ưu tiên của các lực lượng vũ trang Trung Quốc, và khởi xướng định hướng huấn luyện toàn quân cho năm tới.
Các mệnh lệnh của ông Tập trong năm 2022 được đưa ra khi ĐCSTQ có cách tiếp cận ngày càng hung hăng hơn đối với các mối quan hệ quốc tế, đồng thời với việc quan hệ giữa chế độ Trung Quốc và trật tự quốc tế ngày càng xấu đi.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập đã thực hiện các cải cách sâu rộng trên toàn xã hội Trung Quốc, bao gồm cả một cuộc tái cơ cấu lớn của quân đội, bắt đầu vào năm 2015. Quá trình tái cơ cấu đó vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Ông Tập vẫn đang nỗ lực để thắt chặt đáng kể quyền kiểm soát cá nhân của mình đối với quyền lãnh đạo quân đội trong thời gian quyền lực của ông còn hiệu lực. Ông đã thăng chức cho ít nhất 58 tướng lĩnh trung thành với mình và đồng tình với những cải cách của ông.
Lệnh huy động tập trung vào công nghệ cũng diễn ra sau việc ĐCSTQ ký một tuyên bố chung vào đầu tuần này với các thành viên khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trong đó, lãnh đạo ĐCSTQ cho biết, chế độ này tin rằng cần phải ngăn chặn sự lan rộng hơn nữa của vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, ngay sau khi tuyên bố được đưa ra, một quan chức Trung Quốc khẳng định, Bắc Kinh sẽ tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình và sẽ không cắt giảm cho đến khi Hoa Kỳ và Nga có ít đầu đạn hạt nhân hơn Trung Quốc.
Hoa Kỳ ngày càng cảnh giác với khả năng quân sự ngày càng bành trướng của chế độ Trung Quốc. Những khả năng này bao gồm các cuộc đấu thầu mới để mua máy bay trực thăng tấn công của Nga, sự mở rộng của lực lượng hải quân Trung Quốc, số lần xâm nhập kỷ lục của máy bay quân sự Trung Quốc vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, mô phỏng cuộc xâm lược Đài Loan và thử nghiệm vũ khí siêu thanh vào tháng Bảy.
Đáp lại, Lầu Năm Góc cho biết, chiến lược an ninh quốc gia sắp tới của Hoa Kỳ sẽ tập trung vào việc phát triển các liên minh và quan hệ đối tác toàn cầu, trong khi coi chế độ Trung Quốc là một “thách thức về tốc độ”.
Do đó, Hoa Kỳ đang mở rộng tầm ảnh hưởng quân sự của mình ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và tăng cường luân chuyển quân đến các quốc gia đồng minh. Đồng thời, nước Mỹ còn đang theo đuổi việc gia tăng các hoạt động đa phương và các diễn đàn ngoại giao với các đồng minh và đối tác thông qua các kênh như AUKUS và Đối thoại An ninh Tứ giác (QUAD), vốn được coi là quan trọng đối với việc duy trì quyền lực của Hoa Kỳ trong khu vực.
Vào tháng 12/2021, quân đội Hoa Kỳ đã giới thiệu phần mềm mới để giúp dự đoán các hành động của họ có thể kích động sự tức giận của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc như thế nào. Cuối cùng nhằm mục đích giúp giới lãnh đạo Mỹ tránh khỏi sự phẫn nộ của ĐCSTQ, phần mềm này đã được một số nhà phê bình gọi là “ứng dụng xoa dịu”.