J.M. Phelps
Một nhà phân tích cho biết chính quyền Trung Quốc đang hoàn thiện khả năng gây ảnh hưởng đến người dùng mạng xã hội thông qua việc phổ biến các nội dung tuyên truyền và thông tin sai lệch.
Tháng 12/2021, Twitter đã xóa 2,160 tài khoản có liên quan đến các chiến dịch thông tin của Trung Quốc. Hầu hết các tài khoản này đã bị xóa vì chúng đã “khuếch đại” câu chuyện của Đảng Cộng sản Trung Quốc để bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Twitter cho biết.
Năm ngoái (2021), Facebook cũng đã lưu ý đến các hoạt động khác nhau tại Trung Quốc khi họ nhận được thông báo về một tài khoản giả làm một nhà sinh vật học người Thụy Sĩ tên là Wilson Edwards. Theo các bài đăng trên Twitter và Facebook của nhà sinh vật học giả mạo này, “Hoa Kỳ đang gây áp lực lên các nhà khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới đang nghiên cứu nguồn gốc của COVID-19 trong nỗ lực đổ lỗi loại virus này cho Trung Quốc.”
Các cơ quan truyền thông nhà nước của Trung Quốc, trong đó có Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) và Nhân dân Nhật báo (People’s Daily), sau đó đã bắt đầu đăng các bài trích dẫn từ nhà khoa học giả mạo này với tiêu đề về những nỗ lực bị cáo buộc là “đe dọa” từ phía Hoa Kỳ. Khi đại sứ quán Thụy Sĩ tại Bắc Kinh thông báo rằng không hề có công dân Thụy Sĩ nào có tên như vậy, thì Facebook mới phát hiện tài khoản đó là giả mạo, được tạo chưa đầy 12 giờ trước khi bắt đầu đăng về đại dịch này. Tháng 11/2021, Facebook đã phản ứng bằng cách xóa hơn 600 tài khoản có liên quan đến chiến dịch thông tin sai lệch này của Trung Quốc.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tham gia một chiến dịch rộng rãi, đa dạng nhằm tác động đến các nhà hoạch định chính sách, công ty, học giả, truyền thông, và dư luận của Hoa Kỳ nhằm điều chỉnh chính sách của Hoa Kỳ cho phù hợp với lợi ích của Trung Quốc,” một phát ngôn viên của FBI nói với The Epoch Times trong một email.
Chiến lược gieo rắc ngờ vực
Ông Evan Anderson, Giám đốc Điều hành của INVNT/IP, một tổ chức chống lại hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ do nhà nước bảo trợ, nói với The Epoch Times rằng, về mặt lịch sử, không có gì lạ khi các quốc gia cố gắng sử dụng tuyên truyền và thông tin sai lệch để định hướng dư luận nhằm đạt được mục tiêu chiến lược của họ. Đặc biệt, Nga và ĐCSTQ đã sử dụng nhiều hoạt động gây ảnh hưởng xấu từ ngoại quốc để định hướng một câu chuyện phù hợp nhất với họ.
Một ví dụ là “học thuyết Gerasimov” của ông Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga hiện nay. Theo học thuyết này, các chiến thuật quân sự, ngoại giao, kinh tế, công nghệ, thông tin, văn hóa đều được kết hợp để đạt được các mục tiêu chiến lược của Nga. Tương tự, khái niệm “chiến tranh không giới hạn” (nguyên văn Hoa ngữ siêu hạn chiến) của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) cũng sử dụng các chiến thuật và kỹ thuật tương tự để làm suy yếu các đối thủ của chế độ Cộng sản này.
Ông Anderson cho biết kỷ nguyên kỹ thuật số đã thay đổi “hoàn toàn mọi thứ” khi Nga và Trung Quốc tiếp tục cố gắng làm suy yếu Hoa Kỳ bằng cách tác động đến các nhà hoạch định chính sách, công ty, học giả, và truyền thông. Ông nói, cả hai quốc gia đều biết rằng sự lan truyền của thông tin sai lệch đang góp phần thu hút khán giả ngoại quốc và gây mất lòng tin đối với Hoa Kỳ.
Theo ông Anderson, các chiến lược gần như giống nhau này đang ngày càng trở nên hiệu quả trong kỷ nguyên kỹ thuật số.
Ông nói, “Thông tin tuyên truyền có thể nằm trong túi mỗi người dân Mỹ [với một chiếc điện thoại di động] trong vòng vài giây,” đồng thời cho biết thêm rằng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hiện đại và kết nối của nó với hàng triệu công dân trên khắp thế giới đang cung cấp khả năng lan truyền thông tin sai lệch gần như vô hạn.
Học hỏi và cải thiện
Theo ông Anderson, dùng một “cách tiếp cận rất bài bản,” Nga có thể đã hoàn thiện việc sử dụng tuyên truyền như một chiến thuật.
“Họ xen kẽ một tỷ lệ phần trăm sự thật với một tỷ lệ phần trăm thông tin sai lệch hoặc tuyên truyền cao hơn một chút và đưa nó đến với những khán giả vốn đã có xu hướng muốn nghe nó,” ông nói. Ông Anderson cũng cho biết, phương pháp này đã tỏ ra hiệu quả trong việc “gây ảnh hưởng đến cách những người đó nghĩ về các chủ đề nhất định.”
Chính quyền Trung Quốc đã học hỏi được rất nhiều điều từ Nga trong 5 năm qua và Bắc Kinh đang cố gắng hết sức để thực hiện các chiến thuật tương tự với những thành công hạn chế, ông Anderson cho biết. “Những gì chúng ta đang thấy là [chế độ Trung Quốc] cũng đang vấp phải bài kiểm tra bắt buộc để hoàn thiện các phương pháp mà họ thấy là đã có hiệu quả với Nga.”
Ông Anderson còn đề cập đến ví dụ về một nhà sinh vật học Thụy Sĩ do Trung Quốc tạo ra để định hướng câu chuyện xung quanh nguồn gốc của đại dịch này. Ông Anderson nói rằng: “Đây là một nỗ lực vụng về có thể dễ dàng cải thiện được,” đồng thời nói thêm rằng một trong những mối nguy hiểm lớn nhất mà Hoa Kỳ hoặc một đồng minh có thể làm là coi nhẹ nỗ lực của Bắc Kinh.
Ông cho biết, điểm chung là chế độ Trung Quốc sẽ học hỏi từ những sai lầm như thế này để trở nên hiệu quả hơn trong việc định hướng một câu chuyện phù hợp với nghị trình của họ. Theo ông Anderson, những nỗ lực vụng về của họ là một dấu hiệu cảnh báo. “Đó là một lá cờ đỏ — chứ không phải là một lý do để thư giãn và có một thái độ nhẹ nhõm — bởi vì những nỗ lực này có thể sẽ được thực hiện ít khéo léo hơn trong một khoảng thời gian rất ngắn.”
Ông nói, giống như bất kỳ công ty quan hệ công chúng nào, một trong những điều Bắc Kinh đang làm là “tìm ra điều gì kích thích phản ứng cảm xúc nhất” ở đối tượng mục tiêu của họ. Ông Anderson cảnh báo: chính quyền Trung Quốc đang thử nghiệm nhiều phương pháp để có thể gây ảnh hưởng đến suy nghĩ của người dân Mỹ và họ sẽ cải thiện khả năng của mình rất nhanh chóng.
Ông Anderson cũng nghi ngờ Trung Quốc đang làm việc không ngừng nghỉ để hoàn thiện các phương pháp truyền bá thông tin sai lệch và tuyên truyền. “Điều quan trọng nhất để gióng lên hồi chuông cảnh báo là thực tế là họ đã học được rằng các chiến dịch thông tin sai lệch là đáng thực hiện.”
‘Quý vị là hiện thân của những gì quý vị nạp vào người’
Ông Anderson cũng cho biết Trung Quốc đang khai thác các nền tảng mạng xã hội để nói ra những điều họ muốn với càng nhiều người càng tốt. “Trong 10 năm qua, ngày càng rõ ràng rằng sự kết nối hàng loạt của chúng ta với các mạng xã hội và internet đã giúp tất cả chúng ta có thể nhìn thấy được tài liệu — thực tế hay là khác — từ tất cả những loại người mà trước đây chúng ta chưa từng tiếp xúc.”
Theo ông Anderson, “quý vị là hiện thân của những gì quý vị nạp vào người” (“you are what you eat”) khi nói đến sự lựa chọn thông tin trực tuyến mà người đọc xem. “Hãy tưởng tượng rằng bất kỳ ai trên thế giới đều có khả năng bước vào bong bóng mạng xã hội của quý vị và lấp đầy nó bằng bất cứ thứ gì họ muốn quý vị tin.”
Việc sử dụng mạng xã hội đang gia tăng. Theo Statista, trong năm 2012 và 2016, người trưởng thành đã dành ra lần lượt 90 phút và 126 phút mỗi ngày trên mạng xã hội. Và trong năm 2020, thời lượng trung bình [mà họ] đã bỏ ra trên mạng xã hội đạt gần hai tiếng rưỡi mỗi ngày.
Ông Anderson cho biết, tác động của điều đó, đặc biệt là trong một xã hội dân chủ tự do và cởi mở, là vô cùng nguy hiểm.
Ông nói rằng: “Chúng ta đang chứng kiến một cuộc xung đột rất lớn giữa khả năng của ai đó để nói bất cứ điều gì họ muốn, và khả năng của một diễn viên chính trị ngoại quốc bất chính có mục đích xấu xa để làm điều tương tự.”
Ông cũng cho biết thêm, trong trường hợp này, chế độ Trung Quốc sẽ tiếp tục “tung đủ thứ tin tức thật thật giả giả, tuyên truyền, và thông điệp khó hiểu vào người dân Mỹ.”
Ông J.M. Phelps là một nhà văn và nhà nghiên cứu về các mối đe dọa từ chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan và Trung Quốc.
Thanh Tâm biên dịch