Trong bối cảnh số ca nhiễm mới COVID-19 trên thế giới tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay, giới chức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 7/1 cho rằng biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh này lây lan rất nhanh hiện nay là do sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có tính chất của biến thể và việc người dân tăng tiếp xúc.
Theo bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO, các đột biến cho phép virus SARS-CoV-2 bám vào tế bào người dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, có yếu tố được gọi là “trốn miễn nhiễm”, theo đó người đã mắc COVID-19 và đã khỏi hoặc người đã tiêm chủng đầy đủ vẫn có thể tái nhiễm.
Một lý do nữa liên quan sự khác biệt giữa Omicron với Delta và các biến thể khác. Theo đó, Omicron tự nhân đôi ở đường hô hấp trên, trong khi các biến thể trước đó và chủng virus gốc chủ yếu tự nhân đôi ở đường hô hấp dưới, cụ thể là ở phổi.
Ngoài ra, virus lây lan do mọi người tiếp xúc với nhau nhiều hơn, ở nhà nhiều hơn trong bối cảnh hiện đang là mùa Đông ở khu vực Bắc Bán cầu, không tuân thủ các biện pháp giãn cách vật lý.
Theo các báo cáo gửi WHO tuần trước, thế giới ghi nhận 10 triệu ca nhiễm mới COVID – con số cao nhất từ trước đến nay và tăng 71% so với tuần trước đó.
Bà Van Kerkhove nhấn mạnh người dân cần hiểu và nhận thức được rằng họ cũng có thể khống chế được sự lây lan của dịch bệnh bằng cách giảm phơi nhiễm với virus.
Bà Van Kerkhove nói số ca nhiễm tăng quá nhanh hiện nay đang đe dọa hệ thống y tế trên toàn cầu.
“Những gì chúng ta học được là Omicron không gây nguy hiểm nặng giống như Delta nhưng với con số ca nhiễm quá cao trên toàn cầu hiện nay, dẫu cho tỉ lệ nhập viện thấp hơn, vẫn có một số đông người cần sự chăm sóc của nhân viên y tế và điều này vẫn có thể làm cho hệ thống y tế của một số quốc gia bị quá tải,” bà nói.
Bà cũng kêu gọi mọi người làm trách nhiệm của mình để giúp cho điều này không xảy ra là tự giữ gìn vệ sinh sức khỏe cá nhân, mang khẩu trang và tránh những nơi tụ họp đông người.