Xét xử vụ Trần Phương Bình và đồng phạm gây thiệt hại hơn 8.000 tỷ đồng
Ngày 10/1, TAND cấp cao tại TP.HCM mở lại phiên xét xử phúc thẩm đại án DongA Bank giai đoạn 2 đối với Trần Phương Bình, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng tín dụng (HĐTD) DongA Bank và 11 đồng phạm, bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 8.827 tỷ đồng.
Phiên xét xử phúc thẩm hôm nay (10/1), xem xét kháng cáo của các bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Trong đó bị cáo Trần Phương Bình kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt do bản án tù chung thân là quá nghiêm khắc.
Bị cáo Phùng Ngọc Khánh (nguyên Tổng giám đốc Công ty CP M&C – gọi tắt M&C) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xem xét lại phần trách nhiệm dân sự.
Nguyên đơn dân sự là DongA Bank kháng cáo phần dân sự, xem xét số tiền lãi các bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan buộc phải bồi thường tính đến ngày vụ án được đưa ra xét xử.
Phiên xét xử dự kiến kéo dài đến ngày 14/1.
Báo Dân Trí dẫn tin từ bản án sơ thẩm xác định, trong thời gian từ năm 2007 đến 2015, ông Bình với vai trò là Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch HĐTD của DongABank đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện hành vi phạm tội gây thiệt hại lớn.
Trong đó, ông Bình duyệt cho 4 nhóm khách hàng gồm: Hiệp Phú Gia – TTC (do Nguyễn Thiện Nhân điều hành và chỉ đạo), Đồng Tiến, M&C, Tân Vạn Hưng vay không đúng quy định gây thiệt hại hơn 8.751 tỷ đồng.
Ngoài ra ông Bình còn có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt hơn 75 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DongABank lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng.
Giá xăng có thể ‘tăng mạnh’ ngày mai
Trong 15 ngày qua, giá xăng dầu thế giới đã tăng 5-6% nên ở kỳ điều hành vào ngày mai, giá bán lẻ trong nước có thể tăng mạnh, theo VnExpress.
Ngày mai 10/1 là đến ngày điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ tính toán mới của liên Bộ Công Thương – Tài chính, tức 10 ngày điều chỉnh một lần, áp dụng từ 2/1/2022.
Dữ liệu của Bộ Công Thương chưa cập nhật giá xăng dầu thế giới theo chu kỳ tính toán mới. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, giá mặt hàng này đã tăng 5-6% so với kỳ điều hành trước đó.
Chia sẻ với VnExpress, giám đốc một công ty đầu mối xăng dầu ở TP.HCM cho biết, giá dầu thô thế giới liên tục leo dốc do thông tin nguồn cung của Mỹ sụt giảm. Tuần qua, dầu Brent tăng 5,2% trong khi dầu WTI tăng 5% – mức cao nhất kể từ cuối tháng 11. Trong tuần, đã có thời điểm dầu thô Brent được giao dịch ở mức trên 82 USD một thùng và dầu thô WTI trên 80USD một thùng.
“Với sức ép của giá dầu thế giới, giá xăng thành phẩm nhập từ các thị trường Singapore cũng leo thang. Do đó, kỳ này nếu không trích hoặc sử dụng Quỹ bình ổn, giá xăng, dầu có thể đồng loạt tăng 500-700 đồng một lít”, giám đốc doanh nghiệp đầu mối TP.HCM này nói.
Theo Zing, hiện tại giá bán lẻ xăng E5 RON 92 trên thị trường ở mức 22.550 đồng/lít, với xăng RON 95 là 23.295 đồng/lít.
Trong năm 2021, giá các mặt hàng xăng trong nước đã tăng tới 18 lần, giảm 5 lần và giữ nguyên 3 lần.
Thêm 14.818 ca nhiễm, tổng số ca vượt 1,9 triệu
Trong 14.818 ca nhiễm Bộ Y tế công bố tối 10/1 có 14.783 ca tại 62 tỉnh, thành phố.
Các ca nhiễm riêng tại Hà Nội (2.830), Khánh Hòa (795), Bình Phước (640), Bình Định (609), Hải Phòng (592), Cà Mau (540), Tây Ninh (487), Đà Nẵng (453), TP.HCM (437), Vĩnh Long (404), Hưng Yên (379), Bắc Ninh (372), Bến Tre (370), Thanh Hóa (297), Quảng Ninh (294)…
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (508.247), Bình Dương (291.501), Đồng Nai (98.791), Tây Ninh (82.684), Hà Nội (70.606). Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận 1.914.393 ca nhiễm.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 216 ca. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 34.531 ca.