Đặng Trần
Lật Chiến Thư, nhân vật quan trọng thứ ba trong Đảng Cộng sản (ĐCSTQ), đã xuất hiện cùng ông Tập tại trường Đảng Trung ương. Sự kiện này phần nào xóa tan nghi ngờ về mối quan hệ rạn nứt giữa ông Tập và ông Lật.
Theo Tân Hoa xã, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, vào ngày 11 tháng 1, “Hội thảo học tập và thực hiện tinh thần của Hội nghị toàn thể lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc” đã được tổ chức tại Trường Đảng Trung ương. Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình, và Thủ tướng Lý Khắc Cường phát biểu tại lễ khai mạc. Những nhân vật quan trọng khác của ĐCSTQ gồm Lật Chiến Thư, Uông Dương, Vương Hộ Ninh, Triệu Lạc Tế, Hàn Chính, Vương Kỳ Sơn và những người khác đã tham dự buổi lễ.
Trước đó, vào ngày 31/12/2021, ông Lật Chiến Thư không xuất hiện trong bữa tiệc trà mừng năm mới cùng ông Tập. Mấy ngày tiếp theo, Lật Chiến Thư cũng không thấy xuất hiện trong các hội nghị của ĐCSTQ.
Tờ Minh Báo ở Hong Kong đưa tin rằng, trong buổi tiệc trà cuối năm 2021, Lật Chiến Thư đã vắng mặt trong khi các vị Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ còn lại đều đến. Điều này làm dấy lên các đồn đoán rằng mối quan hệ giữa ông Tập và ông Lật đang không ổn.
Tờ New York Times đưa tin vào ngày 12 tháng 8 năm 2020 rằng, Lật Chiến Thư được coi là người thân cận nhất với Tập Cận Bình. Từ năm 1983 đến năm 1985, Lật giữ chức bí thư huyện ủy huyện Vô Kỵ, trong khi ông Tập Cận Bình làm bí thư huyện Chính Định. Hai huyện đều thuộc tỉnh Hà Bắc.
Báo cáo của New York Times dẫn lời một nguồn thạo tin nói rằng cả hai đã “kết thân” vào thời điểm đó và “thường xuyên uống rượu cùng nhau”.
Tờ báo có trụ sở ở Mỹ cho biết thêm, với tư cách là Giám đốc Văn phòng Tổng cục Trung ương, ông Lật Chiến Thư xử lý các công việc khác nhau của ông Tập Cận Bình. Lật đóng vai trò trung tâm trong các chính sách và ngoại giao của ông Tập.
Một dẫn chứng nữa cho thấy Lật được Tập tin tưởng, đó là Tập Cận Bình đặt cơ quan điều hành của Hội đồng An ninh Quốc gia Trung ương, một cơ quan đặt biệt quan trọng của ĐCSTQ, trực thuộc Văn phòng Tổng cục Trung ương, tức là dưới quyền của Lật Chiến Thư.
Là cánh tay phải của Tập, Lật Chiến Thư từ lâu đã trở thành mục tiêu tấn công của phe Giang Trạch Dân, kẻ thù chính trị của ông Tập Cận Bình. Nhiều tin tức tiêu cực về gia đình ông Lật Chiến Thư liên tục được tung ra trên các phương tiện truyền thông thuộc phe Giang.
Sau khi vắng mặt trong bữa tiệc trà mừng năm mới, nhiều phương tiện truyền thông nói rằng Lật Chiến Thư phản bội Tập Cận Bình và mối thâm tình lâu nay giữa hai người đã đổ vỡ. Một phương tiện truyền thông ở Hồng Kông đã đăng một bài viết đưa thông tin rằng Lật Chiến Thư “thực sự là người của Tăng Khánh Hồng [được] an bài bên cạnh ông Tập từ xưa tới giờ”.
Bình luận về vấn đề này với Epoch Times, chuyên gia các vấn đề thời sự Vương Hữu Đàn nhận định rằng, tin đồn Lật Chiến Thư là người mà Tăng Khánh Hồng cài bên cạnh ông Tập có thể là một kế ly gián. Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ sẽ được tổ chức vào nửa cuối năm nay. Ông Tập đang làm mọi cách để tại vị thêm một nhiệm kỳ nữa, vì thế mà các lực lượng chống Tập từ phe của Giang Trạch Dân đang làm mọi cách để lật đổ ông Tập khỏi chiếc ghế quyền lực. Hiện Giang Trạch Dân đã già yếu, người đứng đầu phe Giang bây giờ là Tăng Khánh Hồng, cựu Phó Chủ tịch Trung Quốc. Biến Tập Cận Bình trở thành kẻ cô độc ở các cấp cao nhất của ĐCSTQ có thể là chiêu bài mới nhất của Tăng Khánh Hồng.
Ông Vương cho biết, hiện tại có 8 quan chức cấp cao nhất của ĐCSTQ, gồm 7 thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, và Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn. Ngay từ trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, người của Tăng Khánh Hồng đã tiếp tục tạo đà để chia rẽ mối quan hệ giữa ông Tập Cận Bình và ông Vương Kỳ Sơn. Kết quả là, sau Đại hội 19, Vương Kỳ Sơn không vào Bộ Chính trị mà chỉ giữ chức Phó chủ tịch nước với tư cách là một đảng viên. Người của Tăng Khánh Hồng tiếp tục chia rẽ mối quan hệ giữa Tập và Vương. Cho đến nay, Vương đã bị Tập cho ra rìa.
Bảy thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ hiện nay là: Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Lật Chiến Thư, Uông Dương, Vương Hộ Ninh, Hàn Chính và Triệu Lạc Tế. Trong số đó, ba người thân phe Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng là Vương Hộ Ninh, Hàn Chính và Triệu Lạc Tế. Cả Lý Khắc Cường và Uông Dương đều không phải là tay chân của Tập, mặc dù họ từng ủng hộ Tập trong chiến dịch chống tham nhũng. Lật Chiến Thư là người thân tín duy nhất của Tập trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị.
Trong những năm gần đây, người của Tăng Khánh Hồng đã sử dụng nhiều thủ đoạn chính trị khác nhau để gieo rắc mối bất hòa giữa Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường. Hai ông đã trở nên rất xa cách. Đồng thời, mối quan hệ giữa Tập Cận Bình và Uông Dương cũng không ngừng lạnh nhạt.
Theo quan sát của chuyên gia Vương Hữu Đàn, những tin đồn khác nhau về Lật Chiến Thư có khả năng là bom khói do người của Tăng Khánh Hồng cố tình ném ra. Mục đích trực tiếp của việc này là chia rẽ mối quan hệ giữa ông Tập và ông Lật, từ đó khiến ông Tập mất một cánh tay đắc lực và trở thành kẻ cô độc; qua đó ngăn chặn ông Tập tại vị sau đại hội 20.
Nhà quan sát chính trị Đường Hạo cho rằng con đường tái tranh cử của Tập Cận Bình đang dần trở nên sóng gió, Tập đang bị bao vây bởi sự tranh giành của phe Giang và chịu sự ràng buộc của phe này.
Ông Đường tin rằng Giang Trạch Dân đã ngoài 90 tuổi, không còn ảnh hưởng gì, quyền lực thực tế hiện nay của phe Giang nằm trong tay Tăng Khánh Hồng. Nếu phe Tập và phe Giang tham gia vào một trận chiến quyết định toàn diện và công khai, nó có thể không chỉ khiến ĐCSTQ chia rẽ mà còn có thể tạo ra những bước ngoặt bất ngờ và những thay đổi mạnh mẽ cho xã hội Trung Quốc.
Theo Soud of Hope
Lật Chiến Thư lộ diện, kênh truyền thông ‘chống Tập’ cũng lộ mặt
Kể từ ngày những đầu năm mới, nhiều người đã thảo luận về việc Lật Chiến Thư đã đi đâu, bởi vì trong tiệc trà Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc diễn ra ngày 31/12 năm ngoái, trong số 7 vị Thường Uỷ thì chỉ có Lật Chiến Thư vắng mặt.
Trong Chính luận thiên hạ đăng ngày 6/1, Giáo sư Chương Thiên Lượng vẫn kiên trì với quan điểm của mình là: Lật Chiến Thư không gặp sự cố chính trị, mà chỉ là có vấn đề về sức khoẻ.
Đến ngày 11/1, Đài Á Châu Tự Do – RFA đã đăng tin với nội dung rằng: Hôm thứ Ba (ngày 11/1), Trường Đảng Trung ương của ĐCSTQ đã cử hành một buổi hội thảo, trong đó cả 7 vị Thường Uỷ đều có mặt, bao gồm cả Lật Chiến Thư. Bản tin phát sóng của CCTV cũng cho thấy Lật Chiến Thư thật sự xuất hiện…
Trong Chính luận thiên hạ đăng ngày 12/1, Giáo sư Chương Thiên Lượng đã củng cố quan điểm của mình về sự việc Lật Chiến Thư vắng mặt gần đây, đồng thời phân tích thêm rằng những kênh thông tin làm rầm rộ tin đồn ‘Lật Chiến Thư thuộc phe Tăng Khánh Hồng’ chính là thế lực ‘phản Tập’ nằm trong ĐCSTQ.
Lật Chiến Thư không gặp sự cố chính trị
Giáo sư Chương nhận định, việc Lật Chiến Thư xuất hiện đã xác nhận thêm rằng: sự mất tích của ông không phải vì bất cứ lý do chính trị nào.
Nhưng cũng có một số người nói rằng, theo thông lệ của chốn quan trường ĐCSTQ, trước khi có thông báo kỷ luật, thì quan chức cấp cao vẫn có thể lộ diện. Giáo sư Chương đánh giá, điều này đúng. Nhưng Lật Chiến Thư từng là Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương, trực tiếp lãnh đạo Cục Cảnh vệ Trung ương, mà cục này là đơn vị có quyền lực nhất, đơn vị này muốn hạ gục ai cũng được, bởi vì các đối thủ chính trị đều nằm trong tay nó. Do đó, nếu ai nắm quyền ở Cục Cảnh vệ Trung ương thì người đó mới thực sự nắm quyền lực.
Chúng ta biết rằng, vào năm 2012 từng có một âm mưu đảo chính, Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai chuẩn bị phát động chính biến, lúc ấy Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương là Lệnh Kế Hoạch. Sau đó Hồ Cẩm Đào phát hiện ra rằng, Lệnh Kế Hoạch đang âm mưu đảo chính nên đã lập tức cách chức Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương, khi đó chỉ trước Đại hội 18 (2012) có 2 tháng. Lệnh Kế Hoạch được chuyển sang ‘vị trí nhàn rỗi’ là Trưởng ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương của ĐCSTQ.
Thêm nữa, vào tháng 4/2012, dưới tin đồn đảo chính lan truyền khắp nơi, các phương tiện truyền thông xác nhận rằng: Ôn Gia Bảo đã thay đổi ‘vệ sĩ’ của mình. Người vốn phụ trách công tác này là Lý Nhuận Điền – Cục phó Cục Cảnh vệ Trung ương, sau đó Lý Nhuận Điền từ chức rồi người khác lên thay.
Nếu Lật Chiến Thư tham gia chính biến, thì sẽ có một cuộc thanh tẩy ở Văn phòng Trung ương, điều này sẽ giống như năm 2012 Hồ Cẩm Đào dọn dẹp Lệnh Kế Hoạch, Ôn Gia Bảo thay đổi Lý Nhuận Điền, đồng thời sẽ có chấn động rất lớn ở cao tầng và một làn sóng thanh tẩy với tốc độ cực nhanh. Nhưng hiện nay chúng ta không thấy bất cứ động thái nào, do đó có thể chứng minh rằng Lật Chiến Thư không gặp sự cố chính trị.
Trong Chính luận thiên hạ đăng ngày 7/1, Giáo sư Chương đã từng dự đoán rằng Lật Chiến Thư có thể bị nhiễm COVID, nếu không ông sẽ bị buộc phải xuất hiện. Một khả năng nữa là Lật Chiến Thư có thể bị đột quỵ, di chứng có thể là miệng méo, mắt xếch nên không thể lộ diện. Nhưng khi Lật Chiến Thư xuất hiện ở trường đảng vào ngày 11/1 với hình dạng không mấy khác thường, thì khả năng cao về vấn đề sức khoẻ của ông trong những ngày qua là do nhiễm COVID; bởi vì Lật Chiến Thư xuất hiện lần cuối là vào ngày 27-28/12 năm ngoái, đến ngày 11/1 năm nay là khoảng hai tuần – chính bằng thời gian cách ly.
Kênh truyền thông ‘phản Tập’ dần lộ diện
Trước khi Lật Chiến Thư xuất hiện vào ngày 11/1, có thông tin rằng tờ Duowei (được cho là thuộc phe Tăng Khánh Hồng) từng thổi phồng sự vắng mặt của Lật Chiến Thư; thậm chí vào ngày 4/1, tờ Minh Báo còn đăng một thông tin giật gân rằng Lật Chiến Thư là người được Tăng Khánh Hồng sắp xếp cạnh Tập Cận Bình, và một người chú của Lật Chiến Thư là Lật Giang Giang đang bị điều tra v.v.
Giáo sư Chương đã từng phân tích rằng, môi trường truyền thông ở Hồng Kông rất phức tạp. Ngoại trừ một số kênh truyền thông trong dân chúng, tờ Epoch Times bản Hồng Kông, thì tất cả những kênh còn lại đều là cơ quan ngôn luận của một phe phái nào đó trong ĐCSTQ, nếu không có lợi ích từ những ‘ông chủ’ phía sau, họ sẽ không dám nói những tin đồn về những vị khác trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Do đó đằng sau Minh Báo nhất định có một thế lực nào đó trong ĐCSTQ.
Trước đây khi Hồng Kông còn là một cảng tự do (còn hiện nay không phải), thì một kênh truyền thông nếu đăng tin sai sự thật, đặc biệt là liên quan đến cấp Thường Uỷ trong ĐCSTQ, thì họ phải chịu trách nhiệm.
Khoảng 10 năm trước, 6h chiều ngày 6/7/2011, tờ Á Thị của Hồng Kông (Asia Television, ATV) đăng tin Giang Trạch Dân đã chết. Khi đó có một số người cho rằng tin tức này là đúng, bởi vì một trong những cổ đông chính của ATV là Vương Chinh, người này là cháu trai của anh họ của Giang Trạch Dân, nói cách khác Vương Chinh là họ hàng của Giang Trạch Dân. Do đó mọi người nghĩ rằng ATV phải có kênh nội bộ riêng nên mới lấy được thông tin về Giang Trạch Dân như vậy.
Đến 9h tối cùng ngày (6/7/2011), ATV cũng huỷ show, đổi thành việc phát sóng cuộc đời Giang Trạch Dân, sau đó còn đổi logo thành màu xám… Những điều này làm cho người ta có cảm giác rằng Giang Trạch Dân đã qua đời.
Rốt cuộc, Giang Trạch Dân vẫn chưa chết, nếu như vậy thì ATV phải làm sao? Lúc đó phó chủ tịch cấp cao phụ trách tài chính của ATV là Lương Gia Vinh đã nhận lỗi và từ chức.
Do đó, nếu báo cáo tin đồn về Bộ Chính trị thì rất nguy hiểm, nhưng Minh Báo vẫn báo cáo những tin tức loại đó, điều này chứng minh: ông chủ phía sau hậu trường của Minh Báo nhất định có vấn đề, ít nhất người ấy là phe ‘phản Tập’, cũng là phe phản Lật Chiến Thư.
Mạn Vũ