Đông Phương
Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 sẽ diễn ra ở Bắc Kinh vào mùa thu năm 2022. Dự kiến đương kim Tổng bí thư Tập Cận Bình sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba, phá vỡ truyền thống chuyển giao quyền lực trong quá khứ.
Vậy trước Đại hội 20, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ có động thái gì? Ngoại giới cần chú ý điều gì? ĐCSTQ sẽ tổ chức Thế vận hội Mùa đông vào đầu tháng 2 tới đây. Hiện tại, do các nước tẩy chay ngoại giao nên đã ảnh hưởng đáng kể đến sức tuyên truyền của Thế vận hội. Chế độ Bắc Kinh vẫn tiếp tục thi hành chính sách “Zero Covid” (Không Covid), chính sách này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Trung Quốc, mà còn khiến kinh tế nước này bị gián đoạn, gián tiếp giáng một đòn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Dưới đây là những chủ đề liên quan đến Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20.
Tại sao đại hội này lại rất quan trọng đối với ông Tập Cận Bình?
Đại hội này là nơi xác định các nhà lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ và trọng điểm chính sách cho 5 năm tới. Việc ông Tập không bổ nhiệm người kế nhiệm tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19 năm 2017, cùng với những thay đổi trong Hiến pháp, đã làm dấy lên suy đoán rằng ông đang phá vỡ các quy tắc bất thành văn của ĐCSTQ về việc kế vị và tuổi nghỉ hưu.
Việc “Nghị quyết lịch sử” được thông qua vào tháng 11/2021 có nghĩa là, đại hội năm nay có thể giúp ông Tập Cận Bình nắm giữ quyền lực trong nhiều thập kỷ tới, một đặc quyền mà trước đó chỉ có các cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình mới có.
Tại sao các nước chú ý đến tình hình chính trị của Trung Quốc?
Kể từ khi đại dịch bùng phát vào cuối năm 2020, người tiêu dùng và nhà bán lẻ phương Tây ngày càng phụ thuộc hơn vào hàng hóa do Trung Quốc sản xuất, từ xe đạp đến máy tính xách tay. Xuất siêu thương mại của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm 2021. Những điều này khiến ngày càng nhiều quốc gia phải cảnh giác.
Ở trong nước, ĐCSTQ cũng thắt chặt kiểm soát tự do ngôn luận, giam giữ người dân tộc thiểu số, nhân vật tôn giáo và nhà bất đồng chính kiến. Đồng thời trở nên hung hăng hơn trong các vấn đề lãnh thổ, khiến Trung Quốc trở thành quốc gia có nhiều tranh chấp biên giới nhất với các nước láng giềng.
Ngoài ra, các hoạt động phá hoại nền dân chủ của Hong Kong và đàn áp Đài Loan của ĐCSTQ đã khiến mối quan hệ với các nền dân chủ phương Tây ngày càng rạn nứt.
Điều gì khiến ĐCSTQ lo lắng nhất?
Chính phủ Trung Quốc gần đây đã tiến hành một loạt các cuộc đàn áp đối với nhiều ngành công nghiệp trong nước. Đầu tiên, nó nhắm mục tiêu vào các công ty độc quyền trong lĩnh vực công nghệ lớn, và sau đó đánh vào ngành dạy thêm ngoài giờ học ở trường, áp đặt các hạn chế đối với các công ty Trung Quốc niêm yết ở nước ngoài và trấn áp ngành bất động sản.
Tất cả những chính sách này được thi hành trên danh nghĩa “thịnh vượng chung”, ngay cả khi phải trả giá bằng tăng trưởng kinh tế. Mục đích là tránh cho quyền lực của ĐCSTQ phải chịu bất kỳ mối đe dọa nào.
Cây bút Đường Thanh (Tang Qing) trên chuyên mục thời sự chính trị của The Epoch Times nói rằng, từ khi sinh ra ĐCSTQ đã gắn liền với cuộc khủng hoảng về sự sống còn của chế độ. Ông nói: “Nguy cơ trùng trùng khiến tác động không chỉ tăng gấp đôi. ĐCSTQ sợ nhất là bị sụp đổ, vì bảo vệ cho sự tồn tại mà không thủ đoạn nào nó không dùng”, ông nói.
Nên lưu ý điều gì trước Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20?
Công tác chuẩn bị cho đại hội đã bắt đầu. Bloomberg đưa tin vào tháng 12/2021 rằng, việc ông Mã Hưng Thụy (Ma Xingrui) được bổ nhiệm làm Bí thư Tân Cương là để đặt cơ sở cho việc ông này gia nhập Bộ Chính trị gồm 25 thành viên. Đây là cơ quan quyền lực hàng đầu, ra quyết định chỉ đạo nhân danh ĐCSTQ. Vị trí của cựu Bí thư Tân Cương Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) cũng thu hút sự chú ý của ngoại giới.
Trước thềm Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20 được tổ chức vào tháng 10 tới, dự kiến sẽ còn nhiều đợt thăng cấp, thuyên chuyển và điều động nhân sự cấp cao như vậy.
Vào tháng 7 hoặc tháng 8, các nguyên lão và những nhân vật quyền lực trong ĐCSTQ sẽ tập trung tại Bắc Đới Hà để vận động hành lang cho sự lựa chọn nhân sự của họ.
Đại hội hoạt động như thế nào?
Tới thời điểm đó, hơn 2.300 đại biểu trên khắp Trung Quốc, bao gồm đại biểu của lãnh đạo tỉnh, quân nhân cấp cao, nông dân và các dân tộc thiểu số, sẽ tập trung tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh để tham dự cuộc họp. Trên bề mặt, họ sẽ bỏ phiếu bầu tổng bí thư và lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ. Trên thực tế, các ứng cử viên đã được ấn định, vì vậy các đại biểu còn được người dân đặt cho biệt danh là “máy giơ tay”.
Quy định của ĐCSTQ yêu cầu các thành viên Bộ Chính trị phải nghỉ hưu ở tuổi 68. Các Ủy viên Thường vụ hiện tại là ông Hàn Chính (Han Zheng) và ông Lật Chiến Thư (Li Zhanshu) sẽ lần lượt bước sang tuổi 68 và 72 vào năm 2022. Vậy ai sẽ là người kế nhiệm họ?
Khi ông Tập Cận Bình sửa đổi giới hạn tuổi đối với chức vị chủ tịch nước, ông đã không thay đổi giới hạn tuổi đối với vị trí thủ tướng. Điều này đồng nghĩa với việc Thủ tướng Trung Quốc đương nhiệm Lý Khắc Cường sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2023. Ai sẽ kế nhiệm ông Lý Khắc Cường? Đây đều là những vấn đề nhân sự được thế giới bên ngoài quan tâm trong thời gian diễn ra Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20.
Đông Phương