Jennifer Bateman
Cư dân Trung Quốc ở thành phố Tây An tiếp tục tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài kể từ khi Trung Quốc áp dụng một đợt phong tỏa nghiêm ngặt theo chính sách phòng chống dịch COVID-19, gây ra tình trạng khan hiếm lương thực thực phẩm trong hơn 20 ngày.
Theo bản tin ngày 11/01 trên tờ Báo Thanh Niên Trung Quốc (China Youth Daily) do nhà nước điều hành, công nhân trang trí Lương Đạm Bình (Liang Yanping), 62 tuổi đến từ Hồ Bắc cùng các đồng nghiệp của ông đã bị cô lập trong một ngôi nhà đang xây dựng dở dang không có hệ thống sưởi, bếp, hay bất kỳ đồ nội thất nào sau khi Tây An tiến hành phong tỏa đột ngột. Họ sống sót sau ba tuần băng giá trong khoảng thời gian rét buốt nhất trong năm chỉ với ba thùng mì ăn liền. Bài báo này khen ngợi các công nhân là “những người đáng yêu nhất”, những người không gây rắc rối cho Tây An, và chỉ mong muốn có được một bữa ăn trong ngày xuân Năm Mới.
Bản tin này cũng gián tiếp xác nhận việc khó tiếp cận dịch vụ điều trị y tế trong thời gian phong tỏa qua sự việc có một công dân khác không thể đến bệnh viện vì bị trật khớp xương đột ngột.
Tờ Washington Post ngày 05/01 đưa tin, một thai phụ đang xuất huyết ngồi ở cổng bệnh viện Cao Tân Tây An để chờ điều trị và cuối cùng cô đã bị sảy thai vì không được điều trị kịp thời.
Cô Nhạc, một cư dân trong khu dân cư Dương Gia Thôn của quận Nhạn Tháp, thành phố Tây An, nói với The Epoch Times Hoa ngữ, “chúng tôi chưa từng nhìn thấy [chính quyền giao rau củ]… chúng tôi đã được cung cấp số điện thoại của một người giao rau, nhưng “số [điện thoại] đó lúc nào cũng tắt máy và chẳng bao giờ gọi được.”
Theo cô Nhạc, khu dân cư mà cô đang sống, sau khi bị phong tỏa, chỉ được đưa mỗi một mã QR cho một nhóm chat và một tình nguyện viên “chỉ để cho có”.
Những quan chức đó “chỉ chịu trách nhiệm trước quyền lực, chứ không phải trước người dân,” cô Nhạc nói. Người dân bên ngoài Trung Quốc “cần phải tận mắt chứng kiến cuộc sống thực chất của người dân ở Tây An, cũng như không bị giả tượng mà chính quyền bày ra làm cho mê mờ.”
Vào ngày 09/01, một tài khoản Weibo (phiên bản Twitter của Trung Quốc) có tên Đỗ Vi Long (Du Weilong) đã đăng lên mạng rằng cô sống ở khu công nghệ cao Cao Tân Tây An và đã bị giam cầm ở nhà gần 20 ngày, không được phép ra ngoài ngoại trừ việc đi xét nghiệm acid nucleic.
“Một lần duy nhất tôi nhận được rau gồm 2 củ khoai tây, 2 củ hành tây, một cây bắp cải, và hai củ cải trắng” trong suốt thời gian [phong tỏa] đó và đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ thực phẩm nào khác.
“Chúng tôi ăn gì đây? Có phải chúng tôi sẽ bị chết đói ở nhà không?”
Cô Đỗ đặt câu hỏi về việc chính quyền tuyên truyền rằng rau được gửi đến Tây An từ các thành phố khác của đất nước, nói rằng “tại sao chúng tôi, những người dân, không thể nhận được rau?” Cô ấy cũng nói rằng tất cả mọi người trong gia đình cô ấy đều đang khổ sở, “tất cả mọi người đều đang chết đói”.
Cô Đỗ hy vọng rằng thông qua sự giúp đỡ trên mạng xã hội, họ có thể có thức ăn và “không chết vì đói ở nhà”.
Mặc dù bài đăng của cô Đỗ nhanh chóng bị kiểm duyệt, nhưng một phóng viên của Epoch Times đã giữ lại ảnh chụp màn hình bài đăng của cô.
Ông Trần, một cư dân của thành phố Hàm Dương, cách Tây An 31 km (19 dặm), nói với The Epoch Times Hoa ngữ hôm 10/01 rằng vài ngày trước, khi ông hoàn thành công việc và trở về nhà vào buổi tối, ông bất ngờ thấy đường về nhà bị chắn ngang bởi một hàng rào sắt dựng trên đường Vọng Hiền, giáp phía đông quận Vị Thành.
Ở phía bên kia, cách đó vài trăm mét, các nhân viên phòng chống dịch cũng đã lập một hàng rào chắn, những người đi ra từ phía đó cũng bị chặn không cho ra vào.
Ông Trần cho biết ông và hơn 200 người khác bị mắc kẹt trong vòng vây gần một km ở giữa hai biên giới của “một cuộc phong tỏa khẩn cấp”.
Khi họ cố gắng giải thích rằng họ ra ngoài để lấy kết quả xét nghiệm acid nucleic trong 48 giờ và chỉ muốn về nhà để ăn một bữa ăn ấm cúng, thì tất cả những gì họ nhận được là sự im lặng từ các nhân viên an ninh phía bên kia hàng rào.
Ngoài những người dân không thể về nhà, còn có một chiếc xe cấp cứu và một chiếc xe tải với biểu ngữ “chiến đấu với dịch bệnh, bảo đảm dân sinh, cùng nhau vượt khó.” Ông Trần cho hay câu nói đó là “rất mỉa mai”.
Đám đông lo lắng chờ đợi trong đêm đông lạnh giá 4°C (39,2 độ F) trong 10 giờ đồng hồ đến tận 3 giờ sáng cho đến khi họ có được sự đồng ý của các nhân viên phòng chống dịch là cuối cùng họ có thể về nhà, nhưng kể từ đó, họ phải ở yên trong nhà và không được ra ngoài nữa.
Jennifer Bateman và Ellen Wan thực hiện
Hồng Ân biên dịch