Tin thế giới sáng thứ Tư

Trung Quốc: Trường học bùng phát Omicron, một thành phố ở Hà Nam phong thành

Minh Anh

Người dân chờ xét nghiệm PCR ở huyện Hoạt của tỉnh Hà Nam, Trung Quốc vào ngày 8/1/2022. (STR / AFP qua Getty)

Biến chủng Omicron đã lây lan trên diện rộng ở thành phố An Dương của tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Trong 48 giờ qua, chính quyền địa phương đã liên tục mở rộng phạm vi phong tỏa và kiểm soát dịch bệnh. Người dân An Dương nói với truyền thông rằng, chỉ riêng tại Trường Dục Tài ở huyện Thang Âm của thành phố này đã có 260 giáo viên và học sinh nhiễm virus, cao hơn gấp đôi so với con số chính quyền công bố.

Gần đây, các khu vực bị phong tỏa và kiểm soát ở thành phố An Dương liên tiếp mở rộng. Ngày 15 và 16/1, Bộ chỉ huy Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh thành phố An Dương liên tiếp ra văn bản số 7, số 8, yêu cầu phong tỏa nhiều đường phố và một số huyện. Người dân được yêu cầu “tuyệt đối không ra khỏi nhà”, còn có người bị chính quyền khoá cửa nhà bằng dây thép.

Huyện Thang Âm – khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh

Theo thống kê từ Mạng tin tức An Dương Aynews ngày 17/1, trong số 165 ca nhiễm đã công bố hành trình di chuyển ở thành phố An Dương, thì có hơn 130 ca nhiễm là giáo viên và học sinh của Trường Dục Tài ở huyện Thang Âm.

Ông Lâm, một cư dân của huyện Thang Âm, nói với The Epoch Times hôm 17/1 rằng, số người bị nhiễm bệnh của trường này không chỉ là con số trên mà phải là cao hơn gấp đôi, “Theo báo cáo hôm nay, (trường học này) xác nhận hiện đã có 250, 260 người nhiễm bệnh. Trong đó một số học sinh nhỏ tuổi đã được đưa về nhà”.

Ngày 28/12/2021, một sinh viên đại học trở về thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam từ quận Tân Nam, Thiên Tân và trở thành nguồn lây chính của đợt bùng phát Omicron ở An Dương. Chị gái của sinh viên này làm giáo viên tại Trường Dục Tài ở huyện Thang Âm, do đó đã khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng.

Video lan truyền trên mạng cho thấy, từng chiếc xe buýt nối đuôi nhau chở học sinh đến Trường Y thuộc Trường Cao đẳng nghề và Kỹ thuật An Dương để cách ly.

Ông Lâm nói rằng, “(Giáo viên và học sinh) đều bị cách ly trong trường, nhưng vì quá nhiều người, nên họ đã bị đưa tới một số khu vực khác ở An Dương. Có những nơi mà người của cả khu dân cư bị đưa đi, sức ảnh hưởng khá rộng”.

Về việc biến chủng Omicron lây lan nhanh chóng ở thành phố An Dương, ông Lâm nói, “(Đợt dịch) Omicron này không nghiêm trọng như ở Vũ Hán thời đầu, nhưng nó lây lan nhanh và cũng nhanh khỏi. Các triệu chứng không nghiêm trọng, giống như mắc cảm lạnh thông thường, nhưng tôi cũng không biết có di chứng gì không”. Ông Lâm cho biết thêm, “Chúng tôi đều đã tiêm hai liều vaccine, chưa tiêm liều ba, có người tiêm rồi nhưng vẫn nhiễm bệnh”.

Ông Lâm nói rằng, do nhiều ca nhiễm không có triệu chứng rõ ràng, lại đúng vào dịp nghỉ lễ nên đã khiến virus lây lan nhanh chóng khắp khu vực.

An Dương đã phong thành từ ngày 8/1 và các biện pháp phòng chống và kiểm soát dịch bệnh cũng liên tục được nâng cấp. Ông Lâm nói, “Chúng tôi đã xét nghiệm PCR 9 lần, ngày mai bắt đầu xét nghiệm 3 lần 2 ngày. Mỗi ngày chúng tôi chỉ ở nhà và đợi xét nghiệm PCR”.

Ngoài ra, ông Giang, một cư dân của thị trấn Thuỷ Trị, An Dương nói với The Epoch Times vào ngày 17/1 rằng, “Mọi khu vực thuộc quyền quản lý của An Dương đều đã bị phong tỏa”. “Hôm nay thị trấn Thuỷ Trị đã bắt đầu phong tỏa, người dân trong các khu dân cư không được ra vào. Thuỷ Trị có hơn 300.000 người, mặc dù chúng tôi chưa nghe nói về việc có ca nhiễm được xác nhận ở thị trấn này, nhưng vẫn bị phong tỏa toàn diện. Bởi vì (chính quyền) không cho phép người dân ra ngoài, nên các doanh nghiệp, cửa hàng và cuộc sống đều bị ảnh hưởng”.

Theo ông Giang cho biết, thị trấn Thuỷ Trị nằm ở phía tây thành phố An Dương và là “một thị trấn công nghiệp”, về cơ bản không có nông dân, do đó việc chính quyền không cho người dân ra ngoài đã khiến các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa.

Ông Giang nói rằng, người dân địa phương cảm thấy rất lo lắng về việc phải đối mặt với phong tỏa trong thời gian dài, vì điều này sẽ ảnh hưởng cực lớn đến cuộc sống mưu sinh của họ.

Minh Anh 

Theo The Epoch Times

Giá dầu tăng cao nhất trong 7 năm qua vì xung đột địa chính trị gia tăng

Thanh Đoàn

Một giếng dầu ở lưu vực Permian, Texas, ngày 5/2/2015. Hiện tại Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từ chối đề nghị hợp tác chặt chẽ của Tổng thống Joe Biden và cho biết sẽ chỉ mở kho dầu dự trữ theo nhu cầu trong nước. (Ảnh: Spencer Platt / Getty Images)

Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang leo thang giữa mùa đông đã trở nên trầm trọng hơn không chỉ vì COVID-19 mà chủ yếu vì xung đột quân sự, địa chính trị gia tăng. Hôm nay, ngày 18/1/2022, thế giới chứng kiến giá dầu thô tăng cao nhất trong vòng 7 năm qua.

Triển vọng nguồn cung dầu thô bị gián đoạn và thắt chặt gia tăng sau các cuộc tấn công ở khu vực Trung đông. Gia tăng căng thẳng lập tức đẩy giá dầu thô giao dịch trên thế giới tăng.

Dầu thô Brent giao sau tăng 0,88 USD, tương đương 1%, lên 87,36 USD/thùng vào lúc 11:54 GMT, trong khi giá dầu thô Tây Texas Trung cấp (WTI) của Hoa Kỳ tăng 1,23 USD, tương đương 1,5%, lên 85,05 USD/thùng. Giao dịch vào thứ Hai (hôm qua) giảm vì đây là ngày nghỉ lễ của Hoa Kỳ.

Cả hai mức giá này đều đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2014.

Những lo ngại về nguồn cung đã tăng lên trong tuần này sau khi nhóm Houthi của Yemen tấn công Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, làm leo thang sự thù địch giữa nhóm vũ trang có liên kết với Iran với liên minh do Ả Rập Saudi (UAE) dẫn đầu.

Sau khi thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa gây ra vụ nổ cho các xe tải chở nhiên liệu khiến 3 người tử vong, phong trào Houthi cảnh báo họ có thể nhắm mục tiêu vào nhiều căn cứ hơn, trong khi UAE cho biết họ bảo lưu quyền “đáp trả các cuộc tấn công khủng bố này”, theo tin từ Reuters.

Thị trường đã phản ứng ngay lập tức ngay sau các vụ tấn công này. Lo ngại nguồn cung bị gián đoạn khiến giá nhiên liệu tăng.

Công ty dầu khí ADNOC của UAE cho biết họ đã kích hoạt các kế hoạch kinh doanh liên tục để đảm bảo việc cung cấp sản phẩm cho khách hàng trong nước và quốc tế không bị gián đoạn sau sự cố tại kho nhiên liệu Mussafah, Reutes đưa tin.

Giá dầu thô tăng không chỉ vì cuộc tấn công của lực lượng vũ trang có liên hệ với chính quyền Iran và UAE, mà còn bị cộng hưởng bởi căng thẳng địa chính trị gia tăng ở biên giới Ukraine khi các các cuộc đàm phán Mỹ – Nga đi vào bế tắc.

Căng thẳng địa chính trị gia tăng đồng nghĩa với việc các nền kinh tế lớn cũng tăng cường dự trữ hàng hoá thiết yếu, trong đó có dầu. Ngoài ra, tương lai bấp bênh về nguồn cung dầu khi Nga là thành viên của OPEC+ cũng thúc đẩy tâm lý lo ngại trên các thị trường giao dịch dầu thô toàn cầu.

Reuters đưa tin, một số nhà sản xuất trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang phải vật lộn để bơm dầu ở công suất cho phép của họ, theo một thỏa thuận với Nga và các đồng minh để tăng thêm 400.000 thùng mỗi ngày mỗi tháng.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết họ dự kiến ​​tồn kho dầu ở các nước OECD sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2000 vào mùa hè, giá dầu Brent dự báo tăng lên 100 USD vào cuối năm nay.

Thanh Đoàn

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc: ‘Không nên xây dựng các nhà máy than mới’

Nathan Worcester

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres trả lời giới truyền thông trong một cuộc họp báo ở Berlin, Đức, hôm 17/12/2020. (Ảnh: Michael Sohn/Pool/Reuters)

Trong một bài diễn văn đặc biệt tại Nghị trình Davos 2022 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres nói rằng “không nên xây dựng các nhà máy than mới.”

Ông cho biết: “Đây phải là ưu tiên của tất cả chúng ta — loại bỏ dần than đá.”

Ông Guterres, cựu thủ tướng Bồ Đào Nha, người trước đây cũng từng lãnh đạo tổ chức Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa, đã giữ chức tổng thư ký Liên Hiệp Quốc từ năm 2017.

Bài diễn văn của ông được đưa ra chỉ vài tháng sau hội nghị về biến đổi khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland. Văn bản quyết định cuối cùng của COP26 yêu cầu các bên “[đẩy nhanh] nỗ lực hướng tới việc loại bỏ dần năng lượng từ than mà khi đốt không có công nghệ giữ lại CO2 và các khoản tài trợ nhiên liệu hóa thạch không đạt hiệu quả, thừa nhận sự cần thiết phải hỗ trợ để hướng tới một quá trình chuyển đổi chính đáng” — một sự thay đổi đáng kể so với một đoạn song song trong bản thảo đầu tiên của văn bản này, vốn đang “kêu gọi các bên đẩy nhanh việc loại bỏ dần than đá và các khoản tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch,” mà không đề cập đến bất kỳ “nhu cầu hỗ trợ” nào.

Ông Guterres nói rằng, “Các quốc gia khác đang phải đối mặt với những trở ngại to lớn về cấu trúc. Họ có một hỗn hợp năng lượng phụ thuộc nhiều vào than, và điều đó đang cản trở sự tiến bộ của tất cả các quốc gia. Vì vậy, họ cần được hỗ trợ. Không nên tìm người để đổ lỗi. Hãy hỗ trợ — giúp đỡ — các nền kinh tế mới nổi đó để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này.”

“Chúng ta đã có Hoa Kỳ và Trung Quốc ký một thỏa thuận mà tôi hy vọng sẽ cung cấp cho Trung Quốc những công nghệ phù hợp hơn để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ than đá.”

Ông Guterres đang đề cập đến một tuyên bố chung giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại COP26.

Một nhà máy nhiệt điện than ở Hán Xuyên, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, hôm 11/11/2021. (Ảnh: Getty Images)

Trong thỏa thuận đó, các bên cam kết đẩy nhanh “đổi mới công nghệ khí hậu” và phối hợp trong việc “khai triển và ứng dụng công nghệ như CCUS và thu khí trực tiếp.” Trung Quốc cam kết “giảm dần tiêu thụ than trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 15 và thực hiện các nỗ lực tốt nhất để đẩy nhanh công việc này”.

Các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã không phúc đáp yêu cầu của The Epoch Times trước thời điểm phát hành bản tin này về việc làm rõ các công nghệ cụ thể mà Trung Quốc sẽ nhận được từ Hoa Kỳ như một phần của thỏa thuận Glasgow, cũng như những gì đổi lại Hoa Kỳ có thể mong đợi nhận được.

Các quan chức Liên Hiệp Quốc đã không phúc đáp yêu cầu bình luận về tình trạng của Trung Quốc như một “nền kinh tế mới nổi”, trước thời điểm phát hành bản tin.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), một tổ chức trong hệ thống Liên Hiệp Quốc, xác định Trung Quốc là một “thị trường mới nổi” tính đến năm 2021, theo phân tích từ ông Francisco Arizala và ông Di Yang của IMF trên trang web của mình.

Các cam kết của Trung Quốc về than được đưa ra khi nước này cho xây dựng thêm nhiều nhà máy nhiệt điện than.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, tính đến tháng 02/2021, quốc gia này đang trong giai đoạn phát triển 247 gigawatt điện than mới, tương đương với hơn 20% công suất phát điện 1,200 gigawatt của Hoa Kỳ.

Một báo cáo từ tổ chức nghiên cứu khí hậu Ember cho thấy chỉ riêng Trung Quốc đã chịu trách nhiệm về 53% sản lượng điện than trên thế giới tính đến năm 2021. Vào năm 2015, nước này chỉ chiếm 44% sản lượng điện than toàn cầu.

Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) gần đây đã rút lại sự chấp thuận của chính phủ cựu Tổng thống Trump liên quan đến Đơn vị 2 của nhà máy than Jim Bridger ở Wyoming. Sự từ chối của EPA, nếu được hoàn tất, có thể sẽ đóng cửa đơn vị này, và có khả năng mất hàng trăm việc làm.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), các kho dự trữ than của Hoa Kỳ cũng đã nhanh chóng sụt giảm, đạt mức thấp nhất trong lịch sử vào tháng 09/2021, kể từ năm 1978.

The Epoch Times đã liên lạc với EIA để có số liệu thống kê mới nhất về tổng lượng than dự trữ của đất nước này.

Tại COP26, Đặc phái viên Khí hậu Hoa Kỳ John Kerry nói với phóng viên Bloomberg rằng vào cuối thập niên này, Hoa Kỳ “sẽ không có than đá”.

Nghị trình Davos 2022 đã bắt đầu với bài diễn văn đặc biệt từ nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, người được Chủ tịch WEF Klaus Schwab giới thiệu.

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải) chào mừng ông Klaus Schwab (bên trái), người sáng lập và chủ tịch điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trước khi có bài diễn văn trong ngày đầu tiên của WEF, vào ngày 17/01/2017, tại Davos, Thụy Sĩ. (Ảnh: Fabrice Coffrini/AFP/Getty Images)

Ông Tập nói trong bài diễn văn của mình, “Các nền kinh tế phát triển nên đi đầu trong việc tôn trọng trách nhiệm giảm khí thải, thực hiện cam kết hỗ trợ tài chính và công nghệ, đồng thời tạo điều kiện cần thiết cho các nước đang phát triển giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và đạt được phát triển bền vững”. 

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) định nghĩa Trung Quốc, được gia nhập tổ chức này vào năm 2001, là một “nước đang phát triển”.

Các diễn giả khác trong ngày đầu tiên của sự kiện trực tuyến này bao gồm Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế chính của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đã có bài diễn văn.

Trong bài diễn văn đặc biệt của mình, ông Guterres cũng đã bình luận về đại dịch COVID-19, nói rằng “nếu chúng ta không chích ngừa cho tất cả mọi người, thì chúng ta sẽ làm phát sinh các biến thể mới lây lan qua đường biên giới và khiến cuộc sống hàng ngày và nền kinh tế bị đình trệ”.

Ông nói rằng: “Chúng ta phải chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo thông qua các khoản đầu tư có lợi ích chung vào giám sát, phát hiện sớm, và phản ứng nhanh ở mọi quốc gia, và bằng cách nhấn mạnh thẩm quyền của Tổ chức Y tế Thế giới.”

Tổ chức Y tế Thế giới, trực thuộc Liên Hiệp Quốc, đã vấp phải sự chỉ trích rộng rãi vì phản ứng của họ vào thời kỳ đầu của đại dịch COVID-19.

Trong một ‘Luận điểm’ tháng 04/2020, Foreign Policy đã mô tả tổ chức này là “kẻ đồng lõa với virus corona của Trung Quốc.” Trong một bài bình luận tháng 05/2020 cho Newsweek, ông John Yoo và ông Robert Delahunty đã mô tả WHO là “không thể cứu vãn được,” viện dẫn vai trò của tổ chức này trong việc khuếch đại cái mà họ gọi là “thông tin sai lệch” của Trung Quốc về virus corona chủng mới ở giai đoạn đầu, giai đoạn rất quan trọng trong sự xuất hiện của một đại dịch toàn cầu.

Ông Nathan Worcester là một phóng viên về môi trường tại The Epoch Times.

Thanh Tâm biên dịch

Trung Quốc: Tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2021

Dorothy Li

Trẻ em vui chơi tại một sân chơi bên trong khu phức hợp mua sắm ở Thượng Hải hôm 01/06/2021. (Ảnh: Aly Song/Reuters)

Theo dữ liệu chính thức được công bố vào ngày 17/01/2022, tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm năm thứ năm liên tiếp xuống mức thấp nhất kể từ khi chế độ cộng sản này giành quyền kiểm soát đại lục.

Tỷ lệ sinh giảm sút nhanh chóng này cường hóa những thách thức liên tục của chính quyền trong việc tăng dân số khi nước này phải tận lực đối phó với vấn đề dân số già và tình trạng thiếu lao động sắp xảy ra. Năm 2016, chính quyền đã loại bỏ “chính sách một con” kéo dài gần năm thập niên để thúc đẩy tăng trưởng dân số, mặc dù chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở đô thị cũng khiến cho các cặp vợ chồng không muốn sinh thêm con.

Các nhà phân tích đã cảnh báo rằng việc dân số Trung Quốc đang suy giảm có thể hạn chế triển vọng tăng trưởng kinh tế và cản trở tham vọng của Bắc Kinh.

Năm ngoái (2021), đã có 10.62 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra, khi tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp nhất là 7.52 trên 1,000 người, mức thấp nhất kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nắm quyền kiểm soát đất nước vào năm 1949, cũng là thời điểm mà Cục Thống kê Quốc gia (NBS) bắt đầu thu thập dữ liệu.

Theo dữ liệu do NBS công bố vào ngày 17/01, tỷ lệ gia tăng tự nhiên của dân số Trung Quốc, không tính di cư, chỉ là 0.034% trong năm 2021. Con số này đánh dấu mức thấp nhất kể từ năm 1960, là thời điểm xảy ra nạn đói lớn – hậu quả của chiến dịch Đại Nhảy Vọt của ĐCSTQ theo ước tính đã làm thiệt mạng hàng chục triệu người.

Ông Trương Chí Vĩ (Zhang Zhiwei), nhà kinh tế học cao cấp nhất tại Công ty Quản lý Tài sản Pinpoint, cho biết: “Thách thức về nhân khẩu học là vấn đề nổi cộm nhưng tốc độ già hóa dân số rõ ràng là nhanh hơn dự kiến.” Ông Trương gợi ý rằng dân số Trung Quốc có thể đã đạt đến đỉnh điểm vào năm 2021.

Một chuyên gia khác cho biết dân số của đất nước này có thể đã bắt đầu suy giảm.

Một em bé sơ sinh trong một bệnh viện sản khoa tư nhân ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, hôm 21/02/2020. (Ảnh: Getty Images)

Dữ liệu của NBS cho thấy có 10.14 triệu ca tử vong vào năm 2021, thấp hơn một chút so với 10.62 triệu ca sinh, đẩy tổng dân số xuống còn 1.43 tỷ người.

Ngoài tỷ lệ sinh giảm thì dân số cũng già đi nhanh chóng. Dữ liệu gần đây cho thấy có tới 267.36 triệu người trên 60 tuổi, chiếm gần 19% dân số cả nước. Dân số trong độ tuổi lao động, từ 16 đến 59 tuổi, chiếm 62.5% dân số cả nước.

Dân số Trung Quốc phần lớn được định hình bởi chính sách một con mà chính quyền cộng sản đưa ra vào năm 1979.

Chính sách khét tiếng này đã hạn chế nghiêm ngặt các cặp vợ chồng buộc chỉ được sinh một con. Những gia đình nào vi phạm quy định trên phải đối mặt với các khoản tiền phạt, mất việc làm, cưỡng bức triệt sản, và thậm chí bị cưỡng ép phá thai. Biện pháp hạn chế sinh đẻ này cũng dẫn đến mất cân bằng giới tính, do thiên hướng văn hóa muốn sinh con trai nối dõi. Dữ liệu mới cho thấy nam giới nhiều hơn nữ giới 33.62 triệu người.

Giờ đây, nhà cầm quyền này lại muốn các cặp vợ chồng sinh ba con. Tháng 08/2021, chính quyền cộng sản đã ban bố chính sách ba con, và một số chính quyền địa phương đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ như một phần trong nỗ lực của nhà cầm quyền nhằm thay đổi cơ cấu dân số của Trung Quốc.

Nhưng những chính sách này đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự đồng tình của dân chúng, với việc ngày càng có nhiều người trẻ từ bỏ con đường lập gia đình truyền thống. Dữ liệu chính thức cho thấy, đăng ký kết hôn đã giảm năm thứ bảy liên tiếp trong năm 2020.

Theo một cuộc khảo sát do Đoàn Thanh niên Cộng sản – một tổ chức chi nhánh của ĐCSTQ – mới thực hiện, chi phí nuôi dạy một đứa con cao ngất ngưởng và giá bất động sản cao là những lý do chính khiến người trẻ tuổi không muốn kết hôn.

Nhà kinh tế học nổi tiếng người Trung Quốc Nhậm Trạch Bình (Ren Zeping), trong một bài viết gần đây được đăng trên Weibo – một nền tảng giống Twitter, đã gợi ý rằng các nhà chức trách nên chi 314 tỷ USD mỗi năm để tăng tỷ lệ sinh. Tài khoản mạng xã hội của ông Nhậm đã bị chặn sau khi bài viết này được lan tỏa rộng rãi.

Cô Dorothy Li là một phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.

Hồng Ân biên dịch

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc: Hơn 200 triệu hộ gia đình ở Trung Quốc không có bồn cầu xả

Đông Phương

Ông Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng), Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc. (MONEY SHARMA/AFP via Getty Images)

Ông Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng), Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, cho biết vào ngày 18/1 rằng vẫn còn hơn 200 triệu hộ gia đình ở Trung Quốc không có bồn cầu xả nước. Đây là một tiết lộ khác về hiện trạng xã hội Trung Quốc sau khi Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường tiết lộ rằng thu nhập của 600 triệu người dân Trung Quốc thấp hơn 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3,6 triệu VNĐ).

Vào ngày 18/1, Đại học Nhân dân Trung Quốc đã tổ chức “Diễn đàn thường niên về tình hình vĩ mô 2022”. Khi ông Lạc Ngọc Thành phát biểu tại lễ khai mạc, ngoài việc nói về đường lối ngoại giao của Trung Quốc, vấn đề Đài Loan và quan hệ Trung – Mỹ, ông còn nói về một số thực trạng trong xã hội Trung Quốc.

Thứ trưởng Lạc nói, “Phải biết rằng vẫn còn 1 tỷ người Trung Quốc chưa bao giờ đi máy bay và hơn 200 triệu gia đình Trung Quốc không có bồn cầu xả nước. Tỷ lệ người Trung Quốc có bằng đại học trở lên chỉ có 4%, trong khi đó ở Hoa Kỳ là 25%”. Ông cho rằng đây mới là điều mà Trung Quốc cần hết sức coi trọng và nỗ lực thay đổi.

Phát biểu trên của ông Lạc lại một lần nữa tiết lộ một khía cạnh khác của xã hội Trung Quốc, sau bài phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Hai phiên họp (Lưỡng Hội) năm 2020.

600 triệu người Trung Quốc có thu nhập dưới 1.000 nhân dân tệ

Vào ngày 28/5/2020, ông Lý Khắc Cường nói trong cuộc họp báo sau lễ bế mạc Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc: “Thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chúng ta là 30.000 nhân dân tệ, nhưng có 600 triệu người có thu nhập hàng tháng chỉ là 1.000 nhân dân tệ. Với 1.000 tệ, rất khó để có thể thuê được nhà ở một thành phố tầm trung. Hiện tại chúng ta lại đang gặp phải dịch bệnh, và sau đại dịch, sinh kế của người dân là điều quan trọng nhất”.

Phát biểu trên của ông Lý đã nhanh chóng lan truyền trên các kênh truyền thông, gây chấn động người dân trong và ngoài Trung Quốc. Thông tin này không chỉ tiết lộ thực trạng kinh tế của xã hội Trung Quốc, mà còn xé toạc bức tranh “thoát nghèo toàn diện” do chính quyền Trung Quốc vẽ ra.

Trước đây, chế độ này đã hơn một lần tuyên bố rằng Trung Quốc đã đạt được thoát nghèo toàn bộ, tạo ra một “kỳ tích nhân gian”.

Vào ngày 23/11/2020, CCTV, Tân Hoa Xã và các kênh truyền thông khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc đồng loạt đưa tin rằng, Quý Châu thông báo 9 huyện nghèo khó cuối cùng của tỉnh đã thoát khỏi danh sách các huyện nghèo; đánh dấu mốc toàn bộ 66 huyện nghèo của Quý Châu đã thoát nghèo. Cũng có nghĩa là tất cả 832 huyện nghèo trên toàn Trung Quốc đã thoát nghèo và hoàn thành nhiệm vụ giảm nghèo của cả nước.

Tuy nhiên, ngoại giới nhìn chung cho rằng, dưới sự càn quấy liên tục của đại dịch Covid-19, nhiều ngành công nghiệp ở Trung Quốc đã phải ngừng hoạt động, nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề. Và trước tình hình này, hoàn thành nhiệm vụ thoát nghèo là điều không hiện thực.

Đông Phương

Theo NTD tiếng Trung

Related posts