Sinovac báo cáo doanh thu tăng vọt khi Trung Quốc từ chối vaccine ngoại quốc

Jenny Li

Một nhân viên y tế chích vaccine ngừa virus corona COVID-19 của hãng Sinovac cho một người dân ở Rongan, vùng Quảng Tây phía nam Trung Quốc vào ngày 03/06/2021. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Doanh thu từ vaccine của nhà sản xuất vaccine Trung Quốc Sinovac đã tăng vọt từ nửa đầu năm 2021 trong bối cảnh Trung Quốc cấm vaccine COVID-19 ngoại quốc tại nước này.

Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sinovac vừa báo cáo doanh thu 11 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021, tăng 162 lần so với 67.7 triệu USD của năm trước, với thu nhập ròng 8.6 tỷ USD, so với mức lỗ ròng 8.7 triệu USD của năm trước.

Sinovac có trụ sở chính tại Bắc Kinh và được niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ. Vaccine ngừa COVID của hãng này là một trong những loại vaccine đã được chính quyền Trung Quốc cho phép sử dụng ở Trung Quốc. Trung Quốc đã cấm bán tất cả các loại vaccine ngoại quốc ở Trung Quốc, bao gồm cả vaccine của Pfizer và Modena, vốn đang được sử dụng rộng rãi ở Âu Châu và Hoa Kỳ. Các loại vaccine sản xuất trong nước của Trung Quốc đang thống trị thị trường nội địa của họ.

Theo các bản tin vào tháng 04/2021, các quan chức Trung Quốc đang xem xét dữ liệu thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine COVID-19 do hãng BioNTech SE (BNTX) của Đức sản xuất. Loại vaccine đầu tiên do ngoại quốc sản xuất này đã từng được dự kiến ​​sẽ được chấp thuận sử dụng ở Trung Quốc vào tháng 07/2021.

Bắc Kinh sau đó đã trì hoãn việc chấp thuận vaccine BioNTech. Các cơ quan y tế Trung Quốc lo ngại rằng việc chấp thuận vaccine BNTX của Đức có thể gây ra sự nghi ngờ về các loại vaccine được sản xuất trong nước với công chúng Trung Quốc và có khả năng làm gián đoạn chương trình chích ngừa của Trung Quốc, những người thông thạo tin tức về vấn đề này nói với The Wall Street Journal.

Theo các tuyên bố chính thức, hơn một tỷ người ở Trung Quốc đã chích ngừa.

Các nhà chức trách Trung Quốc đã quảng cáo rằng vaccine COVID-19 là miễn phí cho công chúng. Đồng thời, các tuyên truyền viên internet ủng hộ ĐCSTQ đã được huy động để ca ngợi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì đã cung cấp vaccine miễn phí cho công dân Trung Quốc và lan truyền tin đồn rằng sẽ phải tiêu tốn hàng trăm nghìn dollar để có được vaccine ở ngoại quốc. Tuy nhiên, đầu năm 2021, một số cư dân mạng đã đăng trực tuyến những gì họ phát hiện từ trang web của Cục Bảo hiểm Y tế Quốc gia: chi phí chích ngừa đã được thanh toán từ số dư tích lũy của quỹ bảo hiểm y tế cho Công dân Trung Quốc.

Ông Chu Vĩ (Zhu Wei), giám đốc y tế của một công ty dược phẩm Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng chính sách zero COVID cực đoan của chế độ Trung Quốc cho thấy rằng họ thực sự không tin tưởng vào vaccine nội địa của chính Trung Quốc.

“Nếu họ thực sự tự tin, thì họ cũng sẽ dần mở cửa như các quốc gia phương Tây thôi,” ông Chu nói. “Nếu Trung Quốc đã đạt được tỷ lệ chích ngừa 90%, 95%, hoặc thậm chí là 100%, và đã đạt được mức chích ngừa trên toàn quốc là 2.6 tỷ liều vaccine, nhưng nước này vẫn đưa ra chính sách zero [COVID] cực đoan như vậy, thì điều đó cho thấy chính quyền Trung Quốc không hề tin tưởng vào hiệu quả của vaccine nội địa của Trung Quốc.”

Ông Chu cho biết các nhà lãnh đạo Trung Quốc không đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầu.

“Nếu họ thực sự muốn tăng khả năng kháng virus của người dân, thì họ sẽ cân nhắc làm những gì mà các quốc gia khác đã làm và thúc đẩy [việc sử dụng] các loại vaccine ngoại quốc hiệu quả hơn, bao gồm cả các vaccine của Pfizer, Modena, và Johnson & Johnson, chúng chắc chắn sẽ có hiệu quả hơn.”

Ngày 15/01 năm nay, nhà chức trách Trung Quốc cho biết biến thể Omicron đã được tìm thấy ở 12 khu vực của Trung Quốc. Năm ngày trước khi thông báo này được công khai, thành phố An Dương ở tỉnh Hà Nam đã tiến hành phong tỏa, đình chỉ việc đi lại, và phối hợp xét nghiệm acid nucleic cho tất cả người dân. Tất cả các phương tiện cơ giới trong thành phố đều bị cấm ra đường, các nhà máy ngừng sản xuất, đường sắt ngừng bán vé đi Bắc Kinh.

Hôm 10/01, Bộ trưởng Y tế Singapore cho biết dữ liệu nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong của những người đã chích ngừa đầy đủ ở những người chích vaccine Sinopharm và Sinovac do Trung Quốc phát triển cao hơn so với những người đã chích vaccine Modena và Pfizer. Tính trên 100,000 người, số liệu về số người tử vong sau khi chích vaccine Sinopharm là 11 người, và số người tử vong sau khi chích vaccine Sinovac là 7.8 người, trong khi với hai hãng Pfizer và Modena thì có số người tử vong trung bình sau khi chích vaccine lần lượt là 6.2 người và 1 người.

Sinovac không được đưa vào chương trình chích ngừa quốc gia của Singapore do thiếu dữ liệu về hiệu quả của vaccine này đối với biến thể Delta.

Các nghiên cứu trước đây ở Hồng Kông cũng chỉ ra rằng vaccine Sinovac không có hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây nhiễm virus COVID-19. Tháng 12/2021, một nghiên cứu được công bố bởi Khoa Y dược của Đại học Hồng Kông và Đại học Trung Quốc Hồng Kông cho thấy những người đã chích ba liều vaccine Sinovac không có đủ lượng kháng thể chống lại biến thể Omicron.

Một nghiên cứu chung do Đại học Yale và Bộ Y tế Cộng hòa Dominica thực hiện cho thấy nếu hai liều đầu tiên của một người là vaccine Sinovac, thì liều thứ ba, bao gồm cả từ Pfizer, vẫn không có hiệu quả trong việc tạo ra khả năng miễn dịch đối với biến thể Omicron. Nghiên cứu này cho thấy hai liều Sinovac kết hợp với liều bổ sung Pfizer tạo ra hiệu giá kháng thể tương tự như hai liều vaccine bằng công nghệ mRNA.

Tháng 07/2021, The Lancet Microbe đã công bố một nghiên cứu của Đại học Hồng Kông với hơn 1,000 người tham gia, cho thấy rằng vaccine Sinovac chỉ tạo ra lượng kháng thể bằng 1/10 so với vaccine Pfizer.

Cô Jenny Li đã viết bài cho The Epoch Times từ năm 2010. Cô đã đưa tin về các vấn đề chính trị, kinh tế, nhân quyền, và mối bang giao giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc. Cô đã phỏng vấn sâu rộng các học giả, nhà kinh tế, luật sư, và các nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc ở Trung Quốc và hải ngoại.

Thanh Tâm biên dịch

Related posts